Chủ Nhật, 30 tháng 11, 2014

NHẤT SINH VẠN PHÁP


Long Đàm Sùng Tín thiền sư trước khi xuất gia cuộc sống rất cơ cực, hàng ngày bán bánh ở bên chùa của Hoàng Đạo Ngộ thiền sư, nhưng ngay cả nơi trú thân cũng không có. Thiền sư Đạo Ngộ thương tình Sùng Tín nghèo khó sắp xếp cho một gian phòng nhỏ trong chùa để ở.
Sùng Tín báo đáp công ơn mỗi ngày dâng cho thiền sư Đạo Ngộ mười cái bánh. Thiền sư Đạo Ngộ sau khi nhận lấy mười cái bánh đều bảo đệ tử đưa lại cho Sùng Tín một cái bánh. Một hôm, Sùng Tín hỏi thiền sư Đạo Ngộ:
- Bánh là của con dâng cho thiền sư, sao mỗi ngày thiền sư lại cứ trả cho con một cái? Vậy là có ý gì?
Thiền sư Đạo Ngộ mỉm cười đáp:
- Con mỗi ngày có thể cho ta mười cái bánh sao ta lại không thể đưa lại cho con một cái?
Sùng Tín vẫn không chịu:
- Con có thể cho thiền sư mười cái bánh, sao thiền sư lại chỉ đưa lại con có một cái?
Thiền sư Đạo Ngộ cười lớn:
- Một cái con chê là ít sao? Mười cái ta không cho là nhiều sao một cái con lại cho là ít?
Sùng Tín nghe xong như tỉnh ngộ, quyết định xin thiền sư Đạo Ngộ xuống tóc cho anh ta xuất gia.
Thiền sư Đạo Ngộ lại bảo:
- Một sinh mười, mười sinh trăm, rồi sinh ngàn vạn... chư pháp đều từ một mà ra.
Sùng Tín đáp lại:
- Nhất sinh vạn pháp, vạn pháp quy nhất.
Thiền sư Đạo Ngộ xuống tóc cho Sùng Tín xong, cho tu trong am ở Long Đàm nên người đời gọi ông là Long Đàm Sùng Tín thiền sư.

SAU TRẬN CHIẾN


TRẦN THANH HẢI 


Ảnh minh họa *


Trong buổi cứu trợ lũ lụt, họ chợt nhận ra nhau. Ký ức xưa ùa về. Ngày đó, sau trận giao tranh khốc liệt, anh bị thương khá nặng. Bên một con rạch nhỏ, anh đã gặp người sĩ quan khác chiến tuyến ấy nằm thoi thóp. Căm hờn sôi sục, anh nghiến chặt răng, đặt tay lên cò súng. Thế nhưng... 
“Tỉnh lại, thấy anh ngất lịm cạnh tôi với hai khẩu súng đều tháo đạn, tôi chợt hiểu. Tôi đã nợ anh, nợ mảnh đất này một tấm lòng!” 
Hai người lính già ôm chầm lấy nhau, cười vang cả bến sông. 

Ảnh minh họa: Năm 1966, đề tài chiến tranh Việt Nam tiếp tục giành giải thưởng danh giá của Pulitzer. Đó là bức ảnh của phóng viên Kyoichi Sawada, hãng thông tấn UPI (United Press International) ghi lại cảnh một bà mẹ Việt Nam cùng 4 đứa con lội qua một dòng sông ở Bình Định để chạy trốn khỏi những cuộc không kích từ máy bay Mỹ. Bức ảnh được chụp trong năm 1965



Thứ Bảy, 29 tháng 11, 2014

Của Mình - Của Người

        

     
   Xưa có một cô gái mồ côi cha mẹ, không ai nuôi. Cô phải đi ăn xin ngoài chợ. Tối lấy chiếu quấn nằm ngủ. Một hôm nghe nói Rằm Tháng Bảy cúng dường Tam Bảo có phước lắm, cô tự nghĩ làm sao mình tạo phước để khỏi nghèo khổ nữa.

        Hôm đó xin được có hai xu, cô muốn cúng cái gì mà chư Tăng trong chùa đều hưởng được hết. Nghĩ vậy cô mua hai xu muối, đem vô chùa năn nỉ vị nấu cơm: "Con xin được có hai xu để mua muối, xin được cúng hết chư Tăng trong chùa, mong người giúp cho". Vị ấy liền bỏ nắm muối của cô vào nồi canh to, thế là chư Tăng đều được hưởng đầy đủ. Bẵng đi một thời gian dài, cô cũng không còn nhớ chuyện cúng muối nữa.

        Lần lần lớn khôn, cô càng xinh đẹp lạ thường. Khi đó trong triều đình nhà Vua muốn chọn người làm vợ Thái Tử nhưng thấy mỹ nhân nào Thái Tử cũng từ chối. Vua ra lệnh cho các quan tìm người nào Thái Tử vừa ý sẽ được trọng thưởng. Bấy giờ một ông quan đi ngang vùng đó, thấy trên trời có vầng mây đỏ, ông nghĩ nơi đây chắc có dị nhân phước lớn.

        Giờ trưa, trên đường trở về, ông thấy cô bé khoảng 16 tuổi đang trùm chiếu ngủ. Ông đến gần nhìn, bất chợt cô bé thức dậy tốc chiếu ra. Thấy người con gái đẹp đẽ phi thường lại sống đầu đường xó chợ như vậy, ông tội nghiệp đem về nuôi. Cô được cho ăn mặc dạy dỗ đàng hoàng, tới năm cô 18 tuổi ông dẫn đến trình nhà Vua. Vua gọi Thái Tử lại, vừa thấy cô bé Thái Tử đẹp lòng ngay. Cô được Đông Cung Thái Tử cưới làm vợ.

        Khi Vua băng hà, Thái Tử lên ngôi vua và cô bé trở thành Hoàng Hậu. Khi làm Hoàng Hậu cô cứ nghĩ, không biết mình đã làm gì mà được phước thế này. Chừng ấy mới nhớ chắc do việc cúng muối năm xưa mà ra. Một hôm, Hoàng Hậu sắm đủ thứ vật dụng sang trọng truyền chở vô ngôi chùa ngày xưa.

        Nhưng lúc trước chỉ với hai xu muối của cô bé ăn xin, mà thầy trụ trì nói bữa nay có đại thí chủ đến cúng dường, bảo chư Tăng đánh chiêng trống đón. Bây giờ Hoàng Hậu đem nhiều tài vật đến nhưng thầy trụ trì không đánh chuông trống đón. Lấy làm lạ, Hoàng Hậu gặp thầy trụ trì hỏi "Thưa Thầy, ngày xưa con là đứa ăn mày, chỉ cúng dường có hai xu muối mà nghe chuông trống đánh rình rang. Ngày nay, con là Hoàng Hậu cúng cả xe trân bảo mà không nghe chuông trống gì hết?”.

        Thầy đáp:
"Ngày xưa hai đồng xu rất quý vì đó là mạng sống của con. Muốn cúng chùa con phải nhịn đói, nên hai xu ấy lớn vô cùng. Ngày nay con là Hoàng Hậu, của cải đầy xe nhưng đó là của dân chớ đâu phải của con. Lấy của người làm phước cho mình thì đâu có gì quan trọng."

        Nghe vậy Hoàng Hậu giật mình, thức tỉnh. 

DỊ DẠNG


Có một vị tín đồ nói với thiền sư Mặc Tiên:
- Vợ của tôi vừa tham lam vừa bủn xỉn, ngay cả làm việc thiện cũng không chịu chi lấy một xu, xin thiền sư đến nhà tôi, khai ngộ cho vợ tôi mở lòng hành thiện.
Thiền sư Mặc Tiên là người cởi mở, nghe vậy liền nhận lời.
Khi thiền sư Mặc Tiên đến  nhà người ấy, người vợ ra đó tiếp, nhưng ngay cả một ly trà cũng không mời khách uống. Thiền sư Mặc Tiên liền nắm bàn tay lại nói:
- Phu nhân, người hãy xem tay của ta, nếu ngày nào nó cũng như thế này, người thấy thế nào?
Người vợ đáp:
- Nếu bàn tay ngày nào cũng như vậy tức là có tật, là dị dạng.
Thiền sư Mặc Tiên nói:
- Đúng vậy, là dị dạng.
Sau đó thiền sư lại xòe bàn tay ra rồi hỏi:
- Nếu ngày nào cũng như thế này cả thì sao?
Người vợ đáp:
- Như vậy cũng là dị dạng.
Thiền sư Mặc Tiên nói:
- Phu nhân nói không sai.  Như vậy đều là dị dạng. Chỉ biết tham giữ lấy tiền, không biết bố thí, cũng là dị dạng. Chỉ biết phung phí tiền của không biết tích lũy, cũng là dị dạng. Tiền bạc phải lưu thông, phải có thu có chi, lượng thu mà chi. Bàn tay lúc nào cũng khư khư nắm lại là bàn tay quá bủn xỉn, bàn tay chỉ biết xòe ra lại là bàn tay quá phung phí.
Từ hôm ấy, vợ của vị tín đồ đã lĩnh ngộ được cái đạo xử thế dùng tiền.

BẤT BIẾN ỨNG VẠN BIẾN

Thiền sư Đạo Thụ dựng một ngôi chùa ở bên cạnh ngôi miếu của một đạo sĩ. Nhưng đạo sĩ không thích có ngôi chùa nằm bên cạnh, vì vậy, hàng ngày đạo sĩ biến nhửng yêu quái quấy phá chúng tăng trong chùa, dọa cho họ khiếp sợ mà bỏ đi. Có không ít nhà sư trẻ tuổi đã sợ hãi mà bỏ đi, nhưng thiền sư Đạo Thụ vẫn ở trong ngôi chùa ấy hơn mười năm, chẳng hề nao núng.
Cuối cùng, phép thuật của đạo sĩ đều cũng đã dùng hết, mà thiền sư Đạo Thụ vẫn không đi. Đạo sĩ không còn cách nào đành phải chuyển đi nơi khác.
Về sau, có người hỏi thiền sư Đạo Thụ:
- Đạo sĩ phép thuật cao cường, thiền sư sao có thể thắng được họ?
Thiền sư Đạo Thụ đáp:
- Ta chẳng có gì để thắng được họ, chỉ có một chữ "không" có thể thắng họ.
- Chữ "không" sao có thể thắng họ được?
Thiền sư Đạo Thụ đáp:
- Họ có phép thuật, "có" là cái hữu hạn, hữu tận, hữu lượng, hữu biên; còn ta "không" phép thuật, chữ không là vô hạn, vô tận, vô lượng vô biên ... Liên quan giữa cái không và có là lấy bất biến ứng vạn biến. Ta "bất biến" đương nhiên thắng "vạn biến".

Người sống đơn giản  chỉ cầu đạm bạc không cầu danh lợi, không tranh đua với đời. Trong một xã hội phức tạp đầy rẫy mọi ham muốn vật dục, chỉ biết hóa cái phức tạp thành giản đơn mới có thể sống an nhiên tự tại.

C H Ì N H Ơ I !

NGUYỄN HỮU TÀI


1.
Mùa mưa, khi con nước tràn về như thác lũ cũng là lúc chình từ trong hang chui ra, lẩn quẩn bơi trong tối tìm bạn tình phối giống. Chình dài ngoằn, mình nhớt, không mang, chẳng vẩy. Có con sống lâu năm, thân to bằng cây tre, dài cả thước nhìn như con trăn, sợ phát khiếp. Nhưng chình vốn là giống hiền lành, chả cắn hay quấn ai bao giờ. Cùng với ba ba, chình là loài thủy tộc khó tìm ở sông Dinh. May mắn lắm mới bắt được vài con ăn cho biết mùi biết vị. 
Tụi tôi hay gân cổ lên cãi ỏm tỏi, thậm chí nhào vô đánh nhau u đầu sứt trán khi có đứa nào kêu đó là cá chình. Cá sao được mà cá khi không có vây để bơi và mang để thở. Gọi là chình thôi. Lớn lên mới biết mình sai, bởi chình đúng là loài cá sống ở nước ngọt lẫn mặn, dẫu toàn thân không có nổi một cái vây làm thuốc. Ba nói câu chình giống cá trầu, phải thả câu cắm vì nó quen sống trong hang cùng ngõ hẻm, chui núp dưới những đám bùn tận đáy sông sâu. Còn giăng lưới thì chẳng đời nào dính vì nó nhớt nhợt, chui qua một cách dễ dàng.
Mỗi lần bắt được chình, ba không đem bán dù được giá, chỉ để nhà đãi con ăn cho đã. Ít thì nướng, nhiều thì vừa nướng vừa um. Chình phải làm ngay khi sống, chứ để chết chừng vài tiếng là ươn, thịt hết dai, bở rụi như dẻ rách. Muốn cho sạch nhớt, cầm nắm tro, vuốt từ đầu tới đuôi mấy lần mới sạch. Nhớ phải vuốt từ từ, nhè nhẹ, để khỏi làm hư lớp da bóng nhẫy bên ngoài. Da chình là phần ngon nhất bởi lúc nướng xong, nó vừa dai, vừa giòn, nhai một hồi thành ra dẻo.
Chặt chình từng khúc, ướp tiêu hành và nghệ. Chính củ nghệ giã nát sẽ át được mùi tanh của chình. Với lại, chình giống lươn, là loài máu lạnh, nên phải có nghệ nóng để âm dương hòa hợp. Khi hết củ tươi, thay bằng bột nghệ cũng được nhưng nhớ không xài gừng bởi sẽ ra một mùi trớt quớt. Ướp cỡ nửa buổi là vừa, miếng chình vàng tươi, mùi nghệ quẩn quanh làm cả nhà chộn rộn.
Kẹp khúc chình vào vĩ, để lên than, trở đều tay để khỏi cháy da. Mỡ nhễu xuống, cháy xèo xèo, bốc khói làm ai cũng động lòng. Chình chín, gắp ra dĩa, thịt vàng ươm, da cháy lốm đốm, nghệ thơm đến mủi lòng. Rạo rực quá đi. Ăn chình với cơm, thịt dai và béo hơn cả thịt gà. Hết thịt, còn xương, cứ ngậm tới ngậm lui, nhai nhè nhẹ để hút cho hết tủy chứ bỏ đi lại tiếc. 
2.
Um chình cũng gần như um cá trầu, đồ mộc y chang nhưng có thêm khổ qua và cà dĩa. Trước khi um, cũng cắt khúc, ướp gia vị, sau đó tao sơ để chình bớt tanh. Khổ qua non chẻ làm tư, cắt miếng bự. Khế xắt mỏng. Cà dĩa chẻ làm tám. Hành tây bổ dọc. Nấm mèo, bún tàu có đủ kèm rau nêm và bó ngổ. Tất cả đã sẵn sàng.
Bắt chảo tao chình cho chín tới. Bỏ khổ qua, cà dĩa vô trước, bún tàu, nấm mèo kế tiếp, cuối cùng là hành tây để giữ độ giòn. Lấy đũa trộn đều, nêm gia vị vừa miệng là nhắc xuống. Múc ra dĩa, rưới tiêu và hành ngò lên trên. Mỡ chình chảy ra, hòa vô nước ngọt và thơm kinh khủng. Cả nhà ngồi bệt dưới nền, mỗi người mỗi miếng, ăn thiệt chậm để cảm nhận cái béo của chình lẫn vị khế chua, khổ qua đắng và nức lòng của ngổ.
3.
Những năm sau này hầu như không ai câu được chình trên sông Dinh nữa bởi nước đập dâng cao, lấp hết hang ổ của nó. Có dạo, vài người trong xóm hùn tiền, quây một khúc sông để nuôi chình vì giá trị kinh tế và nhu cầu ngoài thị trường quá lớn. Để rồi trắng tay, sạt nghiệp, phải thục nhà, bán đất trả nợ tứ tung. Làm sao chình sống nổi khi dòng nước ngày càng dơ hầy, ô nhiễm. Vả lại, chình là loài thích tự do, chui rúc bùn đất hơn là lâm cảnh cá chậu chim lồng tù túng.
Có lần về quê, chị Hằng mua được con chình gần ba kí. Mừng như bắt được vàng. Cả nhà xúm lại làm sạch, giã nghệ ướp kĩ, giống y bon cách ngày xưa ba đã chỉ. Thế mới hay, chẳng cần sách vở, không vô trường lớp, ba luôn là ông thầy giỏi. Mấy mươi năm sau, lũ con ông vẫn nhớ từng mùi vị, cách ướp miếng chình sao cho ngon, khi nướng nó giòn, nó béo. Hôm ấy cả nhà ăn một bữa đã đời. Còn dư bao nhiêu bỏ tủ đá để tôi mang qua Mỹ. Đúng là món quê vô giá, tốn cả ngàn đô, tìm đỏ con mắt ở xứ người cũng chẳng có mà ăn. Mỗi tuần chỉ dám nướng một miếng, ăn nhín nhín, từ từ, sợ hết rồi thèm hổng có mà ăn.
Không gì đã hơn chiều chớm đông se lạnh, đi làm về, đói quá, nấu nồi cơm, lấy miếng chình cất trong tủ lạnh, đi ra, đi vô, hết quạt tới thổi cho mau rã đá (tại sáng vội quá nên quên). Cuối cùng chờ không nổi mới đem bỏ vô microwave để đá tan cho lẹ. Nướng bằng lò điện không ngon và sợ mỡ chảy hết. Uổng. Thôi thì làm chình áp chảo. Đứng giữa bếp, không thèm mở quạt hút, chẳng đốt nến thơm, bỏ chình vô chảo không dính. Mỡ chảy ra, xèo xèo, khói bốc thơm dậy nhà. Trời ơi, cái mùi đồng, mùi quê, mùi nghệ, mùi tiêu, mùi mắm, mùi muối, mùi làng quê lam lũ, của phù sa trĩu nặng sông Dinh, mùi ba má và ký ức những ngày thơ trẻ bỗng chốc ùa về. Tự nhiên đứng khóc hu hu như hồi mới lớn, hư, bị má nộ coi chừng tao đem bây ra bỏ gốc me, gốc mít cho làm đứa trẻ trôi sông lạc chợ chứ nuôi làm chi cho tốn cơm tốn nghệ, mới bằng trái bắp thai thai mà không biết nghe lời, mai sau lớn lên chắc leo lên đầu tao ngồi quá.
Để rồi lần sau ăn quen, tôi nhờ chị canh mua chình về ướp mang đi tiếp. Tới hải quan Mỹ, bị chặn lại, dù giải thích cỡ nào đi chăng nữa, mấy ảnh vẫn bảo đó là thịt heo, hàng cấm không được mang vô[1]. Đành thở dài, ngậm ngùi nhìn người ta quăng hộp chình vô sọt rác. Thiếu điều khóc hu hu giữa phi trường rộng lớn.
Chình ơi!
http://www.ninhhoatoday.net/


Thứ Sáu, 28 tháng 11, 2014

T R Ò N O N B Á N H L Ọ T

NGUYỄN HỮU TÀI


Tặng Mai Khanh và Phượng Vy
Mai Khanh và Phượng Vy, hai cô bạn chuyên Văn trường Lê Quý Đôn, cùng học trong đội tuyển quốc gia Địa Lý của tỉnh Khánh Hòa, bắt xe lửa từ Nha Trang ra Ninh Hòa thăm tôi vào một sáng cuối năm 1999. Học với nhau được vài mươi buổi, chưa thể gọi là thân nhưng ít nhiều cũng có với nhau nhiều kỉ niệm. Xong khóa học, tôi chia tay phố biển với giải Khuyến khích Địa lý quốc gia, về quê tiếp tục dùi mài kinh sử chuẩn bị thi tốt nghiệp và đại học, thắp sáng ước mơ làm anh thầy giáo dạy Văn trường huyện. Nha Trang – Ninh Hòa cách nhau chưa tới ba mươi cây số nhưng ít có dịp gặp gỡ. Với lại hồi đó làm gì có di động di điếc như giờ, giữ liên lạc với nhau qua thư viết tay là chính. Quý hóa biết bao khi hai tiểu thư đổ đường lặn lội ra thăm thằng bạn nghèo ốm nhom ốm nhách. Ba đứa tụm miệng lại, ngồi ôn lại quá trời kỉ niệm những ngày vội vã ôn thi, ra bãi biển múa mỏ với cóc chua, me ngào, bánh tráng chấm mắm ruốc, chia nhau tô bánh canh với ly chè cứu đói năm trăm bạc nhưng bự chần dần. Có điều ăn từ sáng tới chiều, miệng vẫn ngọt ngay nhờ đường hóa học.
Ăn heo hông? Hông. Ăn gà hông? Hông? Ăn vịt hông? Hông. Mà mấy người muốn cũng hổng có mà ăn. Biết vậy nên tụi tui đâu ừ chi cho mệt. Thôi để tui nói má làm món đặc biệt này đãi hai bạn coi thử có ngon hông nhen. Má làm thau bánh lọt to tổ bà chảng mời hai cô gái thị thành. Khanh và Vy mắt tròn xoe ngó chẳng biết là món gì. Vậy mà ăn rồi, cứ tấm tắc khen hoài khen mãi.


Bánh lọt Ninh Hòa không phải sợi bánh ngắn, mềm mềm của bột gạo trộn bột năng, có hai màu xanh và trắng, ăn kèm với đường, nước dừa thơm mùi lá dứa, bỏ thêm vài viên đá mát lạnh, thường được rao bán trong các xe đẩy khắp vỉa hè như một loại thức ăn đường phố nổi tiếng vào mùa nóng ở Sài Gòn và các tỉnh miền Nam. Đó là loại bánh làm bằng bột năng, vo tròn, xỏ xâu, trộn dừa, ăn với mè và đường cát.
Làm bánh lọt dễ ẹt à. Cứ đổ bột năng vô thau, rưới nước sôi lên, lấy đũa trộn thiệt nhanh để bột chín tới. Chờ nguội, lấy tay bóp đều cho bột khỏi sượng. Nếu quá khô, chưa kịp chín thì cho thêm nước nóng, còn nhão quá thì trộn tí bột khô. Nhồi bóp một hột thành cục bột có màu trắng đục. Ngắt bột, dùng hai tay se thành dây rồi lấy kéo cắt nhỏ từng viên như hòn bi xanh đỏ. Bột năng rất dai nên phải cắt mới đẹp, chứ lấy tay ngắt nó sẽ không đều, xấu xí. Nhớ hốt ít bột khô rải đều cho khỏi dính vào nhau. Bắt nước cho sôi luộc bột. Bột chín vớt liền ra rổ, xả nước lạnh cho nguội. Chờ ráo, trộn đều với dừa bào nhuyễn.
Hồi còn khó khăn, người ta toàn bào dừa bằng tay. Cái bào bằng sắt đen thui, dài cỡ cây đũa xới cơm, một đầu bằng phẳng, còn đầu kia hình tròn, có răng cưa, bén ngót. Dừa khô đập bể làm đôi, để cái bào lên ghế, lấy chân dậm chắc đầu bằng, còn đầu kia dôi ra, bên dưới để thau nhựa hứng dừa. Cầm nửa trái dừa bào lên, bào xuống, bào trái, bào phải, hột dừa nhỏ li ti rớt xuống đầy thau. Gần sát sọ thì ngưng, bỏ vỏ một bên, lấy nửa kia bào tiếp. Sau này tiến bộ, thợ hàn phát minh ra máy bào dừa, đưa vô làm rột rột một phát là xong. Khỏi tốn công tốn sức mà không sợ đôi khi lơ đễnh, dừa hổng bào, mà bào thẳng vô tay, máu chảy đỏ thau, đau thấy mấy ông trời. Các chị bán chè sắm một cái để trong nhà, khi nào cần xài cho tiện. Còn không ra chợ, tới hàng dừa, lựa trái già, đưa họ bào luôn. Khỏe re như bò kéo xe. Tới giờ, nghề bào dừa ở chợ Dinh vẫn làm ăn khấm khá.
Người ta dễ dàng tìm thấy viên bánh lọt dính dừa, xỏ vô cọng sống lá, năm viên thành một xâu, để trên mâm đậy bịch nhựa, bán đầy các hàng quán khắp nơi từ đầu trên xóm dưới. Một cây hai trăm rưỡi, hai cây năm trăm. Rẻ ghê chưa! Ai tới mua, chị rải ít đường cát trắng trộn mè lên miếng nhựa, bỏ bánh lọt vắt đường cho dính đều. Cắn từng viên một, cảm giác bột dai, dừa béo, đường ngọt, mè thơm vỗ đều trong miệng. Chẳng phân biệt già trẻ bé trai, ăn riết thành ghiền. Mỗi lần cả chục cây hổng ngán.
Lần đó đãi bạn nên má chẳng xỏ xâu chi cho cực. Làm một thau to, múc vô chén, rưới đường cát rồi bốc từng viên nhai ngon lành. Mỗi đứa ăn tới ba chén no cành hông mà vẫn chưa đã nư. Còn dư bao nhiêu gói bịch mang lên tàu ăn tiếp.
Để rồi mười bốn năm sau, Khanh vẫn hay nói đó là món bánh quê ngon nhất trần đời mà bạn từng được ăn. Có lẽ đó là lần đầu tiên bạn ăn ở vùng quê cách chốn phồn hoa bạn ở chưa tới ba mươi cây số. Ở đó, bạn ăn nhiều thịt thà, cá mắm trong nhà hàng, khách sạn đã đời, và khi nhai viên bột không nhân không nhị, tự nhiên thấy ngon, thấy lạ. Mà có lẽ, tại thau bánh năm xưa chất chứa chút tình của má thằng bạn nghèo hiếu khách, nhà hổng có cái chi ngon, lâu lâu bạn con tới chơi, cặm cụi làm một thau chiêu đãi.
Khanh bây giờ sống và làm việc ở Sài Gòn. Lần nào về hai đứa cũng hú hí hẹn hò đi xem phim, cà phê cà pháo, nói quàng nói xiên, nhắc lại những chuyện cố tỉ cố lai, xưa lơ xưa lắc rồi cười nắc nẻ như hai đứa trẻ chửa dậy thì, ngơ ngác.
Khanh hay kêu bữa nào rảnh tới nhà làm bánh lọt đãi tui ăn nữa nhen. Hễ gặp mấy người là tui lại thèm. Lâu lắm rồi chưa ăn lại. Tôi cứ hẹn lần hẹn lựa, ừa, bữa nào tui qua làm một thau ăn cho ói lòi luôn, khỏi đòi khỏi hỏi nữa.
Vậy mà cứ thất hứa hoài. Chán mình ghê.


http://www.ninhhoatoday.net/

Thứ Năm, 27 tháng 11, 2014

LỜI TRẺ


Những Câu Văn Cười Ra Nước Mắt Của Học Sinh

Đề Bài: Tả Ông Nội
“Nhà em có nuôi một ông nội, ông nội suốt ngày chẳng làm gì cả chỉ trùm chăn ngủ, đến bữa ăn ông ló đầu ra hỏi: Cơm chín chưa bây?”

Đề: Tả cây chuối
Nhà em có cây chuối rất to, chiều nào em cũng leo lên cây chuối ngồi hóng mát. Khi em leo lên, cành chuối rung rinh.

Đề: Tả người thầy em yêu quý nhất
Thấm thoắt đã ba mùa hoa ban nở, thầy giáo phải tạm biệt chúng em để về xuôi. Cả làng cả bản đứng tiễn thầy vô cùng ngậm ngùi. Riêng em đứng nhìn theo thầy cho đến khi thầy xa dần, xa dần, đến khi nhỏ bằng con chó em mới quay lại bản.

Đề: Tả anh bộ đội
Anh bộ đội cao khoảng 1,20 m, súng AK dài 1m rưỡi.


Đề: Tả buổi chào cờ đầu tuần
Sáng thứ hai tuần nào cũng vậy, trường em lại tổ chức chào cờ. Đầu tiên là thầy hiệu phó phụ trách lao động lên mắng mỏ một tí. Sau đó đến lượt thầy hiệu trưởng lên mắng. Khi thầy hiệu trưởng mắng, cái cục ở cổ thầy cứ chạy đi, chạy lại.


Đề: Tả cây bàng
Ở cạnh nhà em cách một quán phở có một cây bàng. Cây bàng đã sống trên 10 năm nên nó đã già và nó đã biến thành cây đa.


Đề: Em hãy tả một con vật mà em yêu thích nhất
Nhà em có một con chim chích bông, nó nhỏ và xinh, lông nó màu vàng óng, em thấy nó không ngừng nhảy và mổ mồi. Em rất yêu con gà của ông em.

Đề: Tả con trâu (của một học sinh thành phố)
Nhà em có nuôi một con trâu. Nó đáng yêu lắm. Hàng ngày, mẹ xích nó ở góc hiên. Trên cổ nó có đeo một cái nơ màu hồng thật xinh xắn. Nó ăn rất ít cơm. Nó có khuôn mặt trái xoan thanh tú.


Đề: Tả một buổi học
Tùng tùng tùng, tiếng trống vang lên báo hiệu đã đến giờ vào lớp. Không còn cảnh nô nghịch, chạy nhảy nhốn nháo nữa. Các bạn, ai ai vào vị trí của người đó. Sách vở để ngay ngắn trên bàn. Cô giáo bước vào lớp. Học sinh đứng dậy chào cô. Cô mặc chiếc áo dài hoa rất đẹp. Tóc cô thẳng mượt thả đến ngang lưng. Cô đặt chiếc cặp đen lên bàn và cất tiếng dịu dàng: “Hôm nay có ai đóng tiền không?”


Đề: Tả con lợn nhà em
Con lợn nhà em đầu tròn như quả bóng da, người nó hình cái hộp các-tông còn cái đuôi thì giống cái chân chống xe máy!


Đề: Tả đêm giao thừa
Em bước ra sân để chuẩn bị thắp hương giao thừa. ánh trăng tròn vằng vặc soi rõ khu tập thể, làm những chiếc lá sáng lên loang loáng…


Đề: Tả con gà trống nhà em
Chú trống choai nhà em lớn nhanh như thổi, càng lớn chú càng giống gà mái…”



KHÔNG THỂ THAY THẾ


Thiền sư Đạo Khiêm cùng người bạn là Tống Viên đi bái phỏng thiền sư Hạnh Cước.
Trên đường đi, Tống Viên do không chịu nổi cảnh trèo đèo lội suối vất vả nên nhiều lần đòi quay về. Thiền sư Đạo Nghiêm an ủi:
- Chúng ta đã quyết tâm đi tham học, vả lại cũng đã vượt qua được chặng đường xa như thế này rồi, bây giờ mà bỏ về thì thật đáng tiếc. Thôi, thế này vậy, trên đường đi nếu có việc gì tôi có thể giúp tiên sinh được tôi nhất đnh sẽ giúp, nhưng có năm việc tôi không thể nào giúp được.
Tống Viên hỏi:
- Năm việc đó là năm việc gì?
Thiền sư Đạo Khiêm đáp:
- Mặc áo, ăn cơm, đại tiện, tiểu tiện và đi đường.
Lời dạy của thiền sư Đạo Nghiêm đã có tác dụng rất lớn, Tống Viên đã lĩnh ngộ được từ đó không nhắc gì đền việc đi đường vất vả nữa.

Thứ Tư, 26 tháng 11, 2014

Ngón tay chỉ mặt trăng


Sư Wu Jincang hỏi Lục Tổ Huệ Năng:
– Con đọc kinh Đại Bát Niết Bàn bao năm rồi mà vẫn chưa hiểu. Xin tổ sư soi sáng cho.
Lục Tổ Huệ Năng cầm quyển kinh đưa cho ni sư, nói:
– Ta không đọc được chữ, con hãy đọc, ta sẽ giúp con hiểu.
– Tổ không đọc chữ sao ngài hiểu thông nghĩa được ? – Jincang rất ngạc nhiên.
Lục Tổ Huệ Năng thủng thỉnh đáp:
– Chân lý không dựa vào chữ nghĩa. Nó giống như trăng soi trên trời. Trong trường hợp này, chữ nghĩa giống như ngón tay trỏ vậy. Ngón tay chỉ trăng mà nó không phải là trăng. Xem trăng có cần ngón chỉ không?
Ngôn ngữ văn tự đều là biểu tượng diễn giải chân lý. Đừng lầm chữ nghĩa với chân lý như đã lầm ngón tay với mặt trăng.

Về nhen ông!

Nguyễn Hữu Tài


1.
Trời còn tù mù, dượng Bảy đang ngủ bỗng giật mình thức dậy bởi nghe tiếng lục đục ngoài phòng khách. Hổng lẽ chuột? Nhà mình sạch sẽ lắm mà. Lau chùi quét dọn suốt. Hay là ăn trộm? Nghĩ tới đây tự nhiên dượng nổi da gà. Nếu nó vô thì chắc chết. Nhà có hai vợ chồng già lủi thủi với nhau chống sao cho nổi. Mà mình đâu có cái gì quý giá cho tụi nó ăn trộm, ngoài mớ tiền cất kĩ quá trời. Sống ở khu này gần hai chục năm nay, ai cũng quen mặt, chưa một lần xảy ra trộm cắp hay bắn giết gì hết.
Dượng thò chân xuống giường, rón rén tính hé cửa phòng coi, sẵn tiện kêu bả dậy để có vợ có chồng cũng bớt lo. Mờ sáng, trăng chiếu xiên xiên vô rèm cửa. Liếc qua bên kia giường, thấy cái nệm trống trơn. Dượng thở phào. Biết tỏng ai ở ngoài đó rồi. Lầm bầm. Mới giờ này hổng biết dậy chi sớm dữ. Không ngủ được thì cũng nằm im, để tui ngủ sáng mai còn đi làm nữa chớ.
Ngoài phòng khách, dì Bảy đang cắm cúi xếp mớ áo quần, hũ thuốc cảm, thuốc đau bụng, xà bông cục, dầu gội đầu, dầu gió xanh hiệu Con ó, mớ tô chén, cái xoong, cái nồi, bỏ vô thùng. Lấy ra. Chất vô. Lấy ra. Chất vô. Nhiêu đó làm hoài hổng biết chán. Hôm qua đại lý vé máy bay gọi nói có vé rồi dì, cuối tuần tranh thủ ra con chụp hình làm visa nhen. Thế là cả đêm dì hổng ngủ được. Cứ trăn qua, trở lại, miệng tủm tỉm cười hoài. Mà đâu dám gây ra tiếng ồn, sợ ổng mất ngủ sáng mai không đi làm được lại nổi quạu. Nên dì mới ra ngoài này sửa soạn để tới lúc về là đi cái một. Nói vậy thôi, chứ từ đây tới đó dì lôi ra, xếp vô cỡ vài chục lần. Cả năm mới về một lần, mang chút đồ Mỹ về làm quà. Nhìn tụi nó hớn hở, săm soi từng cái một, bao nhiêu mệt nhọc ngồi máy bay cả ngày trời cũng đi hết trọi.
Dượng tằng hắng. Nghe tiếng chồng, dì quay lại cười.
- Sao hổng ngủ mà ra đây rình tui chi?
- Ai thèm rình bà. Biết giờ này là mấy giờ hông mà lục đục ngoài này như ăn trộm vậy?
Dì liếc nhìn đồng hồ, thấy mới có bốn giờ. Quay lại móm mém cười, coi bộ biết lỗi lắm rồi vậy.
- Tại tui… nôn. Mà tai ông cũng thính dữ đa.
- Mới đầu tháng mười một (âm) chớ nhiêu mà nôn. Còn cả hai tháng nữa mới về. Rần rần sớm dữ.
- Nhắm mắt là tới chứ nhiêu ông. Bên này thời gian qua vùn vụt mà.
Vợ chồng ăn đời ở kiếp, nên dượng rành cái tánh của dì, lúc nào cũng lo xa. Tội bả. Quanh năm suốt tháng quẩn quanh trong chợ. Ngày làm mười hai tiếng, đứng lặt rau, bỏ hộp, xắt thịt, chiên đậu, nấu chè, rồi dọn dẹp, lau chùi, có gì làm nấy, chẳng ngơi tay. Tới lúc ra khỏi chợ thì mặt trời đã lặn tự lúc nào cũng không biết. Hai bàn chân lê đi không nổi, cái đầu gối lỏng ba lỏng bỏng, xương cốt chi cũng mỏi nhừ. Mà phải cố thôi. Không làm thì ai nuôi? Dựa vô mấy trăm bạc trợ cấp của chính phủ sao đủ trả tiền nhà, tiền ăn, rồi còn tiện tặn gửi về cho con cho cháu. Có một đứa con gái bên này cũng lấy chồng xa. Lo cho ba đứa con thở không ra hơi thì lấy chi mà giúp cha giúp mẹ. Còn dượng, sáng nào cũng bắt chuyến xe bus sớm nhất, đi lượm rác cho khu chung cư cách nhà gần hai tiếng. Bao nhiêu năm nay lương cũng chỉ được mười đô một giờ. Già cả cỡ này có việc là may, làm yêu làm sách chi cho người ta đuổi.
- Mà tệ ghê. Hồi xưa nó cho hai thùng, mỗi thùng bảy chục phao[1], mặc sức mà vác đồ về. Giờ giảm xuống còn có năm chục nên cái gì cũng phải bỏ lại. Lỡ lố ký, đóng tiền phạt chắc khùng.
- Thôi trách than gì. Giờ nó cho cả ngàn phao cũng hổng thiếu đủ chi với bà. Bữa nào trúng số tui mua cho cái máy bay riêng, để bà vác hết nước Mỹ về luôn cho đã.
2.
Thấy dì vẫn miệt mài với đống đồ, không thèm ngó ngàng gì tới mình. Tự nhiên dượng bực mình, nổi quạu.
- Chắc nôn về gặp bồ cũ heng. Nghe đồn lão Tứ mãn tang vợ rồi đó. Về mà nối lại tình xưa.
Dì Bảy đứng dậy, phủi đít quần, trợn mắt lên nhìn chồng, bực bội.
- Cha già lãng gian. Gần đất xa trời, răng cỏ hổng còn để nhai cơm thì lấy đâu mà bồ với bịch. Tui nôn về thăm nhà, thăm bà con cô bác có được hông? Bữa nay lấy quyền gì mà này nọ với tui? Mà cái đó phải hỏi lại ông à? Mấy năm nay tui rủ về ăn Tết thì lắc đầu nguầy nguậy, thôi bà đi một mình đi, tui ở lại làm. Làm công lên chuyện xuống gì mà ngày nào cũng đi sớm, về trễ. Chắc có mèo trên chỗ làm rồi nên đâu chịu nghỉ ngày nào heng. Nói đi, con nào, tên gì, ở đâu, dẫn lên cho tui tường mặt, rồi tui xách trầu cau đi hỏi cưới để có người mà thủ thỉ, nhớ thương. Chứ sống chi với con già này, ngày nào cũng nghe nó cẳn nhẳn cằn nhằn. Mệt óc, ông ha.
Dượng quay mặt ra chỗ khác cười không thành tiếng. Hễ không nói thì thôi, đụng tới là lôi ba cái chuyện tầm bậy tầm bạ ra ghen tuông cho sướng miệng. Già từng tuổi này, cái thân lo chưa xong. Sống với mụ vợ dữ như chằn đã ớn le lưỡi, rước thêm bà nữa về chắc điếc với mù luôn quá.
Dì quảy đít vô bếp, khua xoong, động chén, càm ràm, chửi chó mắng mèo, lào xào cho đỡ bực. Đâu được vài phút, tự nhiên thấy mình cũng bậy. Như khổng như không la chồng rồi này nọ tùm lum. Mà cũng tại ổng, ghen bóng ghen gió với mình chi. Chuyện cố tỉ cố lai rồi mà cứ nhắc hoài. Mấy chục năm nay, từ khi lấy dượng thì có thèm ngó ngàng tới lão Tứ nữa đâu. Vậy mà mỗi lần có chuyện gì lại lôi ra nhai lại.
Dì biết, dượng thương, cái gì cũng nhường hết cho vợ, kể cả chuyện cho dì về thăm quê mấy ngày Tết, rồi bên này một mình lẻ loi giữa cái lạnh thấu xương của mùa đông dài đăng đẵng. Hồi mới qua, vừa hết Noel, thấy chủ lôi những bịch mai vàng, đào, hồng bằng nhựa ra bày bán, họ nhập về những thùng bánh in đủ màu, hộp mứt Trung Quốc có gừng, dừa, khoai lang, tắc và mấy bịch hột dưa là dì nôn trong ruột. Cứ muốn hai vợ chồng bay về quê để dọn dẹp nhà cửa, quét vôi tường, hối bọn con lôi chưn đèn ra chùi với tro và khế cho sáng bóng. Dì lăng xăng ra chợ mua kiệu, đu đủ, cà rốt, lột vỏ, xắt, phơi khô làm dưa món. Lấy tai, mũi heo ngâm dấm, để ổng lai rai vài ly với bạn bè. Hầm thêm xoong măng với thịt vịt cho thiệt mềm, ra Giêng vẫn còn cả đống vì béo quá đâu ai dám ăn. Nhưng vẫn thấy thích.
Để rồi mãi tới chục năm sau, dì mới dám mua cái vé về thăm quê ba ngày Tết. Rủ thì ổng không đi, kêu già rồi sợ ngồi máy bay cả ngày trời ê đít. Nhưng dì biết. Tiền nhà, tiền cửa, tiền điện, tiền nước bên này luôn là một gánh nặng. Ổng ở lại để gánh gồng chứ không người ta tới quăng đồ ra đường thì khổ.
3.
- Ông uống trà hông tui pha một ấm? – Dì dịu giọng.
- Ừa uống. Nhớ pha đầm đậm một chút uống cho tỉnh ngủ bà nhen.
- Bữa nay ông ăn canh mồng tơi với nấm cho mát nhen.
- Sao bà không bằm thịt nấu cho ngọt nước.
- Bác sỹ nói dạo này máu ông lên cao. Ăn xong nằm giãy đành đạch báo tui hả.
- Ăn được bao nhiêu cứ ăn. Đời tui với bà con lại bao cái năm năm, mười năm mà o ép chi cho khổ.
Dì muốn la chồng, miệng ăn mắm ăn muối, tự nhiên nói ba cái chuyện bậy bạ thấy ghê. Nhưng sao miệng môi cứ mặn chằn, muốn nói mà không thể nào nói được. Dì tới kéo rèm cửa sổ. Mặt trời lấp ló đằng xa. Mấy con quạ vỗ cánh rời cành, làm rơi vãi lớp tuyết trắng xóa hôm kia còn sót lại. Năm năm nay sao lạnh dữ. Tuyết rơi quá dày. Chưa tới giữa đông mà đã mấy trận bão to rồi. Từ đây tới lúc về chắc còn thêm vài trận nữa.
- Mà nè, hay là năm nay ông về chung với tui cho vui?
Dượng giật mình. Đứng lên rồi ngồi xuống cái thụi. Hai vai dượng run run xúc động dữ lắm. Cả tiếng đồng hồ trôi qua trong lặng lẽ. Không ai nói tiếng nào. Chỉ có tiếng tíc tắc của đồng hồ trên tường và gió lạnh thổi ngoài cửa sổ nghe xao xác. Một đỗi lâu dượng mới ậm ừ trong miệng.
- Vé của bà nhiêu?
- Ngàn rưỡi.
- Ngàn rưỡi lận hả? Sao mắc dữ?
- Thì Tết nhất mà. Nghe đồn cận ngày lên tới hai ngàn. Năm nào mà họ không chém đẹp? Để mai tui gọi con Thu coi thử nó có giúp được gì không?
- Thôi, nó còn chồng con nữa. Mình không có của cho con thì thôi mắc gì phải phiền tới nó.
Dượng tần ngần, nghĩ tới túi tiền eo hẹp của mình mà phát rầu. Quê mà, ai chẳng muốn về. Mười mấy năm chưa một lần thắp nhang lên bàn thờ ông bà, ba má hay ngồi lai rai vài ly, nói ba láp ba xàm với họ hàng cho ấm bụng. Có lần con Thắm gọi qua khóc nức nở, kêu ba ráng về chung với má để cho con cháu gặp mặt, chứ mười mấy năm rồi còn gì. Về ở với tụi con, có cháo ăn cháo, có rau ăn rau. Tụi con đủ sức lo cho ba má mà. Nói vậy thôi chứ mang hai bàn tay trắng về sao đặng. Làm cho Việt Nam mà, có va cay sần[2], va cay siếc gì đâu. Nghỉ bữa nào trừ lương bữa đó.
- Ông có nhiêu?
- Chắc cỡ ba ngàn. Mua cái vé là hết một nửa.
- Ông chờ tui chút.
Dì chầm chậm vô phòng. Tay lần tìm chìa khóa mở hộc tủ lôi ra cái thùng khóa kĩ. Mở thùng. Lôi ra cái hộp cũng… khóa kĩ. Mở hộp. Lôi ra cái túi vải dù. Mở túi. Run run cầm xấp tiền một trăm đô mới cóng, cẩn thận đếm từng tờ một. Đếm vậy thôi chứ thiệt ra dì biết trong đó có hai mươi hai tờ, là hai ngàn hai trăm đô. Mỗi lần dư được một trăm tiền lẻ, dì chạy tới nhờ chủ đổi cho tờ tiền chẵn, mà phải lựa tiền thiệt mới. Cất kĩ. Coi như gia sản lớn nhất của mình. Già cả rồi, quen cái tánh giữ tiền mặt khi còn ở Việt Nam. Với lại tiếng Anh tiếng u không rành, bỏ vô nhà bank lỡ cần rút, không biết đường đi. Nhờ vả người ta thì phiền chết.
- Tui còn hai ngàn hai. Đủ đóng hai tháng tiền nhà. Kệ, sống nay chết mai. Về để hai vợ chồng còn lủi thủi với nhau. Chứ một mình tui đi, bỏ lại ông bên này, buồn lắm.
Dượng trầm ngâm nghĩ lúc cầm cái vé trong tay, hổng biết mình có nôn giống bả không. Nếu vậy thì dị chết. Lúc lên máy bay, có đứng ngồi không yên, quay qua quay lại, ngó người này, nhìn người kia, nghe họ thì thầm chuyện Tết nhất. Tới lúc máy bay hạ cánh, đẩy xe ra ngoài, có thấy rợn ngợp bởi người gì đâu mà đông dữ. Thở không ra hơi. Con cháu nhào tới mừng rỡ kêu ba, gọi má. Chắc là trào nước mắt.
4.
Dì tới ngồi sát bên chồng, khều khều. Dượng quay qua nhìn vợ, nheo nheo mắt.
- Gì? Ghen tuông nữa hả?
- Cha già dịch. Tui đâu rảnh mà hao hơi tổn tiếng với ông chi cho mệt.
Dượng móm mém, nhe hàm răng rụng gần hết nhìn vợ. Ở chung thì kình cãi như chó với mèo, chớ bả mà đi vài bữa lại nhớ hơi, chịu không nổi.
Dượng choàng tay ôm vai vợ. Coi bộ bữa nay xương bà nhiều hơn thịt rồi đó. Ráng ăn tẩm bổ cho có sức ngồi máy bay cả ngày nhen. Chớ không về quê, người ta kêu là Việt Kiều ốm đói nữa. Dì lấy bàn tay nhăn nheo của mình cầm bàn tay cũng nhăn nheo hổng kém của chồng, lắc lắc.
- Về… về nhen ông!


http://www.ninhhoatoday.net/

Thứ Hai, 24 tháng 11, 2014

5 Truyện Cười


Truyện Cười Số 1
Một cô gái đến khám bác sĩ, trăn trở:
– Thưa ông, cứ sau mỗi tháng thì tôi lại có cảm giác thèm đàn ông kinh khủng.
– Đó là điều bình thường thôi. Nhưng thời gian “thèm” đó kéo dài bao lâu?
– Khoảng… 4 tuần

Truyện Cười Số 2
Bốn anh chàng hà tiện quyết định đi uống bia. Khi tới gần quán, một anh chàng thở dài, không chịu bước tiếp.
– Kìa, Jonny, cậu không muốn ghé vào à?
– Muốn lắm, nhưng tớ không đem theo xu nào.
– Không sao! Cứ đi cùng chúng tớ, không ai bắt cậu uống đâu mà sợ!

Truyện Cười Số 3
Tom đi học về với một mắt thâm đen, bố hỏi tại sao, Tom nói:
– Con đã thách đấu với Michael và cho nó quyền chọn vũ khí.
– Cao thượng đấy! Thế nó đã dùng cái gì để đánh nhau với con vậy?
– Dạ, con không ngờ, vũ khí mà nó chọn là… thằng anh nó.

Truyện Cười Số 4
Một gia đình nọ đi tắm biển. Thấy thằng con trai 15 tuổi của mình đứng ngây ra ngắm một cô gái đẹp, bà vợ tủm tỉm hích ông chồng rồi nói:
– Con trai mình đã lớn rồi đấy! Không thấy hồi âm, bà ta quay lại thì thấy ông chồng cũng đang bị một bộ bikini khác hớp hồn. Cút một phát rõ mạnh vào sườn lão ta, bà gắt:
– Này! Ông đừng có mà trẻ con như thế!

Truyện Cười Số 5
Một người đàn bà đến xưng tội:
– thưa Cha, con vừa đập vỡ chiếc bình sứ trên đầu chồng con.
Cha hỏi:
– Con ơi, con có lấy làm tiếc về hành động của con hay không?
– Dạ, thưa cha, con lấy làm tiếc lắm ạ. Vì con đã phải bỏ ra 5 triệu để mua chiếc bình đó.



CAM TÂM CHỊU KHỔ

Thiền sư Trí Thuấn thường vãn du tham thiền ở bên ngoài thiền viện.
Một hôm, thiến sư đang tọa thiền trên núi, thấy một người thợ săn bắn trúng con gà rừng. Con gà bị thương chạy đến trước mặt thiền sư, thiền sư dùng tay áo che dấu bảo vệ sinh mệnh bé nhỏ ấy.
Lát sau, người thợ săn chạy đến đòi con gà rừng:
- Xin thiền sư trả lại tôi con gà tôi bắn trúng.
Thiền sư Trí Thuấn nói:
- Nó cũng lả một sinh mệnh, tha cho nó đi.
Người thợ săn kiên quyết:
- Ngài nên biết, con gà rừng ấy làm thịt là đủ một bữa ăn cho tôi đấy.
Người thợ săn cứ nằng nặc đòi bằng được con gà, thiến sư Trí Thuấn không còn cách nào hơn liền rút ngọn giới đao phòng thân, cắt phăng hai cái tai của mình đưa cho người thợ săn kia, nói:
- Hai cái tai này đủ bù cho con gà rừng của ngươi, người có thể dùng nó để làm một bữa ăn.
Người thợ săn thất kinh, cuối cùng cũng cảm thấy việc đi săn sát sinh là một hành động tàn nhẫn.

N Ồ N G N À N C Ơ M R Ư Ợ U

NGUYỄN HỮU TÀI


1.
Tới giờ này tôi cũng chẳng biết dì tên chi, cứ nghe người ta gọi chị Chín, bà Chín, cô Chín riết nên cũng bắt chước kêu dì Chín bán cơm rượu cho thân mật. Dì không chồng, chẳng con, sống chung với má sát bên nhà người anh ruột ngay đường luồng chợ. Đó là đoạn đường tắt từ thôn Sáu ra cầu Dinh, ngắn hơn đường chính vài trăm mét. Đường đất, sát sông, lèo tèo mấy ngôi nhà nhỏ, âm u, tĩnh mịch. Tụi tôi chẳng bao giờ dám đi vì sợ ma. Thêm nữa, ngay chỗ đầu đường, mỗi dịp hai ba tháng Chạp cúng đưa ông Táo về trời, người ta cứ quăng một đống những lò đất nung cũ kĩ, sứt mẻ để thay lò mới nên càng huyền bí. Các chị gánh rau, gánh gạo thích đi đường luồng lắm vì tiết kiệm được cả đống thời gian và công sức. Với đôi gióng nặng trĩu trên vai, mới hay đoạn đường ngắn đi vài trăm mét quý biết chừng nào.
Sáng nào má dì cũng ngồi trước cửa, nhai trầu, lượm thóc trên nia, sàng, sảy nếp cho. Bà chầm chậm bỏ men có dính trấu vô cối đá, lấy chày giã nhẹ cho nát rồi đổ vô rây, lọc men mịn xuống thau, bỏ đi phần xác. Ngày nào đi ngang qua, cũng thấy bà làm nhiêu việc đó, làm hoài không chán. Cho tới bữa kia không thấy bà ngồi nữa. Chỉ thấy tang trắng trên đầu con cháu, vòng hoa thăm viếng và nước mắt tiễn đưa.
Dì Chín ngoài việc bán cơm rượu, kiêm luôn lựa nếp và giã men của má. Dì bán ngày hai buổi, sáng cạnh hàng bún bò của ngoại Hạnh (kêu là ngoại vì vai vế dòng họ, chứ bà còn trẻ măng, cỡ bốn mươi), tối bên hàng bún cá chị Trang, ngay xổ số kiến thiết. Cơm rượu thành một món quen, chỉ có năm trăm một ly, ăn là phải nhớ, nhớ thì phải ghiền, ghiền thì phải ghé.
Không giống cơm rượu miền Nam, vo thành viên nhúng vô men đem ủ, người Ninh Hòa cắt cơm rượu thành miếng hình chữ nhật xếp chồng lên nhau. Món đó dễ òm, ai cũng biết làm nhưng để nó lên men vừa đủ, nước ngọt, không quá nồng, quá lạt là cả một vấn đề. Nếp nấu như xôi, đổ nước vừa đủ, nhiều quá sẽ nhão, khó dính, ít lại khô, không ra nước. Trải xôi ra nia, lấy chai lăn đều, ép thành lớp mỏng. Chờ nếp nguội, rải men đều hai mặt. Làm quen tay nên không cần đong đo liều lượng, thấy đủ là ngưng. Lấy lá chuối hay túi nhựa bọc kín, đem vô chỗ tối ủ lên men. Nắng nóng khoảng một ngày, lạnh thì ngày rưỡi. Chờ men tan, thấm vào nếp, bắt đầu ra nước là giở lá chuối, lấy dao cắt thành miếng nhỏ hình chữ nhật, cỡ miếng thuốc dán, chất thành vòng tròn vô thẩu, chính giữa chừa lỗ để ra nước. Lấy nắp đậy kín, ủ thêm hai ngày nữa, cơm rượu đã thành rồi đó.
Giở nắp thẩu, cơm rượu thấm men mềm mượt, mùi thơm rất nồng, ngửi thôi đã ngất ngay say. Thường thì nước ra nhiều, dì hay chắt một nửa bỏ chai bán rượu nếp rồi nấu nước đường trộn thêm vô. Rượu nếp ngọt và thơm hơn rượu gạo. Uống thấy bình thường, cứ ngỡ ăn chè. Vậy mà tới ly thứ tư đã thấy ngần ngật, nói nhăng nói cuội, say nhanh hơn rượu Tây hay đế.
2.
Lúc nào cũng thấy dì cười. Ế cũng cười, đắt cũng cười, nắng mưa đi ngang qua thấy mặt là cười tất. Mắt dì một mí, thêm cái mụt ruồi trên môi, mỗi lần cười là chẳng thấy quê hương xứ sở. Thấy tôi đi qua, ê ê thằng kia, tới ăn giùm tao một ly coi, ế quá. Từ chối sao đành. Dì vớt ba miếng cơm rượu, múc nước bỏ vô lý, đập thêm ít đá, với tay lấy muỗng đưa tôi. Và cười. Nghe nói Chín có bồ hả? Đứa nào mà ác miệng mà đồn bậy vậy? Nói đi tao tới vả một cái cho môi mỏ dzảnh trét lên. Chín dữ quá hà, con hổng dám nói đâu. Thôi nói đi, tao cho thêm miếng nữa. Thì con nghe người ta nói có ông nào lạ hoắc tới ăn cơm rượu, Chín hổng chịu lấy tiền, mà cứ ngồi nhìn ổng rồi cười duyên e thẹn. Trời ơi, đúng là miệng lưỡi thế gian, có nhiêu đó mà cũng dựng đủ điều. Bồ bịch cái giống gì, thằng chả ghé ăn cho đã mới sực nhớ sáng nay vợ quên phát tiền nên đành thiếu nợ. Chẳng lẽ tao lột quần chả trừ? Ở như vầy không sướng sao? Chồng con chi cho cực. Mày đó nhen, con nít con nôi mà nhiều chuyện thấy sợ. Lần sau còn như vậy nữa tao đánh cho què giò. Thôi đưa ly đây, tao cho thêm miếng nữa.
Cắn miếng cơm rượu mềm èo, húp muỗng nước mát lạnh nồng vị rượu, nói bậy bạ với dì, làm dịu mát cơn khát cháy ban trưa.
3.
Dì đột ngột từ giã cõi đời không lời trăn trối. Thanh thản bình yên về với đất mẹ bao dung.
Rồi mỗi bận ngang qua đường luồng, nhìn vô nhà, chẳng thấy dì ngồi lựa nếp, giã men chi nữa, chỉ thấy tấm hình trên bàn thờ với nụ cười híp mắt. Dì không con, chẳng cái, vị ngọt nồng của miếng cơm rượu chìm vào năm tháng dần trôi.
Thỉnh thoảng thèm quá, tôi lôi mớ men mua bên nhà ra, nấu xôi, ủ theo cách ngày xưa học lóm. Chắc tại không phải nghề nên đôi khi bỏ men nhiều, men ít, có lúc ra nước ngập xong, có bữa khô rôm, sượng trân thấy tội. Làm riết cũng thành, ăn tàm tạm, tuy hổng ngon bằng dì làm nhưng cũng có cái gợi cho mình ít nhiều miền nhớ xa xăm.

http://www.ninhhoatoday.net/

Đi phượt được gì?

Nguyễn Khắc Giang

Như một thủ tục khi nhận lớp mới, giáo sư người Đan Mạch, thầy Flemming Svith, gửi “sơ yếu lý lịch” của mình cho cả lớp xem trước. Lẫn trong các thành tích nghiên cứu khoa học, tôi thấy ngạc nhiên khi lý lịch có ghi hai năm kinh nghiệm “du lịch bụi” (backpacking) ở Nam Mỹ.
Lần đầu tiên tôi thấy một học giả ghi nhận quãng thời gian “lông bông” của mình vào CV. Sau này có dịp nói chuyện nhiều hơn, thầy bảo rất tự hào về hành trình đó. Ông nói đó là hai năm giúp ông tìm ra lẽ sống đời mình.
Thầy Flemming có hai đứa con trai. Người con đầu của ông chết đuối khi đi tình nguyện ở Kenya, bi kịch đến bây giờ tôi vẫn thấy nỗi buồn trong mắt ông. Nhưng ông không cản đứa con thứ hai ra đi khi cậu muốn sang Italy du học. Một người tìm được mình từ những chuyến đi sẽ hiểu được giá trị của nó lớn như thế nào.
Không ít người phương Tây giống như thầy Flemming. Họ đã khao khát khám phá thế giới từ gần một nghìn năm trước, với Marco Polo và “Con đường tơ lụa” nối châu Âu với châu Á. Khi người Việt, người Trung đang bế quan tỏa cảng thì Columbus tìm ra châu Mỹ, rồi Magellan đi vòng quanh địa cầu.
Thế hệ con cháu của họ bây giờ vẫn tiếp tục xách ba lô và du hành khắp năm châu. Với họ, du hành không phải là hiện tượng, mà trở thành một chuyện bình thường. Hầu hết các bạn trẻ đều dành một năm trống (gap year) sau cấp 3 để “đi bụi” trước khi vào đại học hoặc đi làm.
Ở Việt Nam trong vòng chục năm trở lại đây, giới trẻ xê dịch nhiều hơn. Ngồi lên xe máy đi “phượt” đến các miền xa của Tổ quốc, hay xách ba lô du lịch bụi ở nước ngoài, bằng cách này hay cách khác, họ đã dần bước chân ra để nhìn cuộc sống bằng chính đôi mắt của mình.
Trong một nền văn hóa truyền thống đề cao trật tự và ổn định, việc đi lại không chủ đích này nhận nhiều chỉ trích. Có người cho rằng đó là việc vô bổ, phí thời gian. Người thì sợ những hiểm nguy trên đường: từ tai nạn xe cộ cho đến gặp kẻ xấu. Người lại lo con cái mải chơi mà xao nhãng học hành, sự nghiệp.
Cá nhân tôi cho rằng trong cuộc sống, việc gì cũng có chi phí cơ hội: được cái này thì phải mất cái khác. Nhưng tôi nghĩ, dù có tính đến tất cả những rủi ro ở trên, thì việc đi ra, nhìn thấy, và nghe thấy thế giới cũng đáng để làm. Vì cuộc sống không chỉ gói gọn trên màn hình máy tính hay trong bốn bức tường lớp học.
Đi nhiều không đảm bảo cho sự thành đạt, nhưng chắc chắn nó sẽ làm giàu thêm vốn sống của mỗi người. Những người tôi gặp trên các chuyến đi, ở Việt Nam hay nước ngoài, đều nhìn thế giới bằng tấm lòng cởi mở và bao dung với sự khác biệt. Họ kết bạn không phân biệt màu da, chủng tộc, tuổi tác, hay thậm chí là ngôn ngữ. Họ cũng trưởng thành và dễ thích nghi với môi trường sống khác nhau. Trong một thế giới mở như hiện nay, đó có lẽ là những tính cách quan trọng để tồn tại.
Những chuyến đi cũng có hiệu quả trong việc khơi gợi tình yêu đồng bào và xứ sở, thứ mà từ lâu xã hội vẫn cho là đang mất dần đi trong thời buổi kinh tế thị trường. Bởi không có gì đi thẳng đến trái tim nhanh bằng những gì hiện ra trước mắt.
Về miền Tây mùa nước nổi, chúng ta không chỉ thấy đồng quê thanh bình mà cả cuộc sống lam lũ của người nông dân. Lên Hà Giang để chụp ảnh với hoa tam giác mạch và đại đèo Mã Pí Lèng, nhưng cũng để thấy những đứa trẻ không quần áo mặc vẫy tay chào trong sương mù rét căm căm. Những chuyến đi, dù với mục đích gì, đều tạo ra sợi dây gắn bó vô hình với mảnh đất mình đi qua.
Có thể chúng ta sẽ phải trải qua những giây phút mệt mỏi trên đường dài, hay khoảnh khắc đáng sợ như cô gái Việt bị kẹt trong bão tuyết trên dãy Himalaya. Nhưng đổi lại sẽ là những trải nghiệm đáng nhớ và quan trọng hơn, là một con người trưởng thành.
Một nhà triết học cổ đại từng nói “thế giới là một cuốn sách, những người không du hành chỉ đọc duy nhất một trang”. Muốn hoàn thành cuốn sách vĩ đại đó, chúng ta phải đi khi còn có thể.

Nguồn: vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/