Thứ Ba, 27 tháng 5, 2014

Nguy cơ an ninh lớn nhất của Trung Quốc

 HIẾU TRUNG (báo Tuổi Trẻ)

Trong thời gian qua, truyền thông Bắc Kinh tuyên truyền rằng nguy cơ lớn nhất đối với đất nước và xã hội Trung Quốc đến từ nước ngoài, bao gồm chính sách “xoay trục châu Á” của Mỹ, chiến lược “quân sự hóa” của Nhật và những tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng Đông Nam Á.
Nhưng trên thực tế, như Tuổi Trẻ từng phân tích, đó chỉ là chiến thuật “chuyển lửa ra bên ngoài” để hướng sự chú ý của dư luận ra khỏi những vấn đề nóng bỏng trong nước.
Đối với chính quyền Bắc Kinh, duy trì ổn định xã hội là thử thách nghiêm trọng hơn nhiều so với những mối đe dọa tưởng tượng đến từ Mỹ, Nhật hay các quốc gia Đông Nam Á.
Với hàng loạt vụ tấn công bạo lực trong thời gian qua, Tân Cương là “lò lửa” bất ổn lớn nhất tại Trung Quốc hiện nay. Nhưng bên cạnh đó, Tây Tạng cũng là khu vực tồn tại nhiều mâu thuẫn gay gắt, chực chờ ngày bùng nổ.

Vòng xoáy bạo lực
Theo Tân Hoa xã, Viện Khoa học xã hội Tân Cương* xác nhận vụ đánh bom ngày 22-5 ở thủ phủ Urumqi là vụ tấn công đẫm máu nhất từ trước đến nay tại vùng tự trị này.
Trên thực tế, bạo lực đã bùng nổ ở Tân Cương kể từ tháng 8-2008, khởi đầu là vụ hai người Uighur đâm xe tải vào một nhóm cảnh sát ở thành phố Kashgar làm 16 người thiệt mạng. 
Tháng 7-2009, bạo động sắc tộc giữa người Uighur và người Hán ở Tân Cương bùng phát tại thủ phủ Urumqi, khiến 197 người, phần lớn là người Hán, thiệt mạng.
Đó là vụ tắm máu khủng khiếp nhất ở Tân Cương trong nhiều thập niên. Kể từ đó, Tân Cương rơi vào vòng xoáy bạo lực không có điểm dừng. Tháng 7-2011, một nhóm thanh niên Uighur tấn công văn phòng chính quyền ở thành phố Hotan, giết hai cảnh sát.
Trong số 18 người này có 14 người bị bắn chết. Tháng 4-2013, một nhóm người đâm chết 21 cảnh sát và quan chức địa phương một ngôi làng bên ngoài thành phố Kashgar.
Hai tháng sau, 24 cảnh sát và thường dân bị sát hại ở thị trấn Lukqun. Tháng 10-2013, cả Trung Quốc chấn động khi một người Uighur cùng vợ và mẹ lái xe đâm vào quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh khiến năm người chết.
Đây là lần đầu tiên những kẻ cực đoan Tân Cương thực hiện một vụ tấn công bên ngoài địa phận vùng tự trị này.
Những vụ tấn công sau đó trở nên táo bạo và đẫm máu hơn. Tháng 3-2014, năm người cầm dao đâm chết 29 người ở thành phố Côn Minh tại tỉnh Vân Nam.
Chính quyền Bắc Kinh xác định hung thủ là người Uighur. Ngày 30-4, hai kẻ đánh bom tự sát ở nhà ga Urumqi, tám kẻ khác đâm dao vào hành khách, làm tổng cộng hai người chết và 80 người bị thương, đúng vào thời điểm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Tân Cương.
Hãng tin AFP dẫn lời giáo sư Michael Clarke thuộc ĐH Griffith (Úc) đánh giá vụ tấn công ngày 22-5 cho thấy chiến thuật tấn công của các nhóm cực đoan ở Tân Cương đã có sự tiến hóa rõ rệt, thể hiện quy mô lớn và mức độ phức tạp mới, rất giống với chiến thuật của các tổ chức phiến quân Hồi giáo trên thế giới.
Do đó, vụ tấn công ngày 22-5 đẫm máu hơn, thách thức hơn và gây chấn động lớn hơn.


Nguyên nhân nội tại
Ở Tây Tạng chưa xảy ra những vụ bạo lực đẫm máu kiểu như Tân Cương. Tuy nhiên báo chí phương Tây ước tính trong năm năm qua, đã có hơn 130 người Tây Tạng tự thiêu để phản đối các chính sách của Chính phủ Trung Quốc.
Với cả Tân Cương và Tây Tạng, quan điểm của chính quyền Trung Quốc luôn là những kẻ theo chủ nghĩa ly khai, khủng bố thực hiện các hành vi bạo lực. Nhưng bất ngờ là hôm qua xã luận của Thời Báo Hoàn Cầu thú nhận: “Các sai lầm chính sách trong lịch sử đã phần nào dẫn tới tình trạng hiện nay”.
Người Uighur có quan hệ với người Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại và khác biệt hoàn toàn so với người Hán cả về sắc tộc, tôn giáo, văn hóa, ngôn ngữ...
Tuy nhiên từ năm 1949-2008, dân số người Hán ở Tân Cương tăng từ 6% lên 40%. Ở Urumqi, người Hán chiếm 3/4 dân số. Đã từ lâu, các tổ chức người Uighur và Tây Tạng ở nước ngoài tố cáo chính quyền Trung Quốc thực hiện nhiều chính sách thiên vị người Hán, đè nén nền văn hóa, tôn giáo truyền thống và cả cơ hội kinh tế của người Uighur bản địa.

Ethnic Uighur demonstrators hold a defaced poster of China Vice President Xi Jinping and shout slogans during a protest in Ankara, Turkey, on February 21, 2012. [Reuters]

Mới đây, ông Dolkum Isa - chủ tịch Tổ chức Người Uighur thế giới - khẳng định: “Người Uighur chúng tôi không có bất cứ quyền lợi gì, dù là chính trị, văn hóa, kinh tế hay tôn giáo. Cuộc sống của chúng tôi luôn bị đe dọa”. Báo chí phương Tây và Tổ chức Giám sát nhân quyền (HRW) chỉ rõ việc chính quyền Trung Quốc thực hiện nhiều chính sách phân biệt đối xử như bắt giữ hàng loạt người Uighur, trong đó có nhiều học giả nổi tiếng, và hạn chế đạo Hồi.
Phụ nữ Uighur ở Tân Cương không được phép đeo khăn choàng đầu theo đúng quy định đạo Hồi. Sau vụ bạo lực năm 2009, nhà chức trách vô hiệu hóa Internet ở Tân Cương. Chính quyền Trung Quốc thậm chí tuyên bố tiếng Uighur “không phù hợp với thế kỷ 21”, bắt người Uighur phải học tiếng Hán trong trường.
Tiếng mẹ đẻ của họ trở thành “ngôn ngữ nước ngoài” tương tự như tiếng Anh. Những cuộc biểu tình của người Uighur bị đàn áp thẳng tay bằng đạn thật.
Chính vì vậy, các tổ chức người Uighur ở nước ngoài khẳng định đồng bào của họ ở Tân Cương bị gạt ra bên lề xã hội. Các tổ chức người Tây Tạng cũng cáo buộc Bắc Kinh áp dụng chính sách “nắm đấm sắt” ở vùng tự trị này.
Giới quan sát nhận định đó chính là lý do khiến người Uighur phải theo đuổi con đường bạo lực để tìm kiếm sự thay đổi. Một số nhà quan sát dự báo do Bắc Kinh không giải quyết được những mâu thuẫn nội tại này nên các cuộc tấn công tương tự sẽ còn liên tục xảy ra tại Trung Quốc.

*Theo Tân Hoa xã, cảnh sát Trung Quốc cho biết năm kẻ đánh bom tự sát đã thực hiện vụ tấn công khiến 31 người thiệt mạng và gần 100 người bị thương tại một khu chợ trời thành phố Urumqi. Các nghi can lái hai chiếc xe lao vào khu chợ nơi đa số người Hán đến mua sắm, quăng thuốc nổ và kích hoạt bom đeo trên người.

Không có nhận xét nào: