Đào Thị Thanh Tuyền
Ảnh chụp tại Cửa Lò - Đào Thị Thanh Tuyền |
Năm nay nhuần hai tháng bảy âm lịch, chẳng ai biết ông
trời sẽ làm cây hai ba tháng mười vào tháng trước hay tháng sau. Ông già, bà cả
chặc lưỡi: “Thì ổng cứ mưa lai rai từ hai ba tháng chín đến hai ba tháng mười.
Hết mùa mưa, rồi noel, rồi tết. Năm nay ổng hiền gần hết tháng chín mà chưa thấy
mưa hung. Đông đi, xuân đến. Thoáng chốc mà…”. Câu nói bỏ lửng, nghe đậm màu
hoàng hôn, buồn thiu, buồn thít.
Mùa mưa, mùa nước lên, mùa lụt … Chợ đủ loại cá đồng.
Mùa này đi chợ buộc phải có món gì mặn mặn làm chủ lực cho mâm cơm. Nhìn quanh
quất chỉ có món cá kho tiêu là “chắc ăn” nhất!
Tôi nhớ hồi còn bé, cả một lũ con nít vô tư chẳng biết
gì đến nỗi lo lắng, chộn rộn của người lớn trong mùa mưa bão. Trời lụt thích nhất
là được nghỉ học, được dầm nước cả ngày, như cóc bỏ dĩa, mới vừa bị la chỗ này,
chạy lội nước chỗ khác. Chuẩn bị mùa lụt mẹ tôi nói chỉ sợ gạo, sợ rau chớ
không sợ cá. Cá lúng búng đầy chợ, cá tràn ra lề đường, chỗ nào không có nước
là thấy người ngồi bán cá. Người đi đường dừng xe lại, đủ loại cá, tôm tha hồ
chọn lựa. Cá rô về chiên giòn, cá bống kho tiêu, cá trầu, cá trê kho gừng… Tha
hồ mà chế biến.
“Cá bống kho tiêu, cá thiều nấu ngọt”. Hồi xưa, mỗi lần
mua cá bống về, mẹ tôi lại ngâm nga câu đó rồi bắt đầu bình phẩm:”Cá bống kho
tiêu thì đúng rồi nhưng sao lại cá thiều nấu ngọt nhỉ ? Cá thiều thì phải nấu
chua mới ngon!”. Vừa làm cá mẹ tôi vừa giảng giải: “Cá bống có cả chục loại: cá
bống cát, bống thệ, cá bống dừa, cá bống kèo… Mỗi vùng đất, con cá ngon mỗi kiểu
và cũng tùy theo đặc trưng tính chất vùng miền mà có những kiểu chế biến khác
nhau”. Xong bà kết luận: “Dù là kiểu chế biến gì, cá bống chỉ kho tiêu là ngon
nhất!”
Mùa cá kho tiêu đâu chỉ mỗi cá bống. Cá liệt, cá phèn,
cá bè … kho tiêu cũng bá cháy! Hồi xưa không có màu kho cá bán sẵn như bây giờ,
cứ mùa lạnh mẹ tôi chuẩn bị thắng sẵn một hũ màu. Đường cát bỏ vào chão thật
nóng, mùi kẹo thơm lừng chuyển hóa sang mùi đường cháy len lỏi vào tận bàn học
của tôi, cái dạ dày và tuyến nước bọt làm việc liên tục. Bỏ bài toán đang giải
dang dở, tôi xuống bếp, ngồi sà cạnh mẹ xem hôm nay mẹ cho ăn món gì. Nồi cá
kho tiêu của mẹ tôi đơn giản, chỉ có đường, mắm và tiêu. Theo ý mẹ cá kho tiêu
không nên ướp hành, nó sẽ làm mất đi mùi và vị ngon nguyên thủy của cá và…
tiêu. Để lửa riêu, cho nước sắc sệt lại, con cá dãnh cong đậm đà, trên mình lấm
tấm hạt tiêu. Cảm giác đói cồn cào. Chưa ăn đã biết miếng cá có đủ mùi vị của
mùa lạnh, mùa nước lụt.
Bên nồi cơm nóng, dĩa cá kho tiêu làm tâm điểm, khi
thì dĩa rau lang luộc cùng tô nước rau, khi thì bát canh khoai từ. Mẹ tôi không
quên chuẩn bị chén nước mắm nguyên chất dằm vài trái ớt xiêm. Loại ớt trái nhỏ
xíu mà cay … “hỗn” vô cùng! Ăn một miếng nồng đến tận mang tai! Và miếng cơm, vẽ
miếng cá, thêm miếng ớt, xong húp miếng canh. Sao mà ấm bụng!
Mùa lụt còn có một loại cá nữa cũng “bá cháy” như cá bống
nhưng không phải kho tiêu mà là kho lá gừng, đó là cá trắng. Con cá trắng giống
như cá rô, nhưng nhỏ hơn và có lớp vảy …. màu trắng. Mẹ tôi kể hồi còn con gái
mẹ không biết kho cá trắng, kho giống như bình thường có nghĩa là ướp đường, mắm
rồi kho. Con cá kho xong, xương cứng ngắt, vảy lợn cợn và nhạt nhẽo thế nào. Một
lần mẹ đến nhà một người quen, thấy bày ra nồi cơm và đĩa cá trắng kho, lũ con
oanh tạc một lúc sạch bay dĩa cá, ăn cả vảy, cả xương. Ngạc nhiên mẹ hỏi cách
chế biến và về nhà áp dụng ngay bí quyết: cá trắng phải kho nước lạnh. Cá trắng
làm sạch (không phải đánh vảy), cho nước lạnh xâm xấp rồi đun. Đến khi thấy được
(cá mềm) mới nêm nếm mắm, đường và bỏ màu cùng lá gừng rồi kho tiếp. Ăn ngon
như cá hộp!
Vừa chớm mưa là chợ đầy cá đồng. Có loại cá bống “lòng
tong” bé tí xíu mà bà bán cá nói với tôi đó là cá bống nồm (giống như cá cơm nồm).
Cá bống nồm đem về chà qua rổ, rửa với muối cho sạch nhớt, sau đó kho tiêu. Tôi
chưa thử bao giờ, nhưng loáng một chút thấy rổ cá bán sạch trơn. “Mùa này không
ăn cá kho tiêu thì mùa nào mới ăn”. Thấy tôi đứng tần ngần, bà hàng cá nhắc. Ừ
nhỉ, mùa này chỉ có cá kho tiêu!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét