Thứ Hai, 22 tháng 11, 2010

TẠI SAO ĐỨC PHẬT LẠI NÓI: “KẺ THÙ LỚN NHẤT ĐỜI NGƯỜI LÀ CHÍNH MÌNH ” ?

BS. Nguyễn Quý Khoáng
(VN, tháng 10 năm 2010)


trang 1


I.       ĐẶT VẤN ĐỀ:
      Khi bước chân con người đã ghi dấu trên khắp các lục địa,“đôi cánh” công nghệ đưa trí tuệ nhân loại chinh phục bầu trời và khoa học vén mở bức màn bí ẩn của lòng đại dương sâu thẳm,chúng ta tưởng chừng  như không còn nơi nào không có bóng dáng con người; song không gian nội tâm mênh mông sâu thẳm trong lòng người thì vẫn là miền đất chưa được khám phá tường tận. Con người luôn hướng ra bên ngoài,cố tìm hiểu và chinh phục ngoại cảnh trong khi chính bản thân mình thì còn chưa hiểu hết,chưa “tỉnh thức” thì làm sao chinh phục được chính mình. Và BS Prashant V.Kakode nói:“Con người còn luôn mãi khổ đau một khi  chưa tỉnh thức”.
         Hoà Thượng Kim Cương Tử có trích ra 14 lời dạy của Phật mà lời đầu tiên là: “Kẻ thù lớn nhất đời người là chính mình”.
Câu này khiến không ít người thắc mắc, thậm chí nói là vô lý!       
Vậy chúng ta thử phân tích kỹ câu này xem nó có đúng sự thật không vì đây cũng là điều mà Đức Phật nhắc nhở chúng ta phải luôn luôn suy xét thật kỹ bằng trí của chính mình trước khi chấp nhận một điều gì dù lời đó là của bất kỳ ai,kể cả của Đức Phật.
II-PHÂN TÍCH CÂU TRÊN:
   Theo tôi, hai chữ quan trọng nhất trong câu này là chữ “kẻ thù” và “chính mình”.
   A.KẺ THÙ: Kẻ muốn chống đối,phá đám, làm hại người khác. Chữ này ngược lại với chữ“bạn” nghĩa là người thuận theo mình, luôn giúp đỡ mình về mọi mặt vì hạnh phúc của mình.Tuy nhiên, trên thực tế, có những trường hợp tưởng là thù mà thật ra là bạn và ngược lại. Do đó, ta không nên xét hình thức bên ngoài qua lời nói và hành động mà nên tìm hiểu kỹ tâm ý của người đó trước khi kết luận.
   B.CHÍNH MÌNH: Chữ này có nghĩa là “Cái Tôi”, “Cái Ta”, “Ta đây”, “Ta”, “Cái Ngã”, “Ngã”...Đây là chữ quan trọng nhất trong câu này vì nếu mình có thể trả lời được cái “chính mình”đó là ai thì ta mới biết thật sự nó là bạn hay là thù.
         B1/Vậy thì Ta là ai? Bạn có bao giờ tự đặt câu hỏi này không?
         Tôi tin là có rất nhiều người sống cho đến cuối đời cũng không hề thắc mắc mình là ai cả. Khi được hỏi “bạn là ai?” thì hầu hết người được hỏi sẽ lúng túng vì thật ra đây không phải là câu dễ trả lời. Có người phản ứng lại bằng cách  nói người kia lẩm cẩm và trả lời: “Tôi là tôi chứ còn là ai nữa !”.
Thậm chí có người cho rằng cứ sống theo lẽ tự nhiên, vô tư, chuyện gì đến thì đến, kể cả cái chết, đừng thắc mắc gì cả. Nhưng thật sự trong giờ hấp hối, họ có bình tĩnh được không? Họ như những con đà điểu chui đầu vào cát mà tưởng rằng đã thoát được nguy hiểm.Nhưng đó là sai lầm vì nghiệp báo theo mình như bóng với hình. Con người khác súc vật ở chỗ chúng ta có lý trí nên chúng ta không nên buông xuôi để tiếp tục trôi mãi trong vòng sinh tử luân hồi. Ta không nên chạy theo cảnh nữa mà phải biết dừng lại,quay trở về chính mình để tỉnh thức, biết rõ “con người thật” của mình từ đó mới đạt được Chân hạnh phúc.
        Đa số  tin rằng  mình có một cái tôi bằng xương bằng thịt độc lập với mọi người khác,có những suy nghĩ riêng biệt, muốn làm gì thì làm nghĩa là làm chủ được mình,có sự tự do quyết định vận mệnh của mình (libre arbitre) và đặc biệt là một số người tin là mình có một linh hồn tách biệt với thân xác,khi thân xác này hoại diệt thì linh hồn vẫn tồn tại mãi.
        B2/Vậy thì theo Đạo Phật, ta (Ngã) là gì?
Ngã gồm 5 uẩn (aggrégat).
(“Uẩn” nghĩa là sự tập hợp thành một nhóm, còn được gọi là “ấm” nghĩa là che mờ. Đó là vì các yếu tố ở mỗi uẩn, một khi tập hợp lại tác động lẫn nhau rất khó cho ta phân biệt rõ chính yếu tố nào trong một uẩn là yếu tố chủ động còn yếu tố nào ở một uẩn khác là yếu tố phụ thuộc). 5 uẩn đó  là  Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức.
Sắc là nói về Thân xác nghĩa là phần vật chất, còn phần tinh thần gồm 4 uẩn còn lại.
           1/Sắc (corps) là phần vật chất mà mắt mình nhìn thấy và thường được người ta chia ra 3 phần: đầu, mình và chân tay. Sắc do tứ đại tạo thành. (Đại có nghĩa là lớn nghĩa  là 4 thứ gặp được khắp nơi trong vũ trụ: Đất, Nước, Gió, Lửa).
Trên thân thể con người,
-Đất tượng trưng cho thành phần đặc như xương, cơ, các tạng đặc, mô mềm che phủ con người.
-Nước tượng trưng cho thành phần dịch trong và ngoài tế bào, máu, các dịch tiết v…v
-Gió tượng trưng cho hơi thở, ợ, ngáp,hắt xì…
-Lửa  tượng trưng cho sức nóng trong người ( thân nhiệt của chúng ta trung bình là
37 độ C) và năng lượng do biến dưỡng thức ăn.Trung bình cơ thể con người cần 1800 calories/ngày.Người lao động nhiều có nhu cầu nhiều hơn 5500 calories/ngày.
Về phương diện Y học (cơ thể học và sinh lý học), chúng ta thấy Đức Phật đã nêu lên đầy đủ các đặc tính chính của thân thể con người.
          2/Thọ (sensation)nói về cảm giác mà con người có được khi tiếp xúc với ngoại giới bằng các giác quan và bằng sự tiếp xúc qua da như tê, nhức, đau, nóng, lạnh, dễ chịu, sung sướng…
          3/Tưởng (perception)  là tất cả tri giác được nhận thức bên trong tâm qua sự cảm xúc nơi các giác quan, như các sự thấy, nghe, ngửi …Các hình ảnh cũng có thể do sự suy diễn, tưởng tượng mà ra.
          4/Hành (formations mentales) là tất cả các biến chuyển lần lượt xảy ra bên trong tâm ý đưa đến các hành động ở bên ngoài, nơi thân và miệng, như các động tác của tay chân, như lời nói nơi miệng lưỡi.        
          5/Thức (conscience mentale) nói về sự hiểu biết nơi tâm ý, hoặc về cảnh vật bên ngoài hoặc về  các thay đổi trong nội tâm.
        Bốn uẩn Thọ, Tưởng, Hành, Thức có liên hệ bên trong hợp thành phần tinh thần. Vậy thì cái gọi là Ta đâu phải là một cái gì thuần nhất mà là tập hợp của nhiều thành phần tạo nên thể xác và tinh thần của con người.
                                                  
                                         Xem trang tiếp

Không có nhận xét nào: