by Linh
H. Vo on Thursday, February 9, 2012 at 8:37pm (facebook)
Nhân vật chính trong bộ phim bác sĩ HOUSE |
Mấy hôm nay các đồng nghiệp trẻ xôn xao vì một bài báo
phê phán việc bệnh viện CTCH mổ “dịch vụ” trong giờ “công”.Các đồng nghiệp trẻ
thừa nhiệt tình nhưng chưa quen nghe chỉ trích, không biết căn nguyên và phải ứng
xử làm sao. Tôi viết vài dòng để chia xẻ với các đồng nghiệp.
Mố chương trình
Bệnh viện công là bệnh viện hoạt động dựa trên ngân sách y tế
do nhà nước cung cấp. Từ ngân sách được cấp đó, bệnh viện sẽ quy ra số lượng và
các loại phẫu thuật có thể thực hiện trong năm ngân sách đó, từ đó quyết định số
lượng và loại phẫu thuật cho từng tháng, từng tuần và từng ngày.
Nếu một bệnh nhân vào bệnh viện công, chờ mổ chương trình
(theo ngân sách nhà nước) thì họ được phân loại theo thứ tự ưu tiên dựa vào
tính khẩn cấp của bệnh lý và khả năng đáp ứng của cơ sở y tế đó. Bệnh viện công
về bản chất chỉ là một cơ sở y tế hoạt động dựa vào ngân sách thì họ không thể
hoạt động vượt quá ngân sách được cấp. Thí dụ, bệnh viện chỉ có ngân sách cho
40 ca mổ chương trình mỗi ngày, thì sau 40 ca mổ đó dù phòng mổ có trống, dù BS
không có chuyện làm, dù có nhiều bệnh nhân đang chờ mổ thì bệnh viện cũng không
thể tăng thêm số ca mổ chương trình trừ khi ngân sách cung cấp được tăng lên
cho chuyện đó.
Mổ dịch vụ
Để tránh tình trạng lãng phí trang thiết bị, công lao động của
nhân viên y tế và rút ngắn thời gian chờ đợi của người bệnh, các bệnh viện mở
ra chuyện mổ dịch vụ. Mổ dịch vụ là mổ ngoài ngân sách được nhà nước cung cấp,
cho nên người bệnh phải trả hết tất cả những chi phí y tế không được nhà nước
“bao cấp” với giá thỏa thuận giữa bệnh viện và người bệnh.
Khi mổ dịch vụ, người bệnh có thể được quyền chọn lựa người
bác sĩ điều trị mà mình tin tưởng, sử dụng các dịch vụ, trang thiết bị có chất
lượng cao hơn mà ngân sách nhà nước không thể “bao cấp” cho các ca mổ chương
trình.
Mổ dịch vụ cũng góp phần cải thiện thu nhập chính đáng của
nhân viên y tế, giúp bệnh viện có ngân sách để tái trang bị những phương tiện
điều trị mà ngân sách y tết eo hẹp của nhà nước không thể bao cấp.
Mổ dịch vụ không nhất thiết phải ngoài giờ mà có thể trong
giờ hành chánh, tùy theo tính chất của bệnh lý và tình trạng người bệnh. Nếu bệnh
lý khẩn cấp, mổ ca mổ dịch vụ đó phải được mổ càng sớm càng tốt. Nếu ca mổ
chương trình (theo ngân sách) là ca mổ có tính chất lây nhiễm, hoặc người bệnh
có nhiễm cách loại vi khuẩn đa kháng thuốc thì ca mổ này phải được mổ sau cùng,
thậm chí ngoài giờ.
Chúng ta nhìn vào một thí dụ. Nếu bệnh viện mổ 20 ca
"chương trình" và 10 ca "dịch vụ" thì thứ tự các bệnh nhân
"chương trình" và "dịch vụ" có thể xen kẽ nhau, thậm chí
các ca "dịch vụ" có thể được mỗ trước nếu như được xếp vào loại
"sạch" hơn ở góc độ nhiễm khuẩn.
Có trường hợp bệnh nhân được xếp mổ chương trình nhưng họ từ
chối và chuyển sang mổ dịch vụ để chọn đúng người phẫu thuật viên mà họ tin tưởng.
Đó là quyền và quyền lợi của người bệnh được luật pháp và y đức chấp nhận.
Sao lại gọi là “ăn cắp
giờ công”?
Ở góc độ của người thầy thuốc, việc điều trị một người bệnh
phải được căn cứ trên bản chất bệnh lý của người bệnh chứ không phải “chương
trình” hay “dịch vụ”. Nếu chúng ta ưu tiên bệnh nhân “chương trình” hơn “dịch vụ”,
hoặc ngược lại, là một sự phân biệt đối xử, xúc phạm đến người bệnh, vi phạm
các giá trị bình đẳng trong y đức.
Mổ “dich vụ” hay “chương trình” là một giải pháp tình thế để
giúp người bệnh và nhân viên y tế trong tình hình ngân sách y tế quá eo hẹp
không đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.
Bệnh nhân mổ “chương trình” hay “dịch vụ” cần được phục vụ một
cách bình đẳng trong và ngoài giờ hành chánh dựa trên bản chất bệnh lý của người
bệnh, phương pháp điều trị và khả năng đáp ứng của cơ sở y tế.
Bắt phong trần
phải phong trần
Bản chất của bệnh viện công là phục vụ sức khỏe cộng đồng dựa
trên ngân sách y tế do nhà nước cung cấp. Người dân làm ra của cải vật chất cho
xã hội và nộp thuế cho nhà nước để tạo ngân sách quốc gia. Nhà nước có trách
nhiệm trích lại một phần ngân sách cho các chương trình an sinh phúc lợi xã hội,
bao gồm ngân sách y tế. Ngân sách y tế đó là tiền của nhân dân do nhà nước quản
lý. Ngành y tế thay mặt nhà nước sử dụng ngân sách đó để chăm sóc sức khỏe cho
người dân nhằm đảm bảo sức khỏe cho cả cộng đồng để họ được khỏe mạnh tiếp tục
làm việc tạo ra của cải và đóng góp cho ngân sách nhà nước. Bệnh viện công nhận
tiền từ ngân sách đó để chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân. Về nguyên tắc, ngân
sách mà bệnh viện viện công sử dụng cho người bệnh là không cần phải thu lại từ
người bệnh. Ngân sách đó sẽ được tiếp tục cung cấp vào năm tài chính kế tiếp từ
tiền thuế của người dân.
Khi ngân sách nhà nước cung cấp đủ cho các hoạt động khám chữa
bệnh và lương bổng cho nhân viên y tế thì người bệnh sẽ an tâm điều trị, nhân
viên y tế sẽ tập trung phục vụ người bệnh. Khi đó mối quan hệ tốt giữa bệnh
nhân-nhân viên y tế sẽ được duy trì.
Tuy nhiên ở nước ta “thế sự thăng trầm” nên mọi chuyện diễn
tiến theo chiều hướng khác.
Khoảng cuối những năm 1980, ngân sách quốc gia trống rỗng.
Nhà nước không còn khả năng duy trì ngân sách cho vốn đã hạn hẹp cho ngành y tế,
kế cả cho các đơn vị hành chính sự nghiệp khác. Các đơn vị này được nhà nước
yêu cầu phải “tự hạch toán”, “tự cân đối”, “xóa bỏ bao cấp”, “tự cứu mình trước
khi … trời cứu”.
Như vậy, nhà nước đã đá trái bóng trách nhiệm cung cấp ngân
sách hoạt động sang các đơn vị y tế, các bệnh viện công.
Trong hoàn cảnh đó, các bệnh viện chỉ còn một cách duy nhất
là phải mở các mô hình dịch vụ để thu tiền từ người bệnh, để tạo ngân sách duy
trì hoạt động của mình. Như vậy, bệnh viện công phải tự cứu mình bằng cách chuyển
hướng từ đơn thuần phục vụ bệnh nhân bằng ngân sách nhà nước qua việc kinh
doanh dich vụ y tế thu lợi nhuận từ người bệnh.
Khi cố gắng xóa bỏ bao cấp thì nhà nước cũng giảm luôn “bao
cấp” y tế thay vì xem nó như một phần phúc lợi xã hội mà người đóng thuế có quyền
đòi hỏi và sử dụng.
Từ khi các bệnh viện công kinh doanh dịch vụ y tế cho
đến bây giờ, chúng ta vẫn chưa có đủ nền tảng pháp lý cho cách hoạt động kinh
doanh này. Từ đó xuất hiện sự lạm dụng mô hình này ở một số đơn vị y tế. Dù được
chấn chỉnh cục bộ nhưng nền tảng pháp lý để chế tài và vận hành chưa có nên mâu
thuẫn giữa “phục vụ” và “kinh doanh” vẫn tiếp tục xuất hiện ở các bệnh viện
công, làm cho mối quan hệ bệnh nhân – nhân viên y tế bị đổ vỡ trầm trọng. Bệnh
nhân không được phục vụ tốt nên khổ sở trăm bề. Bác sĩ không có điều kiện thực
hiện đúng trách nhiệm của mình nên có người biến chất, nếu không biến chất thì sẽ
phải đau khổ và bức xúc muôn phần.
Ngoài thì là lý song
trong là tình.
Khi vài phóng viên báo chí phê phán sự xuống cấp về y đức của
ngành y tế thì bản thân họ cũng thấy rằng đạo đức của ngành báo chí cũng đã và
đang xuống cấp không kém.
Có một thời, toàn dân hân hoan khi thấy một số tờ bào dũng cảm
đứng lên vạch trần những tê nạn xã hội, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người
dân.
Sự hân hoan đó cũng không kéo dài được bao lâu, khi cũng
chính báo chí cho biết rằng nhiều bài báo viết về tiêu cực trước được giật giây
và gợi ý từ một số quan chức cao cấp mà hiện nay vẫn còn ở trong tù. Người bị tố
cáo trước đây thì đàng hoàng mỉm cười bước ra khỏi nhà tù, còn nhà báo viết bài
đó thì bước vào tù.
Điều này khiến cho người đọc hoang mang, vì thấy vàng thau lẫn
lộn không còn biết tin ai.
Dân chúng đang còn bàng hoàng vì chuyện đổi trắng thay đen của
cánh nhà báo thì ông “4 biết” vạch ra “lề phải lề trái”, thay một loại tổng
biên tập “trật lề”. Các cán bộ chính trị mới về làm tổng biên tập nhưng không
có kinh nghiệm làm báo chí, khiến cho mâu thuẫn giữa “phản ánh hiện thực xã hội”
và “tuyên truyền” ngày càng trầm trọng. Nhiều nhà báo biến chất, còn lại người
thì đau buồn, cay đắng, bức xúc, người thì chửi rủa um trời trên blog, trên fb
của mình.
Các anh chị nhà báo sẽ phản đối và nói rằng không phải nhà
báo nào cũng vậy, vẫn còn đó những nhà báo kinh nghiệm âm thầm làm việc, cống
hiến với tất cả khả năng và và đạo đức nghề nghiệp của mình. Tôi hoàn toàn đồng
ý với các anh chị. Những nhà báo đứng đắn đó vẫn tồn tại cùng với các nhân viên
y tế đứng đắn của ngành Y đang ngày đêm cống hiến và chịu sự chỉ trích một chiều
phiến diện từ phía xã hội. Các nhà báo đứng đắn đó đứng lẫn vào trong và nhìn bề
ngoài có vẻ giống như bất kỳ đồng nghiệp nào của các anh chị. Các nhân viên y tế
đứng đắn đó vẫn đứng lẫn và nhìn như bất cứ những nhân viên khác trong các đơn
vị y tế mà các anh chị đang chỉ trích. Khi các anh chị không có được một
môi trường để viết cho đúng với suy nghĩ của mình thì các nhân viên y tế cũng
đang ở trong một môi trường mà họ không thể thực hiện được một cách đầy đủ
trách nhiệm nghề nghiệp mà xã hội đang kỳ vọng vào họ.
Chúng ta đều ở trong một hoàn cảnh mà mọi người đều “vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm” của sự
xuống cấp đạo đức xã hội, đạo đức nghề nghiệp. Chúng ta ai cũng muốn bớt phần “thủ phạm” để cùng nhau xây dựng xã hội
tốt hơn. Khi chúng ta nhìn phần “thủ phạm”
của người khác thì cũng nên nhìn lại mình để xem mình đang ở đâu trong bậc
thang đạo đức xã hội và đạo đức nghề nghiệp của mình. Khi đó những ý kiến đóng
góp bình tĩnh của chúng ta sẽ hợp tình hợp lý, mang tính chất xây dựng tích cực
cho nhau và cho cả cộng đồng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét