Thứ Tư, 17 tháng 11, 2010

Cấp cứu ngưng tim ngưng thở - 1974 – thời sinh viên

Thy anh

Đại học Y Khoa SaiGon
Một đêm tháng 6 năm 1974, tôi đang học năm thứ 3, trưc  lần đầu tiên tại khoa cấp cứu ngọai thần kinh, 1 khu nhà cũ kỹ kiểu Pháp ở cổng sau bệnh viện Chợ Rẫy, Lúc ấy, bệnh viện còn xây dang dở, và nhiệm vụ của tôi là nhận những ca bệnh nhẹ, chủ yếu là chấn thương đầu, rồi khám sàng lọc ca nào có khả năng bị tụ máu trong sọ, báo lại cho đàn anh, một  sinh viên năm thứ 6.
Tôi còn nhớ, lúc ấy tôi đang say mê đọc đi đọc lại, dưới ánh đèn nê ông tù mù của phòng trưc, quyển sổ tay về các triệu chứng chấn thương sọ nảo, ghi chép cẩn thận từ các bài giảng của thầy dạy tại giường bệnh buổi sáng, anh y 6 thì đang say sưa tán gẫu với ... chị y tá trực.
Một chiếc xe hơi traction đen chạy vọt vào trong sân, từ trên xe, 1 người lính trợ y mặc bộ đồ rằn ri, da đen nhẻm, dáng vạm vỡ nhẩy vội xuống , 2 tay bế ngang 1 cô gái: “nhanh lên, cấp cứu, cấp cứu . . băng ca đâu?”, cô gái có thân hình mềm nhũn trông như hình nộm nhồi bông. Anh ta đặt phịch cô gái lên băng ca và kê miệng thổi ngay vào miệng cô mấy hơi. Tôi còn đang sững sốt, tay chân chẳng biết làm gì thì anh y 6 đã đẩy mạnh tôi tới băng ca: “ còn chờ gì nữa em, bóp tim ngay đi ” thật may mắn, lớp tôi vừa được học bài cấp cứu ngưng tim ngưng thở của thầy Nguyễn Khắc Minh vài ngày trươc. Thú thật, tôi chưa được học ai có phong thái dạy từ tốn và dễ hiểu như thầy. Tôi còn nhớ, thầy trắng trẻo, trông rất nho nhã. Sau này tôi mới biết, các bác sĩ gây mê hồi sức giỏi bao giờ cũng có phong cách làm việc ung dung. Họ ung dung vì phải thực hiện mọi động tác cấp cứu thật đầy đủ và chính xác, họ ung dung vì đã thuộc nằm lòng các tình huống nguy kịch mà nếu vội vàng chỉ dẫn đến những bước sai lầm tai hại không thể còn cơ hội  sửa chữa. Tuy ung dung nhưng nếu có đồng hồ bấm giờ, tôi chắc chắn thời gian thực hiện các động tác của họ cực  nhanh, khác hẳn các tay mơ, lúc nào cũng  vội vội vàng vàng nhưng vẫn chậm và đầy thiếu xót.
Bóp tim được vài phút tôi mới định thần quan sát kỹ cô gái. Đồng tữ cô dãn rộng từ khi nào rồi! Cô còn rất trẻ, cao khỏang mét sáu, mũm mĩm, da trắng nhợt nhạt và rất lạnh. Lần đầu tiên tôi biết thế nào là da người chết, nó lạnh, khô, trắng bệch một cách kỳ lạ, như được làm bằng sáp. Cô mặc 1 chiếc “robe” hoa bằng lụa mỏng, màu hồng phấn, và không mặc đồ lót.
 Mỗi lần người lính trợ y hô hấp nhân tạo, đầu cô gái lại quay sang 1 bên, tôi thấy 1 lỗ đạn nhỏ, gọn, bằng đầu đũa,  dính ít máu ở thái dương bên phải, dưới những lọn tóc  đen, gợn sóng và thật mềm,  mềm như tóc búp bê.
Anh y 6 lăng xăng tìm tĩnh mạch vì cô y tá không tìm được. Người lính trợ y bực mình: ”mấy ông làm gì mà chậm như rùa vậy?”, anh  y 6 gầy gò lại càng cuống hơn, cặp mắt kính cận trễ xuống mũi, mồ hôi nhõ giọt trông thật tội nghiệp. Người lính gọi cô y tá lấy kim để chích vào tĩnh mạch dưới đòn. Anh y 6 thay tôi bóp tim, tối phải hô hấp miệng qua miệng. Tôi rụt rè “hình như cô ấy bị bắn vào thái dương“. Anh y 6, vẫn còn rất bối rối,  bảo tôi cứ tiếp tục đi. Sinh viên y khoa còn nhỏ, có dịp thực hành, ai bảo gì cũng làm, rất kính trọng đàn anh!
Các bạn đã bao giờ cấp cứu hô hấp miệng qua miệng cho ai chưa? Các bạn sợ điều gì? Thời ấy, không hiểu sao tôi chẳng ngại gì cả, chẳng có khái niệm gì về các bệnh truyền nhiễm như viêm gan hay SIDA . .  có lẽ chỉ hơi sợ lây bệnh lao, bệnh phong và bệnh bạch hầu, thế  thôi, trẻ con mà. Nhưng thật sự là lúc ấy tôi cũng chẳng còn  nhớ tí gì về những nguy cơ ấy! Mỗi lần kẹp mũi cô gái, đè ngửa cổ thổi vào miệng, tôi chỉ cẩn thận quan sát xem lồng ngực có phồng lên như thầy dạy không, chỉ chú ý thế thôi, chẳng quan tâm gì đến những thứ khác.
Mãi đến bây giờ, tôi vẫn không quên cái vị  đăng đắng từ miệng cô gái, hòa lẫn với mùi thơm của son môi đắt tiền, thật là khó tả.
Bơm tiêm rút ra máu ngay từ cú chọc đầu tiên vào tĩnh mạch dưới đòn bên phải. Anh y 6 chăm chú nhìn, thán phục. Lính trợ y, những người phải ra tuyến đầu để cấp cứu người bị thương, rất quen tay trong các thủ thuật dù chuyên môn không được đào tạo sâu. Dù sao thì lúc ấy, tôi cũng rất ấn tượng.
Trong lúc chúng tôi tiếp tục cấp cứu, người lính bỏ ra ngòai nói chuyện với 1 người đàn ông trung niên, cao gầy, mặc thường phục, đang đứng tựa vào cửa xe chờ đợi. Tôi thấy ông ta lắc đầu rồi khóat tay, và chui vào xe, khuôn mặt lạnh lùng vô cảm. Người lính quay vào bảo chúng tôi thôi, bố cô gái không muốn tiếp tục cấp cứu nữa.
Anh y 6 lúc này mới có dịp ghi chép bệnh án, thật ngắn gọn.
Cô gái là con 1 dân biểu, đang ở trong nhà xem TV thì bồ cũ, một chàng lính không quân đến thăm. Cô gái vừa bước ra cửa thì bị anh ta rút súng lục bắn ngay một phát vào thái dương, bắn xong, anh ta cũng tự xử bằng 1 phát đạn xuyên qua họng. Cô gái vừa tuyên bố chấm dứt tình cảm với anh ta 1 ngày trước vì có người yêu mới. Chuyện xưa như trái đất!
Đến giờ, có lẽ tôi đã làm cái việc cấp cứu ngưng tim ngưng thở hàng trăm lần, làm một cách máy móc như phản xạ, nhưng cái lần đầu tiên ấy tôi không thể nào quên. Tôi không thể quên cô gái ấy, làn da lạnh ngắt, cái vị đăng đắng trong miệng ấy và tôi cũng nhớ mãi khuôn mặt vô cảm của bố cô gái.
Bây giờ, gập tình huống tương tự chắc chắn tôi chẳng cấp cứu làm gì. Một phát đạn xuyên thái dương thì còn làm được gì nữa? Nhưng đôi khi, người ta không cấp cứu để dành lại mạng sống cho người chết mà có lẽ chỉ để làm thỏa lòng những người đang sống!

Không có nhận xét nào: