Thứ Ba, 27 tháng 5, 2014

NHỮNG ĐÔI CHÂN

 Ann Nguyen (facebook)

Ann Nguyen photo
 Thỉnh thoảng tôi phải làm cái việc giúp bệnh nhân và các bác sĩ phẫu thuật đối diện với quyết định cắt cụt chi (amputation) do những nguyên nhân bệnh lý hay tai nạn. Công việc rồi cũng qua, chỗ cắt chi (stump) rồi cũng lành. Vài bệnh nhân vẫn còn cảm giác đau âm ĩ hay còn cảm giác như chân vẫn còn- đó là cảm giác thực thể do cấu tạo hệ thần kinh (physical effects) và tận sâu cùng đó là cảmm giác mất một phần cơ thể mình (psychological/ emotional effects). Làm hết khả năng của một người điều dưỡng chuyên ngành vết thương đôi khi cũng mang lại cho tôi những niềm vui nho nhỏ là làm dịu được cái đau của bệnh nhân.

Hơn mười năm trước tôi mới vào nghề, gặp một bệnh nhân người bản xứ mất chân phải trên gối (above knee amputation) trong chiến tranh Việt Nam. Ngoài cái đau thể chất, ông luôn bị ám ảnh cái đau tinh thần của những trận càn quét và những tiếng bom trên những vùng đất khác nhau của Việt Nam. Một hôm ông hỏi tôi có biết vì sao chân ông bị cắt cụt hay không và không đợi tôi trả lời ông bảo “chiến tranh Việt Nam.” Ông không muốm tôi nói “tôi là người Việt Nam” nhưng tôi đã nói-  Lạ thay, “tình bạn” giũa hai chúng tôi được gắn kết qua nhiều ngày sau đó đến khi ông mất. Người bạn không cùng màu da cho tôi nhiều bài học của lòng nhân ái.

Chuyến về Việt Nam gần nhất tôi đến thăm một người bạn qua Facebook. Bạn đón tôi như một người thân đi xa về nhà dù chúng tôi chỉ biết nhau qua hình ảnh Facebook. Đường phố Nam Sài Gòn lạ lẫm với tôi. Bạn đèo tôi và một người bạn Mỹ từng người từng người một đến một khu phố để ăn tối bằng chiêc xe gắn máy. Một kỉ niêm mà chắc là lâu lắm tôi mới có thể quên- chỉ khi đầu óc không còn cho phép nhớ. Tôi chợt nhận ra bạn chỉ có một chân thật, còn cái chân thật kia đã mất trong chiến tranh. Tôi không dám hỏi gì nhiều hơn bởi đó là nỗi đau. Trở về nơi sinh sống tôi cứ mang theo kỉ niệm này với lòng kính trọng, biết ơn, lẫn yêu thương.

Tôi gặp em ở một trung tâm nuôi trẻ mồi côi tỉnh Ninh Bình. Em mất cả bố lẫn mẹ và đôi chân trong một tai nạn xe. Ông bà nuôi em được vài năm thì cũng yếu dần và phải gửi em vào trung tâm trẻ mồ côi. Em gái lên tám với khuôn mặt sáng trong nhưng đôi mắt lúc nào cũng đượm buồn. Một tối tôi thấy em ngồi trên xe lăn ở góc sân khóc tức tưởi, hỏi ra mới biết em bị bạn gọi  là “con què”. Tôi dỗ dành em và học ở em một ý chí vượt qua số phân. Cuối buổi nói chuyện em bảo rằng “ có anh kia không chân không tay nhưng lại trở thành thầy huấn luyện viên bơi lội đấy chị ạ. Em không sao, sẽ tốt thôi.” Thương em, tôi đi tìm khắp nơi ở Hà Nội để làm cho em một đôi chân giả.

Chiến tranh hay bệnh tật, thậm chí tai nạn có thể làm  người ta mất đôi chân. Một phần của xương thịt này vể đâu và hậu quả ra sao? Mất mát nào cũng là một nỗi đau. Những bài học từ nỗi mất mát này cho tôi thêm yêu quí cuộc sống quanh mình. Tôi thấy mang ơn những người đã để một phần thể xáx của họ trên đất nước Việt Nam. Tôi kính trọng những người lấy nhân ái xoá những hận thù qua khứ. Tôi ngưỡng mộ những người mất đôi chân đã vượt qua được số phận. Và sau cùng, tôi cám ơn  cuộc đời đã cho tôi còn có đôi chân. Mến chúc các bạn luôn vững vàng trên đôi chân của mình.

San Jose, 5/24/14 Viết cho ngày Memorial Day.

Không có nhận xét nào: