Thứ Hai, 16 tháng 7, 2012

RÁC RƯỞI TRONG ẢNH

Dù là rác rưởi theo nghĩa chung của mọi người hay theo nghĩa riêng trong chuyên môn, nó vẫn tác hại.

RÁC RƯỞI, MI LÀ AI?
Tấm hình chụp thác Pongour của chúng ta có còn gì là man rợ, là hùng vĩ nữa khi bên cạnh giòng nước từ trên cao đổ xuống bọt ngầu trắng xóa, lại có một mảnh báo cũ của ai đó đã trải ra ngồi và lúc đứng lên đã quên ở lại! Họ tới đây để tìm màu xanh, bóng cây, yên tĩng, và tận hưởng trọn vẹn khi kèm theo ăn uống một cách tự nhiên. Họ cũng xả rác tự nhiên, hơn cả ở nhà vì nơi đây là của chung, khỏi phải quét dọn (họ nghĩ như vậy). Do đó, các du khách vô tình đã để lại một di sản bừa bãi cho người chụp ảnh có ý thức: bã mía, lá bánh, vỏ dưa, vỏ dừa, bao ny lông, giấy gói các loại ... ngàn lẻ một thứ rác rưởi.
Những rác rưởi vừa kể - với tất cả nghĩa đen và mùi vị của nó - rất dễ nhận. Đối với người chụp ảnh tài tử say mê những đường nét đậm lợt tuyệt vời của non sông gấm vóc, của chứng tích lịch sử còn có thể gặp những dơ dáy khác, có khi có hại cho hình thức và phản lại nội dung của tác phẩm.
Ta phải nói đến những hàng chữ viếtbằng phấn, bằng gạch non, đôi khi bằng sơn trên vách đá, trên tường những công trình kiến trúc cổ. Gỉan dị là một cái tên, bên cạnh là một mũi tên xuyên qua một trái tim ... Đối cảnh sinh tình, có ông còn để lại một bài thơ "con cóc" mong hậu thế lưu truyền cùng với trăm năm bia đá.  Các bạn đã từng săn ảnh ở động Non Nước, Tháp Chàm, các lăng tẩm ở Huế tất đã nếm được chua xót của việc phải tránh một vách chữ vô lý để rồi lại gặp một vách chữ vô lý khác. Đôi khi muốn lấy vào khung nhắm một thân cây cổ thụ để che lấp nó đi thì, than ôi, cây cổ thụ cũng đầy chữ nghĩa mất rồi.
Các loại dơ dáy khác đối với nhiếp ảnh có thể kể ra như sau:
# Người thích chụp ảnh nước kể rằng: "kẻ thù của tôi là bất luận các loại bèo tấm, bèo hoa, lục bình ... Vào ảnh, bèo chẳng còn hình thù gì cả. Một đám lổn nhổn vô tổ chức phá hết sự phẳng lặng, thơ mộng của một mặt gương nước. Tôi lấy sào đẩy nó đi, bỏ tay ra, nó lại về vị trí cũ ..."
# Người chụp ảnh vừa từ đồi cát Phan Thiết về, lại phàn nàn khác: "Anh tính coi, những vân cát tuyệt đẹp cứ bầy ra hàng lối tự nhiên cho đến vô tận, đẹp như một bài thơ, thế mà tự nhiên có những d6áu chân dẫm lên nát bấy ... Sự hiện diện của sinh vật - dầu là dấu chân - làm cho ý nghĩa hoang dại, thuần túy thiên nhiên không còn nữa.
# "Với tôi - người phóng viên ảnh nói - rác rưởi được chia ra 2 loại: loại có lợi và loại có hại tùy theo nhận thức của mình, nhưng điều kiện tất yếu là phải tỉnh táo. Bữa trước, tôi được một tấm hình rất sống động của một em nhỏ nghèo đang bới một đống rác hôi thối để tìm cái gì bán được cho miệng ăn của nó. Ngược lại cái hộp sắt, cái mũ trắng cũ vô tình có mặt trong cảnh sinh hoạt nơi thôn dã sẽ làm cho tấm hình trở nên ngớ ngẩn".

TÁC HẠI CỦA RÁC RƯỞI
Càng đi lắm chụp nhiều, càng kinh nghiệm già dặn, người chụp ảnh càng sợ rác rưởi. Dù là rác rưởi theo nghĩa chung của mọi người hay theo nghĩa riêng trong chuyên môn, nó vẫn tác hại.
Cảnh vật nặng nề, mầu xám và mầu đen, rác rưởi mầu sáng phần lớn cứ lộ ra, lấn át cả chủ đề. Càng chuyên nghiệp càng thấy chướng mắt.
Đường nét đậm lợt vô hình chung sẽ bị rác rưởi phá để không còn nguyên vẹn. Về phần nội dung, không một loại rác rưởi nào được chấp nhận, trừ trường hợp chính rác rưỡi được lấy làm đề tài cho tác phẩm.
Rác rưởi dù nhỏ cũng là một phần cho tác phẩm, lại là phần tác hại. Đối với người chụp ảnh chuyên nghiệp, có thể chỉnh sửa cho mất rác rưởi , nhưng có thể vẫn còn vết tích trên mặt ảnh như một viên ngọc bị tì vết.

CỐ TRÁNH RÁC RƯỞI
Người chụp ãnh đi tìm tác phẩm mang trên vai nào máy nào túi nào đèn ... Có người vui miệng bảo anh:
Sao anh không mang luôn cả cái máy rọi lên vai cho đủ bộ?(lưu ý: các tác giả dùng máy ảnh chụp bằng phim)
Nói đến rác rưởi, có bạn đùa:
Chắc đi đâu chụp ảnh, ta cũng nên mang theo cái chổi để quét rác.
Thú thật chưa người chụp ảnh nào mang theo chổi, nhưng nhặt rác thì luôn luôn làm. Có thể nói trong hầu hết các buổi đi sáng tác. Có khó nhọc gì đâu cái việc nhặt rác có chút xíu thôi mà giúp cho tác phẩm mình không còn dơ dáy. Chỉ trừ khi bất khả kháng như rác ở xa, với không tới, hoặc nếu tới để nhặt sẽ để lại những dấu chân tai hại thì đành cứ chụp rồi về sửa sau vậy. Còn thì bao giờ cũng nên nhặt rác, dọn dẹp cho sạch sẽ cảnh vật . Cổ nhân đã nói: Nhà sạch thì mát, bát sạch thì ngon cơm. Câu đó có giá trị cả trong lãnh vực nhiếp ảnh.
Trích : Nhiếp Ảnh Nghệ Thuật bước 2 - Nguyễn Cao Đàm

Không có nhận xét nào: