Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014

TẤM CHĂN GÓI TRỌN TÌNH THƯƠNG

Vương Học Dân

Ở một ngôi làng nọ, người ta phát hiện có một hài nhi vừa mới chào đời bị cha mẹ bỏ rơi bên kia chiếc cầu của làng quê. May mắn thay, cô bé được chú Vương, một người đàn ông ngoài tứ tuần, đem về nuôi. Chú ấy là người độc thân và là một người nghĩa hiệp trong làng. Hằng ngày, chú Vương mang gạo đi xay rồi nấu cháo cho cô bé ăn, ru cô ngủ, may tả lót cho cô. Đến tuổi tập đi tập nói, chú Vương dạy cô bé gọi “cha”. Lần đầu tiên, khi cô bé nói được tiếng “cha”, chú Vương vui sướng nhấc bổng, đội cô bé lên đầu, và muốn khoe với tất cả mọi người trong làng về tiểu tiên nữ của chú.
Nhớ những ngày đầu đón cô bé về ở cùng, bé rất ốm yếu, khóc không ngớt, chú Vương phải bế cô bé đến những nhà vừa mới sanh con để hỏi thăm kinh nghiệm nuôi trẻ. Cứ mỗi buổi chiều, mọi người lại nhìn thấy chú Vương ngồi giặt cả đống tả bên bờ sông. Những lúc bận việc đồng áng, chú để cô bé vào trong cái thúng, đặt trên bờ ruộng. Chú thì gặt lúa, còn cô bé thì ngồi chơi trong thúng. Có lúc bé ăn cả bùn đất, có lúc lại bứt cỏ chơi, mặt mũi tay chân đều lem luốc. Chú Vương không rời mắt khỏi cô bé và mỗi lần ngoảnh đầu nhìn con, chú lại cười phá lên!
Cô bé mỗi ngày càng thêm khôn lớn, tuy hơi gầy nhưng mạnh khỏe và rất ít đau ốm. Chú Vương đặt tên cho cô bé là Vương Thủy Tiên. Lúc Thủy Tiên lên năm, chính tay chú Vương tự khâu may áo quần cho cô bé mặc. Vừa mặc quần áo cho con vừa cười ha ha, chú Vương nói : “Cô nương nhà ta lớn rồi, suốt ngày trần trụi thì kỳ lắm đấy!”.
 Lúc Thủy Tiên lên bảy, những đứa bé cùng trang lứa với Thủy Tiên đều bắt đầu cắp sách đến trường. Nhìn cảnh ấy, chú Vương cũng rất nôn nóng. Thế rồi, chú bắt đầu đi làm thuê, làm mướn thêm, dành dụm được chút ít tiền công nhỏ nhoi cho Thủy Tiên đi học. Khoảng một năm sau, chú Vương đưa Thủy Tiên đến trường tiểu học. Nghĩ đến sau này con học lên cao thì học phí sẽ tăng, nên chú Vương tìm việc làm thêm. Chú cùng các thanh niên trong làng lên núi chặt cây, đốn củi đốt than. Trông thấy chú Vương khuân vác cây to nặng từ từ xuống núi, mọi người trong đoàn đều bảo: “Con gái anh, biết chữ hay không biết chữ, hai việc này có gì khác nhau đâu, anh cần gì phải liều mạng như thế?”. Chú Vương không đáp và làm việc chăm chỉ hơn. Vách núi triền dốc nguy hiểm, nếu một chút bất cẩn thì có thể ngã té gây thương tích, thế mà chú ấy chưa từng bỏ công việc, dù chỉ một ngày.
Thế rồi mùa đông trôi qua, chú Vương bán than được tổng cộng hơn tám trăm ngàn, đủ học phí hai năm cho Thủy Tiên. Chú Vương cảm thấy từ khi có con gái, cuộc sống bỗng nhiên có sự mong cầu, suy tính. Chú dự tính cho con vào trường trung học của thị xã, được như vậy chú cũng hãnh diện với mọi người.
Thành tích học tập của Thủy Tiên quả nhiên rất tốt, văn và toán mỗi kỳ đều đạt điểm tối đa. Vì để đủ tiền cho con lên trung học cơ sở, chú Vương vẫn thường lên núi. Một hôm, lúc đang đốn củi, chú bị ngã té nhào. Dân làng đưa chú ấy đến sở y tế. Bác sĩ nói: “Không sao đâu, chưa bị gãy xương”. Lúc đó, mọi người bảo chú Vương nên đến bệnh viện trên thị trấn khám thử xem, chú kiên quyết không đi. Hơn ba tháng nằm ở nhà, chú Vương nghĩ rằng cũng có thể đi lại được, dù đi lại chưa vững vàng. Trong ba tháng này, Thủy Tiên bỏ học trở về nhà nấu cơm cho cha ăn, chẻ củi nhóm lửa, giặt áo quần cho cha, giống y như một tay thành thạo công việc nội trợ. Lúc đó, cô mới mười một tuổi. Có lẽ cuộc sống gian khổ và gia cảnh khó khăn khiến cô bé trưởng thành rất sớm.
Năm thứ hai, Thủy Tiên thi đậu trường trung học cơ sở trên thị trấn. Sợ con lạnh, dù trong nhà chỉ có chiếc giường và tấm chăn, chú Vương liền xếp tấm chăn để vào trong túi da rắn, mang đến trường cho con gái. Sau khi chú Vương ra về, Thủy Tiên không vui, cô chỉ muốn đem tấm chăn vứt ra ngoài. Mỗi khi nhìn những cô gái cùng phòng, chăn của họ bằng sa tanh, cùng với chiếc giường hoàn toàn mới đẹp và có hoa văn, còn của cô, chỉ là một tấm chăn bị rách và đã ngã màu, trên mặt chăn thì toàn màu đỏ, màu xanh. Trong lòng cảm thấy buồn chán, Thủy Tiên chẳng thèm nhớ nghĩ đến người cha ở quê nhà đang phải chịu bao giá lạnh, lại còn bướng bỉnh và nghĩ rằng thà chết cũng không lấy chiếc chăn xấu xí kia đắp. Nhưng đêm đó quả thực rất lạnh, nên cô bé đành đem chiếc chăn ấy ra đắp mà ấm ức trong lòng.
Trong lớp, Thủy Tiên là một học sinh sống hoàn toàn tách biệt với bạn bè. Nhưng cô vẫn luôn học giỏi, đứng nhất lớp, nên không có người nào dám coi thường. Vậy mà không ai biết, ước mơ kỳ thực của cô không phải là muốn trở thành cô giáo hay nghĩ đến những con điểm tối đa khiến mọi người khen ngợi, mà là cô ước mơ có một chiếc giường đẹp, có được tấm chăn mới.
Một ngày của năm thứ hai, cha cô bỗng nhiên tìm đến trường, theo sau ông là một cặp vợ chồng. Người vợ nói: “Vừa nhìn thấy nó em cảm thấy nó là …”. Hai người vừa sờ mặt Thủy Tiên vừa quan sát. Cô bé nhận ra cha cô đang lo lắng không yên, bất chợt cô hiểu ra sự việc.
Ông Vương đi đến sửa lại trang phục cho Thủy Tiên rồi buồn bã nói: “Không phải cha không cần con nữa, nhưng đây là cha mẹ ruột của con. Nhà họ có điều kiện tốt hơn cha, con đi với họ, sau này còn có thể học tiếp lên đại học…”. Thủy Tiên hoang mang thật sự. Lúc đó, hai vợ chồng ấy đưa cho ông Vương hai mươi ngàn đồng, nhưng ông chối từ. Thủy Tiên thậm chí còn chưa kịp về thăm quê một chuyến, thì ba mẹ ruột đã đưa cô về nhà họ rồi. Cô từ trước đến giờ chưa từng thấy qua ngôi nhà nguy nga tráng lệ như vậy. Giờ đây, cô có một gian phòng riêng, một chiếc giường riêng, trên giường là tấm chăn và vỏ chăn với màu sắc đẹp đẽ. Cô thử cắn ngón tay của mình và biết đây không phải là giấc mộng.
Cô nghe theo lời dạy, đổi cách xưng hô gọi họ bằng cha mẹ. Ở trước mặt họ khi nhắc đến cha nuôi, cô thông minh gọi là Vương thúc thúc. Tên của cô cũng đổi thành Lý Sở Sở. Cô được họ đưa đến học trường tốt nhất ở trong thành phố. Phòng cô có một sân thượng nhỏ, có chiếc đàn dương cầm và máy vi tính. Cha mẹ cho cô tiền tiêu vặt, còn chút ít tiền thừa, cô cũng đưa lại cho họ. Cuộc sống cứ thế trôi qua. Tuy Thủy Tiên không muốn trở về thăm làng, nhưng cô luôn nhớ đến ông Vương: “Không biết mùa đông, ông có tấm chăn để giữ ấm không nữa?”
Mỗi lần đến dịp nghỉ lễ, cô liền trở về làng thăm ông Vương. Những lần như thế đều khiến cả làng xôn xao bàn tán. Lúc cô đi, bao giờ ông Vương cũng đưa cô đến tận đầu làng. Nhìn hình bóng lưng còm gối mỏi của ông khuất dần trong chiều tà, trong lòng Thủy Tiên cảm thấy vô cùng thương xót.
Cha mẹ kể cho cô nghe, lúc họ chưa kết hôn, họ đã sanh ra cô. Không còn cách nào khác, họ đem cô bỏ bên kia cầu của làng quê. Sau đó rất lâu hai người mới được kết hôn, tuy nhiên họ không thể có con được nữa. Cha mẹ có phải là thân sanh của Thủy Tiên hay không, từ trước đến giờ họ cũng chưa từng hoài nghi điều này. Cho đến một ngày, cha mẹ dẫn cô đi tiêm vắc-xin phòng bệnh. Lúc kiểm tra kháng thể viêm gan, luôn tiện họ muốn kiểm tra nhóm máu của Thủy Tiên. Sau khi có được kết quả, hai vợ chồng đều sững sờ, thì ra cô bé vốn không phải là con của họ. Lúc này, Thủy Tiên đã được mười lăm tuổi. Hai vợ chồng bàn tính suốt đêm, quyết định không đem tin này nói cho Thủy Tiên nghe. Họ nuôi dưỡng cô được hai năm. Trong thời gian ấy họ tự nhủ rằng: dù cho là con vật mình yêu quý cũng có cảm tình, hà huống là một đứa trẻ khôn ngoan, lanh lợi, vả lại con gái ruột của họ cũng cùng chung số khổ như Thủy Tiên. Nhưng hai vợ chồng đối với cô bé đã có phần lạnh nhạt.
Dần dần, Thủy Tiên có cảm giác mình không được thừa nhận, thêm vào đó là sự khắc khổ trong học hành. Sau khi đi học về, cô phải nấu cơm, rửa chén, vậy mà vẫn chưa thể làm cho cha mẹ vừa lòng. Họ mắng cô ăn cơm phát ra tiếng, mắng cô không nhã nhặn khi có khách đến chơi, mắng cô làm công việc chậm chạp, rề rà.
Cô bắt đầu nhớ đến cha nuôi của mình nhiều hơn nữa. Tuy gia đình nghèo khổ, nhưng cha nuôi chưa bao giờ mắng mỏ hay chối bỏ cô. Lúc cô mười tuổi, còn tè dầm trên giường, cha nuôi cũng không hề lớn tiếng với cô một câu.
Lên học cấp ba, một ngày, Thủy Tiên đột nhiên ngất xỉu. Sau đó, cô được thầy giáo đưa đến bệnh viện. Cha mẹ cô vội vã chạy đến và họ được thông báo: bên trong não cô có khối u lớn, cần phải tiến hành phẫu thuật sớm.  Cha mẹ không nói cho cô biết về bệnh trạng của cô. Họ âm thầm bàn tán cho cô xuất viện, lặng lẽ đưa cô trở về làng cũ và tìm đến nhà ông Vương. Cha nuôi cô không nói lời nào, liền đưa cô vào phòng. Ông nắm tay cô, nước mắt lưng tròng và nói: “Con gái, con không phải con gái của họ. Họ không cần con! Cha sẽ đưa con đi khám bệnh!”
Được biết Thủy Tiên bệnh nặng, bị đưa về làng, xóm giềng ai cũng đều đến thăm. Thủy Tiên chỉ biết trốn trong phòng và khóc thật nhiều. Qua song cửa sổ, cô não nề nhìn theo hai người mà cô gọi bằng cha mẹ suốt hai năm qua, họ đang quay xe đi. Cô biết rằng, họ sẽ không bao giờ quay trở lại nữa.
Cô lại gọi ông Vương bằng cha. Cha cô đưa cô lên thành phố khám bệnh, và được bác sĩ cho biết: chi phí trị liệu ít nhất là 300.000 đồng. 300.000 đồng, đối với ông Vương mà nói không khác gì con số trên trời. Đi đến đường cùng, ông quyết định tìm đến vợ chồng họ Lý, nhưng ông chỉ nhận được câu trả lời từ họ rằng: “Nếu chúng tôi đồng ý cho ông tiền, hà tất còn đem con bé giao cho ông sao?”
Ông Vương không muốn buông xuôi, ngày đêm ngồi trước nhà vợ chồng họ Lý. Gặp bất cứ người qua đường nào, ông đều kể cho họ nghe về vận mệnh của Thủy Tiên con ông. Ông biết làm như thế có chút hèn kém, nhưng vì cứu lấy mạng sống con gái, ông chẳng còn cách nào khác. Vợ chồng họ Lý không thể chịu nổi sự phiền hà từ ông Vương, cuối cùng họ ném cho ông hai mươi ngàn đồng. Hai mươi ngàn cộng với số tiền tích lũy và sự giúp đỡ của bà con lối xóm, ông Vương dốc hết để thanh toán viện phí chữa bệnh cho con.
Do vì khối u lành, ca phẫu thuật rất thành công. Lúc ông Vương đón con gái trở về, trong làng đốt pháo chúc mừng. Mọi người đến thăm cha con ông Vương rất đông. Trong lòng mọi người đều dâng trào cảm xúc.
Lưng ông Vương giờ đã còng, gối đã mỏi, nhưng với Thủy Tiên ông là một người đàn ông tuyệt vời nhất trên đời, bởi ông đã ban tặng cho cô những thứ mà người khác không thể. Và cô đã hiểu ra rằng không có gì ý nghĩa hơn những gì cha đã đem đến cho cô, cũng như tấm chăn ngày xưa không khác, tuy nhỏ nhoi cũ kỹ mà vẫn luôn sưởi ấm cả một đời cô. 

Trung Hiếu dịch từ王学民 “藏在被子里的爱” 

Không có nhận xét nào: