Thứ Năm, 5 tháng 7, 2012

CÁC BIẾN CHỨNG CỦA BỆNH TIỂU ĐƯỜNG

BS Thy Anh

Hoại tử bàn chân, một biến chứng của bệnh tiểu đường

Các biến chứngcủa bệnh tiểu đường thường bắt đầu âm thầm, đến lúc có triệu chứng thì đã quá muộn. Do đó, việc phòng ngừa các biến chứng phải áp dụng ngay sau lần khám bệnh đầu tiên. Các bệnh nhân kiểm soát đường huyết không tốt hoặc mắc bệnh đã lâu sẽ càng nhiều có nguy cơ biến chứng hơn.
Các biến chứng có thể gặp:
1/ Biến chứng tim mạch:
Người bệnh tiểu đường có rất nhiều nguy cơ mắc phải các bệnh tim mạch như: bệnh mạch vành (với biểu hiện là những cơn đau ngực), nhồi máu cơ tim, đột qụy và hẹp các động mạch (xơ vữa động mạch)
2/ Biến chứng thần kinh
Lượng đường tăng cao trong máu sẽ làm tổn thương thành mạch của các mạch máu nhỏ (các mao mạch)có nhiệm vụ nuôi dưỡng các sợi dây thần kinh của cơ thể, đặc biệt ở hai chân. Biến chứng này gây dị cảm (cảm giác châm chích, tê hoặc bỏng rát da) ở đầu các ngón chân hoặc các ngón tay, dần dần sẽ lan lên trên cao hơn. Nếu không được điều trị, bệnh nhân sẽ mất hết cảm giác ở chi đó. Nếu biến chứng thần kinh có tổn thương các sợi thần kinh của hệ tiêu hóa, bệnh nhân sẽ có cảm giác buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy hoặc táo bón. Ở đàn ông, biến chứng thần kinh sẽ gây ra tình trạng rối loạn cương dương.
3/ Biến chứng thận
Thện là cơ quan chứa hàng triệu đơn vị mạch máu cực nhỏ (vi cầu thận) có chức năng loại bỏ các chất cặn bã sinh ra trong máu. Đường huyết tăng cao cùng với tăng huyết áp nếu không được điều trị ổn định sẽ làm tổn thương nhanh chóng các vi cầu này. Khi bị tổn thương nặng, thận sẽ bị suy và không có khả năng hồi phục. Khi suy thận đến giai đoạn cuối, bệnh nhân phải được lọc máu hoặc ghép thận mới sống được.
4/ Biến chứng mắt (biến chứng võng mạc)
Bệnh tiểu đường nếu không ổn định sẽ làm tổn thương các mạch máu ỡ đáy mắt (võng mạc), rất dễ bị mù mắt. Có đến 25% bệnh nhân tiểu đường bị biến chứng mắt các loại. Và khoảng 4% các bệnh nhân bị biến chứng võng mạc đã tiến triển làm giảm nặng thị lực.
5/ Biến chứng bàn chân
Các tổn thương thần kinh ở bàn chân hoặc các mạch máu đến nuôi bàn chân bị hẹp do xơ vữa sẽ làm tăng nguy cơ các biến chứng bàn chân. Nếu không biết để điều trị kịp thới các vết cắt, các chỗ bỏng rộp sẽ bị nhiễm trùng nhanh chóng, gây hoại tử phải cắt bỏ ngón chân hoặc cả bàn chân.
6/ Biến chứng da và miệng
Bệnh nhân có đường huyết cao rất dễ bị nhiệm trùng ở da do vi khuẩn hoặc vi nấm. Nhiễm trùng lợi thường xảy ra nếu không chịu giữ vệ sinh răng miệng.
7/ Biến chứng não
Nhiều nghiên cứu mới đây cho thấy các bệnh nhân tiểu đường týp 2 có mức đường huyết cao và nếu mang cơ địa gien thuận lợi sẽ dễ bị bệnh Alzheimer.
8/ Biến chứng ung thư
Bệnh tiễu đường có thể làm tăng nguy cơ một số bệnh ung thư tuy cơ chế còn chưa được hiểu rõ. Có thể các nguyên nhân gây ra ung thư cùng lúc cũng gây ra bệnh tiểu đường, cũng có thể do bản thân bệnh tiểu đường hoặc do một số thuốc sử dụng cho bệnh tiểu đường. Vấn đề này đang được nghiên cứu để làm rõ.
9/ Biến chứng của bệnh tiểu đường thai kỳ
Phần lớn các bệnh nhân bị tiểu đường thai kỳ có thể sanh bé hoàn toàn khỏe mạnh. Tuy nhiên, nếu không biết để kiểm soát thật tốt lượng đường trong máu thì có thể sinh ra nhiều biến chứng cho cả mẹ lẫn con.
A - Có thể gặp các biến chứng ở bé như sau:
# Bào thai phát triển quá mức: Lượng glucose quá cao trong máu mẹ sẽ qua nhau thai và kích thích tuyến tụy của bé để sản sinh ra rất nhiều insulin, điều này dẫn đến hậu quả bào thai sẽ phát triển quá mức (thai to - macrosomia), Nếu bào thai quá to, sẽ phải mỗ bắt con cho người mẹ.
# Hạ đường huyết: đôi khi, một số bé có mẹ bị tiểu đường thai kỳ sẽ bị hạ đường huyết ngay sau khi sinh vì tuyến tụy của bé sản xuất quá thừa insulin. Một số trường hợp bác sĩ phải xét cho bé bú sớm hoặc truyền dung dịch glucose cho bé.
# Hội chứng nguy kịch hô hấp: Đây là một biến chứng sẽ làm cho bé bị khó thở rất nặng, phải được điều trị cấp cứu hô hấp hỗ trợ. Biến chứng này thường ở các trẻ bị đẻ non.
# Vàng da: Da và tròng trắng 2 mắt của bé bị nhuốm vàng vì gan của bé còn non nên không chuyển hóa được bilirubin (một chất sinh ra khi các tế bào hồng cầu của bé được phá hủy để thay thế). Biến chứng này tuy ít gây nguy hiểm nhưng vẫn cần theo dõi sát.
# Mắc bệnh tiểu đường týp 2 khi trường thành: Các bé có mẹ tiểu đường thai kỳ có rất nhiều khả năng bị béo phì và sẽ bị tiểu đường sau này.
# Tử vong: Không điều trị bệnh tiểu đường thai kỳ, bé có thể tử vong trước khi sinh hoặc ngay sau khi sinh.
B - Biến chứng của bệnh tiểu đường thai kỳ ở người mẹ:
# Tiền sản giật: Thai phụ sẽ bị tăng huyết áp, tiểu ra chất đạm và phù 2 chân. Đây là một biến chứng rất nặng gây tử vong cao cho cả mẹ lẫn con.
# Tiểu đường thai kỳ ở các lần có thai tiếp theo: Khi bạn bị tiểu đường thai kỳ, các lần có thai tiếp theo sẽ có rất nhiều khả năng bị bệnh tương tự, và về sau, khi bạn đã nhiều tuổi hơn, sẽ có rất nhiều nguy cơ mắc bệnh tiểu đường týp 2.

1 nhận xét:

Chợ bán sỉ online Chợ Vàng nói...

Các nhà khoa học tại trường Y tế công cộng Harvard ở Boston Mỹ đã theo dõi nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường của gần 140.000 phụ nữ Mỹ tuổi từ 35 đến 77 trong khoảng thời gian 10 năm. Thói quen ăn uống của họ được giám sát chặt chẽ, bao gồm mức độ thường xuyên ăn các loại hạt, đặc biệt là quả óc chó. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra ăn quả óc chó 1-3 lần/tháng giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường 4%, 1 lần/tuần giảm 13% và ít nhất 2 lần/tuần giảm 24%. Trong một báo cáo về những phát hiện các nhà nghiên cứu cho biết: Những kết quả này cho thấy càng ăn nhiều quả óc chó thì càng giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 ở phụ nữ.