Thứ Hai, 30 tháng 6, 2014

CHIẾC GIÀY ĐÁNH RƠI CỦA GANDHI

Mint (Dịch từ Indiachild)


Xe lửa bắt đầu chuyển bánh. Gandhi nhảy vội lên tàu. Một chiếc giày của ông rơi xuống. Gandhi không thể nào nhảy xuống để nhặt nó trong khi tàu chạy càng lúc càng nhanh. Trước sự sững sờ của mọi người, Gandhi...đã tháo luôn chiếc giày còn lại và ném về phía chiếc giày kia.  
Hành khách trên tàu lấy làm lạ về hành động kỳ quặc của ông. Gandhi mỉm cười và giải thích: “Nếu có một người nghèo nào lượm được chiếc thứ nhất, họ có thể tìm thấy chiếc thứ hai và sẽ xài được đôi giày của tôi”.      
Chúng ta thường ít nghĩ đến người khác mà chỉ nghĩ về bản thân mình. Khi chúng ta bị mất mát, điều đầu tiên chúng ta nghĩ đến là những thiệt thòi và bất hạnh của mình. Chúng ta mất quá nhiều thì giờ cho sự tiếc nuối, than thở, chán nản, thậm chí trở nên cáu gắt và bực bội vì những rủi ro xảy ra.
Gandhi đã có một hành động thật cao quý bởi trong sự mất mát của bản thân như thế, ông vẫn có thể nghĩ đến người khác.    
Hành động của Gandhi chứng tỏ việc nghĩ đến người khác đã trở thành một phần trong tư tưởng và nguyên tắc sống của ông. Nếu trong những lúc bình an và thành công mà chúng ta còn không quan tâm lo lắng cho những kẻ bất hạnh hơn mình thì liệu khi gặp khó khăn, mất mát, ta có thể làm được điều đó hay không?
Xung quanh ta có biết bao nhiêu người khó khăn. Họ đang cần sự giúp đỡ. Những gì họ thiếu thốn không phải lúc nào cũng là vật chất, mà đôi lúc chỉ là một lời động viên an ủi. Thế giới của chúng ta sẽ hạnh phúc biết bao nếu mỗi người không chỉ chăm lo về lợi ích riêng của mình mà còn chăm lo về lợi ích của người khác nữa.

HOA VÀNG

KHUẤT TÙNG PHONG

Ở tuổi bảy mươi bà vẫn chân bùn, tay lấm. Suốt ngày cặm cụi dưới vườn. Khi tưới bông, lúc trồng rau, tỉa đậu. Đất quanh năm rực rỡ ngồng cải, cúc vàng... Nhờ vườn, các cháu nội ngoại của bà, đứa nào cũng có phần quà: Áo mới vào đầu năm học; ký đường, lon sữa khi ốm, khi đau; nên vợ nên chồng có cái xoong, cái ấm...
Đi xa về, mất bà, như một thói quen, vội chạy xuống vườn. Lối xưa hoang vắng. Đầy vườn cỏ dại. Bỗng dưng khắp chốn, đâu đâu cũng lấm tấm hoa vàng...


Trí thức Mỹ nói không với Học Viện Khổng Tử của Trung Quốc

DUY ÁI
Trong thập niên qua chính phủ Trung Quốc đã chi tiêu khá nhiều tiền bạc và nhân lực cho việc xây dựng quyền lực mềm để gia tăng ảnh hưởng của nước họ trên khắp thế giới.

Nỗ lực ngoại giao văn hóa của Trung Quốc mới đây gặp phải một thất bại lớn với việc Hiệp hội Giáo sư Đại học Hoa Kỳ (AAUP) hối thúc các trường đại học Tây phương cắt đứt quan hệ với Học Viện Khổng Tử. Trong một thông cáo công bố hồi đầu tuần này, AAUP nói rằng Học Viện Khổng Tử hoạt động như một công cụ của nhà nước Trung Quốc và được cho là không tôn trọng tự do học thuật.
Hôm chủ nhật 15 tháng 6 vừa qua, ông Lưu Vân Sơn, Bí thư Ban Bí thư Trung ương của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, đã đến dự một hội nghị liên tịch của các Học Viện Khổng Tử ở Âu châu tổ chức tại thủ đô Dublin của Ireland (Ái Nhĩ Lan). Tại cuộc họp, nhân vật lãnh đạo đứng hàng thứ 5 của nhà cầm quyền Bắc Kinh bày tỏ hy vọng là các học viện này sẽ trở thành điều mà ông gọi là “đường xe lửa cao tốc tâm linh” nối liền giấc mơ Trung Quốc với giấc mơ của các nước và giấc mơ của thế giới.

Ông Lưu Vân Sơn đã phát biểu như vậy trong lúc báo chí quốc tế loan tin Hiệp hội Giáo sư Đại học Hoa kỳ (AAUP) thúc giục các trường đại học Tây phương cắt đứt quan hệ với Học Viện Khổng Tử vì những viện này vi phạm các tiêu chuẩn cơ bản của tự do học thuật và không tôn trọng tự do ngôn luận. Các nhà quan sát nói rằng hành động này của Hiệp hội Giáo sư Đại học Hoa Kỳ là một đòn nặng giáng vào dự án hàng đầu của nhà cầm quyền Bắc Kinh nhằm khuyếch trương quyền lực mềm của họ trên thế giới.

Theo tường thuật hôm thứ ba của tờ New York Times, AAUP kêu gọi các trường đại học bảo vệ các nguyên tắc tự do học thuật bằng cách chấm dứt hoặc thương thuyết lại những thỏa thuận đã đưa gần 100 chương trình ngôn ngữ và văn hóa do chính phủ Trung Quốc bảo trợ tới các khuôn viên đại học ở Mỹ và Canada. Một thông cáo của hiệp hội được thành lập từ năm 1915 và có 47.000 hội viên này nói rằng các trường đại học ở Mỹ đã đánh mất sự độc lập và phẩm giá của mình qua việc để cho chính phủ Trung Quốc quyết định về vấn đề  tuyển dụng và giám sát nhân viên giảng dạy, thiết kế học trình và đặt ra những giới hạn về tranh luận bên trong các Học Viện Khổng Tử.

Thông cáo này tố cáo “Học Viện Khổng Tử hoạt động như một công cụ của nhà nước Trung Quốc và được phép không tôn trọng tự học thuật”, và “hầu hết các thỏa thuận về việc thành lập Học Viện Khổng Tử bao gồm những điều khoản không được tiết lộ và những sự nhượng bộ không thể chấp nhận đối với các mục tiêu chính trị và cách làm việc của chính phủ Trung Quốc.”

Thông cáo trích dẫn một bài viết của giáo sư Marshall Sahlins trên tạp chí The Nation hồi tháng 10, trong đó vị giáo sư nhân chủng học của Đại học Chicago nói rằng “qua việc để cho Học Viện Khổng Tử được thành lập trong trường của mình, các đại học đó đã tham gia những nỗ lực tuyên truyền chính trị của một chính phủ nước ngoài với một cung cách trái ngược với những giá trị về tự do học hỏi và những phúc lợi của nhân loại.”

Trong thập niên qua, chính phủ Trung Quốc đã chi tiêu khá nhiều tiền bạc và nhân lực cho việc xây dựng quyền lực mềm để gia tăng ảnh hưởng của nước họ trên khắp thế giới. Và đối với các trường đại học nước ngoài, việc dùng tiền bạc của chính phủ Trung Quốc để mở các lớp giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc cho sinh viên của mình dường như là một việc chỉ có lợi mà không có hại gì cả. Do đó, kể từ khi Học Viện Khổng Tử đầu tiên được thành lập ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc vào năm 2004 tới nay, Trung Quốc đã lập ra hơn 400 Học Viện Khổng Tử tại 120 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết tính đến cuối năm 2013, có 850.000 học viên ghi danh theo học tại các Học Viện Khổng Tử và các lớp học Khổng Tử tại hơn 600 trường trung, tiểu học. Ngoài việc giảng dạy Hán Ngữ, Học Viện Khổng Tử còn dạy các môn học đàn, chơi cờ, thư pháp, hội họa và võ thuật Trung Quốc.

Các chuyên gia cho biết những chương trình giảng dạy tại các Học Viện Khổng Tử được thiết kế để phô bày một hình ảnh tích cực của Đảng Cộng sản đương quyền và có nhiều đề tài cấm kỵ trong học trình. Bà June Teufel Dreyer, một chuyên gia về chính trị Trung Quốc của Đại học Miami, nói với tờ New York Times rằng phía Trung Quốc thường đòi các trường đại học Mỹ muốn họ giúp thành lập Học Viện Khổng Tử không được thảo luận về Đức Đạt Lai Lạt Ma hay mời nhà lãnh đạo tinh thần của người Tây Tạng này tới thăm trường. Bà Dreyer cho biết có rất nhiều đề tài cấm kỵ từ Tây Tạng, Đài Loan, cho tới kế hoạch tăng cường sức mạnh quân sự của Trung Quốc và những vụ đấu đá bên trong hàng ngũ lãnh đạo Trung Quốc.

Hiệp hội Giáo sư Đại học Hoa Kỳ không phải là tổ chức học thuật đầu tiên phản đối Học Viện Khổng Tử. Tháng 12 năm ngoái, Hiệp hội Giáo chức Đại học Canada cũng đưa ra một thông cáo để hối thúc các trường đại học cắt đứt quan hệ với Học Viện Khổng Tử vì những lý do tương tự.

Tại Việt Nam, việc thiết lập Học Viện Khổng Tử đã diễn ra tương đối chậm chạp vì những yếu tố tế nhị trong lịch sử của mối bang giao giữa hai nước. Mãi đến tháng trung tuần 10 năm ngoái, khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đến thăm Hà Nội, hai nước mới ký kết một thỏa thuận để thành lập Viện Khổng Tử tại Trường Đại học Hà Nội.

Thỏa thuận đó đã gặp phải sự chỉ trích của khá nhiều nhân sĩ trí thức Việt Nam trong và ngoài nước. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, một nhà nghiên cứu của Viện Hán Nôm ở Hà Nội cho Đài phát thanh Úc biết rằng nhiều người Việt Nam lo ngại “Viện Khổng Tử ở Việt Nam không phải chỉ tuyên truyền về giáo lý, tinh thần triết học của Khổng Tử, Nho Học. Chức năng đào tạo tiếng Hoa, giới thiệu, quảng bá về văn hóa Trung Quốc, giao lưu văn hóa, tư vấn du học … như giới thiệu cũng chỉ là bề nổi."

Đằng sau nó chắc chắn sẽ là những hoạt động tuyên truyền về một nước Trung Hoa hiện đại, thể hiện quyền lực mềm của Trung Quốc.” Ông Ngô Nhân Dụng, một nhà bình luận nổi tiếng trong giới truyền thông Việt Nam ở hải ngoại cho rằng “Viện Khổng Tử chính nó không nguy hiểm, nhưng sẽ tác hại cho nước Việt Nam nếu chúng được sử dụng cho mục đích tuyên truyền cho chế độ cộng sản Trung Quốc.”

Chủ Nhật, 29 tháng 6, 2014

ĐAU ĐẦU


Giữ chân chồng
Người vợ nói với bạn thân của mình:
- Tớ đã biết cách để giữ chân chồng ở nhà vào các buổi tối rồi!
- Có khó không cậu?
- Rất đơn giản thôi. Chỉ cần một hôm, chồng tớ ra ngoài về muộn, tớ hỏi: “Joe, anh đấy à?”, thế là ổn.
- Tại sao làm như thế mà cậu có thể giữ chân chồng ở nhà được chứ?
- Vì tên của anh ấy là Mark mà!

Sửa lỗi tận gốc
Thầy giáo nói với học sinh:
- Em hãy mời ông của em đến gặp tôi!
- Dạ, ý thầy muốn mời “ông bố” của em?
- Không, mời ông của em. Tôi muốn chỉ cho ông ấy xem con trai ông ấy đã phạm những lỗi gì trong vở bài tập về nhà của em.

Đau đầu
Bệnh nhân phàn nàn với bác sĩ là ông ta thường xuyên bị đau đầu. Bác sĩ hỏi:
- Ông có uống rượu không?
- Thưa bác sĩ, chưa bao giờ tôi uống lấy một giọt!
- Ông hút thuốc lá chứ?
- Thưa ngài, tuyệt đối không.
- Còn chuyện phụ nữ?
- Ồ! Tôi không hề nghĩ tới chuyện đó.
- Thế thì ông đúng là Thánh rồi! Có thể vầng hào quang trên đầu ông hơi bị chặt…

Những người đã đi qua cuộc đời


Tôi đã đi qua nhiều người, và nhiều người cũng đã đi qua tôi. Cái chúng tôi trao nhau có những khi nhiều hơn một ánh mắt, dài hơn một con đường, hân hoan hơn cô dâu trong một lễ cưới và đau đớn hơn cả người bộ hành ảo tưởng về một dòng sông.
Có những người ở lại, và những người ra đi, có những người lại chỉ ngang qua như gió thoảng… 
Cái sự đến và đi, đôi khi ngỡ ngàng hơn chúng ta thường nghĩ. Cuộc đời con người vốn có nhiều cái giật mình, và một trong số đó là cái giật mình thảng thốt khi ta đánh rơi những cái vốn tin rằng sẽ mãi mãi bên cạnh. Người đời thường nói, chỉ đến khi mất đi, ta mới biết rằng mình đã có. Có lẽ vì vậy nên có những người đã được sắp xếp đến bên cuộc đời, chỉ để ta biết rằng cái giá của nuối tiếc chỉ được đánh cược trong một giây ta hờ hững.
Có những người tôi chọn đứng cạnh, và những người tôi rời bỏ (bỏ rơi?). Tôi sống chưa đủ lâu, nhưng cuộc sống của những người trẻ tự cho mình quyền vấp váp tin rằng đã đủ để biết được ai là người xứng đáng để mình tin. Chọn lựa một ánh mắt trong hàng triệu ánh nhìn ta bắt gặp trên đường để đi cùng nhau chẳng phải một điều dễ, cớ gì để không học lấy cách mà nâng niu?
Nhưng cuộc đời vốn không giản dị như cách người này tặng người kia một viên kẹo đường, rồi mỉm cười tin rằng bây giờ và vĩnh viễn về sau trên môi luôn ngọt ngào đến thế. Đã qua rồi cái tuổi tin rằng chỉ cần mình sống tốt, và cuộc sống sẽ cười. Cái tốt của mình, còn phải đặt trong hàng ngàn cái tốt khác nữa, có khó quá hay không?
Để một người đi qua cuộc đời, suy cho cùng vẫn luôn là một điều đáng tiếc, dù họ có mang đến cho chúng ta điều tồi tệ thế nào đi chăng nữa. Một bàn chân đi qua, thì kỉ niệm vẫn còn đó, vết thương còn đó, nỗi buồn và cả niềm vui vẫn ở đó, dù thời gian có đi dài đến bao nhiêu…
Chỉ là nước mắt mặn thêm, niềm tin bé lại, và ánh nhìn cuộc sống chậm rãi hơn.
Có một ngày, một người quan trọng nào đó cũng sẽ rời bạn mà đi. Cái trách lòng người phụ bạc không nên là cái trách đầu tiên. Nếu muốn ăn năn, hãy tự nhắc đến cái nỗi vô tâm, rong chơi dài rộng của bản thân, dù là vì lý do gì đi nữa mà họ để bạn lại một mình. Cứ tự trách mình rằng sao không yêu cho đủ, sao không sống thật hết lòng… Không có niềm tin nào là không xứng đáng, chỉ là mình có đặt nhầm chỗ hay không?
Nhiều khi chỉ ước cái nỗi vô tâm nhỏ như hạt cát, cái sự bận tâm về những điều day dứt còn bé hơn nỗi vô tâm.
Trước sau, tôi đã khóc, đã cười, đã sống, đã ngất nhiều giữa những mối quan hệ. Và rồi tôi lớn lên.
Tôi vẫn đang và sẽ vui, đang và sẽ buồn với những cái gặp mặt mà cuộc đời sắp xếp. Chỉ mong rằng, người cần tôi, tôi đến, người tôi cần, đừng đi.
 JIM CROCE - I'll Have To Say I Love You In A Song