Dương Trung Quốc
Không cần thiết phải “thoát Trung”, mà phải biết cách để sống
cạnh Trung Hoa như thế nào.
Hỏi về xu hướng “Thoát Trung” mà gần đây có nhiều người bàn
đến, nhà nghiên cứu sử học Dương Trung Quốc cho rằng không thấy cần thiết đặt vấn
đề “thoát hay không thoát”mà phải nhận ra những quy luật để đạt được mục tiêu
giữ được tự chủ trong mối quan hệ quốc tế hiện đại.
Tự chủ được hiểu trong mối tương quan “liên lập”
(interdependence) chứ không đơn thuần chỉ là “độc lập” (independance) như xưa.
Trả lời phỏng vấn của VTC News, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc bày tỏ quan
điểm :
- Theo dõi những diễn biến vừa qua, có thể thấy việc TQ đưa
dàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam đã khiến chúng ta
“bừng tỉnh” về quan hệ với TQ?
Chữ “bừng tỉnh” trong trường hợp này gắn với một chi tiết
trong trả lời của Thủ tướng Chính phủ khi tỏ rõ quan điểm của chúng ta không
bao giờ đánh đổi chủ quyền quốc gia lấy những “hoà bình”, “hữu nghị” viển vông
! Câu trả lời là xác đáng và hợp lòng dân.
Nhưng phải nói rằng người dân Việt Nam nói chung đã trải qua
quá nhiều hy sinh, đau khổ vì chiến tranh rất mong muốn hoà hiếu, hoà bình, đặc
biệt là với nước láng giềng phương Bắc, rồi cũng có một thời mơ uớc đến một “xã
hội đại đồng”…
Nhưng dường như trong gien của người dân, truyền từ đời này
đến đời khác sự cảnh giác và ít mơ hồ hơn những người lãnh đạo thường dễ bị lạc
vào những lý tưởng tốt đẹp cao xa hoặc những lợi ích ngắn hạn và cục bộ. Chuyện
Mỵ Châu -Trọng Thuỷ, cái bi kịch của thời dựng nước có ai không nhớ?
Nhưng cái hiệu ứng bùng phát sau việc làm ngang ngược của
Trung Quốc dường như đã làm cho những quan điểm của người dân trở nên thuyết phục
làm cho “ý Đảng-lòng dân” bỗng trở nên nhất trí hơn về vấn đề này.
Tôi không biết, kể từ nay có ai nhắc đến “16 chữ Vàng”, “4 Tốt”
nữa không ? Đương nhiên, giữ cho Việt-Trung hoà hiếu vẫn là một mong muốn của
dân ta nhưng nó không thể như cũ được.
- Đến nay Trung Quốc vẫn luôn nói rằng họ là quốc gia đang
trỗi dậy và như nhà lãnh đạo cao nhất của họ còn khẳng định rằng họ không có
“gien” xâm lược và những gì Việt Nam đang làm là gây rối và làm xấu hình ảnh
Trung Quốc?
Nghiên cứu lịch sử nhân loại, ta thấy xa xưa đã từng có nhiều
nền văn minh lớn xuất hiện trong lịch sử từ thời cổ đại như Ai Cập, Hy Lạp và
La Mã, Ấn Độ… và đương nhiên có cả Trung Hoa. Nhưng nhìn chung các nền văn minh
ấy sau thời kỳ phát triển rực rỡ rồi lụi tàn, cho đến nay chỉ còn là dĩ vãng.
Tuy vậy, Trung Hoa liệu có phải là một ngoại lệ hay không
khi chúng ta nhớ lại điều Napoléon, Hoàng đế của nước Pháp, hơn hai thế kỷ trước
đã cảnh báo về “con sư tử Trung Hoa” một khi nó thức giấc.
Nước Trung Hoa hiện tại đang “trỗi dậy”, đúng là nó đang
vươn lên vị thế của một cường quốc, đóng một vai trò ngày càng quan trọng.
Liệu Trung Hoa có phải là trường hợp đầu tiên của một nền
văn minh cổ đại đã lấy lại vị thế của mình ở thời đương đại hay không? Câu trả
lời còn cần thêm thời gian, nhưng ta đã sớm thấy một sự thật: Trung Quốc trở
thành một cường quốc, nhưng dường như nó vẫn tư duy như hệt thời cổ đại bởi một
tham vọng bá chủ bằng sự bành trướng dựa trên sức mạnh và ý chí của đấng “thiên
tử” chứ không bằng những giá trị của thời đại ngày nay.
Họ vẫn tư duy của như ở thế kỷ XIX trở về trước mà có người
đã nhắc đến: chính sách “ngoại giao pháo hạm”.
Những gì diễn ra trên Biển Hoa Đông rồi Biển Đông, nhất là vụ
đặt dàn khoan “khủng” một cách trắng trợn và ngang ngược sâu trong vùng đặc quyền
kinh tế của Việt Nam làm cho thế giới phải giật mình với những yêu sách mà sự
phi lý của nó đôi khi làm người ta mất cảnh giác, ví như đường “lưỡi bò” lúc
thì 11,10 rồi 9 đoạn trên Biển Đông được Trung Quốc tự ý vạch ra bất chấp mọi
luật pháp mà quốc tế đã xác lập và chính Trung Quốc đã cam kết tham gia (Công ước
Quốc tế về Luật biển – 1982).
- Câu chuyện Biển Đông không chỉ là với Việt Nam, thế giới
phải sớm đặt câu hỏi sau Việt Nam, Philippines… ai sẽ là đối tượng tiếp theo
trên con đường bành trướng được gọi là “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc?
Việc bộc lộ tham vọng bá chủ của mình quá sớm, khiến cho những
gì diễn ra trên Biển Đông kể từ đầu tháng 5 vừa rồi lại là một sự may mắn hiểu
theo nghĩa một cơ hội để thế giới nhận diện bản chất hay nguy cơ từ một “nước
Trung Hoa trỗi dậy”.
Vì thế, việc chúng ta đang làm ngoài Biển Đông trước hết là
vì lợi ích chính đáng của dân tộc mình nhưng rõ ràng là không chỉ vì
mình. Hơn bao giờ hết, lúc này chúng ta có thể liên tưởng đến sự kiện 35 năm về
trước khi chúng ta phải đối phó với hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía
Tây Nam và phía Bắc (1979).
Để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình, chúng ta đã thực sự gần
như một mình phải đương đầu với chế độ diệt chủng của Tập đoàn Polpot ở
Campuchia.
Bây giờ người ta mang Polpot ra xử án mà quên nói đến ai đã ủng
hộ khích lệ Polpot và ai đã góp phần xương máu cùng nhân dân Campuchia tiêu diệt
tập đoàn tội ác này.
- Như thế cũng có nghĩa “thoát Trung” vừa là một nhu cầu vừa
là một cơ hội?
Có một yếu tố tác động vào mỗi dân tộc tồn tại trên hành
tinh này như một nhân tố không thể lựa chọn hay định đoạt và đôi khi nó như định
mệnh. Đó là vị trí địa lý. Núi liền núi, sông liền sông và biển liền biển với
nước Trung Quốc ngày nay và của các đế chế từng tồn tại trên lãnh thổ quốc gia ấy
trong quá khứ.
Đúng là có một thời gian dài cả ngàn năm chúng ta bị đô hộ bởi
các đế chế phương Bắc, nhưng từ khi chúng ta thực sự dành được tự chủ (với chiến
thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền năm 938) thì các triều đại cũng chính là Tổ tiên
chúng ta luôn quan tâm đến “cách sống” bên cạnh Trung Hoa.
Ban đầu là chỉ thấy đó là một đế chế đe doạ nền tự chủ của
mình, nhưng rồi từng bước nhận ra Trung Hoa còn là một nền văn minh có thể học
hỏi được.
Nhìn lại lịch sử, dân tộc ta ban đầu bị “cưỡng bức hội
nhập” với Trung Quốc bởi một cuộc xâm lăng và đô hộ hơn một thiên niên kỷ.
Trong bối cảnh ấy, ngoài các cuộc nổi dậy chống ách đô hộ với
một ý chí kiên cường, Tổ tiên chúng ta vừa gồng mình chống lại âm mưu đồng hoá
của phương Bắc vừa tìm cách “chủ động hội nhập” với những nhân tố
“phi Trung Hoa”, đó là Đạo Phật gốc gác từ nền văn minh Ấn Độ, rồi sau này cùng
với quá trình Nam Tiến là gắn kết với các nền văn minh bản địa ở các vùng đất mới,
cũng chính là tiến trình gắn kết với văn minh Đông Nam Á.
Khi đã trưởng thành, triều Lý còn “chủ động hội nhập” với
văn minh Trung Hoa khi lập Văn Miếu (thờ Khổng Tử) hay chấp nhận lấy chữ Hán
làm ngôn ngữ viết chính thức để đào tạo và thi cử (Quốc Tử giám) .
Nhưng, vấn đề là: trong khi thượng tầng chúng ta tiếp nhận
những cái hay của Trung Hoa để bằng chữ Hán ấy viết nên câu “Nam Quốc sơn hà
Nam Đế cư”… và đào tạo ra những Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn…
Nhưng điều quyết định là cái nền tảng của Dân tộc thì luôn
được gìn giữ và bồi đắp: ta viết chữ Hán nhưng vẫn nói tiếng Nam, rồi từng bước
sáng tạo ra chữ Nôm, khi tiếp cận tới văn minh Tây phương thì tiếp nhận rồi
sáng tạo ra chữ quốc ngữ như hiện tại…
Và đặc biệt là sự duy trì một cách bền vững các tế bào làng
xã khiến sự chấp nhận một số giá trị Trung Hoa mà không khi nào làm chúng ta mất
gốc. Như ở thượng tầng chúng ta thấy có triều đại nào không nhận sắc
phong của Trung Hoa, nhưng chưa một lần nào người đứng đầu triều đình Việt Nam
bước chân qua biên giới sang Trung Hoa chầu phục và chỉ nhận sắc phong trên đất
nước mình (trừ Lê Chiêu Thống) .
Đôi khi chúng ta chấp nhận sự lệ thuộc hình thức nhưng không
thoả hiệp chủ quyền quốc gia. Đó là cách ưng xử khôn ngoan của ông cha ta trong
thời đại mà có thể nói chúng ta không có nhiều lựa chọn.
Đương nhiên từ những thế kỷ về sau, đặc biệt là từ thế kỷ
XIX chúng ta có nhiều sự lựa chọn hơn, cơ hội nhiều hơn nhưng thách thức cũng
nhiều hơn.
Đây là câu chuyên dài, thật khó có thể nói đến việc “thoát”
cái này để nhập vào cách khác. Tôi nghĩ nhiều hơn đến việc tìm một cách tồn tại
thích hợp với thời đại ngày nay, với những giá trị đã được thế giới hiện đại
xác lập.
Đừng tự biệt lập mình với thế giới hiện đại bằng những “đặc
thù” không đáng có nhân danh tinh thần “tự chủ”, nói cách khác là lệ thuộc vào
những cái cũ kỹ. Trước tiên phải tìm cách thoát khỏi những lệ thuộc về tư tưởng
của chính mình.
- Ông có thể nói cụ thể hơn?
Không khí lúc này khiến chúng ta nghĩ nhiều đến truyền thống
chống ngoại xâm của ông cha chúng ta. Truyền thống ấy rất đáng tự hào nhưng điều
cần nói hơn là bản lĩnh biết cách sống chung với người láng giềng khổng lồ chứa
đựng cả thách thức và cơ hội trong suốt lịch sử.
Cứ cộng cả lại thì thời gian tiến hành các cuộc chiến
tranh vệ quốc hay giải phóng chỉ là những khoảnh khắc rất ngắn của lịch sử, vẻ
vang nhưng đầy hy sinh gian khổ.
Cái thành tựu quan trọng nhất, đáng học hỏi hơn cả là trải
qua cả nghìn năm tự chủ chúng ta vẫn giữ được nền tự chủ, sự phát triển và cả sự
hoà hiếu.
Người anh hùng Lê Lợi đánh đuổi được giặc Minh cả bằng cả sức
mạnh quân sự nhưng vẫn đề cao nguyên lý “lấy nhân nghĩa thăng hung tàn, lấy chí
nhân thay cường bạo”, đánh tan tác quân giặc ở Chi Lăng, Xương Giang nhưng lại
dùng “tâm công” giải phóng Thăng Long, cùng tướng giặc tổ chức hội thể “không đụng
binh đao”, rồi (như cách nói đương đại) “trải thảm đỏ” cho đạo quân chiếm đóng
về nước…
Vì thế triều Lê duy trì được ba thế kỷ rưỡi không có chiến
tranh với phương Bắc và đó cũng là thời gian Dân tộc chúng ta có những bước trưởng
thành vượt bậc kể cả vươn ra Biển Đông…
Còn, trong lịch sử hiện đại, chúng ta mới thực sự có quan hệ
với Trung Quốc từ năm 1949 mà đã trải qua mọi cung bậc “bạn-thù” tốn biết bao
xương máu. So sánh có thể là khập khiễng những chúng ta còn phải học hỏi tiền
nhân nhiều hơn nữa .
Chứng kiến những gì Chính phủ làm và nói kể từ khi Trung Quốc
đặt giàn khoan, chúng ta đánh giá tích cực và nhân dân đã bày tỏ sự hậu thuẫn mạnh
mẽ. Nhưng ngẫm cho kỹ thì giữ nước không chỉ bằng ứng phó mà phải xây dựng được
nền tảng vững chắc.
Chỉ cần đặt ra câu hỏi: nếu bao lâu nay ta thực hiện tốt và
đúng những gì Chiến lược Biển mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra từ lâu, nếu
chúng ta quản lý tốt không để những Vinashin, Vinalines đổ vỡ, nếu chúng ta thực
hiện tốt chương trình hỗ trợ cho ngư dân đánh bắt xa bờ…; nếu chúng ta không để
tình trang cho thuê rừng, biển, đất đai diễn ra một cách sơ hở, quản lý nhân
công người nước ngoài một cách lỏng lẻo, tổ chức đấu thầu ít hiệu quả… thì chắc
chúng ta không rơi vào những mối lo lắng như hiện tại, cuộc đấu tranh trên Biển
Đông chắc sẽ bớt khắc nghiệt hơn…? Do vậy, đây là cơ hội trước tiên ta phải tự
điều chỉnh mình, ngay cả những gì lâu nay chúng ta tưởng nhỏ.
Ví như, hàng ngàn năm có quan hệ và tiếp nhận ảnh hưởng tích
cực của văn hoá Trung Hoa, có bao giờ chúng ta thấy biểu tượng “con sư tử Tàu”
lọt vào chùa chiền, làng xã Việt Nam, chỉ thấy ở các chùa hay hội quán của người
Hoa trên đất nước ta.
Bây giờ thì tràn lan có ở khắp nơi. Lần tôi ra Trường Sa
(2010), trong khi đài tưởng niệm liệt sĩ đang xây thì đã thấy 2 sư tử Tàu lù lù
đặt sẵn, hỏi ra là có vị quan chức ở đất liền gửi ra cúng tiến (!?), tôi và Kiến
trúc sư Hoàng Đạo Kính giải thích thì nó mới được đóng thùng trả lại đất liền…
Nhưng đến nay ta thấy nó tràn lan ngay cả trong công sở của
nhà nước. Điều đó cho thấy không phải chỉ là mất cảnh giác mà mất đi cái “kháng
thể” rất tinh tế mà ông cha ta đã gây dựng và truyền trao qua biết bao thế hệ…
Nói như vậy có phải là kỳ thị không? Ông cha ta ứng xử với
Phương Bắc rất đàng hoàng và thiện chí nhưng minh bạch và sáng suốt. Hồi nhà
Thanh lật đổ nhà Minh, trước trào lưu di tản của một số cộng đồng người Hoa,
các Chúa Nguyễn sẵn lòng tiếp nhận để họ khai khẩn đất đai và trở thành một bộ
phận trong cộng đồng quốc gia Đại Việt.
Những người Hoa vì hoàn cảnh di dân sang nước ta, dân ta gọi
là “Khách”, rất trân trọng đối với những giá trị tích cực tốt đẹp đóng góp vào
xã hội ta nhưng không bao giờ lẫn lộn giữa “khách” với “chủ”…
Những bằng chứng cho thấy thời điểm này chính là một cơ hội
để chúng ta trước tiên phải thoát ra khỏi những ấu trĩ để học tập sự khôn ngoan
của Tổ tiên chúng ta và học hỏi những giá trị đã trở thành phổ quát của thời đại..
Chúng ta không liên minh với ai để chống Trung Quốc nhưng
chúng ta sẽ liên minh với tất cả những ai ủng hộ để bảo vệ chủ quyền quốc gia của
mình.
(Theo VTC)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét