ĐẠT NGỌC
Lớp học gần ba mươi đứa mỗi ngày đi học quấn áo lấm lem, bà
Sáu ngày ngày chịu đựng mùi hôi của tụi nhỏ quen rồi thì không sao, còn cô Hằng
giáo viên mới ra trường ở cùng xóm, muốn dạy thử.
- Nhưng đây là cái chợ chứ đâu phải lớp học!
Cô kêu lên sau nửa giờ đứng lớp, hôm đó cô xin về sớm. Cô cố
gắng thêm hai buổi nữa rồi biến mất tăm không một lời giải thích.
Cũng phải! Vì tụi nhỏ cứ lau nhau mỗi lần đến lớp. Ăn nói
cũng tuỳ tiện, trách sao được, ở đây hầu hết tụi nhỏ đều ở nhà trọ. Đứa có cha
thì không có mẹ, có mẹ thì không có cha. Có đứa cha mẹ bỏ nhau để chúng lại cho
ông bà nuôi, ông bà già rồi đâu có tiền cho chúng nó đi học. Những đứa có mẹ có
cha cũng vậy, ở nhà trọ lo tiền mỗi tháng còn “sặc máu”, rồi tiền ăn uống, bệnh
hoạn thuốc men, lấy đâu ra tiền mà đến trường chứ.
Lời lẽ của chúng tất nhiên cũng lộn xộn. Có hôm thằng Dũng
đi thăm ba (ba mẹ nó bỏ nhau nó ở với mẹ), hôm sau vào lớp kể cho bà nghe: Hôm
qua con đi thăm ba vui lắm, có mấy đứa em kêu con bằng anh còn con nhỏ vợ nhỏ
con kêu bằng dì. Vợ nhỏ nào?, bà ngạc nhiên hỏi. Thì vợ của ba con đó, con nghe
má con nói đó là con vợ nhỏ. Sau khi bà giải thích, nó hứa không gọi mẹ kế như
vậy nữa.
Hay một hôm bé Mai không đi học. Bà hỏi tụi nhỏ sao chúng
lau nhau nói mẹ nó hôm nay bị tiêu chảy phải vào bệnh viện nên nó ở nhà giữ em.
Thằng Đạt láu táu ngắt lời bạn: Bà Sáu biết tại sao mẹ con Mai bị vậy không? Tại
má nó ăn hột vịt lộn do má con bán đó.Má con để hột vịt lộn còn dư hôm trước
đem ra bán nên người ta ăn vào bị tiêu chảy đó, người ta chửi hoài hà!
Chúng là vậy đó, muốn nói gì thì nói, không giơ tay xin phát
biểu như trong nhà trường, bà cũng để vậy vì không muốn tụi nhỏ bị gò bó sẽ
không chịu đi học. Dần dần, tụi nhỏ cũng cư xử có văn hoá hơn vì ông bà luôn lịch
sự với chúng, mỗi lần nhờ chúng làm việc gì dù nhỏ nhặt như lấy dùm quyển vở,
cây bút bà đều cảm ơn. Chúng dần dần chúng cũng biết cảm ơn khi nhờ ông Sáu gọt
bút chì hay bà sáu cho viên kẹo.
Nhưng không phải tất cả chúng đều láu táu vậy. Một hôm bà thấy
thằng An ngồi thẩn thờ khác với vẻ hiếu động thường ngày. Bà lại gần hỏi thăm,
nó nói: Hôm nay con hỏi mẹ sao con không có cha? Mẹ nạt con: Tao lượm mày từ
thùng rác đem về nuôi thì làm gì có cha? Tao cũng cũng không phải là mẹ mày nữa!
Nó nhìn bà, mặt chừng như muốn khóc: Chắc mẹ nói chơi phải hông bà Sáu?
Chiều đó bà đến nhà thằng An giải thích với mẹ nó là không
nên nói với con trẻ như vậy, mẹ nó đỏ mặt xin lỗi rồi giải thích với bà là vì hận
cha nó bỏ mẹ nó từ khi chưa sinh thằng An nên mới nói vậy.
Bà Sáu là cô giáo về hưu, chỉ có một đứa con gái đi du học rồi
định cư ở nước ngoài luôn. Ở nhà buồn nên bà bàn với ông cho bà mở lớp dạy chữ
miễn phí. Thấy vui ông cũng phụ bà. Có khi ông còn đứng ra vận động bạn bè lấy
tiền mua tập vở cho bọn nhỏ, thỉnh thoảng ông còn bồi dưỡng nồi chè hay vài hộp
bánh.
Lúc đầu chỉ vài đứa rụt rè đến thử, rồi dần dần chúng kéo đến
đông hơn. Ba mẹ chúng cũng vui vì con được đi học không tốn tiền, lại còn được
bà Sáu dạy cho lễ phép, giữ gìn vệ sinh thân thể nên xin cho bọn trẻ học ngày
càng nhiều. Phòng khách nhà bà không còn chỗ chứa. Bà và ông phải dẹp bớt đồ đạc
lên lầu, dành nguyên tầng dưới để dạy tụi nhỏ.
Có hôm thấy phòng tắm nhà ông rộng, chúng đòi tắm ông cũng
chìu, kết quả là sau khi bọn trẻ về, phòng tắm nhà ông thành một bãi chiến trường
lộn xộn.
Hàng xóm có người nói ông bà Sáu an nhàn không muốn, lại muốn
chuốc khổ vào thân ngày nào cũng gây ồn ào.Nhưng cũng có người ủng hộ ông bà bằng
cách cho tiền mua tập vở cho quần áo cũ để bà sửa lại cho tụi nhỏ
Ai nói gì ông bà cũng thấy vui vì không phải sống thừa,
không phải ngày ngày ngồi ngắm nhau và chờ đợi tuôi già xộc đến. Bọn trẻ cũng rất
quan tâm đến ông bà Sáu. Hôm nào bà mở cửa muộn chúng đến tận cửa sổ nhìn vào
thỏ thẻ cùng nhau không biết ông bà có bệnh gì không?
Quà chúng mang đến cho bà khi thì cái bánh giò, hai cái bánh
cam, có khi chỉ là nửa cái bánh bông lan rồi lí nhí giải thích là được người ta
cho chúng ăn thấy ngon nên để dành lại cho ông bà một nửa.
Nguồn TTCT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét