Thứ Tư, 17 tháng 11, 2010

phỏng vấn nhanh bác sĩ tương lai hongangoretti về Lời thề Hippocrates (2)

câu hỏi1/ lời thề này có phù hợp với người việt mình kh? đặc biệt trong thời đại ngày nay?
2/ khám bệnh từ thiện có phải là 1 hình thức thực hiện của lời thề này kh?
3/ em đã tham gia 1 cuộc khám bệnh từ thiện nào chưa?cảm nghĩ gì về lần khám ấy?
4/ theo em, người bệnh được khám từ thi65n ấy có nên được hượng nhựng hình thức phục vụ nào khác hơn kh?
5/ khám bệnh từ thiện, nếu nhân danh 1 công ty, 1 tập đòan, 1 thương hiệu bệnh viện . .  nào đấy, thì mục đích từ thiện có bị sút giảm chút nào kh?

hongangoretti:

chân dung hongangoretti
Em thấy nói là lời thề này phù hợp hay không phù hợp cũng được, vì điều đó không quan trọng. Bản thân em là sinh viên Y, chưa bao giờ thực sự quan tâm lời thề Hippocrates có nội dung cụ thể là gì, nhưng em luôn cảm thấy nó rất thiêng liêng. Mỗi khi nghĩ tới việc mình sẽ được đọc lời thề, em tự nhủ mình sẽ rất trân trọng giây phút đó. Học Y, mỗi người học vì một lý do, và những lý do đó thiên hình vạn trạng, có thể chẳng có dính dáng gì đến nhau và đến nghề Y. "Trong lòng đầy, miệng mới ứa ra" (Kinh Thánh) và hành động sẽ thay lời bộc lộ ra những gì ẩn trong lòng.
Phải đọc và ko phải đọc lời thề trước khi tốt nghiệp thì có gì khác nhau ko? Có lẽ là không. Chẳng lẽ suốt 6 năm ta chẳng quan tâm, tới trước tốt nghiệp ta lại vì lời thề này mà từ bỏ vì ta thấy không xứng? Và nghĩ lạc quan hơn, thì nó có thể đánh động lòng những tân bác sĩ được bao nhiêu phần?
Lời thề có hay hay là không hay, phù hợp hay không phù hợp thì tầm ảnh hưởng khác nhau thế nào? Nếu không phù hợp với thời đại ngày nay thì sẽ bị chỉ trích nhiều hơn. Nếu có phù hợp thì có chắc bao gồm hết được những gì cần phải cho thề không?
Nói một hồi em cũng chưa biết mục đích lời thề để làm gì. Nếu để kêu gọi thì thấy nó hời hợt, nếu để làm bản đánh giá y đức thì chẳng bao giờ đủ. "A, không được mở bàng quang, ta sẽ dành cái đó cho những người chuyên, nhưng ta được mở đại tràng này..."
Phù hợp hay không phù hợp, cũng chỉ là Ngọn mà thôi.


Giữa khám bệnh từ thiện và lời thề có liên quan gì không? Khám bệnh từ thiện thì có nhiều dạng. Lời thề nói tới trách nhiệm của mình trước bệnh nhân. Người ta nghèo, tới khám với mình, mình từ thiện bằng miễn phí hay là mình đánh xe tới vùng nghèo và kêu gọi người ta tới khám từ thiện để nâng cao kiểm soát sức khỏe?
Có vẻ như khi nhìn vào bác sĩ, người ta dùng từ "Y ĐỨC" nhiều hơn là so với lời thề. Người ta coi bác sĩ đó có hay không có Y đức chứ không xem là bác sĩ đó có hay không thực hiện lời thề. Và nếu ta không làm từ thiện thì cũng không ai nói ta không có Y đức cả, chỉ cần ta đừng bắt nạt người dân, thật sự công bằng với họ là có Y đức rồi.
Làm sao nhỉ? Cái Y đức này nó trừu tượng, chẳng bao giờ dùng cái gì vẽ nó ra được đâu nhỉ? Đánh giá dựa vào cái gì đây? Thật dễ rơi vào tình trạng phiến diện.


Nếu khám từ thiện mà nhân danh công ty nào đó, tập đoàn nào đó... Không vấn đề!
Giống như cái trò người ta gọi là "Win- Win" ấy, cả hai cùng có lợi nhưng mà trong những người tham gia vào trò chơi này lại có nhóm thuộc dạng thứ 3. Nói thế thôi chứ có một lý luận thật là phản động này này: Mình tham gia từ thiện của công ty A, công ty A thì có tiếng, dân thì được nhờ, mình là mình chẳng được gì hết. Nhưng mà cái tính của mình là mình thích đi đây đi đó, đến những vùng đất nghèo khổ, xa xôi, vài tháng mà mình không đi một lần là mình chịu chẳng được, mà tự sắp xếp đi thì mình chẳng đủ khả năng, may mà mấy công ty này tổ chức mấy vụ này. Chuối thật đấy, nhưng mà tự dưng thấy mình cũng được giải quyết nhu cầu nào đó. Nhưng mà chẳng nên xét nét như thế. Trong vụ này, người bệnh có mất gì không? Hình như là không! Thế thì sao phải đắn đo nhiều thế! Mình nhắm tới người bệnh mà, đạt được mục tiêu rồi, mà phương tiện mình dùng để đạt mục tiêu này cũng chẳng xấu. Đòi hòi thêm nữa lại đâm ra là cầu toàn quá!
Em đã tham gia vài lần đi từ thiện, do học Y nên em thường được xếp vào nhóm y tế. Đi từ thiện lúc nào cũng vui cả, và học được rất nhiều thứ. Có những khi mình sẽ học được vô số điều từ những người mà mình tìm đến. Lần em thích nhất là đi từ thiện cùng lưu xá. Mở ngoặc, lưu xá là một ngôi nhà lớn quy tụ thường là sinh viên ở quê lên thành phố học, sống với nhau như gia đình, dưới sự hướng dẫn cận kề của các soeur đối với nhà nữ, và của các Cha đối với nhà nam. Ngôi nhà em ở gồm có gần 200 bạn, và 3 soeur. Hằng năm, lưu xá đều làm gì đó để kiếm tiền, ví dụ bán đĩa nhạc ở các nhà thờ, nhận hàng về làm, xin vải về may chăn gối,...sau 2 tháng kiếm tiền, trước lễ Giáng Sinh sẽ đến một nơi nào đó và tặng quà, mời theo 1 đoàn bác sĩ từ thiện để khám bệnh. Năm đó đi một vùng vô cùng xa xôi ở Lâm Đồng. Người dân nghe tiếng Việt lõm bõm, và nói cũng lõm bõm. Mỗi lần đọc tên người nào đó để hướng dẫn vào phòng khám, mấy chị em thay nhau đọc, mãi chẳng thấy người xuất hiện, không biết do mình phát âm chưa chuẩn hay là đọc nhỏ quá người ta chưa nghe được, thế là thay nhau đứng lên gào to hết sức, rồi đọc có 1 cái tên đó theo nhiều kiểu khác nhau. Không loa, không điện,...chỉ có sức người. Các soeur và gia đình hơn trăm đứa nữ luôn tổ chức kỹ càng, cẩn thận nhưng cũng vô cùng bị động bởi người ta không tuân thủ tốt như mình muốn. Có nhiều lúc, nếu đứa đó là bạn bè mình, mình sẽ đét ngay vào mông nó và chửi "Lỳ như trâu" nhưng chẳng hiểu sao mình lại không nghĩ thế. Nhận ra rằng, dù điều gì xảy ra, con người có nhiều cách nghĩ, mình sẽ thích nghĩ theo hướng nào, do mình chọn lựa. "Ôi, họ thật khó khăn và họ thật sự cần được giúp đỡ về điều đó, nên họ cố hết sức để nhận được sự giúp đỡ". Cách nghĩ thứ hai này có vẻ tươi vui và làm cho mình cũng như cuộc sống đáng yêu hơn.
Khi đi, mang theo rất nhiều thuốc, có lẽ những bệnh mà người ta còn sức để đi tới khám thì đều có thuốc chữa đem về, nhưng cảm thấy lòng không yên. Vì sao? Chỉ có 3 loại thuốc mà dặn đi dặn lại cách sử dụng, người bệnh cứ ù ù cạc cạc. Gia đình mấy mẹ con đi, đưa cho bà mẹ thuốc của bà và các con, làm sao chắc bà nhớ thuốc nào của đứa nào. Ghi ra tờ giấy, dặn tìm người nào biết chữ người ta chỉ cho mỗi ngày, liệu cái tờ giấy đó có theo bà về được tới trong làng không...
Đi khám từ thiện, bao nhiêu là nỗi niềm. Vui vui buồn buồn rồi lại buồn buồn vui vui, lòng mình lên xuống liên tục. Đôi lúc cảm thấy lực bất tòng tâm, mình cố hết sức công việc của mình nhưng chẳng biết được sẽ tới đâu.
Mình thích làm từ thiện, hết ngày đó, mình khám rất nhiều bệnh, phát hết thuốc, trên xe về nhà mình nghĩ gì? Hài lòng? Băn khoăn?  Mang về một bầu tâm sự...
Có phải là, đôi khi đi làm từ thiện chỉ để tìm kiếm sự bình yên cho tâm hồn mình hay không? Mình làm xong, có biết người khác đã được những gì không?


Em chưa bao giờ nghĩ ra được người bệnh khám từ thiện nên được hưởng thêm điều gì. Em mơ ước họ có được một sự chăm sóc tiếp theo, sau buổi khám đó. Mơ ước chưa thành hình, và không biết nó có thể rơi từ phương trời nào xuống thế gian.
Em mơ ước khi ra trường, có thể về quê mình, khám bệnh từ thiện nhưng rồi lo sợ. Khám từ thiện rồi có chữa từ thiện được đâu. Một ngày đẹp trời ta về quê và đưa ra những bản án bệnh tật cho họ. Làm sao đây? Để họ sống vui và chết đi, với những suy nghĩ đơn giản của những người còn sống, như "à, bà ấy chết già" hay "ông ấy trúng gió chết",...hay là nói họ có triệu chứng bệnh nặng, phải lên thành phố kiểm tra ngay, rồi hành trình sau đó...miệt mài...


       em là 1 người rất lý tưởng, mong sao có nhiều bác sĩ tương lai như em! 

Không có nhận xét nào: