TT - Quan sát cách ứng xử của Philippines và Nhật Bản đối với Trung Quốc trên biển Đông và biển Hoa Đông, có thể thấy gì? (Danh Đức)
“đường lưỡi bò”, tác phẩm của bành trướng bá quyền Bắc Kinh |
Việc Philippines phải đưa vụ Trung Quốc thôn tính bãi cạn
Scarborough ra Tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc cũng như việc Nhật Bản qua hai đời
thủ tướng Noda và Abe đều cùng quyết liệt sử dụng tàu tuần duyên và máy bay chiến
đấu để bảo vệ quần đảo Senkaku... là những thí dụ sinh động cho thấy trong vấn
đề chủ quyền không được để thiên hạ được đằng chân mà lân đằng đầu, đồng thời vẫn
có thể sử dụng các biện pháp hòa bình để bảo vệ chủ quyền.
Tháng 4-2012, khi tàu cá Trung Quốc dàn cảnh xâm nhập bãi cạn
Scarborough, Philippines đã “cương”, phái chiến hạm BRP Gregorio del Pilar ra
nhằm trấn áp ba tàu cá này. Trung Quốc lúc đó điều động tàu hải giám vào can
thiệp. Trong vòng vây của đối phương dưới lớp vỏ tàu dân sự, Philippines bèn
rút chiến hạm đầu đàn này của mình về neo trong vịnh Manila.
Thế là từ đó, ba tàu Trung Quốc cứ lưu cư miết tại bãi cạn
Scarborough. Philippines đuổi tàu Trung Quốc vẫn không ra... Ngày 21-1, Thời
báo Hoàn Cầu rêu rao rằng ngay cả một cựu đại diện Philippines tại Liên Hiệp Quốc
còn thừa nhận Trung Quốc “đang kiểm soát bán chính thức bãi Hoàng Nham” (tức
Scarborough), làm hậu thuẫn miệng cho tấm bản đồ “đường lưỡi bò”.
Từ khiêu khích tới hất chủ nhà ra rồi dùng các tàu hải giám
vốn là tàu quân sự được cải trang để chơi trò lưu cư, Trung Quốc đã đạt mục
tiêu là chiếm ngụ và làm chủ trong thực tế.
Nếu Philippines cứ hiếu hòa phản đối, năm mười năm nữa bãi cạn
Scarborough sẽ trở thành lãnh thổ Trung Quốc giống như dải Mischief từng bị Bắc
Kinh chiếm cứ theo kiểu đó vào năm 1995. Từ đó, Philippines có la làng cỡ nào
thì cả Mischief lẫn Scarborough cũng đã nằm dưới sự kiểm soát thực tế của Trung
Quốc. Bởi thế, Philippines đã phải viện dẫn đến công cụ pháp lý như đã thấy, và
thẳng thắn triệu đại sứ Trung Quốc tại Manila đến Bộ Ngoại giao để thông báo về
vụ kiện cáo này. Muộn màng một chút, song Philippines vẫn dứt khoát bảo vệ chủ
quyền và vẹn toàn lãnh thổ của mình mà vẫn đảm bảo được hòa bình.
Ngược lại, Nhật Bản suốt hai đời thủ tướng đều dứt khoát
ngay từ đầu với chủ trương “đúng người, đúng việc”. Khi Trung Quốc đưa tàu hải
giám vào quần đảo Senkaku, Nhật tung ngay tàu cảnh sát biển và tuần duyên đến
đuổi bật ra. Khi Bắc Kinh đưa máy bay tuần tra quân sự vào, Tokyo liền đưa máy
bay chiến đấu lên ngăn chặn.
Hành động dứt khoát, đúng luật và thông lệ quốc tế, như
Philippines kiện ra tòa quốc tế, đó chính là quyết tâm bảo vệ lãnh thổ một cách
đích thực. Cách bảo vệ này vẫn giữ được hòa bình và càng giữ được hòa bình cùng
lãnh thổ, bởi vì nếu để thiên hạ được đằng chân mà lân đằng đầu thì sẽ rơi vào
tình cảnh như bị con rắn nuốt từ bàn tay đến trọn cả người!
Trung Quốc sẽ có thời gian 30 ngày để phản hồi và chỉ định một
thành viên trọng tài đại diện cho mình. Nếu Trung Quốc không phản hồi, chủ tịch
của Tòa án luật biển quốc tế (ITLOS) sẽ có quyền chỉ định bốn trong số năm
thành viên của Tòa án trọng tài UNCLOS. Phía Philippines đã đề cử trọng tài đại
diện cho quốc gia mình.
Đây là vụ Philippines kiện Trung Quốc, phán quyết của Tòa án
trọng tài sẽ không áp dụng cho bên thứ ba. Tuy nhiên, phán quyết của Tòa án trọng
tài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khía cạnh pháp lý của cuộc tranh chấp trên biển
Đông. Nếu Tòa án trọng tài ra phán quyết khẳng định “đường lưỡi bò” của Trung
Quốc vi phạm UNCLOS, đó sẽ là một lợi thế lớn cho nỗ lực của các quốc gia chống
lại “đường lưỡi bò”. Còn ngược lại sẽ có lợi cho “đường lưỡi bò” và vô cùng
nguy hại cho an ninh trên biển Đông. Nhưng cũng có khả năng Tòa án trọng tài sẽ
từ chối giải quyết vấn đề này. Tòa án trọng tài sẽ tự quyết định về việc có thẩm
quyền hay không, chứ không phải từ phía Philippines hay Trung Quốc. Nếu Tòa án
trọng tài từ chối vì cho rằng không có thẩm quyền thì đó cũng là kết quả có lợi
cho “đường lưỡi bò” và bất lợi cho các nước ASEAN.
Là một thành viên của UNCLOS, Trung Quốc có nghĩa vụ tham
gia vụ phán xử của Tòa án trọng tài thông qua việc sẽ chỉ định một thành viên
tham gia tòa. Nếu Trung Quốc từ chối tham gia, rõ ràng Bắc Kinh đã vi phạm các
nghĩa vụ của mình với tư cách là thành viên UNCLOS.
Trung Quốc có thể có những lựa chọn của riêng mình. Đơn giản
nhất là nếu tham gia và nếu bị thua, Bắc Kinh có thể tuyên bố không chấp nhận
và không tuân thủ phán quyết của tòa. Nhưng nếu chọn lựa như vậy, Trung Quốc sẽ
ăn nói thế nào với cộng đồng thế giới khi luôn khẳng định lúc nào cũng tuân thủ
mọi quy định của UNCLOS?
Theo quan điểm của Philippines, các thực thể địa chất mà
Trung Quốc đang chiếm đóng tại khu vực Trường Sa cũng như bãi cạn Scarborough
không đáp ứng được yêu cầu là một đảo theo điều 121 UNCLOS. Theo quy định tại
khoản 3 điều 121 UNCLOS, chúng chỉ có thể đáp ứng được tính chất pháp lý là đá.
Để biện minh cho “đường lưỡi bò”, Trung Quốc lại cho rằng các thực thể địa chất
đó đáp ứng được điều kiện là đảo, do đó Bắc Kinh có vùng đặc quyền kinh tế và
thềm lục địa xung quanh các thực thể địa chất đó.
Quan điểm của các quốc gia ASEAN trong tranh chấp biển Đông
nghiêng về phía Philippines. Do đó phán quyết của Tòa án trọng tài sẽ tạo ra ảnh
hưởng rất lớn đối với các quốc gia liên quan này. Cho đến giờ, quy định tại điều
121 UNCLOS đã gây ra rất nhiều tranh luận khác nhau. Nếu Tòa án trọng tài ra
phán quyết, đó sẽ là một bước tiến mới để làm rõ các “khoảng trống” trong quy định
này.
Thạc sĩ HOÀNG VIỆT
(giảng viên ĐH Luật TP.HCM)
(giảng viên ĐH Luật TP.HCM)
TT - Ngày 24-1, trả lời báo chí về việc Philippines chính thức
khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án trọng tài được thành lập theo điều 287 và phụ lục
VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), phó chủ nhiệm Ủy
ban Biên giới quốc gia (Bộ Ngoại giao) Nguyễn Duy Chiến nêu rõ: “Lập trường nhất
quán của Việt Nam là các vấn đề liên quan đến biển Đông cần phải được giải quyết
bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.
Việt Nam cho rằng các quốc gia hoàn toàn có quyền lựa chọn
các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp phù hợp với Hiến chương
Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS”.
* Cũng liên quan đến diễn biến trên biển Đông, trước việc
báo chí Trung Quốc đưa tin Cục Đo vẽ bản đồ quốc gia Trung Quốc công bố đã hoàn
thành và dự kiến cho phát hành “Bản đồ toàn quốc nước Cộng hòa nhân dân Trung
Hoa” và “Bản đồ địa hình Trung Quốc” khổ dọc mới vào cuối tháng này, trong đó vẽ
yêu sách “đường chín đoạn” và các đảo, đá, bãi ở khu vực hai quần đảo Hoàng Sa
và Trường Sa của Việt Nam, ông Nguyễn Duy Chiến khẳng định: “Việt Nam có chủ
quyền không thể tranh cãi với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền,
quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa ở biển Đông theo
UNCLOS. Mọi bản đồ thể hiện thông tin sai lệch về chủ quyền của Việt Nam đối với
hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt
Nam ở biển Đông là phi pháp và vô giá trị”.
H. Giang
Nguồn : Tuổi Trẻ online 25/01/2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét