Thứ Hai, 7 tháng 1, 2013

SÔNG LỢI NÔNG ( SÔNG AN CỰU ) - THÀNH PHỐ HUẾ

Sông An Cựu
Là chi lưu của sông Hương, chảy qua phía Nam Thành phố Huế, sông còn có tên là Lợi Nông. Đây là một con sông đào, được đào vào năm Gia Long 13. Vua Gia Long cho đào khơi thông sông Hương với sông Đại Giang nhập vào phá Hà Trung, góp phần thau chua rửa mặn cho cánh đồng Hương Thuỷ, vì vậy mới có tên là Lợi nông. Ngoài ra, sông An Cựu còn có tên khác là sông Phủ Cam hay sông Thanh Thuỷ. Năm 1836, sông Lợi Nông đã được khắc vào Chương đỉnh trong Cửu đỉnh đặt trong Hoàng Thành.
Ở đoạn đầu của sông có Bến Ngự để thuyền rồng của nhà vua cập bến mỗi khi đi tế trời ở Đàn Nam Giao. Phía hạ lưu có các hành cung Thần Phù, Thuận Trực để vua tạm nghỉ trong những lần về chơi ở phá Hà Trung hoặc về rừng Đông Lâm săn bắn.
Vua Minh Mạng sắc cho sông An Cựu đổi tên là sông Lợi Nông ( niên hiệu Gia Long sơ niên đào nhánh sông Hương Giang thông đến cửa Thuận, đến mùa nông tát nước tưới ruộng rất lợi cho dân, nên đến nay vua ban cho tên ấy).
Vua xem bản đồ Kinh thành, gọi các quan Thị thần mà phán rằng: Xưa tiên đế ( vị vua trước) cho đào sông ấy, người nông dân được nguồn lợi muôn đời vậy, bèn lấy tên là Lợi Nông mà ban cho, lại ra lệnh làm bia đá đặt ở phía trên và phía dưới cửa sông để ghi chú.
Vua thường ngự thuyền qua sông ấy để xem gặt lúa, và dụ xuống Bộ Hộ rằng: “ Đức Tiên Đế ta tốn mấy vạn vàng đào con sông ấy để lợi cho dân, nay thấy mùa màng tươi tốt, so với xưa hơn biết bao nhiêu, như thế mới biết rõ rằng bậc thánh nhân làm việc gì để đến muôn đời về sau, không phải như những hạng người muốn cho mau và chỉ thấy gần đã biết được”.
Vua ngự đến hai xã An Vân và Cổ Bưu xem mùa lúa, đòi các kỳ lão đến hỏi, họ đều tâu đáp rằng: Năm nay tươi tốt, so với những năm trước thời hơn. Vua vui vẻ lắm, lại tới sông Lợi Nông đòi các kỳ lão xã Thanh Thuỷ đến hỏi đều tâu đáp rằng: Nay hơi tươi tốt, nhưng đến lúc thu hoạch chưa biết ra sao. Vua phàn rằng: Trẫm vì dân mà lo việc nông, gặp năm được mùa thời mừng, chứ không phải nhân thấy được mùa mà gia tăng thuế khoá đâu, nay trẫm hòi mà không lấy sự thật tâu cho trẫm biết, há không phụ lòng tốt của Trẫm sao? Đến xã Gia Lệ lại hỏi các kỳ lão, đều tâu rằng: Bọn chúng tôi đến 70, chưa từng thấy lúa tốt như ngày nay vậy. Vua khen là thuần phác ( thật thà), ban tiền thưởng cho.
Thoạt có gió Bắc nổi lên, vua triệu Dinh thần ( quan đầu tỉnh) dinh Quảng Đức ( Thừa Thiên) ban dụ rằng: “ Nay lúa vừa mới trổ bông mà gió bấc lạnh lùng như thế. Trẫm rất lấy làm lo, vậy nhà ngươi nên quan sát lại mùa màng có bị tổn thương gì không? Sở dĩ Trẫm đêm ngày lo lắng đến như thế, không là muốn chuộng tiếng tốt, mà chính là vì nghĩ đến dân ta quanh năm cần cù khổ nhọc, nếu không may đến mùa không gặt lúa được, thời không khỏi đói rét vậy.”
Tiếp đó dân xã An Lai thuộc dinh Quảng Đức tâu xin miễn các công tác binh nhiêu, sai dịch để vét đào mương tưới ruộng.
Vua ban dụ Bộ Hộ rằng: “ Trẫm hằng lo nghĩ đến nhân dân, mỗi việc đều chú ý đến mục đích khuyến nông, nay dân ấy biết chăm lo ra sức về việc ruộng đất, trẫm rất khen ngợi, và y theo lời tâu xin”. Vua lại ban cho gạo kho một trăm vuông để giúp thêm cho. Dân hai xã Lễ Môn và An Ninh lấy cớ ruộng khe bị lấp, cũng tâu xin triệt bãi ngạch xã binh ( 1ính làng) để cùng giúp sức đào vét, vua cũng đều y cho.
“Sông An Cựu nắng đục mưa trong”
Theo truyền thuyết thì đầu thế kỷ 19, khi sơn hà xã tắc đã thống nhất, cùng với việc kiến thiết xây dựng kinh đô, củng cố triều chính, phát triển kinh tế, vua Gia Long đã sắc cho Bộ Công đào sông An Cựu theo ước nguyện của dân trong vùng. Lúc đó dòng sông được khơi thông từ vũng eo dưới mũi cồn Giã Viên. Nhưng do khơi dòng đúng vào nơi hang động của một con thuồng luồng khổng lồ nhiều năm ẩn dật dưới lòng sông Hương làm cho hang động của nó bị lộ ra, do vậy mà mỗi khi trời nắng, thời tiết nóng không chịu được nó trở nên dữ tợn, vẫy vùng, khuấy đảo phù sa, làm đục ngầu cả dòng nước nguồn, chính vì vậy mà sông An Cựu trở nên đục vào những ngày nắng. Còn những ngày mùa thu, tiết trời mát mẻ, thuồng luồng nằm im trong hang động, dòng sông không bị khuấy đảo, nước sông An Cựu trở nên trong vắt như mặt nước Hương Giang.

Chợ An Cựu
Chợ An Cựu nằm ở bờ sông An Cựu, chỗ tiếp giáp giữa đường Phan Đình Phùng và đường Hùng Vương. Trước đây, chợ có tên là chợ Đường Ngang vì nó nằm trên một trong những ngang thẳng góc với sông Hương.
Chợ lập bên bờ sông An Cựu thuộc địa phận làng An Cựu, huyện Hương Trà (nay là phường Phú Hội, thành phố Huế) từ thời Minh Mạng, năm 1835 dựng Nam Trường Đình ở đây, về sau có người Hoa buôn bán đông đúc. Nay vẫn là một trong những chợ sầm uất ở phía nam thành phố Huế.
Ở vị trí này bây giờ là Nhà Văn Hoá Trung Tâm. Nhưng vì gần đó có trại lính Pháp nên người Pháp bắt chợ phải dời đến địa điểm hiện nay.
Kể từ Tây lại, sứ sang
Đò Trường Tiền khác bến, chợ Đường Ngang đổi dời
Ơi em ơi, em ăn ở làm cho có đất có trời,
Đừng ham duyên mới phụ lời nước non.
(Ca dao)

Dòng sông tuổi thơ
Nơi đầu nguồn dòng sông bắt đầu là cồn Dã Viên trên dòng sông Hương, đó là địa danh Bến Cát, nơi tụ điểm tập kết đá và cát trên sông Hương. Con sông chảy vào địa danh hồi xưa có tên là Bến Trường Đạn, nay là cầu Ga Huế. Ngày xưa, dưới chân cầu là bến đò Ga Huế ( bến đò Trường Đạn) được xây vào khoảng năm 1930, gần đây khi xây dựng bờ kè dọc hai bên sông đoạn ở Ga Huế, người ta phát hiện nhiều các loại đạn của súng thần công kích cỡ khác nhau. Chứng tỏ đây là nơi tập kết và vận chuyển đạn và khí tài hồi xưa.
Tuổi thơ Tôi gắn liền với dòng sông, khi mùa hè là nơi lũ trẻ tụ tập và tắm sông vào những buổi chiều, để xua đi cái nóng bức của mùa hè xứ Huế. Những buổi trưa nắng nóng, thường trốn ngủ ra bờ sông dưới những tàn lá cây xanh tươi để ngồi câu cá và đọc sách, tiếng ve mùa hè inh ỏi với làn gió mát ven sông dễ đưa vào giấc ngủ trưa hè. Dọc hai bờ sông là những biền đất trồng các loại rau củ rất tốt vì hằng năm có nhiều phù sa bồi đắp...
Những cây cầu bắc ngang dòng sông như:
- Cầu Ga, nơi có sân Ga cổ kính được dựng vào thời Pháp.
- Cầu Nam Giao là nơi ngày xưa Vua ngự bến để đi lên đàn Nam Giao dự lễ cúng trời đất hằng năm. Và là con đường đi lên phía Tây Thành phố có nhiều di tích lăng tẩm vua chúa và chùa chiềng cổ.
- Cầu Bến Ngự là nơi giam lỏng cụ Phan Bội Châu. Ngôi nhà xưa nay là di tích của dòng tộc họ Phan ở dốc Bến Ngự.
- Cầu Phú Cam nhìn lên là nhà thờ Phú Cam cổ kính, hình dáng hai tháp chuông được xây dựng từ hồi Pháp. Nơi đây là những làng xưa theo đạo Thiên Chúa với con đường mang Nguyễn Trường Tộ, vị quan theo đạo Thiên Chúa, hiến kế vua Tự Đức cải cách đất nước sau khi du khảo ở phương Tây nhưng bất thành.
- Cầu Lò Rèn mang tên một địa danh làng nghề lò rèn hồi xa xưa
- Cầu An Cựu nơi có ngôi chợ cổ cùng tên, buôn bán sầm uất của người Hoa và người Việt, một thời xa xưa phía Nam sông Hương.
Và những cây cầu nhỏ thuộc vùng Thanh Thuỷ xưa như: cầu Ngói Thanh Toàn. Những cây cầu mang tên những địa danh lưu lại một quá khứ lịch sử khó phai của vùng Thanh Hà xưa.
Dọc hai bên sông là hai con đường: Phan Chu Trinh và Phan Đình Phùng có nhiều di tích và lâu đài tráng lệ , được biết đến với hệ thống phủ đệ nằm san sát dọc hai bên bờ sông. Có lẽ khung cảnh nên thơ, lãng mạn nơi đây đã thu hút các hoàng tử, công chúa tề tựu như: phủ Tuỳ Lý Vương. Tùng Thiện Vương...
Cung An Định là nơi cư ngụ của mẹ vua Bảo Đại là Đức Từ Cung và Hoàng hậu Nam Phương đã từng sinh sống.
Biệt thự Hoa Đường là nơi ẩn dật cuối đời của nhà văn Phạm Quỳnh, nằm bên bờ sông An Cựu…

Con sông đang thực sự hồi sinh nhờ những công trình xây dựng mới hai bên bờ kè, nạo vét lại những đoạn bị bồi lấp. Những thảm cỏ dây leo được trồng và chăm sóc, tạo một khung cảnh tuyệt đẹp của một dòng sông thơ mộng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Quốc sử quán triều Nguyễn. Minh Mạng Chính Yếu. Nhà xuất bản Thuận Hóa. 2009.
2. Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam Nhất Thống Chí. Nhà xuất bản Thuận Hóa . 2006.
3. Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục. Viện sử học dịch. Nhà xuất bản Giáo dục. 2001
Tác giả bài viết : Van Phuc Facebook

Không có nhận xét nào: