Thứ Bảy, 19 tháng 1, 2013

Tôn Nữ Hỷ Khương - Nước vẫn xanh dòng

Trần Hữu Lục

Sông Hương

    Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương sinh quán Vỹ Dạ, TP.Huế, hiện sống và sáng tác tại Thuỳ Khương Trang - TP. HCM. Chị đã in tập thơ đầu tay “Đợi mùa trăng” (1964).
    Từ thập niên 60 của thế kỷ trước, chị là thành viên của Thi đàn Quỳnh Dao, hiện nay là hội viên Hội Nhà văn TP. HCM.
    * Như sông Hương vẫn xanh dòng
   Tôn Nữ Hỷ Khương được giới cầm bút gọi một cách trìu mến và trân trọng: “nhà thơ Quận chúa”, “nhà thơ Tôn nữ”, “nhà thơ Sông Hương”. Chị là con gái út của cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị. Gia đình vương giả đã có đến năm đời trực hệ nổi tiếng làm thơ (vua Minh Mạng, Tuy Lý Vương, Tiểu Thảo Hồng Thiết, Ưng Bình Thúc Giạ Thị, Tôn Nữ Hỷ Khương). Chị bắt đầu làm thơ lúc còn thơ ấu. Trong “Hồi ức về Cha tôi - Ưng Bình Thúa Giạ Thị” (2002), chị đã viết “Khi tôi lên tám tuổi, Thầy tôi bắt đầu dạy cho làm thơ…”. Dưới mái Hương Viên bên dòng sông Hương thơ mộng, chị làm thơ, ngâm thơ, ca, hò các điệu dân ca xứ Huế.. Chị đã chịu ảnh hưởng của phụ thân về thi ca và đạo hiếu “Chiều chiều trước bến Văn Lâu/ Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm/ Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông/ Thuyền ai thấp thoáng bên sông/ Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non”, “Nước đầu cầu khúc sâu khúc cạn/ Chèo qua Ngọc Trản đến vạn Kim Long/ Sương sa gió thổi lạnh lùng/ Sóng xao trăng lặng gây lòng nhớ thương”… (Ưng Bình Thúc Giạ Thị). Nhưng ngoài thân phụ, “Hỷ Khương còn chịu ảnh hưởng của nơi sinh trưởng. Ta thường thấy Hỷ Khương nhắc đến núi Ngự sông Hương… Nơi đấy, trong bầu không khí ấm cúng, giữa ngôi nhà và khóm vườn thân mật, Hỷ Khương để cho nỗi lòng tự nhiên biểu lộ. Trong những lúc đêm lặng canh tàn, ngồi trước ngọn đèn khuya, Hỷ Khương không ngăn nổi những giọt lệ đã từng cố nén: “Chan hoà nét mực theo dòng lệ/Lảo thảo đôi hàng chửa trọn chương… (Khóc cha). Thơ của Hỷ Khương cũng dễ thương, êm thắm, tài hoa như thế, với lời đẹp, ý thanh” (TS. Nguyễn Văn Cổn - Paris-1964). Chính miền đất thơ này: “Đường về Hương Viên nắng gió xôn xao… Xa lắm câu hò, tiếng thơ Vỹ Dạ…” (Thơ Trần Hữu Lục), nhà thơ Tôn Nữ đã đồng hành thi ca trên 60 năm qua. Thơ của chị như “nước vẫn xanh dòng”, vẫn “Thời gian ngát đượm tình sông núi/ Lưu cho đời biết mấy giai chương: /Nam Bình, Cổ Bản, Hành Vân điệu/ Mái đẩy ru êm giấc mộng trường…/ Hương giang nước vẫn xanh dòng/ Ngự Bình trăng vẫn soi lòng cố nhân”. Chị đã tự bạch: “Thơ phải làm đẹp cho cuộc đời. Phải nói lên được tình người, tình đời, ý đạo” và “Lời xưa di huấn thời son trẻ/ Con vẫn mang theo suốt cuộc đời” (Thơ tình và Tình thơ-2006)
Thơ Tôn Nữ Hỷ Khương đã “làm đẹp cho đời”, ngoài tập thơ đầu tiên “Đợi mùa trăng” (1964), còn có “Mộng thanh bình” (1970), ”Còn gặp nhau” (1999). ”Bâng khuâng tình khúc”(2001), ”Hãy cho nhau”(2004) và tái bản năm 2005, 2008 với số lượng rất lớn” Nước vẫn xanh dòng”(2005), ”Thơ tình và Tình thơ”(2006), “Thơ dâng cha mẹ”(2007). Ngoài ra, chị còn viết hồi ký về thân phụ “Hồi ức về cha tôi: Ưng Bình Thúc Giạ Thị” (tập văn-1996, tái bản có bổ sung 2002). Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương đã phổ biến di sản thi ca và đạo hiếu của thân phụ rất rộng (ở trong nước và tại Pháp, Đức, Hoa Kỳ…). Theo nhà nghiên cứu Hà Xuân Liêm: “…Tuy sinh trưởng trong gia đình Hoàng phái, Vương giả, nhưng họ đều có cuộc sống bình dị, dân giả;thơ họ thường nói đến cảnh đẹp của vùng Huế. Nhất là thơ họ có đề cập đến nhân dân lao động, nghèo khổ với tình cảm thông sâu xa” (Những nhà thơ nổi tiếng của năm đời trực hệ trong một gia đình vương giả ở Huế).
   * Khúc tri âm đó phổ vào đàn Tâm.
 Sinh thời, cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị đã có hai câu thơ “tâm huyết” với người con gái út-Công tằng Tôn nữ Hỷ Khương:”Cha con ta là đôi tri kỷ/Chung bóng, chung hình giữa nước non”. Trong đời thơ của mình, chị nối tiếp con đường thơ và đạo nghĩa của người cha yêu kính. Chị là một “đệ tử trung thành cuối cùng của “Mùa cổ điển”. Hơn nửa thế kỷ làm thơ, chị vẫn có những độc giả thân thiết, những bạn tri âm của mình.
    Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương là một nhà thơ “tri âm” với nhiều thế hệ nhà thơ và bằng hữu trong hơn 50 năm qua. Chị đã tổ chức nhiều đêm thơ TNHK, ra mắt các tập thơ mới ấn hành, chương trình thơ nhạc TNHK, tổ chức sinh nhật TNHK, giao lưu văn hoá tại TP. HCM, Bình Định, Huế, Hà Nội và ở một số nước ngoài.
   Trong hành trình thi ca của mình, nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương đã được các thi hữu, văn hữu rất ngưỡng mộ, kết thân, và trở thành “tri âm”, “tri kỷ”. Có cả một cuốn sách viết thật công phu, chân thật “Hành trình thơ của một Công tằng Tôn nữ” của nhà văn Ninh Giang Thu Cúc và một số bài viết thật ấn tượng và lay động, khắc hoạ được chân dung nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương, như “Những nhà thơ nổi tiếng của năm đời trực hệ trong một gia đình vương giả ở Huế “của nhà nghiên cứu Hà Xuân Liêm (Nhớ Huế - 2009) và “Hiện tượng thơ Tôn Nữ Hỷ Khương” của nhà văn Hà Văn Thùy (in trong tập sách Chân dung Huế - NXB Trẻ - 2009).
  Và đặc biệt, vào năm 2004 bài thơ “Còn gặp nhau” của Tôn Nữ Hỷ Khương đã được in thành một bộ lịch thơ TNHK viết bằng nét bút thư pháp của nhà thư pháp tài hoa Vũ Hối (Hoa Kỳ), sau đó đã được tái bản vào các năm 2008 và 2010. Cũng vào thới gian này, chị đã góp bài thơ “Mùa tao ngộ” cùng với các nhà thơ Huế là Trần Hữu Lục, Cao Quảng Văn, Hồ Đắc Thiếu Anh, Tôn Nữ Thu Thuỷ, Trương Nam Hương và nhiếp ảnh gia Đào Hoa Nữ, in thành bộ lịch Thơ - Ảnh “Nhớ Huế yêu thương”(2010).
Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương
 Với tập thơ “Khúc tri âm” - thơ bằng hữu & độc giả đề tặng Tôn Nữ Hỷ Khương đã có hàng trăm cây bút thuộc nhiều thế hệ làm thơ ở trong và ngoài nước nhiệt tình ghi lại cảm xúc của mình (bằng thơ, câu đối, văn xuôi…) để tặng nhà thơ tri âm - tri kỷ - Tôn Nữ Hỷ Khương. Theo Giáo sư Trần Hữu Tá: “Tôi chú ý đến những tên tuổi lớn trên thi đàn Việt Nam thế kỷ XX: Vũ Hoàng Chương, Huy Cận, Quách Tấn… Khá nhiều nhà thơ nữ cao niên khả kính: Tương Phố, Mộng Tuyết, Anh Thơ… Có những người lừng danh trong các lĩnh vực văn học nghệ thuật khác như giáo sư-nhạc sĩ Trần Văn Khê, nhà văn-nhà báo Tam Lang, giáo sư Vũ Khiêu… Có vị đã xuất gia như sư bà Diệu Không, ni sư Trí Hải, hoà thượng Quảng Thạc… Thú vị ở chỗ có người yêu thơ Hỷ Khương” chỉ biết qua thơ chưa một lần gặp gỡ”như Hồng Duy (Quảng Ninh), Thanh Phong (An Giang), Trần Hữu Quốc Huy (Cà Mau)... Họ tâm đắc với cái duyên riêng, mà đó cũng là nét thầm kín sâu xa của hồn dân tộc... (Lời tựa:Tình thơ-Tình đời - tập thơ Khúc tri âm)
  Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương vẫn còn đó một giọng hò Huế thật truyền cảm, một giọng ngâm thơ “rất Huế” trong một tâm hồn đầy lạc quan, yêu người và yêu đời. Trong những “Mùa tao ngộ”, những khi “Còn gặp nhau” và “Đề tặng Khúc Tri Am” thì lời tạ tình của nhà thơ lúc nào cũng đầm ấm, ngọt ngào và thật chân tình:
 “Cảm lời ai nét ngọc vàng/ Tạ tình ai gấm thêu hàng tặng trao/ Duyên thơ đầm ấm ngọt ngào/ Khúc tri âm đó phổ vào đàn Tâm” (Thơ Tôn Nữ Hỷ Khương).
   Với lời thơ tạ tình ngọt ngào, chân tình như thế, “Khúc Tri âm” trở thành niềm vui, hạnh phúc của người đề tặng thơ và người nhận được thơ đề tặng.
  Thơ Tôn Nữ Hỷ Khương “làm đẹp cho cuộc đời”, nói lên được tình người, tình đời và ý đạo. Và trong cuộc đời thơ nhỏ bé và hạn hẹp, trước sau nhà thơ cũng chỉ mong ước như một lời tự bạch: “Còn gặp nhau thì hãy cứ vui/ Chuyện đời như nước chảy hoa trôi/ Lợi danh như bóng mây chìm nổi/ Chỉ có Tình Thương để lại đời”.

Không có nhận xét nào: