Tuan
Huynh (facebook)
BS Tuan Huynh (bên phải) tại Taipei |
Nội Soi Dạ Dày thực ra cũng chẳng có gì đáng nói với giới bác sĩ cả, chúng ta đã chứng kiến quá nhiều lần cũng như đã từng đặt bút viết chỉ định cho nhiều bệnh nhân. Nhưng có bao giờ bạn đã trải qua cái cảm giác đó, nếu có chắc chắn bạn sẽ đồng cảm với tôi vì những điều tôi viết ra đây cũng chẳng nói thêm dù chỉ một li.
Tôi thỉnh thoảng cũng hay bị đau dạ dày do từ cái thời sinh viên ăn ngủ không đúng giờ và những năm tháng làm ngoại khoa mổ xẻ triền miên. Tôi quyết định đi nội soi thử một phen xem thực hư thế nào ở một bệnh viện trường của Đài Loan. Cô y tá nói tôi có hai lựa chọn: không đau bằng gây mê tĩnh mạch nhẹ nhàng hay nội soi bình thường. Với gây mê bệnh nhân phải trả thêm tiền thuốc ngoài bảo hiểm khoảng 80 usd. Thực ra với sức khỏe thì đó cũng không là số tiền lớn lắm, nhưng tôi lại nhớ về những hình ảnh bn ở Việt Nam có mấy người nội soi mà gây mê đâu, họ chịu được thì có lẻ tôi cũng thế. Tôi cũng muốn thể nghiệm cái cảm giác của bn để hiểu hơn về những gì họ đã chịu đựng. Vả lại gây mê thì tôi cần có người thân bên cạnh mà tôi chỉ có người quen bên này nên cũng không muốn rắc rối. Tôi chọn cách bình thường.
Cô y tá hướng dẫn tôi cách thở, cô bắt đầu xịt Lidocain (thuốc tê) vào họng tôi. Tôi đã xịt cái này ko biết bao nhiêu lần cho bệnh nhân khi đặt nội khí quản cho họ trong những năm nội trú, nhưng thú thật đây là lần đầu tiên tôi nếm được cái vị đắng đắng nhẫn nhẫn của nó. Cô xịt lần hai với lượng nhiều hơn, tôi ngậm trong họng một lát và nuốt dần xuống. Cái họng sượng sượng cộng với mùi lido làm tôi muốn nôn ọe, tôi cố gắng ọe nhẹ và chùi thật nhanh để mọi người không nhìn thấy.
Anh bác sĩ nội soi bắt đầu đưa ống vào, cảm giác ngột ngạt khó chịu, nó bắt đầu đỡ hơn khi ống qua vùng tâm vị vào dạ dày. Tôi bắt đầu làm quen với cảm giác đó chưa được bao lâu thì trải qua cảm giác súc rửa, nó giống cảm giác máy bay giảm độ cao liên lục đột ngột vậy. Nhưng đỉnh điểm của khó chịu là cảm giác đầu ống qua môn vị xuống tá tràng, bụng bạn chướng lên và ngột ngạt khó thở. Anh bác sĩ nói ráng vài giây nữa là xong rồi, nhưng 1phút rồi 2phút mà cũng chẳng thấy xong đâu. Tôi nhận ra ở đâu bác sĩ họ cũng “lừa” bn bằng những đòn an ủi như thế, cái mà tôi vẫn thường áp dụng với bệnh nhân khi chọc dò tủy sống trong những năm tháng ở lầu 3 bv Chợ Rẫy. Tôi cũng chẳng quan tâm anh ta nói gì nữa, cứ lo thở đều để đỡ cảm giác ngột ngạt. Rồi anh ta lại nói ráng tí xíu nữa, đang kéo ống ra, nhưng tôi thấy anh ta kéo ra được 2 cm thì đẩy vào 3 cm làm tới làm lui như thế. Chắc anh ta chỉ nói theo phản xạ thôi chứ anh ta ắt cũng biết tôi đã bắt bài được hết cả rồi. Tôi nói thật là có những lúc khó chịu tôi cũng thoáng lên tư tưởng giật phăng cái ống đen kia ra khỏi họng mình, đó là cái tư tưởng bất hợp tác với bác sĩ hay cũng có nghĩa tôi bất hợp tác với chính tôi. Cũng có thể có bạn cho tôi yếu mềm nhưng trong cái lúc khó chịu đó tôi cũng chỉ là một bệnh nhân bình thường và tôi không thể xóa được nó trong những lúc yếu đuối như thế. Đó chỉ là tư tưởng thoáng qua chứ nào tôi có dám làm thế, tôi nghĩ bệnh nhân khác chịu được thì tôi cũng thế. Vả lại tôi cũng muốn giữ thể diện cho mình vì mọi người đều biết tôi cũng là bác sĩ. Ống được rút ra sau khoảng 10-15p thám sát, tôi ợ hơi thật nhiều sau đó. Anh bác sĩ nói tôi chỉ bị viêm nhẹ, họng tôi cũng ko đau nhiều và tôi có thể ăn uống dần dần sau 1h.
Có những lúc các bác sĩ chúng ta phải trở thành những bn bình thường, dẫu không muốn tôi cũng thầm cảm ơn những thể nghiệm như thế để tôi hiểu thêm những gì mà bệnh nhân của tôi phải trải qua.
Xin hãy dành thêm cho bệnh nhân sự đồng cảm! Trong những lúc
yếu đuối của bệnh tật, sự ân cần san sẻ của chúng ta luôn là liều thuốc hữu hiệu
nhất đối với họ!
Taipei 29/11/2013
Taipei 29/11/2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét