Nguyễn Ngọc Hà
Năm tôi học tiểu học, tức đã 50 năm trôi qua, tròn nửa thế kỷ.
Thầy tôi, thầy Huỳnh Quốc Tuấn, dạy Pháp văn nổi tiếng thời đó, đi Pháp về và
ông đã chia sẻ: “Đi sang Pháp thầy thấy nhục nhã quá. Ngay trên bãi biển...
(thầy có nói tên nhưng tôi quên rồi) có hàng chữ “Coi chừng người ăn cắp vặt
Việt Nam” (Attention aux voleurs vietnamiens). Thầy cho biết người Việt nổi
tiếng ở Pháp về thói ăn cắp vặt. Câu chuyện đó tôi nghe và quên đi...
Giờ đây, qua báo chí tôi đã biết trên thế giới ngoài nước Pháp
còn có những cảnh báo về thói xấu này. Tại sao nhiều người có tính “táy máy”
đến vậy?
Có lần trong bữa buffet tôi chứng kiến vợ hiệu trưởng một trường
THPT có tiếng tại Sài Gòn cất giấu hai ổ bánh mì ốpla trong túi. Tôi hỏi cất để
làm gì khi vợ chồng và hai con bà đã ăn no. Có cần thiết phải lấy thêm hai ổ
bánh mì ốpla đó? Tất nhiên bà không trả lời được. Chỉ thấy có sẵn, không lấy bỏ
bóp thì tiếc mà thôi! Và hành động của bà chắc chắn là gương xấu trước mặt hai
con trai còn ngồi ghế tiểu học.
Tôi biết trưởng phòng hợp tác đầu tư một cơ quan lớn tại TP.HCM
luôn mang về nhà cho con những cây bút xóa, những cây thước, viết, cục tẩy...
từ “tiêu chuẩn văn phòng phẩm” ở cơ quan. Và con gái ông đã vô tư nói: “Ba con
mang từ cơ quan về cho con”. Với đồng lương cao ngất ngưởng, sao ông không móc
tiền túi của mình mà mua cho con, để không gián tiếp dạy nó tính tham vặt?
Không có gì là quá trễ để thay đổi một thói quen.
Trong cải cách
giáo dục, nên chăng chúng ta hãy có hẳn một bài lên án nạn “ăn cắp vặt” của
người Việt. Đồng thời đưa ra bài học đạo đức “không nên ăn cắp vặt”, “không nên
tham vặt”... Hãy dạy một cách thẳng thắn, nêu đúng tội, dẫn chứng đúng chuyện
để học sinh lấy đó làm bài học. Đừng đưa ra những lý luận, những học thuyết hay
danh từ cao siêu. Và có hình phạt thật nghiêm cho học sinh nào “cầm nhầm” cục
tẩy, cây thước... của bạn, kèm theo lời giải thích rõ ràng thế nào là tư cách
đáng quý của một người không tham vặt.
Một khi tính tham vặt không tồn tại sẽ
không còn tham của công, tham nhũng và những cái tham khác... Từ đó người Việt
ra nước ngoài mới có thể ngẩng cao đầu vào những nơi công cộng mà không sợ phải
gặp những cảnh báo đau lòng.
Nguồn: Báo Tuổi Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét