Thứ Năm, 5 tháng 6, 2014

KHI NGƯỜI TRẺ "MŨ NI CHE TAI"

Benjamin Ngô


Bên cạnh những bạn trẻ nhiệt huyết tham gia các phong trào hoạt động xã hội, từ thiện, vẫn còn đó một bộ phận giới trẻ đang "sống cho riêng em biết". Mối quan tâm cuộc sống của họ khá hạn hẹp, chủ yếu xoay quanh những nhu cầu giải trí cá nhân, thờ ơ trước nỗi đau của người khác và những chuyển biến của xã hội.

BÀNG QUANG TRƯỚC THỜI CUỘC
Bây giờ, dạo một vòng quanh mạng xã hội của những người trẻ, bạn sẽ thu lượm được gì ngoài những hình ảnh tự sướng với món ăn, hàng hiệu và cảnh đẹp? Với những người này, Facebook gần như là thước đo về mức độ sành điệu, chịu chơi của cá nhân. Hiếm khi thấy họ post những thông tin bày tỏ quan tâm về số phận những nạn nhân thiên tai hay mối bận tâm, nỗi khổ của những người đang sống gần họ.
Khi đồng bào miền Trung bị trận lũ tàn phá (2013) nhà báo Võ Đắc Danh đã post một status  trên trang cá nhân của anh thế này: "Tôi nghĩ chúng ta, cộng đồng mạng nên làm quốc tang 3 ngày cho đồng bào miền Trung chết vì thủy điện bằng cách không post lên Facebook những chuyện vui. Các bạn đồng ý không?". Lời kêu gọi của ông đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều người, song cũng có một số bạn trẻ không đồng tình vì theo họ, miền Trung năm nào chẳng có bão, lũ, trong lúc Facebook là chuyện cá nhân, người ta có chuyện vui thì đâu thể dừng post?

TỪ BÀNG QUAN ĐẾN VÔ CẢM
Bạn có tin là các thiết bị số hiện đại cũng khiến con người ngày càng sống bàng quan và vô tâm hơn? Tháng 10 - 2-13 một vụ án mạng hy hữu xảy ra trên một chuyến tàu điện ngầm tại San Francisco, Mỹ, khiến dư luận cảm thấy bất ngờ về những tình tiết diễn ra. Lợi dụng các hành khách đang đeo tai nghem chú tâm vào chiếc smartphone và máy tình bảng trên tay, Nikhom Thephakaysone , kẻ thủ ác đã vô cớ nổ súng bắn sinh viên Justin Valdez rồi tẩu thoát trong khi các hành khách đều không nhận ra. Cảnh sát đã thẩm vấn một số người đứng gần hung thủ nhưng họ không thể mô tả diện mạo của hắn. Vì hung thủ nổ súng trong lúc họ đang bận tâm nhắn tin hoặc lướt Facebook, nên không để ý chuyện gì đang diễn ra quanh mình.
Nói xa rồi lại nói gần, sự thờ ơ và thói vô cảm đã ăn sâu vào tiềm thức của một số người trong chúng ta mỗi khi bật TV thấy cảnh nước ngập mái nhà trong trận lụt miền Trung hoặc khi đi ngang những trẻ ăn xin trên đường phố. Trên Facebook một người bạn, chúng tôi đọc được status về chuyện người phụ nữ này chở con bằng xe máy trên đường Tân Kỳ Tân Qúy, thành phố HCM bị một tên cướp giật mất chiếc túi treo ở trước xe. Trong túi có toàn bộ giấy tờ tùy thân, tiến bạc, thẻ ngân hàng và chiếc laptop lưu trữ tài liệu quan trọng. Chị đã la hét cầu cứu nhưng những người qua đường đều tỏ vẻ dửng dưng, để tên cướp chạy mất. Khi kể lại sự việc trên mạng xã hội, chị tiếc của thì ít mà ngỡ ngàng trước sự vô cảm của hàng trăm người đi đường lúc chứng kiến tai nạn của mình thì nhiều.

HIỂM HỌA RÌNH RẬP TẤT CẢ
Theo nhà văn Lê Minh Khuê, thói thờ ơ vô cảm nhiễm vào tất cả chúng ta và trở thành một căn bệnh khó chữa. Từ bàng quan vô cảm đến nhẫn tâm chỉ cách nhau một sợi giây nhỏ bé mong manh, vô hình. Không ai biết rằng nó cũng là hiểm họa rình rập tất cả nếu một ngày xấu trời chúng ta lại trở thành nạn nhân và không nhận được sự quan tâm của người khác.
Nhà văn Lê Minh Khuê đặt vấn đề, lối sống của người Việt thời xưa có lê thê một chút nhưng khá hiền hòa và trọng tình. Ngày nay lối sống vô cảm chỉ biết lợi cho mình, xuề xòa vô trách nhiệm, có thể là hiểm họa tàn phá xã hội. Tuy có phần bi quan nhưng nữ nhà văn vẫn đặt  niềm tin vào số đông thế hệ trẻ không hề thờ ơ trước thời cuộc và biết sống vì người khác. Ví dụ, trong năm 2013, tại Hà Nội xả ra vụ một phụ nữ đi giải phẫu thẩm mỹ bị bác sĩ ném xác xuống sông Hồng. một thanh niên tình cờ thấy chiếc xe máy của nạn nhân bị vứt bên đường đã chủ động liên lạc với thân nhân người bị hại. Nếu không có lòng tốt, anh ta đã đi qua chiếc xe vô chủ đó hoặc tệ hơn, nổi lòng tham đem bán chiếc xe đó.
Từ vụ việc nêu trên, có thể thấy những người trẻ thường hành xử trong sáng vô tư. Chỉ khi sống trong môi trường ô nhiễm tinh thần, chứng kiến những việc làm tắc trách của người lớn, họ mới bị tác động và dần trở nên vô cảm.
Vậy làm thế nào để chúng ta bớt vô cảm và biết quan tâm đến người khác? Theo chúng tôi, không cần phải phát động những chương trình vận động, kêu gọi sáo rỗng. Chỉ cần mỗi người trong chúng ta biết ý thức hơn về những gì đang diễn ra và cải thiện hành vi của mình.
Bất cứ ai cũng làm được những việc nhỏ đơn giản  như không xả rác bừa bãi, tôn trọng luật giao thông, lên tiếng phản đối trước những chuyện xấu, cái ác, kêu gọ các thành viên mạng xã hội chia sẻ những điều tốt đẹp, có ý thức quan tâm đến đời sống xã hội ... Những điều đó chắc chắn sẽ góp phần cải thiện cộng đồng xã hội ngày một tốt đẹp hơn. 
Chúng tôi xin khép lại bài viết bằng một câu nói đáng suy ngẫm của nhà lãnh đạo Ấn Độ Mahatma Gandhi: "Be the change that you wish to see in the world" - Bạn phải là sự thay đổi mà bạn muốn thấy trong xã hội.

Không có nhận xét nào: