Thứ Năm, 1 tháng 5, 2014

Dân chủ và quan chủ

 PHẠM DUY NGHĨA
 
Trong hai ngày 25 và 26-4, hàng trăm người dân đã có mặt trước cổng TAND huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội để theo dõi phiên tòa xét xử 10 người dân phạm tội chống người thi hành công vụ. Tuy nhiên mọi người không được vào phòng xử.
Như Tuổi Trẻ (27-4) đã tường thuật một phiên tòa vừa diễn ra ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội. 10 bị cáo bị tuyên phạm tội vì đã ráng giữ đất của họ, chống lại hành vi cưỡng chế thu hồi đất mà họ cho rằng chưa có quyết định hợp pháp của chính quyền. Tòa xử bên trong, bên ngoài người dân la ó đòi vào dự phiên tòa, nhưng cánh cổng tòa đã lạnh lùng đóng chặt. Dường như đó là một phiên tòa không muốn nghe thấy tiếng kêu của người dân.
Cũng thế, cánh cửa nhiều cơ quan công quyền khác đôi khi cũng đóng vội trước sức ép của người dân. Cách đây hơn nửa năm, bất bình với cách xử lý trách nhiệm trong vụ cháy Trung tâm thương mại Hải Dương, tiểu thương vây lấy ủy ban, cánh cửa ủy ban liền đóng chặt. Hay đầu tháng 4 năm nay, hàng trăm người dân ở Hà Tĩnh vây đánh công an, cán bộ xã đành hoang mang xin nghỉ việc.
Đã có quá nhiều lời rằng chính quyền là của nhân dân, song ở một số nơi từ lời nói tới hành động rất xa nhau, nếu không muốn nói là trái ngược nhau, vì vậy cần những sức ép cụ thể để chính quyền không được chạy trốn nhân dân. Muốn lấy đất làm dự án, ví dụ như để xây dựng dự án nghĩa trang Vĩnh Hằng ở Hà Tĩnh, người dân phải được quyền tham gia. Những đại diện ấy không phải do ủy ban hay mặt trận chỉ định, họ phải được bầu trực tiếp từ nhân dân.
Trong trường hợp có tranh chấp, người dân phải được lắng nghe, được quyền đối thoại ngang bằng với chính quyền. Nếu chính quyền sai, cá nhân lãnh đạo ra quyết định sai trái ấy phải chịu trách nhiệm, chính quyền phải đền bù thiệt hại cho người dân. Đó chính là tinh thần của Luật bồi thường nhà nước đã được Quốc hội nước ta thông qua. Nếu người dân vì bức xúc mà gây rối thì nên bắt đầu bằng biện pháp hành chính, chỉ khi hành vi trở nên nguy hiểm cho toàn thể xã hội, tạo thành một tội mới nên khởi tố vụ án.
Đòi hỏi chính quyền khi thu hồi đất của dân phải có một quyết định hành chính rõ ràng, có lẽ là yêu cầu chính đáng của người dân Mỹ Đức. Đòi hỏi ấy có lẽ nên được lắng nghe, nếu chính quyền sai thì hãy sửa, trước khi huy động những chiếc máy ủi san lấp ruộng vườn của dân.
Như vậy, nếu chính quyền sai, hãy nhận lỗi và hãy sửa. Không trốn chạy, né tránh nhân dân, đó là dấu hiệu đầu tiên của một chính quyền vì dân.
PHẠM DUY NGHĨA

Không có nhận xét nào: