Thứ Tư, 22 tháng 8, 2012

KHI CÁC BỆNH NHÂN CỦA TÔI KHÔNG TUÂN TRỊ

Thy Anh 

1/ Bác sĩ T. đỏ mặt tía tai đập tay xuống toa thuốc, nói như hét vào mặt bà M. một bệnh nhân tiểu đường đã “10 năm kinh nghiệm”: -“Bà muốn chết hay sao mà không chịu chích insulin theo toa, đường huyết lên tới 20 mmol đó, thấy chưa?”
2/ Bác sĩ X. tái mặt khi bệnh nhân của mình, ông N. một giáo sư tiến sĩ … cho biết đã tự ý uống thêm thuốc losartan nhiều ngày nay để tăng cường bảo vệ thận theo tài liệu truy cập trên internet, trong khi chức năng thận của ông cho thấy đã suy thận giai đoạn cuối và kali máu đã lên đến 6 mmol...

**** 
Tại phòng khám, các bác sĩ , đặc biệt các bác sĩ trẻ mới ra trường, thường bị bực mình và mất nhiều thời gian với các bệnh nhân không tuân trị, dù đã được tư vấn và cho toa thuốc nhưng bệnh nhân vẫn không thực hiện đầy đủ và lẽ dĩ nhi ên, không đạt được mục tiêu điều trị
Bệnh nhân có thể không tuân trị vì các khó khăn tài chính (nên không mua đủ thuốc), trường hợp này các bác sĩ chỉ cần "tối giản" toa thuốc và ưu tiên chọn các mặt thuốc nhái hoặc thuốc nội thật rẻ tiền.
Bệnh nhân có thể không tuân trị vì những lý do "lảng nhách" như "sợ bị hại gan" hoặc vì "thuốc tây nóng quá" ... cũng có thể vì bệnh nhân cho rằng mình là người bệnh lâu năm đã có nhiều “kinh nghiệm” rồi nên tự động thêm hoặc bớt thuốc trong toa hoặc sử dụng thêm các phương pháp không dùng thuốc tìm được trên internet, qua các bài báo lá cải, qua các chương trình TV "tầm ruồng" (do các công ty dược tài trợ)...Đây chính là các trường hợp dễ làm các bác sĩ bực mình nhất và cũng khó giải quyết nhất.
Chúng ta nên làm gì?
Theo tôi, chúng ta nên dành đủ thời gian cho các bệnh nhân của mình (cái mà các bác sĩ Việt Nam thường có rất ít) và phân loại các bệnh nhân này theo trình độ học vấn để đối phó.
Nếu bệnh nhân là những người học vấn không cao, việc đối phó sẽ tương đối dễ dàng hơn, bạn chỉ cần tiến hành từng bước như sau, bước thứ nhất, hãy tư vấn thật kỹ cho phù hợp với trình độ của bệnh nhân, hãy giải thích mục đích của từng loại thuốc trong toa, nhấn mạnh đến việc bệnh sẽ có lợi gì khi dùng chúng. Nếu bệnh nhân vẫn chưa tuân trị, bước thứ hai, bạn sẽ phân tích các số đo (ví dụ: huyết áp) hoặc các xét nghiệm chưa đạt mục tiêu (ví dụ: huyết áp còn > 130/80 mmHg, đường huyết đói còn > 7mmol/L) và giải thích nguyên nhân chủ yếu là do sự không tuân trị của bệnh nhân (ví dụ: do không dùng đủ thuốc, do còn ăn quá mặn nên huyết áp chưa tốt hoặc do ăn nhiều trái cây ngọt nên đường huyết còn cao...). Bước thứ ba, nếu 2 bước trên vẫn chưa hiệu quả, các bạn phải "hù dọa" bệnh nhân bằng những viễn cảnh "ghê rợn" nếu không tuân trị, hãy sưu tầm những hình ảnh kinh khủng về các biến chứng của bệnh (ví dụ: hình ảnh phù nứt da nứt thịt do biến chứng thận, hình ảnh bàn chân hoại tử đen thui của bệnh tiểu đường, hình ảnh tay chân co rút còng queo do tai biến mạch máu não...)
Nếu bệnh nhân là người có trình độ học vấn kha khá, bạn sẽ gặp khó khăn nhiều hơn. Những người này không tuân trị có thể vì họ tự cho rằng mình đã biết tất cả hoặc chỉ vì họ còn CHƯA TIN TƯỞNG vào bạn. Tâm lý không tin tưởng này sẽ là rào cản cho mọi cố gắng của bạn. Do đó, công việc đầu tiên là bạn phải tạo sự tin tưởng, bạn vẫn tiến hành tuần tự 3 bước đã nói ở trên, nhưng cần sử dụng c ác bi ện pháp thuyết phục hơn bằng các dẫn chứng khoa học, nếu cần, cho họ biết các website tin cậy để họ tự tìm hiểu r ồi cùng thảo luận với bạn. Nếu bạn tạo điều kiện cho những bệnh nhân này tiếp xúc được với những trường hợp điều trị thành công của bạn (trực tiếp hoặc qua báo chí, qua internet...), chắc chắn bạn sẽ được tin cậy nhiều hơn.
Mong các bạn đồng nghiệp thân mến cùng chia sẻ các kinh nghiệm cá nhân của mình.

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Khi họ đã có trình độ cao hoặc chuyên môn cao trong lĩnh vực nào đó (tuy không phải ngành y) thì họ chắc chắn sẽ biết nguồn nào đáng tin cậy, nguồn nào chuyên khoa thậm chí bằng tiếng anh hoàn toàn. Chứ không đơn giản là tin vào một bản tin tức online hay video của một tờ báo lá cải hay của một hãng dược nào đó. Do đó ít nhất khi họ tiếp thu thông tin họ sẽ biết cân nhắc nên tin về thông tin đó hoặc bác sỹ ở mức độ nào đó vì không phải bác sĩ nào cũng giỏi, không phải bác sĩ nào cũng đúng hoàn toàn vì trình độ của mỗi bác sĩ hoặc một người nào đó về ngành nghề nào đó là hoàn toàn khác nhau. Tất nhiên những bệnh nhân dạng này sẽ rất ít cũng như bất kỳ nghề nào người thật sự giỏi và cực giỏi cũng không nhiều.