Thứ Bảy, 7 tháng 6, 2014

NHU CẦU ĐƯỢC THỰC SỰ LẮNG NGHE

hoahongbach



Có một câu chuyện vui kể rằng: có hai vị bác sĩ tâm lý từng học cùng trường mới gặp lại nhau sau nhiều năm. Một người có vẻ rất vui tươi và hăng hái, trông anh ta cũng trẻ hơn tuổi thật. Người kia thì trông mệt mỏi, chán nản và già hơn hẳn.
- Bí mật của cậu là gì vậy? – Vị bác sĩ trông mệt mỏi hỏi – Việc hằng ngày cứ phải lắng nghe những vấn đề của người khác, suốt cả ngày, nhiều năm liên tiếp, đã khiến mình không còn sức lực và năng lượng nữa.
Vị bác sĩ trông khỏe mạnh đáp:
- Ôi chà, ai mà thèm thực sự lắng nghe họ chứ?
Thật không may, đây thường xuyên là một vấn đề với hầu như tất cả chúng ta. Ai mà lắng nghe chứ? Ý tôi là...THỰC SỰ lắng nghe ấy.
Tôi cũng từng đọc câu chuyện do một người phụ nữ ở New York kể lại, trong đó viết rằng, Joe – một sinh viên ngành điện trẻ tuổi, đã tới một thành phố mới gặp thiên tai gây ra nhiều thiệt hại và mất mát. Cậu muốn tình nguyện dành thời gian của mình để giúp đỡ nhưng khi cậu đến nơi thì người ta bảo rằng kỹ năng của cậu chưa được cần đến.
Thế nhưng, hóa ra Joe đã có thể giúp đỡ theo một cách là cậu không bao giờ đoán trước được. Khi Joe lên tàu về nhà, cậu ngồi đối diện với người lính cứu hỏa trông thực sự kiệt sức. Người này cũng đang trên đường trở về nhà sau khi đóng góp sức mình ở nơi xảy ra thảm họa đó. Trên người anh ấy còn đầy bụi bặm. Joe nhìn những mẩu đá vụn trên mái tóc người lính cứu hỏa ấy và thấy tay anh rớm máu, nhưng điều làm cho Joe lo lắng hơn cả chính là ánh mắt của anh ta. Đó...là một đôi mắt nhưng trong đôi mắt ấy, Joe cảm nhận được một sự sống muốn khép lại như ngọn lửa dần bị dập tắt.
Thế rồi, người lính cứu hỏa ấy bắt đầu nói, dù rằng vẫn đang trong tâm trạng rất choáng váng và Joe bắt đầu lắng nghe anh ta. Joe nhanh chóng quên đi nỗi thất vọng của mình vì không được tham gia tình nguyện như dự định, bởi Joe chăm chú lắng nghe câu chuyện khủng khiếp mà người lính ấy kể lại.
Anh ấy đã kể về việc cố gắng cứu nạn nhân ra khỏi đống đổ nát nhưng khi kéo được họ ra thì nhiều người đã chết. Joe lắng nghe. Anh ấy nói về việc phải lau sạch đất bụi trên gương mặt của những nạn nhân để rồi nhận ra rằng, nhiều người còn quá trẻ mà đã phải ra đi. Joe tiếp tục lắng nghe mà không xen vào câu chuyện. Joe cũng không tỏ vẻ ghê sợ, không phán xét và cũng chẳng ngắt lời. Chỉ lắng nghe mà thôi!
Joe vẫn lắng nghe khi người lính cứu hỏa bật khóc, kể về những nạn nhân ở khắp mọi nơi và về việc anh ấy nhặt được những chiếc giày...rất nhiều giày, anh ấy nói như vậy, cả của trẻ con lẫn người lớn. Ở tất cả mọi nơi...toàn là những chiếc giày mà không biết chủ nhân đã ở đâu và còn sống hay đã chết?
Trên suốt chuyến tàu, Joe im lắng nhìn người lính cứu hỏa và lắng nghe – đó chính xác là điều người lính này cần vào khoảnh khắc ấy. Và...cũng bởi vì Joe lắng nghe, nên anh ấy vẫn tiếp tục nói. Nói về nỗi đau, về trải nghiệm khiến anh thực sự bị ám ảnh. Trong cuộc nói chuyện với một người xa lạ, anh có thể sắp xếp lại suy nghĩ của mình, cố gắng hàn gắn lại thế giới của mình, cố gắng hiểu được những rắc rối xảy ra. Và Joe, ít nhất trong lúc đó, đã giúp người lính này mang bớt gánh nặng tưởng chừng quá sức.
Ngày hôm đó, Joe cũng đã không hiến máu, cũng không dùng được kỹ năng sửa điện của mình, nhưng cậu đã làm một trong những điều quan trọng nhất mà một con người có thể làm cho người khác. Cậu đã trao toàn bộ sự quan tâm của mình cho một người đàn ông đang bị shock, đang rất nản lòng và dường như suy sụp, do đó, theo một cách dù rất đơn giản nhưng rất nghiêm túc, cậu đã giúp đỡ vào công việc hàn gắn những vết thương.
Một diễn giả đã từng nói: “điều con người thực sự cần là được lắng nghe thật tốt”. Việc này không phải lúc nào cũng dễ. Và đôi khi, việc này có thể cũng chẳng vui gì. Thực tế, lắng nghe người khác thật kỹ, thật tập trung, thường là một công việc khó khăn. Nhưng từ ngày này qua ngày khác, việc thực sự lắng nghe có thể là một trong những cách quan trọng nhất mà chúng ta dành thời gian cho người khác, và cũng giúp chúng ta vừa ý nhất.
Thật vậy, điều chúng ta rất cần trong cuộc sống chính là được ai đó thực sự lắng nghe.

Không có nhận xét nào: