Thứ Hai, 22 tháng 11, 2010

TẠI SAO ĐỨC PHẬT LẠI NÓI: “KẺ THÙ LỚN NHẤT ĐỜI NGƯỜI LÀ CHÍNH MÌNH ” ?


BS. Nguyễn Quý Khoáng
(VN, tháng 10 năm 2010)

trang 2
Nói một cách khác, để dễ hiểu hơn, tôi xin phép xét cái Ta qua 3 tiêu chuẩn sau đây:
      1/Xét về không gian:
         a/Về thể xác, các thành phần đất, nước, gió, lửa chỉ là do vay mượn từ bên ngoài bằng chứng là những thức ăn sau khi vào miệng, sẽ được nghiền nát rồi tiêu hoá, cuối cùng các chất bã được thải ra ngoài hoặc không khí hít vào phổi sau khi đã diễn ra sự trao đổi dưỡng khí với thán khí thì sẽ được thải ra ngoài.Mỗi ngày,ta hít thở 26000 lần và cần một lượng không khí là 12.000 lít .Rồi cái vòng đó lại tiếp diễn. Có cái gì thật sự là của mình đâu? Đó chỉ là sự vay-trả, trả-vay mà thôi.
         b/Về tinh thần, các ý kiến cho là mình nghĩ ra thật tình có phải của chính mình không hay là do vay mượn từ nhiều người rồi mình thêm thắt vào. Điều này thấy rất rõ trong các bài giảng, các luận văn.Tuy nhiên,tôi không phủ nhận những nghiên cứu khoa học kỹ thuật có tính tiên phong,những sáng chế làm thay đổi cuộc sống.
        2/Xét về thời gian:
          a/Về thân xác, khi gặp mặt người quen hàng ngày, ta thấy không có sự khác biệt. Nhưng nếu gặp lại người thân sau trên chục năm xa cách thì đó lại là chuyện khác. Ta chỉ cần giở quyển “album” gia đình ra xem lại chính mình lúc mới vài tháng tuổi, rồi lúc 20 tuổi, 40 tuổi, 60 tuổi thì ta thấy khác nhau rất nhiều, phải không? Vẫn là mình đấy nhưng sao khác nhau quá, về kích thước, về trọng lượng, về hình dạng…mặc dù còn những nét hao hao.


 Vậy trong 4 hình đây, KHOÁNG là ai?
     Nếu bảo là tất cả đều là KHOÁNG thì vô lý vì KHOÁNG chỉ có một người mà thôi. Còn nếu bảo chẳng có ai trong 4 hình này là KHOÁNG thì lại càng sai vì rõ ràng đây là hình chụp một người qua nhiều thời kỳ khác nhau.
Xét về mức vi mô, các tế bào trong cơ thể chúng ta thay đổi từng giờ, từng phút, từng giây tuỳ theo loại. Trong một giây đồng hồ, biết bao tế bào chết đi thì lại có biết bao tế bào được sinh ra. Thân xác của chúng ta thay đổi liên tục. Chỉ sau một tháng là thân xác của chúng ta không còn là thân xác cũ nữa nhưng chúng ta đâu hề biết, chúng ta cứ tưởng nó vẫn vậy. Vật chất không ngừng thay đổi !
      b/Về tinh thần, khi bắt đầu tập ngồi thiền, chúng ta thấy có biết bao suy nghĩ lướt qua trong đầu chúng ta. Thật vậy, có biết bao nhiêu “niệm” (ý nghĩ) hiện lên rồi biến mất trong một giây đồng hồ; Đức Phật còn dùng từ “sát na” để chỉ một đơn vị thời gian rất nhỏ. Các niệm của chúng ta thay đổi từng sát na. Có những ý nghĩ mà ta quyết như “đinh đóng cột” nhưng sau khi tự mình xét lại hoặc bị người khác thuyết phục, ta quay ngoắt lại 180 độ.Vậy thử hỏi cái Ta nó ở đâu?
       Có lúc, tôi ví cái Ta như một dòng sông. Đứng ở một điểm nhìn, ta thấy dòng sông vẫn vậy nhưng nếu quán sát sâu xa thì ta thấy ở điểm đó, không còn là cùng các giọt nước ở trong giây trước so với giây sau.
Cái ta cũng còn có thể được ví như một vòng lửa tạo ra từ cách xoay tròn 360 độ một sợi dây mà ở đầu tận cùng có buộc một cục đá được bao bởi một bùi nhùi có tẩm dầu đang cháy. Khi quay thật nhanh, ta có cảm tưởng như có một vòng lửa thực nhưng sự thật không phải vậy. Vì thế, cái ta cũng chỉ  như vòng lửa, chỉ là ảo ảnh mà thôi.
Cuối cùng, ta có thể ví cái Ta như một cuộn phim gồm hàng vạn, hàng triệu hình chụp nhưng khi được quay mau thì ta thấy sống động như thật vậy.
      3/Xét về chủ thể:
       Nếu nói cái Ta có thực thì ta phải làm chủ nó. ta phải điều khiển nó theo ý muốn của ta. Nhưng thật sự có phải vậy không?
       Nếu ta là chủ của thân xác ta thì ta có thể bảo trái tim ngưng đập một lát không,các quai ruột không co bóp nữa, dòng máu xoay theo hướng khác hoặc tạm ngưng chảy được không?
       Nếu ta là chủ của thân xác ta thì
-         ta muốn cơ thể mãi mãi trẻ trung nhưng sao nó lại cứ già đi?
-         ta muốn cơ thể luôn khoẻ mạnh nhưng sao nó lại cứ bệnh hoạn?
-         ta muốn sống mãi mãi nhưng sao nó lại chết?
Vậy thì cái Ta chính là cái ý thức(chứ không phải là một thực thể vật chất) về thân tâm qua tất cả các hành động của thân, khẩu, ý.Chính những hành động này làm con người sống động và được các người chung quanh biết đến và cũng chính những hành động của thân, khẩu, ý tạo thành nghiệp thức chẳng những ảnh hưởng ngay trong kiếp hiện tại mà còn có hậu quả đến việc tái sinh trong tương lai theo định luật bất biến của Sinh tử-Luân hồi.Tóm lại,cái Ta:
       *chỉ là tập hợp của ngũ uẩn, gồm những chất nạp vào và thải ra giữa bên ngoài với bên trong cơ thể, không hề có một thực thể thuần nhất.
       * thân thể cũng như tinh thần của ta thay đổi liên tục theo thời gian.
       * không hề có một chủ thể.  Đây chính là Lý VÔ NGÃ của Đạo Phật.

xem trang trước                           xem trang sau

Không có nhận xét nào: