Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014

Chúng ta đã làm gì để người ta kỳ thị?


Vì sao người Việt chúng ta bị kỳ thị?     
Là người làm việc trong môi trường quốc tế của ngành báo chí gần mười năm, tôi có may mắn được đi du lịch và công tác tại nhiều châu lục. Nói chung khi ở nước ngoài, tôi nhận được khá nhiều sự giúp đỡ nơi công cộng cũng như những lời khen ngợi về sự bất khuất của người Việt trong chiến tranh... Tuy nhiên, một số người quen của tôi thì chạnh lòng.
“Khi ở sân bay Đức, tôi bị kiểm tra hành lý rất lâu và thái độ của họ với mình hơi khác vì mình là người Việt Nam” - một cựu du học sinh Đức, hiện làm việc cho một tổ chức văn hóa Đức tại TP.HCM, cho biết.
Một chị bạn ở Berlin (Đức) thì kể trước đây khi chị còn buôn bán quần áo, mỗi lần dọn hàng ra chợ, nhiều phụ nữ Đức đi ngang thường ghé chuyện trò và mua một vài thứ, chủ yếu giúp chị chứ không có nhu cầu... Còn nay, bạn của chị khi vừa dọn hàng ra bán đã bị một số người Đức phản ứng, cho rằng lấn chiếm khu vực công cộng, đòi phải dẹp.
“Một số người Việt mình sang đây làm chuyện xằng bậy, để tiếng xấu ảnh hưởng cả cộng đồng” - chị bạn nói. Còn một nữ thiết kế thời trang, chủ hai shop thời trang tại Hà Nội và TP.HCM, kể: “Khi ở sân bay Canada, em bị hỏi đi hỏi lại là có phải bay sang nước này để trồng cỏ không?”...
Còn những ai là phụ nữ từng bay sang Singapore chắc chắn sẽ cảm thấy buồn tủi như thế nào khi xếp hàng làm thủ tục nhập cảnh. Đến mức không biết từ bao giờ một số chị em làm công việc văn phòng hay đi công tác Singapore đã ngầm đưa ra một “công thức”: muốn không bị phiền hà và tủi thân ở sân bay Singapore thì khi đi đừng trang điểm đậm, áo quần đúng chuẩn nghiêm túc, không màu mè, tóc không nhuộm...
Một số hướng dẫn viên du lịch còn nói rằng đối tác nước ngoài đã nói vui rằng vào trung tâm thương mại, ở đâu nghe tiếng nói cười oang oang, nơi đó chắc chắn có người Việt Nam.

Đã đến lúc chỉnh sửa mình
Gần đây, một số hành vi phản ứng với khách du lịch Việt Nam ở nơi công cộng đã được thể hiện trên giấy trắng mực đen, cho thấy sự kỳ thị, thiếu thiện cảm và coi thường người Việt ở nước ngoài bị đưa lên một nấc thang cao hơn. Phải chăng bên cạnh nguyên nhân chính về hành vi trộm cắp xuất phát từ một số ít người Việt là sự thiếu hiểu biết về thế giới và văn hóa thế giới khi đi du lịch, du học và làm việc tại nước ngoài?
Điều này quyết định sự hòa nhập, chất lượng cuộc sống, công việc và rất có thể là sự an toàn của người Việt xa xứ.
Ở các nước như Anh, Pháp, nếu ai đó ồn ào quá đáng, chưa nói đến xả rác thoải mái, hút thuốc ở những nơi cấm sẽ bị coi thường hoặc bị phạt vì sự thiếu tôn trọng người xung quanh và chính mình. Nếu ai đó ra đường với quần áo ngủ hoặc đặc biệt hơn là quần đùi, áo may ô hoặc cởi trần thì bị xem như một sân khấu hài miễn phí.
Giá như những người có quyết định đi làm nơi viễn xứ hay đi du lịch phải biết dựa trên việc tìm kiếm thông tin kỹ càng, thực tế và sự hiểu biết về đất nước sẽ đến thay vì nghe lời nói một chiều của người tuyển dụng. Giá như họ được cung cấp đầy đủ những thông tin trợ giúp từ phía cơ quan chức năng.
Có lẽ nhiều người Việt sẽ tránh được việc bị lợi dụng, lừa đảo và tránh bị đẩy vào vòng nguy khốn, nguy cơ phạm pháp và thậm chí bị làm nhục... nếu được phổ biến đầy đủ thông tin cơ bản về văn minh công cộng trước khi đi nước ngoài. Những người Việt bằng cách này hay cách khác, vô tình hay hữu ý gây ra cái nhìn thiếu thiện cảm, khiến người nước ngoài coi thường cả một dân tộc ít nhiều phải có trách nhiệm về mặt hành chính, pháp lý khi quay về Việt Nam.
Điều gì đó phải được thực hiện để ngăn chặn việc “bán” sự an toàn của mình và danh dự của những thế hệ người Việt tương lai.
Chắc chắn với phẩm chất tốt và sự am hiểu văn minh thế giới, mỗi cá nhân, người Việt sẽ được chào đón ở nước ngoài. Tại sao chúng ta không hướng tới việc mỗi người có thể góp phần nhỏ như một đại sứ thiện chí du lịch của Việt Nam, một nước nhỏ từng được thế giới biết đến với những phẩm chất cao quý, đáng tự hào?
PHẠM THỊ HÀ - MINH LÊ (TTCT)

Không có nhận xét nào: