Chủ Nhật, 5 tháng 8, 2012

Đàm thoại giữa Dalai Lama & Jean-Claude Carriere : Sự Thay đổi và Hố Ngăn Cách Giữa Các Thế Hệ


Trong lúc bàn về những thay đổi mà chúng tôi có thể quan sát được trong cuộc đời mình, tôi (Jean-Claude Carriere ) nói với ngài ( đức Dalai Lama ) về quyển sách nổi tiếng "Hố Ngăn Cách Giữa Các Thế Hệ" của nhà nhân chủng học Mỹ Magaret Mead. Bà là một trong những nhà tiên phong của cuối những năm 60.
Hình như ngài không biết cuốn sách đó.
- Vì sao nó lại nổi tiếng?
- Bởi vì nó trình bày rõ ràng những tư tưởng phổ biến nhất của những năm đó và cũng bởi vì nó đặt ra một vấn đề thật sự. Magaret Mead nói rằng, trong xã hội cổ xưa, thế giới không thay đổi hoặc ít có thay đổi từ thế hệ này sang thế hệ khác. Vì thế, những người già có thể truyền lại cho các thế hệ trẻ tất cả các hiểu biết về môi trường, phương thức sống, những công cụ, những câu chuyện và mối quan hệ xã hội. Trong một thế giới không đổi, những thế hộ mới rất cần những kiến thức đó. Khi mọi sự bắt đầu thay đổi ngày một nhanh hơn trong các thời đại mới, khoảng cách giữa các thế hệ ngày càng rõ hơn và cũng trầm trọng hơn. Nó trở thành một cái hố. Những người ra đời sau tại sao người già cứ cố truyền cho họ hết kỹ thuật này đến kỹ thuật khác , bắt họ đọc tác giả này tác giả nọ trong khi họ đã chán ngấy các tác giả đó và họ cũng chẳng cần dùng tới các kỹ thuật kia.
Magaret Mead
Ngài lắng nghe tôi nói, gật gù, ánh mắt chăm chú.
- Chẳng hạn khi tôi lên bảy hoặc tám tuổi, tôi thưa với ngài, cha tôi đã dạy tôi kéo ngựa đi bừa. Đó là một trong các công việc của tôi. Tôi phải biết mọi thứ về môi trường ở nông thôn. Giờ đây, nếu chưa quen các thao tác đó thì chắc chắn tôi là một trong số rất hiếm các tác giả người Châu Âu cho thể cày bừa theo kiểu ngày xưa.
Hình ảnh đó làm ngài bật cười. Tôi nói thêm:
- Ngược lại, năm 1945, khi xảy ra vụ ném bom nguyên tử ở Hiroshima, những người trong làng lớn tuổi hơn tôi (lúc đó tôi 14 tuổi) tới hỏi tôi xem cái quả bom ghê gớm có khả năng phá hủy cả một thành phố trong nháy mắt đó như thế nào. Tôi đang học trung học nên họ tưởng tôi biết, song thực ra tôi chẳng biết gì vể lãnh vực đó. Tri thức thay đổi qua các thế hệ. Ngày nay cũng vậy, khi nói vể điện tử, tôi lại phải hỏi con gái mình.
Tôi cố trình bày ngắn gọn với ngài về sự chao đảo ghê gớm trong hệ thống giáo dục của chúng tôi kể từ cuối những năm 60. Một mặt, thành trì cũ kỹ của tri thức đang sụp đổ. Đối với chúng tôi, những gì của quá khứ hình như không còn cần thiết nữa. Tiếng latin bị rơi vào lãng quên, nhường chỗ cho toán học. Mặt khác, giảng dạy được tuyên bố là cởi mở, linh hoạt, nhẹ nhàng, hầu như tự giác. Trong một số trường hợp, người ta còn hỏi sinh viên xem họ muốn học cái gì. Thái độ ấy đã đưa tới một phương pháp sư phạm kỳ quặc, gần như lộn ngược, và suýt nữa đã nhào nặn ra một hoặc hai thế hệ ngu dốt. Sau đó, phản ứng bình thường xảy ra và mọi thứ lại tiếp diễn.
- Hiện nay chúng tôi vẫn do dự. Như ngài nói, chúng tôi cảm thấy rõ ràng phải thay đổi toàn bộ hệ thống. Song đi theo hướng nào? Các ý kiến rất khác nhau.
Phản ứng của ngài làm tôi ngạc nhiên.
- Tại sao các sân bay hay nhà ga, Ngài nói, người ta dùng chó nghiệp vụ khi cảnh sát muốn phát hiện các vụ buôn lậu ma túy. Và thường rất có hiệu quả vì mũi của chó thính hơn mũi của cảnh sát nhiều lần. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng cảnh sát phải xem chó là thầy!
Tôi chỉ còn biết tán đồng. Sau khi suy nghĩ, ngài nói thêm:
- Tôi đang thực sự tự hỏi, liệu sự thay đổi có tăng tốc nhanh quá hay không. Thay đổi nào? Thay đổi cái gì? Kỹ thuật ư? Vâng. Tất cả các công cụ đều được hoàn thiện. Một số còn mới tinh, đòi hỏi một kỹ năng mới khi sử dụng chúng. Quần áo chúng ta mặc cũng thay đổi theo mốt, ít ra là quần áo của các bạn; các phương tiện giao thông cũng ngày càng hoàn thiện; cách nhìn của chúng ta vể thế giới, các tín ngưỡng của chúng ta ... cũng thay đổi vì tất cả chúng ta đều sống trong VÔ THƯỜNG. Thực vậy, nhìn bề ngoài, mọi vật đều thay đổi, chúng thay đổi không ngừng. Ngài lắc nhẹ đầu trước khi nói thêm:
- Còn chúng ta, chúng ta không hề thay đổi.
Khi nói câu này, Đức Dalai Lama không hề ám chỉ tới bất kỳ một lãnh địa thâm căn cố đế nào trong bản thân chúng ta mà chúng ta cố bảo tồn và che chắn. Câu nói tuy bề ngoài có vẻ đơn giản nhưng thực ra lại tinh tế và rộng hơn nhiều. Cái không thay đổi ấy, ngài nói, chính là mối quan hệ của chúng ta với thế giới. Sau hai thế kỷ bắn giết, lập tuyến phòng thủ, bãi công, chinh phục xã hội, phát triển kỹ thuật tới mức chóng mặt, xung đột gay gắt về hệ tư tưởng, chấn động về khoa học, những cuộc chiến lớn và nhỏ, chúng ta mới phát hiện ra mình vẫn như cũ, luôn luôn gắn bó với cái mà chúng ta cho là đã hiểu biết và thống trị được nó. Rồi chúng ta bàng hoàng khi phát hiện các hiểm họa nẩy sinh mà chúng ta không hề mong đợi: nguy cơ tự hủy diệt. Ngu cơ này càng khó trừ hơn vì nó không ngừng bung ra từ vọng tưởng dai dẳng của chúng ta
(LA FORCE DU BUDHISME/ DALAI LAMA & Jean-Claude Carrière - 2003)

2 nhận xét:

MM nói...

Thảo nào các hố sâu ngăn cách thế hệ trong gia đình ngày càng rõ thầy nhỉ?!
Nhưng em nghĩ là nếu con người lúc nào cũng như nhau (ở xu hướng xa lầm, tự hủy diệt) vậy nhân loại không có cơ hội phát triển lâu dài sao thầy? liệu xã hội con người sẽ chấm dứt ở mối quan hệ Tư Bản CN sao thầy!?

http://vuisongmoingay.blogspot.com/ nói...

nhân loại vẫn còn có cơ hội phát triển lâu dài, co hội ở trong tay loài người chúng ta. có những kẻ vô minh thì cũng còn những người sáng suốt em ạ