Thứ Tư, 30 tháng 1, 2013

1 tỉ USD để xuất ngoại chữa bệnh hàng năm: lạ hay không lạ?

SGTT.VN - Nếu vào trang web health-tourism.com, người ta sẽ thấy giới thiệu dịch vụ du lịch y tế ở các nước Thái Lan, Malaysia, Singapore, Ấn Độ, Trung Quốc… nhưng không có một dòng nào nói về Việt Nam! Trong khi các nước này đã khai thác lĩnh vực này hàng chục năm nay và tạo ra một nguồn thu đáng kể cho quốc gia, thì Việt Nam vẫn chưa chịu bước đi mặc dù lúc nào cũng tự hào “bác sĩ Việt Nam không thua bác sĩ nước ngoài”. . .
"Truyền đêm" mô tả cảnh bệnh viện quá tải bệnh nhân ung thư nằm truyền hóa chất
1. Ngày 26.1, tại TP.HCM, vụ Các vấn đề xã hội – ban Tuyên giáo trung ương và báo Lao Động Việt Nam đã phối hợp tổ chức hội thảo “Thành tựu y học Việt Nam thời kỳ đổi mới. Người Việt Nam ưu tiên khám chữa bệnh tại Việt Nam”. Không cần tham dự hội thảo, chỉ cần nghe qua chủ đề trên, ai cũng có thể biết được mục tiêu mà các nhà tổ chức hội thảo đưa ra: Quảng bá những thế mạnh của y học Việt Nam và cổ xuý người dân ở lại trong nước, thay vì xuất ngoại, để trị bệnh, làm thất thoát một lượng ngoại tệ rất lớn.
Thế nhưng, quả là trùng hợp ngẫu nhiên kỳ lạ khi hội thảo diễn ra chỉ một ngày sau sự kiện bà goá phụ Đặng Thị Liên, ngụ tại TP.HCM, mặc áo tang đến trước trụ sở sở Y tế thành phố đòi làm rõ cái chết của chồng bà, ông Đinh Văn Thường, người vào tháng 7 năm qua được bệnh viện Bình Dân mổ sỏi nhưng không có sỏi và qua đời sau đó không lâu. Cũng trùng hợp ngẫu nhiên khi trong tuần qua, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc triển lãm ảnh về tình cảnh người dân đi khám chữa bệnh. Hai sự kiện khách quan này đủ nói lên tại sao 40.000 người dân Việt hàng năm đã bỏ ra 1 tỉ USD để ra nước ngoài tìm kiếm cơ hội được điều trị an toàn, được tiếp đãi lịch sự, ân cần và được bảo đảm quyền riêng tư, kín đáo, xứng đáng với đồng tiền họ bỏ ra.
Tại hội thảo ngày 26.1, nhiều đại biểu tham dự ra sức khẳng định “bác sĩ Việt Nam không thua gì bác sĩ nước ngoài”. Điều này có lẽ không ai phủ nhận khi những năm qua y học trong nước đã tiến khá xa và phát triển được nhiều kỹ thuật cao như can thiệp tim mạch, thụ tinh trong ống nghiệm, phẫu thuật tim hở hay ghép mô tạng. Thế nhưng cũng không ai có thể phủ nhận rằng trình độ tay nghề của bác sĩ Việt Nam không đồng đều, thường tập trung ở một số địa phương lớn, và ngành y tế Việt Nam tồn tại một nghịch lý bao đời nay, đó là: bệnh viện công có chuyên môn cao nhưng chất lượng dịch vụ thấp; và ngược lại, bệnh viện tư nhân có chất lượng dịch vụ tốt nhưng chuyên môn chưa cao.
Chữa bệnh ở nước ngoài chắc hẳn phải tốn nhiều tiền so với chữa bệnh ở trong nước. Thế nhưng chẳng phải là chuyện “sính ngoại” như có người vẫn nghĩ, mà vì bệnh nhân không muốn chịu cảnh “hên xui” khi vào các bệnh viện Việt Nam, ngay cả ở bệnh viện công lập, như chuyện phẫu thuật thoát vị bẹn lại cắt luôn bàng quang hay cắt thận này lại cắt luôn thận kia. Bệnh nhân đi nước ngoài chữa bệnh còn vì không chịu mất phẩm giá con người như phải nằm gầm giường, nằm ngoài hành lang (như triển lãm ảnh ở Hà Nội), hoặc bị bác sĩ thoải mái mổ xẻ mà không cần hỏi han hay tư vấn người nhà bệnh nhân (như trường hợp ông Đinh Văn Thường). 
"Mình là bệnh nhân nhưng mình ra đây nằm cho thoáng". Ảnh chụp tại Viện tim mạch.
2. Chuyện người Việt xuất ngoại chữa bệnh không phải là chuyện lạ, vì đã đề cập không ít lần trên các phương tiện đại chúng. Nhưng nó vẫn là chuyện lạ vì cho đến nay các nhà quản lý y tế dường như chưa thấy bức xúc chuyện này, bằng chứng là họ chưa đưa ra được giải pháp để giải quyết. Điều đáng nói nhất là trong khi các nhà quản lý y tế chưa thể giải quyết chuyện bỏ tiền xuất ngoại chữa bệnh của người dân bằng các biện pháp căn cơ lâu dài, như mở rộng hoặc xây thêm bệnh viện rộng rãi và khang trang, đầu tư đào tạo nhân lực chất lượng cao, thì họ vẫn bàng quan trước sự chòi đạp, tự cứu mình của những cơ sở y tế, mà điều này hoàn toàn có thể giải quyết được bằng những điều chỉnh chính sách y tế trong tầm tay. Tại hội thảo ngày 26.1, nhiều đại biểu từ khu vực y tế tư nhân bức xúc về chuyện không thể liên kết được nguồn nhân lực với khu vực y tế công lập. Một bên là dịch vụ tốt, một bên là chuyên môn cao, tại sao không ráp nhau lại cùng làm để giữ chân người bệnh? Vấn đề ở đây, theo nhiều đại biểu, là y tế tư nhân bị “bị phân biệt đối xử”! Nhưng ngay cả đại diện từ khu vực y tế công lập cũng bức xúc chuyện này. TS.BS Trần Hải Yến, giám đốc bệnh viện Mắt TP.HCM, nói: “Nên chăng cần xem xét việc cho bác sĩ có thể hành nghề ở nhiều nơi, tuỳ khả năng chuyên môn, năng lực và thời gian của bản thân họ. Khi đó tuyến dưới và bệnh viện tư nhân sẽ có cơ hội mời chuyên gia giỏi làm việc cố định và mạnh dạn đầu tư thiết bị”.
"Trạm xá khang trang nhưng không có người lui tới" mô tả các bệnh viện, trạm y tế ở ngoại thành và các tỉnh vắng vẻ trái ngược với sự quá tải ở các bệnh viện thủ đô.
 Tâm sự của các bệnh nhân sau khi phải trải qua những rắc rối khi còn nằm viện chữa bệnh.
3. Một tỉ USD theo chân những người ra nước ngoài chữa bệnh. Thật ra đó cũng chỉ là con số ước tính, vì theo nhiều người con số thực chắc chắn còn nhiều hơn nữa bởi cùng với chi phí chữa bệnh còn phải có chi phí của người thân đi cùng, chi phí ăn ở và di chuyển. Nhưng cũng có người đặt vấn đề ngược lại: Nếu nói một số bệnh viện Việt Nam tốt, chuyên môn cao, vậy tại sao chúng ta không phát triển du lịch y tế (medical tourism) – một hình thức đi chữa bệnh kết hợp với du lịch – như nhiều nước chung quanh ta đang làm, biến y tế thành một ngành thu ngoại tệ cho nước nhà?
Tại hội thảo ngày 26.1, nhiều bệnh viện cho biết họ không chỉ thu hút bệnh nhân là Việt kiều, các nước chung quanh, mà còn cả những người đến từ các nước Âu, Mỹ. GS.TS Nguyễn Anh Trí, viện trưởng viện Huyết học – truyền máu trung ương, nói: “Nhiều bệnh nhân đã và đang điều trị ở Pháp, Mỹ, Nga, Ukraine, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc đã quay trở về điều trị ở chúng tôi. Ngoài ra, cũng có nhiều bệnh nhân đang làm thủ tục đi điều trị ở nước ngoài, nhưng giờ chót họ suy nghĩ lại và quyết định ở lại điều trị ở viện”. Những gì gặp ở viện Huyết học – truyền máu trung ương cũng gặp ở bệnh viện Từ Dũ, bệnh viện Chợ Rẫy, viện Tim TP.HCM… nhưng chiến lược nào để tập hợp những thế mạnh này lại, chính sách và cơ chế nào để phối hợp y tế và du lịch, tạo ra một “nắm đấm chủ lực” để phát triển dịch vụ du lịch y tế ở tầm cỡ quốc gia, nhằm mang lại cho nước nhà hàng năm vài tỉ đôla thì chưa thấy ai nghĩ đến. Tại hội thảo, khi nghe nói về du lịch y tế, một đại diện của bộ Y tế cho biết bộ chưa có chủ trương thu hút bệnh nhân nước ngoài!
Nếu vào trang web health-tourism.com, người ta sẽ thấy giới thiệu dịch vụ du lịch y tế ở các nước Thái Lan, Malaysia, Singapore, Ấn Độ, Trung Quốc… nhưng không có một dòng nào nói về Việt Nam! Trong khi các nước này đã khai thác lĩnh vực này hàng chục năm nay và tạo ra một nguồn thu đáng kể cho quốc gia, thì Việt Nam vẫn chưa chịu bước đi mặc dù lúc nào cũng tự hào “bác sĩ Việt Nam không thua bác sĩ nước ngoài”! Vì sao như thế? Một đại biểu dự hội thảo chia sẻ riêng với người viết: “Có lẽ câu chuyện này chỉ mang lại lợi ích quốc gia chứ không mang lại lợi ích cá nhân hay một nhóm người nào đó nên họ không mặn mà”.
Một tỉ USD hàng năm để xuất ngoại trị bệnh, âu cũng chẳng phải là chuyện lạ!

Không có nhận xét nào: