BS NGUYỄN HOÀI VÂN
Ngày 17 tháng 8 vừa
qua, tại Bộ Giáo dục Đào tạo, Tổng bí thư đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng tuyên
bố cần chấm dứt thành tích ảo trong giáo dục. Ông cho biết: "Chúng ta đã 3
lần cải cách giáo dục, vì sao lần này không đặt vấn đề cải cách nữa mà là 'đổi
mới căn bản, toàn diện'? Phải chăng phải đổi mới từ tư duy cho đến mô hình,…”, rồi
ông tự hỏi: “Việt Nam đã có triết lý về giáo dục chưa, hay là người học
ở Anh về bảo phải như thế này, người học ở Mỹ bảo thế kia, nên tiếp thu kinh
nghiệm gì của từng nước, trên cơ sở nào".
Nền giáo dục của Việt Nam bây giờ thì ai cũng than, nên ông
Trọng lên tiếng chỉ là phản ảnh những gì quần chúng vẫn chê trách. Vẽ ra một
chính sách giáo dục chỉ trong mấy câu thì tôi thấy hơi "phiêu", vì
nhiều nhà chuyên môn trong các nước tiên tiến như Pháp, đã làm sau nhiều năm
nghiên cứu nhưng vẫn tuần tự ... thất bại.
Xin nhận xét : Việt Nam (cũng như Pháp, hay cả Nhật) hành hạ
đám trẻ một cách thái quá trong suốt học trình cho đến tú tài.
Chương trình quá xá nặng, thay đổi luôn luôn, lại còn phải học
thêm ngoài giờ dài dài từ ... tiểu học ! Xong Tú Tài còn phải thi Đại Học nữa
(quá vô lý !). Học sinh vào đến đại học là kiệt sức. Mà khi vào đại học
hay trường chuyên ngành mới là lúc bắt đầu học môn học chuyên môn mà
mình sẽ sử dụng trong công việc ngành nghề sau này.
Với những cố gắng lớn lao ấy, học xong, lấy bằng cấp, lại chỉ
để ... thất nghiệp, hoặc phải làm những việc không tương xứng với học trình,
hay tương xứng thì lợi tức quá kém. Tức là lãng phí công sức của học sinh,
và lãng phí tài nguyên quốc gia để đào tạo giáo dục họ. Một số người khá, phải
chạy ra nước ngoài, cũng là một lãng phí.
Cái tệ nạn có bằng nhưng không làm được việc mình học rất phổ
biến. Ở Đại học Rennes, sinh viên xã hội học hay tâm lý học sau
khi ra trường 1 năm, thất nghiệp trên 40 %. Hơn 80 % chui vào những ngành nghề
không liên hệ nhiều đến ngành học của mình. Một lần tôi đến Marakech, cô bé ra
phi trường đón, đưa về khách sạn (không được làm tới hướng dẫn viên du lịch -
nhiều tiền hơn), có bằng cao học Sinh hóa. Anh chàng hướng dẫn du lịch
thì là tiến sĩ khảo cổ học. Anh ta có thể làm cho một cơ quan khảo cổ, nhưng
lương quá thấp !
Vì thế, không cần đi vào triết lý cao siêu, tôi nghĩ trọng
tâm của giáo dục trung - tiểu học là kiến thức tổng quát, không cần phải hành hạ
học sinh thái quá. Cần cho chùng nó học thêm nhiều về nghệ thuật, thể thao, vi
tính ... và giảm bớt giờ học cho chúng nó có thời giờ phát huy năng khiếu
và sở thích riêng. Lên đến trường chuyên môn và đại học mới phải đòi
hỏi nhiều cố gắng.
Mặt khác sự đào tạo phải hướng vào công ăn việc làm thực sự,
chứ không phải chỉ cho ra bằng cấp. Tức là chủ yếu phải đào tạo những người mà
xã hội cần thực sự. Một khuynh hướng hay được nói tới là gắn liền học đường với
xí nghiệp, để học ra là có việc làm. Một công nhân lao động thất nghiệp ít hại
cho xã hội hơn một kỹ sư thất nghiệp, vì phải mất nhiều tài nguyên
hơn mới đào tạo được ra người kỹ sư ấy. Những tài nguyên thất thoát này sẽ
không được đầu tư vào chỗ khác, trở thành một thiệt thòi cho xã hội.
Một phần những người xuất sắc cần vừa học vừa liên hệ với
các cơ quan nghiên cứu, của chính quyền và của tư nhân, với lương cao (trường hợp
Nhật, Hoa Kỳ). Đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu là tương lai của kinh tế, kỹ nghệ.
Nhật đầu tư vào lãnh vực này 75% nhiều hơn Pháp, cắt nghĩa sức mạnh kinh tế của
Nhật, dù trong khủng hoảng.
Đại khái đó là một vài hướng suy nghĩ. Dù cho đi theo khuynh
hướng triết lý nào đi nữa cũng phải thích nghi với những đòi hỏi thực tế. Không
biết ông Trọng muốn đề nghị điều gì cụ thể, nhưng ý thức được là nền giáo dục của
Việt Nam không thích nghi với hoàn cảnh thì đã là một tiến bộ đáng khuyến
khích.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét