Thứ Tư, 11 tháng 7, 2012

CÂU CHUYỆN CỦA BÀ M.

Thy Anh

STRESS - Tranh Nguyễn Nghĩa Cường
 Sau khi thầy trò rời khỏi phòng bệnh, cậu sinh viên năm thứ ba bước ra khỏi nhóm, nói với thầy X. bác sĩ giảng viên trẻ của trường :
-"Thầy ơi, bà M. giường số 12 bị stress nhiều lắm, không biết điều đó có làm mất ổn định đường huyết của bà không ạ? Tối hôm qua em trực bệnh viện, khi em đến đo huyết áp, hỏi bệnh sữ, bà kể lể quá trời thầy ạ…".
Thầy X. nghĩ bụng, có thể lắm chứ, bà M. 54 tuổi, là một bệnh nhân quen thuộc của khoa nội tiết, tuy bà mới được phát hiện bệnh có 3 năm nay, chưa có biến chứng gì nhưng bà cứ phải vào ra bệnh viện như đi chợ, lần nào vào viện, đường huyết cũng cao vọt, mà lại còn nhiễm xê tôn nữa chứ. Ai cũng nghĩ do bà không chịu kiêng ăn. Riêng thầy X. thấy cũng lạ, bà là cô giáo về hưu, cũng có kiến thức, sao lại không biết kiểm soát bệnh của mình? thầy X. quay lại giường số 12, ngồi xuống cầm tay bà M. hỏi nhỏ nhẹ:
-"Sao, bác đang có chuyện gì buồn nào ?" Bà M. òa khóc như một đứa trẻ và bắt đầu cho thầy X. biết câu chuyện của bà mà theo kinh nghiệm của thầy thì hoàn toàn có thể ảnh hưởng xấu đến căn bệnh của bà. Sau khi mãn kinh và mắc bệnh tiểu đường, cách nay khoảng ba năm, chồng bà bỏ đi theo một người đàn bà khác trẻ hơn. Bà có 2 đứa con trai, thì đứa lớn vay ngân hàng mở công ty nhưng làm ăn thua lổ, hai năm nay bà phải bán bớt tài sản trả nợ. Đứa con thứ hai bỏ nhà theo chúng bạn, nghiện thuốc lắc, cai tới cai lui không bỏ. Cứ mỗi lần được giấy báo ngân hàng hoặc được tin con bị công an hốt, bà lại bỏ tất cả công việc, chạy vạy giải quyết, thế là quên uống thuốc, quên tái khám, cũng chẳng có thì giờ nấu ăn theo đúng chế độ mà phải đi ăn đâu đó qua loa cho xong bữa ... chẳng trách đường huyết của bà chẳng bao giờ ổn định. Hơn nữa, chỉ riêng chuyện stress do hoàn cảnh cũng đủ làm bà mất ổn định đường huyết rồi. Thầy X. thầm cảm ơn cậu học trò thông minh cũa mình và tự nhủ sẽ phải quan tâm đến người bệnh một cách toàn diện hơn
Đứng trước các bệnh nhân của mình, đôi khi các bác sĩ chúng ta, do quá bận rộn hoặc vô tâm hoặc thiếu kinh nghiệm, chỉ chú ý giải quyết các "căn bệnh" trước mắt một cách phiến diện, mà không quan tâm đến khía cạnh "con người" cực kỳ phức tạp đằng sau "căn bệnh" đó. Những vấn đề “phức tạp” đó có thể ảnh hưởng trưc tiếp hoặc gián tiếp rất nhiều đến kết qủa của việc điều trị, có khi đó là nhũng hoàn cảnh rất khó giải quyết như trường hợp cuả bà M. hoặc chỉ là những vấn đề rất đơn giản như : không đủ tiền để mua đủ thuốc theo toa, mê tín áp dụng những biện pháp điều trị dân gian mơ hồ . . . Nếu chúng ta chịu khó tìm hiểu và giải quyết tốt những vấn đề đó, chắc chắn "căn bệnh" của các bệnh nhân sẽ được điều trị hiệu qủa và toàn diện hơn.

Không có nhận xét nào: