Thứ Hai, 22 tháng 9, 2014

SÀI GÒN – CHIM và CÂY XANH

Nam Đan


Có bao giờ bạn thử hình dung ra một thành phố lớn như thành phố Sài Gòn của chúng ta mà không có những bóng cây xanh và vắng mất tiếng chim không? Bạn thử vận dụng trí tưởng tượng để biến nó thành một thành phố hiện đại đầy những cao ốc chọc trời, đầy những tấm kính sáng loáng phản chiếu ánh sáng, đầy xe cộ chen nhau trên những con đường đan xen chằng chịt, đầy mùi khói xe và tiếng động của đời sống công nghiệp, đầy những con người vội vàng tất tả ngược xuôi với nét mặt lạnh lùng không biểu cảm ... đầy ... vâng đầy nhiều thứ khác, nhưng chỉ thiếu bóng cây và thiếu tiếng chim.
Hẳn nhiên thành phố mà không còn cây xanh thì sẽ rất xấu, sẽ rất cằn cỗi khô khan. Nhưng còn tiếng chim thì có thật sự cần thiết không? Có lẽ bạn sắp cho rằng tôi dỏm, tôi lãng mạn cuối mùa, đời sống còn biết bao nhiêu điều thiết thực đáng để quan tâm lo nghĩ hơn là nỗi âu lo thành phố vắng tiếng chim. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, lúc cả thế giới hoang mang lo lắng hiểm họa cúm gia cầm H5N1 đang đe dọa sự an nguy của nhân loại.
Một buổi sáng khi vừa ra khỏi nhà, tôi được chứng kiến một cuộc truy đuổi ngoạn mục. Kẻ bị truy bắt là một chú gà trống tơ, và người truy bắt là các anh dân phòng. Các anh tay cầm đủ loại dụng cụ nào dây nào gậy, có cả chó, súng bắn hơi và giàn ná thun. Chú gà chạy cuống quýt rồi bay đâu trên một mái hiên, trong cơn sợ hãi không dưng nó lại trổi lên một tràng tiếng gáy cao lảnh lót. Sau cùng chú bị bắn hạ, viên sỏi của tay thiện xạ làm vỡ toang đầu tóe máu, nó lảo đảo rơi xuống giãy thêm vài cái để từ giã cuộc đời. Các anh dân phòng bỏ xác gà vào chiếc bị cói mang đi. Liền lúc đó có người phát hiện ra mấy chú bồ câu quanh đó cũng nguy hiểm không kém và cũng cần bắn hạ. Các xạ thủ tiếp tục nhắm vào mục tiêu mới.
Không phải chỉ từ bây giờ vì lý do bệnh dịch mà các loài chim bị giết, trước đây người ta cũng mang súng đi săn chim trong thành phố, có khi vì miếng thịt bé xíu, có khi vì để thỏa mãn một khoái cảm man rợ. Có người cho rằng loài chim sâm cầm, vốn có rất nhiều và là một loài chim quý đã bị giết hết, hoặc đã bỏ đi khỏi Hà Nội. Sâm cầm chỉ còn hiện diện trong lời hát và ký ức của con người.Trong những ngày vừa qua trên TV, tôi cũng xem người ta tổ chức những đội xạ thủ đi bắn các loài chim và bồ câu nuôi. Đành rằng đó là việc phải làm, nhưng dầu sao cũng thật đáng buồn. Bạn tôi đùa tếu, cứ theo tình trạng này thì sẽ có một ngày các loài chim muông nói chung và loài gà nói riêng phải tuyệt chủng. Khi đó, nếu con cháu chúng ta được hỏi những thông tin về loài gà có thể chúng sẽ nhầm lẫn gà mái dầu với các em gà móng đỏ trong các nhà hàng đặc sản.
Một trong những nơi tôi thích ngồi cà phê khi rỗi là quán Phố Hoài, quán nằm trong con hẻm trên đường Huỳnh Tịnh Của quận 3. Trong sân là một cây xoài lớn vươn bóng che mát, bàn ghế chỉ để vài bộ, trên tường có treo nhiều tranh đẹp. Giữa nhịp sống rộn ràng của Sài Gòn, ông chủ quán cũng là nhà thơ Huy Tưởng, lại có phong thái từ tốn, điệu nghệ rất duy mỹ. Tôi thích đến anh chơi vì ngoài việc quán có cà phê thơm đậm, có các món ăn xứ Quảng được chế biến tinh tế, ngôi nhà mát bóng cây yên tĩnh vào buổi sáng, thì anh còn có rất nhiều câu chuyện thú vị để làm quà cho khách quen. Anh mê nuôi chim, nhưng lkhông nuôi nhiều, lúc nào cũng chỉ có hai hay nhiều nhất là ba con để làm vui.Tôi nhớ trước đây anh có nuôi một con sáo, nó có tài nhái theo những âm thanh nghe được . Anh gõ muỗng hay gõ chiếc chìa khóa vào thành ly, vào cạnh bàn hay đáy dĩa ... nó liền bắt chước đúng y theo tiếng động đó, tinh tế đến độ tiếng thanh ra tiếng thanh, tiếng đục ra tiếng đục, cường độ và trường độ cũa không khác gì âm thanh gốc. Bẵng đi một dạo, tôi ghé lại không thấy sáo, hỏi thì anh cho biết nói đã qua đời. Anh không nói con chim chết đi nhưng nói rằng sáo đã qua đời như đang nói về một con người mà anh yêu quý, với giọng thoáng ngậm ngùi. Bất giác tôi gõ muỗng vào thành ly, không có ti61ng nhái theo như trước, duy có cậu hầu bàn bước ra hỏi tôi cần gì.

(Trích TIẾNG HÓT XANH TRỜI - Tên bài do blog tự đặt )

Không có nhận xét nào: