Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2013

PHÍA SAU TẤM KÍNH

Laura Reilly

 
Hồi còn nhỏ, chúng tôi sống ở thành phố New York. Ông bà ngoại ở đầu phố, chúng tôi ở cuối phố. Mỗi tối, ông ngoại thường đi dạo cho giãn gân cốt. Trong suốt nhiều mùa hè của thập niên 60, tôi thường theo ông ngoại đi dao và nghe ông kể chuyện những ngày thơ ấu của mình.
Khi chúng tôi đi ngang cửa kính của các quầy hàng phản chiếu ánh chiều tà, ông ngoại mô tả một thế giới chỉ có ngựa thay vì xe hơi, nhà vệ sinh lộ thiên thay vì các rest-room hiện đại, thư viết tay thay cho điện thoại và ánh sáng đèn cầy thay cho bóng đèn điện. Khi ông ngoại nói về cuộc sống vất vả khó khăn thời đó, tôi suy nghĩ miên man rồi cất tiếng hỏi:
- Ông ngoại ơi, điều gì khó khăn nhất trong đời ông?
Tôi tưởng mình sẽ nghe ông ngoại kể về những công việc lao động chân tay, nhưng khi ông dừng lại, lặng lẽ nhìn thật lâu tới đường chân trời, tôi biết ông đang nhớ lại một điều còn khó khăn hơn nhiều. Chợt ông ngoại quỳ xuống và nắm tay tôi. Với cặp mắt đẫm lệ, ông bắt đầu nói:
- Bà ngoại con bệnh sau khi sinh dì Mary. Lúc đó mẹ con và các cậu của con hãy còn nhỏ. Bà ngoại cần phải vào một dưỡng đường để sức khỏe có thể khá hơn. Vì không có ai chăm sóc mẹ con và các cậu, ông phải đưa chúng vào viện mồ côi cho các nữ tu chăm sóc, để ông có thể nhận làm hai, ba công việc một lúc, chờ đến khi bà ngoại bình phục. Điều khó khăn nhất là ông phải đưa các con của ông vào đó. Mỗi tuần, ông đều đến thăm chúng, nhưng các nữ tu không cho phép ông trò chuyện với chúng hoặc ôm chúng. Ông chỉ có thể nhìn chúng đang chơi đùa từ sau khung của kính. Ông thường mang bánh kẹo đến cho chúng và chỉ mong chúng biết số bánh kẹo này là do cha chúng mang tới.. Ông đứng đó, áp hai bàn tay lên tấm kính suốt ba mươi phút với hy vọng chúng sẽ thấy và chạy ra ngoài chạm lấy tay ông. Nhưng chuyện đó chẳng bao giờ xảy ra. Ông phải chịu đau khổ cả một năm trời, nhưng ông biết chúng còn đau khổ hơn ông nhiều. Ông không bao giờ tha thứ cho bản thân vì đã không buộc các nữ tu cho ông được ôm chúng. Nhưng họ nói điều đó chỉ có hại chứ không có lợi, và chúng sẽ gập nhiều rắc rối hơn khi phải sống tại viện mồ côi. Vì thế, ông đành chấp nhận.
Tôi chưa từng thấy ông ngoại khóc bao giờ. Ông ngoại ôm tôi thật chặt và tôi nói với ông rằng tôi có một người ông tuyệt vời nhất và tôi yêu ông vô cùng. Vai trò được thay đổi thật lạ lùng, tôi đang an ủi ông ngoại, còn ông thì đang khóc trong vòng tay của tôi.
Chúng tôi đi dạo với nhau nhiều năm liền cho đến khi gia đình tôi và ông bà ngoại chuyển đến hai tiểu bang khác nhau. Mười lăm năm trôi qua, chuyến đi dạo với ông ngoại vào buổi tối hôm đó vẫn còn là bí mật của chúng tôi.
Sau khi bà ngoại mất, những kỷ niệm xa xưa bắt đầu quay về hành hạ làm ông ngoại suy sụp. Tôi cố thuyết phục mẹ tôi để ông về sống chung với chúng tôi nhưng không thành công. Mẹ lạnh nhạt với ông thấy rõ.
Một ngày nọ, khi tôi cố nài nỉ mẹ đưa ông ngoại về nhà, bà nổi cơn giận dữ:
- Tại sao chứ, ông ấy có bao giờ quan tâm đến con cái đâu?
Tôi biết chính xác mẹ tôi đang nói về điều gì. Bà đã biết quá ít. Tôi cố giải thích:
- Ông ngoại luôn quan tâm và yêu thương con cái. Điều đau khổ nhất của ông la phải đưa mẹ và các cậu vào viện mồ côi.
- Con biết gì mà nói, ai kể với con chuyện này?
Mẹ không bao giờ kể với chúng tôi về những ngày sống trong viện mồ côi.
- Mẹ à, chính ông kể, mội tuần ông ngoại đều đến đó để được nhìn thấy mẹ và các cậu. Ông thường quan sát mẹ và các cậu từ phía sau khung cửa kính. Mỗi lần đến thăm ông thường mang theo keo. Ông đau buồn vì không thể nuôi được mẹ và các cậu trong suốt năm đó.
Mẹ tôi cáu kỉnh:
- Con nói dối. Ông ấy không bao giờ đến đó. Không một ai đến thăm cả.
-Nếu ông không kể, làm sao con biết những chuyến viếng thăm và số bánh kẹo mà ông mang đến? Ông
đã có ở đó. Ông luôn có mặt ở đó. Nhưng các nữ tu không cho ông vào phòng vì họ nói mẹ và các cậu sẽ đau khổ nhiều hơn khi ông ra về. Mẹ, ông ngoại rất thương mẹ. Ông luôn yêu mẹ.
Tôi thấy mắt mẹ tôi mở to. Bà nín thở và rồi phát ra một tiếng thở dài, nghe như tiếng rên rỉ. Giot nước mắt đọng tròn nơi khóe mắt. Đột nhiên, mẹ nhận ra rằng ông ngoại đã đứng phía sau cửa kính với hy vọng các con có thể cảm nhận được sự hiện diện của ông, cảm nhận được tình yêu của ông. Vẻ tức giận và buồn phiền tan mất dần trên gương mặt mẹ. Cuối cùng, mẹ có thể để cho sức mạnh và hơi ấm của tình yêu xuyên qua tấm của kính.
Không lâu sau đó, ông ngoại đến sống với chúng tôi. Vâng, chúng tôi biết tình yêu đã vượt qua ô cửa kính lạnh ngắt - đã từng ngăn cách mẹ với ông ngoại sau ngần ấy năm đau khổ.

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

That is a really good tip particularly to those new to the blogosphere.

Short but very accurate information… Appreciate your sharing this one.

A must read article!
Look at my web blog - bpl transfer news arsenal