Thứ Tư, 25 tháng 12, 2013

QUÊ HƯƠNG TUỔI THƠ

Lưu Dung

Một cuộc triển lãm lớn ở Đài Bắc trưng bày hơn bảy mươi bức tranh, sau triển lãm chỉ còn lại vài bức. Lạ lùng là mấy bức không bán được đều vẽ cảnh thành thị hiện đại.
Một hôm, có người bạn làm gallery đến chơi, tôi chỉ bức tranh vẽ cảnh mưa trong công viên New York, nói: "Bức này đẹp mà sao không ai mua nhỉ?"
"Rất đơn giản, vì tranh không mang theo dấu ấn tuổi thơ của người mua. Cảnh nhà cao, cảnh đô thị không phải là khát vọng của những khách mua tranh giàu có, trong óc, trong tim họ là những cánh rừng trúc, những thảo nguyên, con sông con suối ... Tranh vẽ những cảnh đó mới tạo được sự đồng cảm. Cảnh thành thị dù vẽ đẹp đến đâu cũng không có trong ký ức tuổi thơ của các nhà sưu tầm."
Cố hương! Một từ quen thuộc mà sao quá xa xôi! Nó cho biết ta sinh ra ở đâu, lớn lên ở đâu, nó gợi lên trong ta miền đất của ký ức đầy tiếng chim ca. Hôm nay ta vẫn có thể bước đi trên mảnh đất ấy, nhưng vì đô thị bành trướng, tiến ồn ào náo nhiệt, ô nhiễm không khí nên không còn gì là "cố hương" trong ký ức nữa.
Qủa thật, mỗi khi tôi vẽ rừng trúc, suối nhỏ là ký ức tuổi thơ lại ùa về. Suối nhỏ kia dù không sâu nhưng vẫn có cá lội tung tăng, có hoa gừng nở dọc đôi bờ; rừng trúc kia dù hoang vu nhưng vẫn phiêu dật, vẫn an bình; giữa khung cảnh đó là đôi vợ chồng bác nông dân mộc mạc, chất phác mà thật đáng yêu. Tôi chợt nhận ra mình không vẽ phong cảnh mà đang vẽ lại nỗi lòng luyến tiếc tuổi thơ.
Và tôi chợt nghĩ, chúng ta sẽ cho con cái mình cái quê hương tuổi thơ như thế nào?
Trong ký ức của các con sau này, "cố hương" sẽ như thế nào?
Liệu chúng ta có nên tạo ra một mảnh đất trong lành sạch sẽ? Một mảnh đất không ô nhiễm, không bạo lực, để cho con cái chúng ta, sau những cuộc tranh đua mệt mỏi lúc trưởng thành, trong lòng vẫn còn một "quê hương tuổi thơ" để quay về!

Alone Again, Naturally - Sungha Jung

Không có nhận xét nào: