Nguyễn Hữu Tài
1.
Khi còn rất trẻ (bây giờ cũng còn hơi tre trẻ), tôi có xem bộ
phim Mỹ về câu chuyện tình rất lãng mạn giữa chàng sinh viên kiếm thêm bằng nghề
nhảy khỏa thân mỗi đêm với cô nhạc sĩ nghiệp dư tối tối đánh piano ở các club
và mong lọt vô mắt xanh của một tỉ phú nào đó để đổi đời. Họ gặp nhau tại trạm
xe điện ngầm dưới lòng New York. Chỉ với cái nhìn đầu tiên, như bị sét đánh,
chàng trai đã dõi theo từng bước chân cô gái. Và họ quen nhau, cố tìm một nơi
yên tĩnh để thỏa mãn cảm giác ngụp lặn của cuộc tình một đêm chóng vánh. Nhưng
ông trời khá trêu ngươi khi bạn bè, người thân, thậm chí con… chó quấy rối hổng
cho hai người toại nguyện. Suốt đêm dài giữa thành phố không bao giờ ngủ, họ đi
qua những trăn trở của tuổi đôi mươi, ghen tuông, hờn mát, chen lẫn nụ cười
tươi roi rói không tả nổi thành lời.
Và sáng hôm ấy, khi mặt trời ló dạng trên tòa tháp đôi, hai
người chia tay sau khi trao một nụ hôn vội vã. Chuyện tình một đêm đã không
thành sự thật. Chàng trai dúi vội vào tay cô gái số điện thoại của mình rồi sải
bước chân dài theo tàu điện ngầm về nơi nào không ai biết. Cô đứng lặng yên bên
vệ đường, chờ thân hình sexy, cao ráo trong chiếc áo thun bó sát khuất dưới bậc
cầu thang, cô nhấc điện thoại công cộng. Tiếng anh ấm áp, làm ơn để lại tên, số
điện thoại và lời nhắn, tôi sẽ gọi lại cho bạn sau. Cô gác máy và chân sáo tung
tăng đi về bên kia thành phố mờ sương.
Tôi bị ám ảnh bởi tình yêu nên thơ và đẹp như câu chuyện cổ
tích giữa thành phố đông dân nhất nước Mỹ với mấy mươi triệu con người và hàng
ngàn ngả đường ấy. Nó theo tôi suốt tháng năm trai trẻ đắm say. Tôi từng nghĩ,
một ngày nào đó, có dịp đến New York, tôi sẽ viết câu chuyện tình của riêng
mình, đắp bồi cho tình yêu dễ thương của nhân vật nam và nữ.
Nhân vật nữ của tôi sẽ có nụ cười rộng như đại lộ Broadway
chạy dọc theo bán đảo Mahattan từ Uptown, qua Midtown xuống Downtown, vượt sông
Hudson qua tận Brooklyn xa thẳm. Họ ở những năm đầu của tuổi đôi mươi, khi lồng
ngực rộng còn căng tràn nhựa sống, trái tim thổn thức bởi nhịp đập hối hả dại
cuồng. Chàng trai là khách lãng du ghé thăm New York, gặp cô sinh viên lơ ngơ
đi làm về muộn. Hai người ngồi cạnh trên tàu điện ngầm, cô hắt xì, và chàng thì
thầm, God bless you (Chúa phù hộ cho em). Cô quay qua cười cảm ơn, rồi… họ yêu
nhau, nắm tay đi hết những trạm subway ngoằn ngoèo bên dưới lòng thành phố.
Sáng tinh sương, cả hai đứng giữa quảng trường Thời Đại, chàng trai hôn lên môi
cô gái và khẽ hỏi em có yêu anh không? Cô cười tươi như mùa thu vàng hoa cúc, lắc
đầu nũng nịu, anh đoán thử xem.
2.
Tôi đã đến thành phố hoa lệ bậc nhất nước Mỹ rất nhiều lần,
năm hai mươi hai, hai mươi tám, hai mươi chín, ba mươi, ba mươi mốt và ba mươi
hai tuổi. Mỗi thời điểm, cảm nhận về New York rất khác nhau.
Hai mươi hai tuổi, tôi cùng chị gái và người tình của chỉ mò
mẫm từng trạm subway một, bị lạc đường hoài nên hổng dám đi xa, ăn ngủ gì cũng
tại Chinatown dơ hầy, qua Little Italy ăn ly kem ngon nhất trần đời (đến nỗi mỗi
lần đi New York, tôi cứ phải tới đó để ăn cho đã), ngồi xe bus tham quan thành
phố từ rạng sáng đến khi tối mịt, nhìn anh chị yêu nhau, giận hờn, quay mặt bỏ
đi và tôi là người hàn gắn họ.
Hai mươi tám tuổi, tôi mua tour hai ngày dẫn chị Hà và hai
người bạn từ Việt Nam đi du lịch. New York vẫn vô cùng lãng mạn. Nhiều lúc đi
qua một địa danh ngày xửa ngày xưa học Địa lý thầy giảng “chay”, tôi vui ra mặt
vì đã đến nơi tưởng chừng chỉ hiện hữu trong sách vở. Tôi mường tượng về từng
góc phố của bộ phim năm cũ và dựng bối cảnh cho chuyện tình của riêng mình. Kia
là Harlem toàn người da đen, rộn rã nhịp sống đường phố, đấy là cầu Brooklyn
nơi hai người đứng lặng im ngắm dòng sông Hudson như dải lụa xanh tươi vắt qua
thành phố; đó là con bò vàng biểu tượng của Wall Street giàu sang bên cạnh nhà
thờ Trinity cổ kính (tôi sẽ cho nhân vật của mình vào quỳ trong góc giáo đường
để xin Chúa thương tình cho đôi mình mãi mãi gần nhau); và ghé thăm Ground Zero
năm nào ánh mặt trời ló dạng giờ chỉ là ngổn ngang những công trình dang dở.
Phải chăng trạm subway này lần đầu tiên chàng sinh viên và
cô nhạc sĩ đó đã gặp nhau?
Phải chăng hộp đêm đó họ đã nắm tay trong tiếng nhạc loạn cuồng,
lơi lả?
Phải chăng góc phố đó, một sáng tinh mơ, họ đã vội vã hôn
nhau, hai bàn tay đan chặt và chàng trai đi về phía ấy?
Phải chăng và phải chăng?
Nhân vật trong phim (cũng là nhân vật của tôi hay chính ước
mơ của riêng mình) bất giác hiện lên mồn một.
Hai mươi chín tuổi, tôi trở lại New York với vài người bạn
trẻ. Đứng giữa Times Square rộng lớn vào một ngày nắng cháy da. Thành phố không
cây xanh, hàng ngàn tòa nhà cao chọc trời che khuất ánh mặt trời, ánh đèn bảng
hiệu chớp sáng thâu đêm suốt sáng, hơi người nực nồng, hầm hập. Tất cả hun đúc
New York thành một cái lò thiêu ngột ngạt (làm tôi nghĩ đến một sauna xông khô,
xông ướt nào đó giữa Sài Gòn). Đứng bên cạnh bạn bè tươi trẻ, những chàng trai,
cô gái mười tám, đôi mươi, cười đùa thỏa thích, tự nhiên thấy mình lạc lõng.
Tâm trạng của kẻ đi qua bao dở dang ùa về trên mắt. Tôi muôn đời vẫn thế, tìm
thấy niềm vui trong chính nỗi cô đơn cùng cực, nhặt một ý văn chương giữa bơ vơ
trơ trọi, thấy lẻ loi giữa một biển người dọc ngang vội vã đến lạ thường.
Ba mươi tuổi, tôi trở lại New York với tâm trạng của một người
trải qua nhiều mất mát. Má mất rồi, ba cũng lặng lẽ bỏ đi không chờ tôi về nữa.
Mùa thu năm ấy Central Park rất vàng, trời trong, và nắng nhạt. Tôi với Trang
đi một vòng lá phổi xanh của New York để ăn cây kem dâu thơm lừng đầu lưỡi. Mùa
thu Central Park lúc nào cũng đẹp, nhưng lúc này sao lại quá buồn. Những
Chinatown, Little Italy, Korean town, Soho, với tôi, lạ lẫm và trôi tuồn tuột,
chẳng đọng lại chút gì nữa hết trong trái tim vụn vỡ của mình. Có lẽ tôi đang
nhìn mọi vật chung quanh mình bằng cái nhìn khắc khoải. Khuya lắm rồi, Times
Square mờ ảo trong lớp sương bàng bạc giữa hàng trăm ngàn bảng điện tử lấp
lánh. Mỏi chân, hai đứa ngồi xuống chiếc ghế đỏ sắp xếp lộn xộn dành cho du
khách giữa quảng trường, ôm ly green tea latte của Starbucks nóng hổi vào lòng
để tìm hơi ấm. Tự nhiên cồn cào nhớ Sài Gòn, bên kia đại dương, cũng không bao
giờ ngủ.
Ba mươi mốt tuổi, tôi dẫn Nguyệt, người tình không bao giờ
cưới, đi lòng vòng Mahattan khi trời chuyển sang xuân, lành lạnh. Tấm áo mỏng
mang theo không đủ ngăn cơn gió lạnh thổi từ sông Hudson, len qua những tòa nhà
cao tầng bọc bao bằng kính. Sau cơn bão Sandy khủng khiếp, cầu Brooklyn giờ dây
nhợ chịt chằng bảo dưỡng. Người ta đóng cửa tượng Nữ thần Tự Do mất rồi, chúng
tôi không thể bắt tàu ra ngắm biểu tượng của nền dân chủ Mỹ. Hai đứa đi subway
ghé Greenwich giàu sang. Đó là khu phố đồng tính nổi tiếng với những anh chàng
gốc Italy vạm vỡ, có khuôn mặt đẹp như thiên thần, chiều nào cũng dắt… chó đi
lòng vòng ngắm cảnh. Hai đứa ngồi ngoài hiên vắng của một nhà hàng, ăn bữa trưa
kiểu Ý, có spaghetti trộn sốt cà và nửa cái bánh pizza đầy thịt. Tulip nở bừng
góc phố, trước sân những ngôi nhà chật hẹp màu gạch đỏ, đậm kiến trúc Hà Lan của
thế kỷ thứ 18.
Và đâu đó tôi nhìn thấy hình ảnh văn hào O’henry, người đã
dành những năm tháng cuối đời mình ở thành phố này, sau thời trẻ trai dọc ngang
miền viễn Tây nước Mỹ. New York đi vào tác phẩm của ông với hình ảnh phố xá cũ
xưa, được thắp bằng đèn gas, dùng xe ngựa để di chuyển, chứ không phải bằng
subway, taxi vàng, hay trên những chiếc bus đủ màu sặc sỡ ngang dọc khắp phố
phường chật hẹp bây giờ. Khu ổ chuột nghèo chen lẫn giữa Greenwich giàu sang
năm xưa chắc không còn nữa. Có lẽ bức tường này, hay căn gác trọ kia cũng không
chừng, nơi nhiều năm trước, ông họa sĩ già Behrman, người khao khát cả đời vẽ
nên một kiệt tác vượt tầm thế giới nhưng chưa bao giờ thực hiện được, đã âm thầm
thức suốt đêm mưa gió để vẽ trên bức tường bên cửa sổ phòng trọ của cô họa sĩ
trẻ Johnsy đang tuyệt vọng vì sưng phổi, vật vã trong cơn họ sù sụ và nghĩ rằng
mình chỉ sống nổi đêm nay. Chỉ sáng mai thôi, khi chiếc lá thường xuân kia lìa
cành, rơi trên nền đất cũng là lúc mình trút hơi thở cuối cùng, gục chết. Và
chiếc lá cuối cùng của người họa sĩ già đã thắp trong cô một tia sáng mỏng
manh, cứu Johnsy thoát chết. Nhưng ông Behrman đã vĩnh biệt cõi đời vì sưng phổi
sau đêm đội mưa, dầm gió để hoàn thành tác phẩm vĩ đại nhất đời mình.
Ba mươi hai tuổi, Thủy từ Houston lên thăm và hai anh em bắt
Megabus đi ngắm mùa đông New York. Tháng Mười Hai, những ngày nước Mỹ chuẩn bị
đón Giáng Sinh, New York bỗng nhiên ấm áp, không còn gió rét căm căm và bao la
tuyết phủ, lạnh hơn cái tủ cà rem. Đèn màu nhấp nhá khắp các shopping mall,
trên cây thông Noel cao lớn ở Rockefeller Center và đổi màu liên tục trên Empire
State Building đón hàng triệu du khách khắp nơi trên thế giới. Times Square
chưa bao giờ vắng khách dẫu nhiệt độ có trên 20, dưới 0, hay -30°C đi nữa, người
ta vẫn hồ hởi tới đây, chen chúc chụp hình, mua sắm, về khoe với mọi người rằng,
tôi đã đến được thành phố xa hoa nhất thế giới rồi nhé.
Giữa ánh đèn màu Times Square lộng lẫy, nhân vật nam-tôi-đứng
đây, mà người yêu của anh nào đâu chẳng thấy? Sao chẳng có ai cho anh-tôi-khẽ
đan mười ngón tay vào nhau, hôn lên mái tóc đen tuyền, lên đôi mắt, lướt ngang
bờ môi dài như đại lộ Broadway và thì thầm tiếng nhớ lời thương âu yếm.
Tôi muốn chạy trốn khỏi sự ngột ngạt vỡ tung lồng ngực rộng,
muốn đi ra khỏi nơi ngày xưa mình mong ước đến, muốn để nhân vật của mình hóa
thành người điên loạn, thét gào hoang tưởng giữa đêm khuya.
3.
Tôi không biết mình có còn trở lại nơi đó nữa không? Chẳng
biết có cơ hội thức dậy thật sớm, kéo rèm cửa trên tầng mười bảy của Hotel
Carter, nhìn xuống đường phố vắng tanh, rồi run lẩy bẩy (vì sợ độ cao). Nửa đêm
bị đánh thức bởi tiếng la thất thanh của các cô em gái chung phòng khi vừa mới
kéo rèm đã thấy phía đối diện, một gã thanh niên da màu body cực hot nhưng bệnh
hoạn, đang nằm coi phim bậy rồi làm việc bỉ ổi giữa chốn đông người. Hay lặng lẽ
một mình đi thang máy, xuống đứng giữa quảng trường Thời Đại lúc mờ sương.
Thành phố vắng lặng, không còn dòng du khách đi qua vội vã, chẳng có doanh nhân
thành đạt nào cúi xuống nhặt tờ trăm đô bởi họ đang suy nghĩ cách để kiếm hàng
ngàn, hàng triệu, thậm chí hàng tỷ đô la nào khác.
Chỉ có tôi của những năm ba mươi đang nghĩ về tôi của năm
tháng đôi mươi.
Mà chắc tôi sẽ trở lại vì trót hứa với cô em gái béo tròn, đến
thăm em khi Công viên trung tâm vào mùa cây trút lá.
Hay đúng hơn tôi đã hứa với nhân vật của riêng mình bởi tới
tận bây giờ vẫn chưa viết được gì cho họ.
Mà chiều nay, tôi đã nói với một người, tôi đã nghĩ về họ
khi đứng giữa quảng trường Thời Đại, một mình, lúc bình minh.
nguồn: www.ninhhoatoday.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét