Thứ Bảy, 7 tháng 7, 2012

Đọc Đường Xa Nắng Mới của Nguyễn Tường Bách : THÁP ĐÁ BÊN ĐƯỜNG

Đời người không đo bằng bao nhiêu hơi thở, mà bằng những nơi chốn và khoảnh khắc làm ta nín thở. (Khuyết Danh)

Tromso

Về phía tây thì Phần Lan giáp giới với Thụy Điển. Khách băng sông Tores, một con sông lớn của các nước Bắc Âu, để qua biên giới. Xứ Thụy Điển không còn nhiều hồ như Phần Lan nhưng cảnh quan vẫn đẹp kỳ lạ. Màu sơn đỏ đậm truyền thống trên mọi vách nhà nhắc khách nhớ đến màu áo choàng của các tăng sĩ Tây Tạng. Cũng một màu đỏ tía đó, ở đây chúng nổi trên màu sông xanh đậm của Tores, con sông sẽ cùng khách ra biển. Đến một nơi, thì sông đã mở rộng mênmg mông như đại hồ, như biển lớn, sông hay biển hay hồ hầu như không còn phân biệt.
Xe hướng về phía Nauy, về bờ biển Đại Tây Dương. Trên đường đi thỉnh thoảng những tháp bằng đá hiện ra. Đó là những nơi mà người đi đường lấy đá chồng lên từng tháp nhỏ. Nói là "tháp" nhưng nó chỉ cao khoảng nửa mét. Những chiếc tháp đó được chất lên theo truyền thống để đánh dấu đường đi. Người đi trước muốn xác định cho người đi sau, ngõ này đúng hướng. Tháp cũng được xây trên những đỉnh đồi, nhắc khách đây là điểm đẹp nhất, hãy dừng chân ngắm cảnh. Tháp nói lên lòng liên đới với bạn đồng hành vô danh, kẻ nối gót mình, dù không biết mấy tháng hay mấy năm sau. Vì những ai đã đi đều biết đi là mởrộng tâm, là thu nhận, là buông xả, là gia nhập vào một đoàn người. Những ai đã đi đều có một lời nhắn gửi những người đi sau. Tháp là biểu tượng của tình cảm đó.
Tháp đá bên đường
Tôi đả biết tháp đá bên đường vốn là nơi đánh dấu đường đi, lúc đến Tây Tạng hơn chục năm trước. Tại đó đường quá hẻo lánh, mọi lữ khách đều là bạn. Không có bạn thì người ta dùng đá để nhắn gửi  và chúc lành. Vì thế mà tháp đá là truyền thống của các đường xuyên núi tại Hy Mã Lạp Sơn. Tôi đâu ngờ rằng tại các nước Bắc A6u xa xôi cũng có truyền thống xây dựng tháp đá. Hướng dẫn viên Bắc Âu cho biết thêm, ở Nam Mỹtrên những con đường hẻo lánhcũng có những tháp đá này.
Những con đường hẻo lánh cần tháp đá cho người đi sau, để chỉ đường, để khách yên tâm, để chúc lành cho những ai chịu cất bước. Trong tâm vốn mênh mông và "hẻo lánh", cũng có những bảng chỉ đường. Đó là những lời kinh bất chợt hiện lên trong tâm hành giả, đo cũng là những tháp đá ven đường.
Tâm không có trong có ngoài, tư tưởng nổi lên trong tâm không của ai cả, vì không có ai cả.
Tôi nhớ đến Tây Tạng. Tôi còn sẽ leo bộ lên một ngọn đèo tại Tây Tạng, tên đèo là Dolma-La. Trên đó hẳn sẽ có một tháp đá. Tháp đá đó sẽ là tháp thiêng liêng nhất tôi từng đến vì nơi đâyđã có nhiều bậc đạo sư đi trước và chúc lành cho người đi sau. Tháp đá đó hẳn là tháp cao nhất tôi từng đến, là điểm cao nhất tôi từng vượt qua và có lẽ đời tôi sẽ không lên cao hơn điểm đó. Nó có một độ cao 5660m và nhiều người đã bỏ mình tại đó vì kiệt sức. Nhưng thôi, đó là chuyện tương lai.
Khách tiếp tục đi về phía biển, dọc theo bờ Tây của miền bắc Na Uy. Nơi đây biển và núi liền nhau. Địa hình kỳ dị của nơi đây tạo nên những khe biển đâm vào núi như những vết cắt khổng lồ. Những vết cắt do biển xẻ núi như thế được gọi là Fjord. Có những Fjord dài đến 200km tính từ bờ biển. Có những Fjord rất rộng, có cái rất hẹp, nhưng tất cả đều mang một dòng nước trong xanh không gợn sóng. Tổng thể những Fjord tạo thành một bờ biển vô song của Na Uy. Được đi tàu hay đi xe xuyên qua cảnh quan đó là một kỳ thú.
Không ai có thể ngắm tất cả các Fjord vì vì chúng nằm trên một chiều dài dọc bờ biển cỡ 200km. Nếu ai có thì giờ và đủ phương tiện, người đó có thể đi tàu dọc biển nam bắc. Chuyến đi kéo dài khoảng 12 ngày, mỗi ngày cập bến một đô thị nhỏ và ngắm tất cả những Fjord nổi tiếng nhất.
Khách đi bằng xe hơi, ngắm Fjord từ trên bờ. Từ trên đất liền, khi sát biển, khi tít từ núi cao, khách có thể ngắm nhìn toàn thể đất trời Na Uy trong một cảnh quan vô song của núi, biển và hồ. Khách lấy xe đi hết một chuỗi đảo mệnh danh là Lofoten mà nghĩa của nó là "chân chồn". Qủa thực, chuỗi đảo này nhìn cong cong như chân một con chồn. Trên đảo là một chuỗi núi, đỉnh cao từ 900m đến 1400m, dưới biển là những Fjord và nối tất cả là những con đường uốn lượn. Con đường này vượt qua vô sốcầu, khi trên cao, khi chuio qua hầm nằm dưới đáy biển để tạo nên một chuyến đi có một không hai.
Thỉnh thoảng khách dừng chân xuống nước. Khách nếm thử nước biển. Lạ thay, nước không mặn. Thì ra nước ngọt từ thác núi đổ xuống, hòa với nước biển đã vào quá sâu trong đất liền, đã bị bao nhiêu sông suối pha trộn, nước đã mất đi một phần vị mặn.
Fjord

Cảnh quan tuyệt diệu này không có bút mực nào tả xiết. Đây là con đường đi đẹp nhất, say đắm nhất mà tôitừng đi qua. Nếu trên trái đất này có một cái mà người ta gọi là "thiên đường" thì con đường này chính là nó. Đến chốn này không khó lắm. Khách chỉ cần lấy máy bay đến Tromso, thành phố lớn cực bắc của Na Uy, rồi từ đó lấy xe đi Svolvair, thủ phủ của những hòn đảo Lofoten. Con đường 425km sẽ để lại một ấn tượng vô song.
Con đường sẽ là đích đến. Mục đích không phải là Tromso, chẳng phải Svolvair. Khách sẽ biết bao xao xuyến trước cảnh vật. Sau một khúc quanh là một bức tranh khác hiện ra. Thỉnh thoảng khách sẽ thấy tháp đá bên đường. Chúng chúc lành cho kháchtrên đoạn đường lữ thứ của mình. Chúng chỉ đường và làm khách yên tâm mình đi đúng hướng. Chúng cho khách biết trước mình và sau mình sẽ còn người đi trên đoạn đường này nữa.
Những tháp đá bên đường! Chúng là những lời chúc thầm lặng, những bảng chỉ đường trung thành, kiên trì trong mưa gió, chúng là những lời cổ vũ, hãy tinh tấn. Chúng nối kết những ai trên cùng đường đi. Thế nhưng cũng có những người, họ học thuộc lòng lời thánh nhân nhưng không chịu "đi", họ cũng được ví như người đến ngồi bên tháp đá và nghĩ mình sẽ đến đích. Tháp đá chỉ có ý nghĩa khi ta đến, thấy và đi tiếp.
Vì Tâm chỉ được khám phá qua sự vận hành của nó cho nên đi vào thiên nhiên là bước đầu để biết Tâm mình. Khi vào thiên nhiên, biết nhìn và biết lắng nghe, khách sẽ nhận ra một điều kỳ lạ. Cảnh đẹp trong thiên nhiên chính là sữ hòa điệu của Tâm và đường đi chính là dòng chảy của nó. Và những tháp đá bên đường? Chúng là lòng xác tín trên đường xa.
(trích chương Tháp Đá Bên Đường)

Không có nhận xét nào: