Thứ Tư, 26 tháng 11, 2014

Về nhen ông!

Nguyễn Hữu Tài


1.
Trời còn tù mù, dượng Bảy đang ngủ bỗng giật mình thức dậy bởi nghe tiếng lục đục ngoài phòng khách. Hổng lẽ chuột? Nhà mình sạch sẽ lắm mà. Lau chùi quét dọn suốt. Hay là ăn trộm? Nghĩ tới đây tự nhiên dượng nổi da gà. Nếu nó vô thì chắc chết. Nhà có hai vợ chồng già lủi thủi với nhau chống sao cho nổi. Mà mình đâu có cái gì quý giá cho tụi nó ăn trộm, ngoài mớ tiền cất kĩ quá trời. Sống ở khu này gần hai chục năm nay, ai cũng quen mặt, chưa một lần xảy ra trộm cắp hay bắn giết gì hết.
Dượng thò chân xuống giường, rón rén tính hé cửa phòng coi, sẵn tiện kêu bả dậy để có vợ có chồng cũng bớt lo. Mờ sáng, trăng chiếu xiên xiên vô rèm cửa. Liếc qua bên kia giường, thấy cái nệm trống trơn. Dượng thở phào. Biết tỏng ai ở ngoài đó rồi. Lầm bầm. Mới giờ này hổng biết dậy chi sớm dữ. Không ngủ được thì cũng nằm im, để tui ngủ sáng mai còn đi làm nữa chớ.
Ngoài phòng khách, dì Bảy đang cắm cúi xếp mớ áo quần, hũ thuốc cảm, thuốc đau bụng, xà bông cục, dầu gội đầu, dầu gió xanh hiệu Con ó, mớ tô chén, cái xoong, cái nồi, bỏ vô thùng. Lấy ra. Chất vô. Lấy ra. Chất vô. Nhiêu đó làm hoài hổng biết chán. Hôm qua đại lý vé máy bay gọi nói có vé rồi dì, cuối tuần tranh thủ ra con chụp hình làm visa nhen. Thế là cả đêm dì hổng ngủ được. Cứ trăn qua, trở lại, miệng tủm tỉm cười hoài. Mà đâu dám gây ra tiếng ồn, sợ ổng mất ngủ sáng mai không đi làm được lại nổi quạu. Nên dì mới ra ngoài này sửa soạn để tới lúc về là đi cái một. Nói vậy thôi, chứ từ đây tới đó dì lôi ra, xếp vô cỡ vài chục lần. Cả năm mới về một lần, mang chút đồ Mỹ về làm quà. Nhìn tụi nó hớn hở, săm soi từng cái một, bao nhiêu mệt nhọc ngồi máy bay cả ngày trời cũng đi hết trọi.
Dượng tằng hắng. Nghe tiếng chồng, dì quay lại cười.
- Sao hổng ngủ mà ra đây rình tui chi?
- Ai thèm rình bà. Biết giờ này là mấy giờ hông mà lục đục ngoài này như ăn trộm vậy?
Dì liếc nhìn đồng hồ, thấy mới có bốn giờ. Quay lại móm mém cười, coi bộ biết lỗi lắm rồi vậy.
- Tại tui… nôn. Mà tai ông cũng thính dữ đa.
- Mới đầu tháng mười một (âm) chớ nhiêu mà nôn. Còn cả hai tháng nữa mới về. Rần rần sớm dữ.
- Nhắm mắt là tới chứ nhiêu ông. Bên này thời gian qua vùn vụt mà.
Vợ chồng ăn đời ở kiếp, nên dượng rành cái tánh của dì, lúc nào cũng lo xa. Tội bả. Quanh năm suốt tháng quẩn quanh trong chợ. Ngày làm mười hai tiếng, đứng lặt rau, bỏ hộp, xắt thịt, chiên đậu, nấu chè, rồi dọn dẹp, lau chùi, có gì làm nấy, chẳng ngơi tay. Tới lúc ra khỏi chợ thì mặt trời đã lặn tự lúc nào cũng không biết. Hai bàn chân lê đi không nổi, cái đầu gối lỏng ba lỏng bỏng, xương cốt chi cũng mỏi nhừ. Mà phải cố thôi. Không làm thì ai nuôi? Dựa vô mấy trăm bạc trợ cấp của chính phủ sao đủ trả tiền nhà, tiền ăn, rồi còn tiện tặn gửi về cho con cho cháu. Có một đứa con gái bên này cũng lấy chồng xa. Lo cho ba đứa con thở không ra hơi thì lấy chi mà giúp cha giúp mẹ. Còn dượng, sáng nào cũng bắt chuyến xe bus sớm nhất, đi lượm rác cho khu chung cư cách nhà gần hai tiếng. Bao nhiêu năm nay lương cũng chỉ được mười đô một giờ. Già cả cỡ này có việc là may, làm yêu làm sách chi cho người ta đuổi.
- Mà tệ ghê. Hồi xưa nó cho hai thùng, mỗi thùng bảy chục phao[1], mặc sức mà vác đồ về. Giờ giảm xuống còn có năm chục nên cái gì cũng phải bỏ lại. Lỡ lố ký, đóng tiền phạt chắc khùng.
- Thôi trách than gì. Giờ nó cho cả ngàn phao cũng hổng thiếu đủ chi với bà. Bữa nào trúng số tui mua cho cái máy bay riêng, để bà vác hết nước Mỹ về luôn cho đã.
2.
Thấy dì vẫn miệt mài với đống đồ, không thèm ngó ngàng gì tới mình. Tự nhiên dượng bực mình, nổi quạu.
- Chắc nôn về gặp bồ cũ heng. Nghe đồn lão Tứ mãn tang vợ rồi đó. Về mà nối lại tình xưa.
Dì Bảy đứng dậy, phủi đít quần, trợn mắt lên nhìn chồng, bực bội.
- Cha già lãng gian. Gần đất xa trời, răng cỏ hổng còn để nhai cơm thì lấy đâu mà bồ với bịch. Tui nôn về thăm nhà, thăm bà con cô bác có được hông? Bữa nay lấy quyền gì mà này nọ với tui? Mà cái đó phải hỏi lại ông à? Mấy năm nay tui rủ về ăn Tết thì lắc đầu nguầy nguậy, thôi bà đi một mình đi, tui ở lại làm. Làm công lên chuyện xuống gì mà ngày nào cũng đi sớm, về trễ. Chắc có mèo trên chỗ làm rồi nên đâu chịu nghỉ ngày nào heng. Nói đi, con nào, tên gì, ở đâu, dẫn lên cho tui tường mặt, rồi tui xách trầu cau đi hỏi cưới để có người mà thủ thỉ, nhớ thương. Chứ sống chi với con già này, ngày nào cũng nghe nó cẳn nhẳn cằn nhằn. Mệt óc, ông ha.
Dượng quay mặt ra chỗ khác cười không thành tiếng. Hễ không nói thì thôi, đụng tới là lôi ba cái chuyện tầm bậy tầm bạ ra ghen tuông cho sướng miệng. Già từng tuổi này, cái thân lo chưa xong. Sống với mụ vợ dữ như chằn đã ớn le lưỡi, rước thêm bà nữa về chắc điếc với mù luôn quá.
Dì quảy đít vô bếp, khua xoong, động chén, càm ràm, chửi chó mắng mèo, lào xào cho đỡ bực. Đâu được vài phút, tự nhiên thấy mình cũng bậy. Như khổng như không la chồng rồi này nọ tùm lum. Mà cũng tại ổng, ghen bóng ghen gió với mình chi. Chuyện cố tỉ cố lai rồi mà cứ nhắc hoài. Mấy chục năm nay, từ khi lấy dượng thì có thèm ngó ngàng tới lão Tứ nữa đâu. Vậy mà mỗi lần có chuyện gì lại lôi ra nhai lại.
Dì biết, dượng thương, cái gì cũng nhường hết cho vợ, kể cả chuyện cho dì về thăm quê mấy ngày Tết, rồi bên này một mình lẻ loi giữa cái lạnh thấu xương của mùa đông dài đăng đẵng. Hồi mới qua, vừa hết Noel, thấy chủ lôi những bịch mai vàng, đào, hồng bằng nhựa ra bày bán, họ nhập về những thùng bánh in đủ màu, hộp mứt Trung Quốc có gừng, dừa, khoai lang, tắc và mấy bịch hột dưa là dì nôn trong ruột. Cứ muốn hai vợ chồng bay về quê để dọn dẹp nhà cửa, quét vôi tường, hối bọn con lôi chưn đèn ra chùi với tro và khế cho sáng bóng. Dì lăng xăng ra chợ mua kiệu, đu đủ, cà rốt, lột vỏ, xắt, phơi khô làm dưa món. Lấy tai, mũi heo ngâm dấm, để ổng lai rai vài ly với bạn bè. Hầm thêm xoong măng với thịt vịt cho thiệt mềm, ra Giêng vẫn còn cả đống vì béo quá đâu ai dám ăn. Nhưng vẫn thấy thích.
Để rồi mãi tới chục năm sau, dì mới dám mua cái vé về thăm quê ba ngày Tết. Rủ thì ổng không đi, kêu già rồi sợ ngồi máy bay cả ngày trời ê đít. Nhưng dì biết. Tiền nhà, tiền cửa, tiền điện, tiền nước bên này luôn là một gánh nặng. Ổng ở lại để gánh gồng chứ không người ta tới quăng đồ ra đường thì khổ.
3.
- Ông uống trà hông tui pha một ấm? – Dì dịu giọng.
- Ừa uống. Nhớ pha đầm đậm một chút uống cho tỉnh ngủ bà nhen.
- Bữa nay ông ăn canh mồng tơi với nấm cho mát nhen.
- Sao bà không bằm thịt nấu cho ngọt nước.
- Bác sỹ nói dạo này máu ông lên cao. Ăn xong nằm giãy đành đạch báo tui hả.
- Ăn được bao nhiêu cứ ăn. Đời tui với bà con lại bao cái năm năm, mười năm mà o ép chi cho khổ.
Dì muốn la chồng, miệng ăn mắm ăn muối, tự nhiên nói ba cái chuyện bậy bạ thấy ghê. Nhưng sao miệng môi cứ mặn chằn, muốn nói mà không thể nào nói được. Dì tới kéo rèm cửa sổ. Mặt trời lấp ló đằng xa. Mấy con quạ vỗ cánh rời cành, làm rơi vãi lớp tuyết trắng xóa hôm kia còn sót lại. Năm năm nay sao lạnh dữ. Tuyết rơi quá dày. Chưa tới giữa đông mà đã mấy trận bão to rồi. Từ đây tới lúc về chắc còn thêm vài trận nữa.
- Mà nè, hay là năm nay ông về chung với tui cho vui?
Dượng giật mình. Đứng lên rồi ngồi xuống cái thụi. Hai vai dượng run run xúc động dữ lắm. Cả tiếng đồng hồ trôi qua trong lặng lẽ. Không ai nói tiếng nào. Chỉ có tiếng tíc tắc của đồng hồ trên tường và gió lạnh thổi ngoài cửa sổ nghe xao xác. Một đỗi lâu dượng mới ậm ừ trong miệng.
- Vé của bà nhiêu?
- Ngàn rưỡi.
- Ngàn rưỡi lận hả? Sao mắc dữ?
- Thì Tết nhất mà. Nghe đồn cận ngày lên tới hai ngàn. Năm nào mà họ không chém đẹp? Để mai tui gọi con Thu coi thử nó có giúp được gì không?
- Thôi, nó còn chồng con nữa. Mình không có của cho con thì thôi mắc gì phải phiền tới nó.
Dượng tần ngần, nghĩ tới túi tiền eo hẹp của mình mà phát rầu. Quê mà, ai chẳng muốn về. Mười mấy năm chưa một lần thắp nhang lên bàn thờ ông bà, ba má hay ngồi lai rai vài ly, nói ba láp ba xàm với họ hàng cho ấm bụng. Có lần con Thắm gọi qua khóc nức nở, kêu ba ráng về chung với má để cho con cháu gặp mặt, chứ mười mấy năm rồi còn gì. Về ở với tụi con, có cháo ăn cháo, có rau ăn rau. Tụi con đủ sức lo cho ba má mà. Nói vậy thôi chứ mang hai bàn tay trắng về sao đặng. Làm cho Việt Nam mà, có va cay sần[2], va cay siếc gì đâu. Nghỉ bữa nào trừ lương bữa đó.
- Ông có nhiêu?
- Chắc cỡ ba ngàn. Mua cái vé là hết một nửa.
- Ông chờ tui chút.
Dì chầm chậm vô phòng. Tay lần tìm chìa khóa mở hộc tủ lôi ra cái thùng khóa kĩ. Mở thùng. Lôi ra cái hộp cũng… khóa kĩ. Mở hộp. Lôi ra cái túi vải dù. Mở túi. Run run cầm xấp tiền một trăm đô mới cóng, cẩn thận đếm từng tờ một. Đếm vậy thôi chứ thiệt ra dì biết trong đó có hai mươi hai tờ, là hai ngàn hai trăm đô. Mỗi lần dư được một trăm tiền lẻ, dì chạy tới nhờ chủ đổi cho tờ tiền chẵn, mà phải lựa tiền thiệt mới. Cất kĩ. Coi như gia sản lớn nhất của mình. Già cả rồi, quen cái tánh giữ tiền mặt khi còn ở Việt Nam. Với lại tiếng Anh tiếng u không rành, bỏ vô nhà bank lỡ cần rút, không biết đường đi. Nhờ vả người ta thì phiền chết.
- Tui còn hai ngàn hai. Đủ đóng hai tháng tiền nhà. Kệ, sống nay chết mai. Về để hai vợ chồng còn lủi thủi với nhau. Chứ một mình tui đi, bỏ lại ông bên này, buồn lắm.
Dượng trầm ngâm nghĩ lúc cầm cái vé trong tay, hổng biết mình có nôn giống bả không. Nếu vậy thì dị chết. Lúc lên máy bay, có đứng ngồi không yên, quay qua quay lại, ngó người này, nhìn người kia, nghe họ thì thầm chuyện Tết nhất. Tới lúc máy bay hạ cánh, đẩy xe ra ngoài, có thấy rợn ngợp bởi người gì đâu mà đông dữ. Thở không ra hơi. Con cháu nhào tới mừng rỡ kêu ba, gọi má. Chắc là trào nước mắt.
4.
Dì tới ngồi sát bên chồng, khều khều. Dượng quay qua nhìn vợ, nheo nheo mắt.
- Gì? Ghen tuông nữa hả?
- Cha già dịch. Tui đâu rảnh mà hao hơi tổn tiếng với ông chi cho mệt.
Dượng móm mém, nhe hàm răng rụng gần hết nhìn vợ. Ở chung thì kình cãi như chó với mèo, chớ bả mà đi vài bữa lại nhớ hơi, chịu không nổi.
Dượng choàng tay ôm vai vợ. Coi bộ bữa nay xương bà nhiều hơn thịt rồi đó. Ráng ăn tẩm bổ cho có sức ngồi máy bay cả ngày nhen. Chớ không về quê, người ta kêu là Việt Kiều ốm đói nữa. Dì lấy bàn tay nhăn nheo của mình cầm bàn tay cũng nhăn nheo hổng kém của chồng, lắc lắc.
- Về… về nhen ông!


http://www.ninhhoatoday.net/

Không có nhận xét nào: