Chủ Nhật, 21 tháng 9, 2014

Nước Mắt

Ann Nguyen
San Jose September 20, 2014.


Nước mắt, dưới cái nhìn cơ thể học, là một lớp nước mỏng bao phủ bề mặt nhãn cầu có vai trò bảo vệ mắt. Sự khóc cũng được nhìn dưới nhiều góc độ khác nhau. Khóc là một biểu hiện tâm sinh lý. Phụ nữ sau 40 tuổi ít khóc hơn nam giới vì giảm lượng prolactin. Những nhà tâm lý thì bảo nước mắt có thể làm giảm sự hung hăng của người khác.

Thế khi nào thì con người khóc? Người ta có thể chảy nước mắt mà không phải khóc. Ừ nhỉ, nước mắt và khóc cũng thật không đơn giản huống chi khóc vì lý do gì. Khi mới chào đời em bé sơ sinh cất tiếng khóc trong trẻo đầu tiên đánh dấu một sự sống bắt đầu. Bé có khóc thì buồng phổi mới nở và sự tuần hoàn bắt đầu sau chín tháng phải liên kết vào cơ thể mẹ. Trong giây phút thiêng liêng này, thường thì người mẹ chảy nước mắt- bà khóc vì vui mừng hay cơ thể bà thay đổi và kích thích tuyến nước mắt, và cũng có khi là những cơn đau... Nói chung là cả mẹ và con cùng chảy nước mắt. Nước mắt của hạnh phúc. 

Con bước chân vào đời cười khóc theo tuổi thơ. Khóc vì bị cha mẹ trách mắng, khóc vì bị thầy cô phạt, khóc vì bị điểm nhỏ, và khóc vì ai đó làm tổn hại tình thương yêu của mình. Cô thiếu nữ đôi mươi đêm về lén mẹ khóc rấm rức vì sự hờ hững của một anh chàng thư sinh nào đó. Con gái khóc vì cha bảo không nên kết hôn với anh chàng con đang say mê vì đời con rồi sẽ khổ. Một chàng trai thất tình, tim đau biến thành thơ nhạc, anh nhỏ lệ cho những bài tình ca bất hủ. Thua thiệt, bé nhỏ, hay duyên tình lận đận: khóc! 

Ngày tạm biệt thời con gái, nàng cất bước theo chồng về nhà mới hay sống một cuộc sống mới nàng cũng khóc. Những giọt nước mắt của hạnh phúc pha lẫn lo toan. Mẹ đưa con về nhà chồng tối về giọt ngắn giọt dài vì những lo lắng cho con đêm đầu tiên ngủ ở nhà người. Nước mắt của hai mẹ con không cùng chung tiếng nói nhưng có sợi dây liên kết vô hình. Và, trong mỗi chặng đường đời từ giây phút này hai giọt nước mắt luôn tìm về nhau khi chúng có thể. Tình mẫu tử thiêng liêng. 

Đường đời dài và nhiều lối đi. Một phút nào đó vấp ngã, do ngẫu nhiên hay do ai đó sắp đặt, nước mắt lại tuôn rơi. Khóc cho sự đau đớn, khóc cho sự té ngã, khóc cho số phận không gặp điều may mắn. Người thì gạt nước mắt tìm lối đi mới, kẻ cất giọt nước mắt vào tim dùng năm tháng xoá mờ vết thương lòng. Tuy nhiên, cũng trên những nẻo đường của kiếp người, ai đó lại khóc vì hạnh phúc, khóc cho một giây phút thăng hoa của những gì mình cố sức vun đắp, ước mơ. Cũng có người khóc cho sự vinh quang của bạn đời, sự thành đạt của con cái, hay sự thoát nguy của cha mẹ. Vui buồn lẫn lộn trong nước mắt con người.

Hơn nửa đoạn đường của kiếp nhân sinh, hai con người hai mái đầu chung một mái nhà, người ta gọi là bạn đời hay chồng vợ luôn có nhau. Có nhau trong thực thể hay có nhau trong tâm tưởng thì họ cũng là hai người đã từng chia ngọt sẻ bùi với ít nhất một lần khóc với nhau, khóc vì nhau, hay khóc cho nhau. Thế rồi, có lúc một trong hai phải chia tay cõi đời: chết. Cái chết của một người là nhân tố sâu xa cho những giọt nước mắt. Khóc vì những kỉ niệm đẹp từng có bên nhau, khóc vì những điều đã hết lòng cho nhau, và khóc cho cả những gì chưa làm được cho nhau. Và, ta khóc cho cả bản thân mình, vì bắt đầu từ giờ phút người bạn đời chết đi ta sẽ đơn lẻ biết dường nào. Những giọt nước mắt cho sự tử biệt mới nao lòng làm sao bởi lẽ vĩnh viễn ta không còn thấy nhau, bên nhau, hay nói với nhau. 

Hạnh phúc hay đau khổ, sinh ly hay tử biệt nước mắt đều có mặt trong cái phản ứng tâm sinh lý bình thường của một con người. Thế mới thấy nước mắt là cái không thể thiếu và không thể bỏ qua nhưng không ai lại muốn nó hiện hữu thường xuyên trong đời sống của mình. 

Bạn thân mến, 
Chúc mỗi chúng ta có một ngày bình an và hạnh phúc dù có phải rơi nước mắt vì một lý do gì- hãy nhớ ta vẫn còn hình hài và một đời sống mà ta đang hiện hữu. Mong mỗi chúng mình mang lại cho người xung quanh ít nhất một niềm vui trong ngày. Và này, đừng quên yêu bản thân mình bạn nhé. "Nước mắt" cho một cuối tuần buồn vui của kẻ xa người gần. 


San Jose September 20, 2014.

Không có nhận xét nào: