Vào thế kỷ 15, tại một làng nhỏ của nước Đức, có một gia
đình có tới 18 người con. Cha của họ phải làm việc tới 20 tiếng đồng hồ mỗi
ngày mà cả gia đình chỉ đủ để đắp đổi qua ngày. Thế nhưng, hai người con lớn
trong nhà vẫn có nhiều mơ ước. Cả hai đều muốn học vẽ vì họ có năng khiếu từ nhỏ.
Sau không biết bao nhiêu buổi nói chuyện suốt đêm trên chiếc
giường đông chật anh em, hai người con lớn có một quyết định. Họ sẽ tung một đồng
xu. Người thua sẽ làm thợ mỏ, dùng toàn bộ thu nhập để chu cấp cho người thắng
đi học. Còn người thắng, sau 4 năm học, sẽ chu cấp tài chính cho người còn lại
đi học, dù bằng cách bán tranh hay phải đi làm thợ mỏ.
Đồng xu được tung lên, Albrecht Durer thắng cuộc và được đi
học. Albert thua, và đi tới vùng mỏ đầy nguy hiểm, và trong suốt 4 năm, làm lụng
để nuôi người em của mình ăn học.
Gần như ngay lập tức, những tác phẩm của Albrecht được rất
nhiều người nhắc đến, bởi chúng thậm chí còn đẹp hơn cả tác phẩm của các bậc thầy
trong trường. Và cho đến khi tốt nghiệp thì Albrecht đã bán được khá nhiều
tranh và dành dụm được một khoản tiền.
Khi anh trở về, trong bữa ăn sum họp, Albrecht đứng dậy để cảm
ơn người anh trai đã hy sinh 4 năm giúp mình hoàn thành được ước mơ. Và
Albrecht nói:
- Anh Albert, bây giờ đã đến lượt anh. Anh hãy tới Nuremberg
để theo đuổi ước mơ của mình. Em sẽ lo toàn bộ chi phí và chăm sóc gia đình.
Albert mỉm cười, rồi bật khóc:
- Không, anh không thể tới Nuremberg được. Đã quá muộn rồi.
Bây giờ, sau 4 năm làm việc trong hầm mỏ, không còn ngón tay nào của anh là
lành lặn. Thậm chí bây giờ anh còn bị thấp khớp ở tay phải nặng tới mức không
thể nâng nổi một chiếc ly, nói gì đến việc cầm cọ vẽ. Cảm ơn em, nhưng bây giờ
đã quá muộn rồi…
Hơn 500 năm đã qua. Cho tới bây giờ, hàng trăm bức
chân dung, tranh màu nước, tranh than chì, tranh khắc gỗ và khắc đồng… của
Albrecht Durer đã được treo ở những Viện bảo tàng lớn nhất thế giới.
Nhưng có một điều kỳ lạ: có thể bạn, cũng như nhiều người, đều chỉ quen
thuộc với một tác phẩm của Albrecht Durer. Đó là một ngày, để tỏ lòng kính
trọng và biết ơn anh trai Albert, Albrecht Durer đã thực hiện một tác phẩm cẩn
thận nhất trong đời: vẽ lại đôi bàn tay của anh trai mình, với lòng bàn tay hướng
vào nhau và những ngón tay gầy guộc hướng lên trên. Ông chỉ gọi bức tranh
của mình đơn giản là “Đôi Bàn Tay”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét