Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2013

Một bản sơ đồ phác họa các giá trị tinh thần


Stéphane Hessel (S.H.) : Chuyển kiến thức thành hành động là cả một sự cam go đối với con người. Có thể chúng ta cũng có dịp đọc được vài quyển sách hay, chẳng hạn như các sách ấy nêu lên : Coi chừng đấy, nếu cứ tiếp tục phung phí xăng dầu như hiện nay thì trong mười năm nữa là xăng sẽ cạn hết! Dù ý thức được điều ấy thế nhưng chúng ta vẫn cứ tự nhủ : họ nói đúng đấy, thế nhưng phần tôi thì nào tôi có làm gì được đâu? Tôi phải sử dụng chiếc xe của tôi chứ, dù tôi có cố gắng tậu một chiếc xe khác uống ít xăng hơn một tí thì tôi cũng cứ phải tiếp tục sử dụng nó. Tóm lại nếu muốn cho kiến thức biến thành hành động thì còn phải cần đến thêm một cái gì khác nữa, và cái ấy thì Ngài cũng đã cho biết một cách thật rõ ràng: đấy là lòng từ bi. Chúng ta không phải chỉ biết suy nghĩ suông mà còn phải chuyển sự suy nghĩ ấy trở thành hành động nữa, thế nhưng phải hành động với lòng từ bi. Phải hiểu rằng khi chúng ta làm một việc gì đó dù là tốt hay xấu, thì đấy cũng không phải là vô thưởng vô phạt, mà thật ra thì hậu quả mang lại luôn liên quan đến những người khác chung quanh, vì thế khi thực thi một điều gì thì đấy không nhất thiết chỉ vì chúng ta mà còn vì người khác nữa. Chỉ khi nào chúng ta ý thức được là cách hành xử của chúng ta luôn liên hệ đến sự an vui của người khác thì khi đó may ra chúng ta mới có thể cùng nhau đi xa hơn được.
Đức Đạt-lai Lạt-ma (ĐLLM) : Đúng thế, đấy là lòng từ bi, một cách ý thức được trách nhiệm của chính mình. Khi nào các bạn hiểu được rằng "tôi cũng có bổn phận phải chăm sóc cho gian nhà của tôi, cho số phận của con cháu tôi" thì khi đó các bạn cũng phải biết nghĩ đến người khác và từ đó hành động sẽ phát sinh. Ý thức về trách nhiệm hình thành từ một sự thức tỉnh tinh thần. Sự ý thức đó không phát sinh từ một thứ đức tin nào cả mà đúng hơn là bằng sự phân tích. Tôi cho rằng nền giáo dục ngày nay chỉ biết hướng vào các giá trị vật chất. Không thấy có gì trực tiếp giúp vào việc biến cải tâm thần. Mỗi khi nghe nói đến lãnh vực tinh thần thì mọi người sẽ gán ngay cho chúng ta cái hậu ý quảng bá tôn giáo. Thế nhưng nào có ai có thể chối cãi được là cuộc sống hằng ngày cũng như mọi hoạch định của mình đều được điều khiển bởi tâm thức của chính mình. Nếu chúng ta đi du lịch ở một nơi nào đó tại một lục địa khác thì chúng ta cũng phải xem bản đồ để tìm đường. Cũng thế khi nói đến lòng từ bi và sự tha thứ – là những gì thuộc tâm thức – thì đương nhiên chúng ta cũng sẽ phải cần đến một tấm bản đồ của tâm thức. Tấm bản đồ ấy sẽ giúp chúng ta chuyển đổi từ một thể dạng xúc cảm này sang một thể dạng xúc cảm khác, và cũng để hiểu rằng tại sao một sự xúc cảm lại rời nơi này để đến nơi khác và biến thành một xúc cảm khác; để rồi sau đó lại tiếp tục biến thành một xúc cảm khác nữa. Cái tấm bản đồ đó giúp chúng ta nhận ra được sự sinh hoạt thật kỳ thú trong tâm thức của chính mình. Tất cả những thứ ấy chẳng có gì gọi là tôn giáo cả, hoàn toàn không dính dáng gì đến tín ngưỡng. Thật đơn giản, đấy chỉ là cách giúp chúng ta biết chăm sóc đến thân xác và tâm thức của mình, cái tâm thức ấy thuộc vào não bộ của chính mình. Não bộ quả thật hết sức tinh xảo. Tâm thần, tri thức và các thứ xúc cảm - hiện ra trong não bộ - cũng rất tinh xảo. Thế nhưng hệ thống giáo dục hiện nay của chúng ta thì lại không hề nghĩ đến việc giúp chúng ta học hỏi về những thứ ấy.
S. H. : Quả đúng như thế, nhà trường chẳng giảng dạy cho chúng ta được gì cả về sự phức tạp của tâm thức chúng ta. Tôi nghĩ rằng giáo dục Phật Giáo có thể giúp vào việc phác họa các tấm bản đồ xác định các thứ tình cảm cũng như các thứ xúc cảm và cả các phương pháp giúp chúng ta tránh được sự hung bạo. Đấy là những gì mà chúng ta đã không hề biết đưa vào hệ thống giáo dục Thiên Chúa Giáo trước đây và cả đối với nền giáo dục tân tiến và thế tục ngày nay. Chúng ta không cần biết là phải đặt sự hung bạo ra xa. Chúng ta cứ nghĩ rằng: chúng ta có lý và chúng ta cứ hành động! Chẳng cần phải nghĩ đến người khác làm gì.
            Thiết nghĩ đến đây chúng ta cũng cần phải nêu lên thêm một thông điệp quan trọng khác nữa – đó cũng là thông điệp của các bạn, và cũng có thể đấy là một thông điệp phát sinh từ thái độ suy nghĩ tiến bộ hơn về vai trò của người phụ nữ, thật thế ngày nay người phụ nữ ngày càng được mời tham gia vào các chức vụ quan trọng.
Đức DLLM : Đúng thế, người đàn bà giữ một vai trò đặc biệt quan trọng nhằm khơi động sự nhạy cảm nơi con người, lòng từ bi và chủ trương bất bạo động. Và đúng như ông bạn vừa nêu lên, đấy là những gì vẫn còn chưa được triển khai đúng mức trong các xã hội tân tiến ở thế kỷ XXI này. Các xã hội của chúng ta vẫn chỉ biết đơn thuần nêu cao các thành tích tuyệt vời về học vấn và các khả năng trí thức mà không hề biết đến là phải phát huy các giá trị con người, chẳng hạn như lòng từ bi, sự bao dung.
Nguồn : Đức Đạt-lai Lạt-ma và Stéphane Hessel - Vì sự tiến bộ tinh thần / Hãy cùng tuyên bố Hòa Bình ! Tác gỉa : Sylvie Crossman & Jean-Pierre Barou

Không có nhận xét nào: