Thích Nhất Hạnh
Thiền ngồi trên đường phố - ảnh minh họa |
Được ngồi yên là một
đặc ân.
Khi tổng thống Nelson
Mandela đến thăm nước Pháp lần đầu sau thời gian bị giam cầm, một nhà báo đã hỏi:"Ngài
mong muốn điều gì nhất?" Tổng thống Nelson Mandela trả lời:"Được ngồi
yên và không phải làm gì cả. Từ khi ra khỏi tù, tôi không có được may mắn đó.
Tôi quá bận, cho nên điều mà tôi mong muốn nhất là ngồi yên và không làm gì cả."
Có cơ hội được ngồi
yên và thưởng thức hơi thở vào ra là điều rất tuyệt vời. Thở vào, thở ra, không
có gì khó khăn. Mời bạn ngồi cho Nelson Mandela, ngồi cho tất cả những ai đang
rong ruổi, cho tất cả những ai không có thì giờ trở về với chính mình để thực sự
sống. Trong thời đại này, được ngồi yên là một sự xa xỉ mà cũng là điều hết sức
cần thiết cho việc chữa trị và nuôi dưỡng thân tâm.
Chọn một tư thế mà bạn
cảm thấy thoải mái nhất, ngồi trên tọa cụ hay trên ghế. Nếu ngồi trên ghế thì đặt
cả hai lòng bàn chân xuống sàn nhà. Lưng thẳng nhưng không cứng. Buông thả hoàn
toàn, ngồi thật tự nhiên trên ghế hoặc tọa cụ, bụng mềm, miệng mỉm cười. Chú
tâm hoàn toàn vào các hơi thở vào, thở ra (*). Khoảng một vài phút, tâm bắt đầu
xao lãng, khi ấy ta mỉm cười và nhẹ nhàng tập trung về hơi thở. Nếu có quá nhiều
suy nghĩ khởi lên trong khi ngồi thiền, bạn đừng lo lắng, bực bội, chỉ cần mỉm
cười, dịu dàng kéo ý thức trở về hơi thở mỗi khi bị xao lãng. Trong một buổi ngồi
thiền sẽ có nhiều lần bạn bị mất tập trung, nhưng thực tập tinh tấn một thời
gian số lần đó sẽ giảm đi.
Ngồi thiền trước hết
là để không phải làm gì hết và để được buông xả. Khi nắm vững nghệ thuật theo
dõi hơi thở và mỉm cười thì càng ngồi thiền càng thấy thích thú. Rồi, nhờ năng
lượng của niệm và định, ta sẽ bắtv đầu quán chiếu sâu sắc vào thân thể, tâm thức
và hoàn cảnh. Khi thấy mọi sự, mọi việc một cách rõ ràng sáng sủa, ta có thể
tránh được rất nhiều lầm l64i. Ta sẽ có cơ hội làm những việc nên làm để đem lại
an lạc hạnh phúc cho ta và cho những người ta thương yêu.
Đó chính là lợi ích của
ngồi thiền.
chú thích: (*) Đừng
để tâm ý chạy lăng xăng xa rời hơi thở, ví dụ:"Thở vào ... trời ơi, mình
quên không tắt đèn trong phòng!" Như thế không phải là chú tâm vì tâm đang
nhảy từ chuyện này sang chuyện khác.Phải theo dõi hơi thở từ đầu đến cuối. Hơi
thở chỉ kéo dài bốn hay năm giây đồng hồ. Ai cũng có khả năng chú tâm một trăm
phần trăm vào suốt chiều dài một hơi thở. Thực tập hơi thở tập trung vào ra
trong một phút, ta dừng suy nghĩ được một phút. Thật tuyệt vời khi ta dừng được
suy nghĩ và "sống" (với giây phút hiện tại). Hầu hết suy nghĩ của ta
là chướng ngại cho việc "sống", bởi vì khi cứ miệt mài suy nghĩ thì
ta không "có mặt", không thực sự "sống", không tiếp xúc với
màu nhiệm của sự sống. "Tôi suy tư, nên tôi KHÔNG hiện hữu" . Bị lạc trong
suy tư nghĩ là không hiện hữu (Câu này phản bác câu nói của Descarte "Tôi
suy tư vậy tôi hiện hữu"). Chỉ cần một hơi thở vào và một hơi thở ra cũng
đủ để ta ngưng thói quen suy nghĩ mà trở về với giây phút hiện tại - bây giờ và
ở đây. Trong cuộc sống hàng ngày, thân ta có thể ở đây nhưng tâm đang phiêu bạt
nơi nào, may mắn thay chúng ta có hơi thở. Hơi thở là nhịp cầu nối thân và tâm.
Khi thân và tâm hợp nhất, ta thực sự có mặt. Ta thực sự có mặt thì những điều
khác cũng có mặt, sự sống có mặt, những người thương yêu có mặt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét