Căn nhà trở nên u tịch, mọi tiếng thở đều nhẹ nhàng và những tiếng khóc nức
nở của con cháu tiếc thương người ông qua đời trong chóng
vánh. Tôi lặng người trong niềm thương tiếc vô vàn. Người ông của tôi đã vĩnh
viễn rời xa tôi, chôn chặt mối tình không phai với người tình trăm năm của
mình. Một mối tình già thắm đượm keo sơn và là niềm tự hào trong tôi về hai
người thân quá cố đáng kính.
Bốn năm trôi qua, nhưng những ký ức vẫn mãi sống động trong tôi, ông tôi đã
tạm biệt con cháu để đi về với bà sau 70 năm chìm nổi trong kiếp con người. Ông
ra đi nhẹ nhàng và vội vã đến mức chỉ có cô tôi kịp đến bên ông trong những
giây phút đó. Cô bảo: “Ông mất nhưng vẫn bình thản như người đang
ngủ, có lẽ ông thấy bà đang chào đón ông ở bên kia cánh cửa cuộc đời”.
Ông bà đến với nhau khi còn tuổi hoa niên, cái thời mà “nữ thập tam,
nam thập tứ” là có thể đến với nhau. Ông luôn dành trọn cho bà những
điều đẹp nhất. Tôi chưa bao giờ thấy một nét mặt cáu gắt trên mặt ông khi trò
chuyện cùng bà. Ông hiền từ, dáng người cao và điển trai. Bà thì nhanh nhẹn
tháo vát trong buôn bán và vô tình trở thành người trụ cột tài chính trong gia
đình. Ông luôn là cây tùng cho bà mỗi khi có việc hữu sự. Những khi trở trời,
cơn bệnh hoành hành bà, cũng là những lúc ông đau đáu ánh mắt thân thương về
tình trăm năm. Ông bảo: “bà mày hay la thế, nhưng tính tình thì hiền hòa
hơn cả ông đấy. Cuộc sống nổi trôi và va chạm nên bà mày đăm ra hay cáu gắt
thế. Con cháu phải thương bà nhiều hơn bởi bà lắm thiệt thòi. Ông thì sống đơn
giản nên cũng là điều khó cho bà trong cuộc sống điên đảo này”.
Bà không biểu hiện tình cảm rõ như ông, nhưng chúng tôi biết, bà thật sự sâu
sắc và chu đáo. Ông luôn là người được “cưng” nhất nhà, nhất nhất những hành
động của ông đều có bà chu toàn lo lắng. Tôi còn nhớ những khi đi đám tiệc cùng
ông, hai ông cháu không phải lo lắng nhiều chỉ mỗi phận sự là cưỡi con Honda 50
bay thẳng đến nơi. Mọi thứ quà tặng đã sẵn sàng tận nơi, câu chào đầu tiên của
người thân luôn là: “Bác Năm thật chu đáo, quà lúc nào cũng đến trước
người”.
Tôi vẫn nhớ như in 4 năm trước, khi bà mất, một người vốn nối tiếng là cứng
rắn cương nghị đã òa khóc như 1 đứa trẻ. Thật khó có từ nào diễn tả được nỗi
đau của ông, nhưng tôi hiểu được lúc đó ông đang phải chịu đựng 1 điều kinh
khủng nhất cuộc đời mình. Từ khi bà mất, ông gầy guộc người đi, mặt thỏm giữa
mái tóc bạc phơ và ánh mắt luôn đăm đắm tận chân trời xa tít. Ắt hẳn, nơi xa
xăm ấy ngự trị một tình yêu vĩnh cửu cả một đời người.
Sau khi ông đã mồ yên mả đẹp, mọi người kéo nhau về nhà, trải chiếu nằm dài
bên hiên, cái hiên mà bố tôi và các bác các cô đã nằm từ khi mới ra đời, nay
tóc ai cũng điểm sương, đa phần đã thành ông thành bà. Tất cả ngồi ôn lại
chuyện xưa, ôn lại những mùa lụt lội, ôn lại những tiếng kẽo kẹt của chiếc võng
thừng mắc chéo nhà đã ru bố và ru cả tôi trong những giấc ngủ trưa. Rồi đâu là
những cánh cửa ông đã đóng và che chở cho cả nhà trong những ngày gió bấc. Đâu
là cái xà nhà ông hay cài chiếc rìu đẽo cầy sắc bén, vật dụng đã khiến ông nổi
tiếng khắp vùng với những bộ bàn ghế tuyệt đẹp và vững chắc cho bao nhiêu gia
đình trong sớm.
Chỗ nào cũng là kỷ niệm, có những chuyện anh em tôi còn biết, còn bọn chắt
đầu thắt khăn vàng hay bọn cháu nhỏ tuổi thì chưa biết bao giờ, cứ tròn mắt mà
nghe như những câu chuyện cổ tích vậy, dường như hình ảnh ông bà có ở khắp nơi
từ trong nhà cho đến chiếc lan can để ngăn trẻ con trong nhà không ra ngoài
chơi và cũng là vách ngăn “ngoại bất nhập” của lũ trẻ con trong xóm quấy phá.
Từ trò chơi đánh trận của con trẻ bị ông mắng cho đến những giấc ngủ đêm hè
được bà quạt cho ngủ. Mọi người vừa cười vừa khóc, chốc chốc lại có 1 người vào
thắp một nén hương cho ông.
Những kỷ niệm về ông bà đã theo anh, em chúng tôi đi khắp bao nẻo đường.
Chúng tôi dần khôn lớn, anh, chị tôi giờ đã làm bố, mẹ, tôi cũng đủ lớn để tự
lập và bươn trải. Theo quy luật tạo hoá, ông bà lại mất đi. Ông bà đã hoá thân
vào tất cả những điều gắn với nơi chôn nhau cắt rốn, từ hàng bông giấy trước
hiên, từ những câu chuyện thuở ấu thơ, từ tình yêu của hai mái đầu bạc…. Hàng
bao nhiêu thứ nữa vẫn nằm trong miền ký ức của chúng tôi mà dường như mới xảy
ra hôm qua.
Giờ đây quê nội cũng chính là ông bà, và ông bà cũng chính là quê nội. Đôi
khi đi qua cánh đồng lúa chín, ngửi mùi hương lúa chín hay mùi rơm rạ bị đốt
cũng nhớ tới quê nội, cũng nhớ tới ông bà. Nhìn một hàng dâm bụt, một dãy bông
giấy, một khoảng sân rộng, nhìn những làn khói bánh tét ngày tết về cũng nhớ
tới ông bà…
Thế hệ này sinh ra và khôn lớn cũng là lúc thế hệ kia hoá thân thành huyền
thoại, đời này tiếp nối đời khác như dòng sông vẫn chảy qua quê nội chưa bao
giờ đứt đoạn hay ngừng lại để bồi đắp nên những miền trù phú trải dài như tới
tận vô cùng…Tôi biết ở đó, có cả mối tình già bất tận của ông bà tôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét