Cập nhật: 11:01
GMT - thứ năm, 8 tháng 5, 2014
‘Đương
đầu với Trung Quốc’
Tờ New York Times của Mỹ chạy
tít: “Việt Nam đương đầu với Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp.”
“Những tranh chấp này không có gì mới, nhưng một nước Trung Quốc
ngày càng hùng mạnh với những khả năng mới để khẳng định yêu sách
chủ quyền của mình đang gây sóng trong khu vực trong những năm vừa
qua,” tờ báo này nhận định.
Cũng theo New York Times thì đường chín đoạn của Trung Quốc bị
những người chỉ trích cho rằng không có cơ sở theo luật pháp quốc
tế.
Trang mạng của Forbes dẫn ý kiến của nhà phân tích Gordon G. Chang
cho rằng vụ việc xảy ra là cách để các nhà lãnh đạo Trung Quốc
thách thức cam kết của Tổng thống Mỹ Barack Obama đối với an ninh khu
vực không lâu sau chuyến công du châu Á của ông hồi cuối tháng trước.
“Với hành động lần này, Bắc Kinh đã vượt qua hai lằn ranh quan
trọng,” bài báo dẫn nguồn từ Nelson Report, một bản tin nội bộ của
Washington, nhận định.
“Đây là lần đầu tiên Trung Quốc khoan ở vùng biển Việt Nam. Ngoài
ra, đây cũng là lần đầu tiên Trung Quốc công khai sử dụng tàu thân
xám, tức tàu hải quân, để hỗ trợ cho tàu thân trắng, tức tàu hàng
hải dân sự.”
Theo bài báo của Forbes, Bắc Kinh có thể đang tranh thủ lúc
Washington đang tập trung vào cuộc khủng hoảng Ukraine, bày tỏ sự khinh
thường ông Obama hoặc nước này chỉ nhằm vào một nước nhỏ mà tấn
công.
“Dù Trung Quốc có làm gì đi nữa thì nó cũng cực kỳ nguy hiểm,”
bài báo viết.
“Việt Nam không có lịch sử lùi bước, ngay cả khi trước sự khiêu
khích của người láng giềng khổng lồ Trung Quốc.”
“Hai nước đã xung đột với nhau hàng chục năm. Có khi Trung Quốc
thắng và có khi Việt Nam thắng, nhưng điều rõ ràng là Hà Nội không
sợ người láng giềng phương Bắc.”
“Không có khả năng người Việt Nam, vốn rất tự hào về dân tộc của
họ, sẽ để yên cho Bắc Kinh khoan ở gần vùng biển ngay sát họ,” bài
báo phân tích.
“Trung Quốc muốn sở hữu lãnh thổ và vùng biển của những nước
xung quanh. Họ sẽ không dừng lại cho đến khi có ai ngăn họ lại. Và có
thể chỉ có người Việt Nam mới ngăn họ được.”
Bài báo của Forbes cũng nhắc lại lần xung đột lớn giữa hai nước
hồi năm 1979 mà khi đó Hà Nội đã ‘làm nhục quân đội Trung Quốc’.
Phép
thử của Trung Quốc?
Trong bài viết trên trang mạng
của mình, kênh truyền hình Mỹ CNBC, nhận định rằng Hà Nội ‘hết sức
cẩn trọng khi phát ngôn về Trung Quốc, nước mà giao thương song phương
đã vượt mức 50 tỷ đôla Mỹ vào năm 2013’.
Bài báo này dẫn ý kiến của
hai phân tích gia Ernest Bower và Gregory Poling ở Viện Nghiên cứu Quốc
tế và Chiến lược ở Washington nói rằng vụ việc dàn khoan này có ý
nghĩa ‘quan trọng’.
“Việc Trung Quốc làm tới để đặt giàn khoan ngay sau khi chuyến Á du
của Tổng thống Barack Obama cho thấy rõ quyết tâm của Bắc Kinh muốn
thử phản ứng của Việt Nam, các nước trong Asean và Washington.”
Cũng theo hai vị này thì Bắc Kinh đang tìm cách ‘thay đổi lớn trên
hiện trạng’ vì họ cảm thấy Washington đang bị phân tâm với tình hình
ở Ukraine.
“Nếu Trung Quốc tin rằng Washington đang mất tập trung... và không
sẵn sàng thực hiện những cam kết an ninh mạnh mẽ mà ông Obama đã
nhắc đi nhắc lại với Nhật Bản và Philippines thì những hành động ở
phía Nam quần đảo Hoàng Sa sẽ để lại hậu quả lâu dài đối với khu
vực và thế giới.”
Bài báo cũng dẫn lời một quan chức dầu mỏ Trung Quốc nói quyết
định triển khai giàn khoan dường như là một ‘quyết định chính trị’
chứ không phải là ‘quyết định thương mại’.
“Quyết định này thể hiện ý chí của chính phủ Trung Quốc và cũng
liên quan đến chiến lược của Mỹ ở châu Á,” vị quan chức này nói với
điều kiện giấu tên.
“Quyết định này không phải vì lý do thương mại. Nó không phải là
CNOOC (Công ty dầu khí Quốc gia Trung Quốc) có kế hoạch thăm dò lớn ở
khu vực.”
Việt Nam ít bạn?
Nhật báo Daily Mail của Anh nhận xét rằng Chính phủ Hà Nội có ít
khả năng xoay sở khi phải đối phó với một nước láng giềng khổng lồ
đồng thời là đối tác thương mại hàng đầu.
“Mặc dù nước này không còn bị cô lập như trước đây nhưng với tư
cách là một trong những nước cộng sản ít ỏi còn lại trên thế giới
thì Việt Nam không thể hy vọng nhiều vào sự giúp đỡ ngoại giao của
các cường quốc,” tờ báo này viết.
Bài báo cũng dẫn lời Tiến sỹ Jonathan London, một chuyên gia về
Việt Nam tại Đại học Thành thị Hong Kong nói: “Trung Quốc dường như
rất quyết tâm trong việc đặt dấu chân mình một cách chắc chắn vào
vùng biển có tranh chấp.”
“Hà Nội đang bị dồn đến chân tường, mặc dù các chính sách của
Trung Quốc mà hầu như bất cứ ai ngoại trừ Trung Quốc đều cho là không
có cơ sở pháp lý đã dẫn đến tình hình hiện nay,” Tiến sỹ London
được dẫn lời nói.
Tờ Financial Times nhắc lại rằng Bắc Kinh đã có những bước đi trong
nước để tranh thủ sự ủng hộ của người dân nước họ đối với ‘chủ
quyền’ rộng lớn của họ trên Biển Đông.
Theo tờ báo này thì truyền hình nhà nước Trung Quốc mới đây đã
phát sóng một bộ phim tài liệu dài tám tập ca ngợi lực lượng tuần
duyên và ngư chính của họ trong việc bảo vệ ‘chủ quyền và tài nguyên
của Trung Quốc’.
Trong bộ phim tài liệu này có cảnh tàu Việt Nam ‘ngăn cản tàu thăm
dò của Trung Quốc một cách điên cuồng’. Lời thuyết minh trong phim nói
các tàu Trung Quốc ‘đã đối đầu đội tàu có vũ trang (của Việt Nam)
lớn hơn gấp nhiều lần một cách không hề nao núng và đã chiến đấu
oanh liệt’.
Độc giả
Bài báo của Financial Times đã thu hút nhiều bình luận của các
độc giả.
Một người ký tên là Alfred Nassim viết: “Mỹ càng dấn sâu vào cuộc
khủng hoảng Ukraine thì Trung Quốc càng có cơ hội lợi dụng tình
hình.”
“Khi mèo vắng nhà thì chuột bắt đầu giở trò.”
Một người khác đề tên là Felix Drost viết: “Chủ nghĩa đại bá của
Trung Quốc khiến việc nước này tìm cách đối đầu với Việt Nam cũng
không có gì là lạ. Ai đó có thể nghĩ rằng họ đã học được những
bài học nào đấy. Trong tất cả các đối thủ tiềm tàng trong khu vực
thì Việt Nam là đối thủ khó chịu nhất.”
Nguồn: http://www.bbc.co.uk
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét