1 - Khủng hoảng của hiện đại.
Khủng hoảng quan trọng nhất của hiện đại là khái niệm về Tiến
Bộ. Hồi thế kỷ 19, với sự phát triển thần kỳ của khoa học, ai cũng lạc quan về
tương lai. Cha đẻ của môn xã hội học, Auguste Comte, xây dựng cả một hệ thống lý
thuyết cắt nghĩa rằng lịch sử của nhân loại là lịch sử của tiến bộ, tiến bộ của
đầu óc con người từ giai đoạn thần linh qua giai đoạn siêu hình để cuối cùng đến
giai đoạn khoa học. Đó là một sự tiến bộ không ngừng và giai đoạn sau tốt đẹp
cho con người hơn giai đoạn trước về phúc lợi, vật chất cũng như tinh thần. Lạc
quan đó, Tây phương đã thấy đổ vỡ phũ phàng với chiến tranh thế giới thứ hai. Một
nước văn minh như nước Đức trở thành một nước dã man, phi nhân, trong học thuyết
cũng như trong hành động. Nước Đức quốc xã đưa ra hình ảnh ghê rợn của một phá
sản tinh thần, khi phá sản đó xảy ra trong chính niềm tin vào “tiến bộ đạo đức”
mà người ta chờ đợi ở hiện đại. Rồi bom nguyên tử, rồi Hiroshima, rồi chiến
tranh lạnh, rồi leo thang vũ khí tận diệt nhân loại, đâu là Tiến Bộ, đâu là đạo
đức của khoa học? “Khoa học mà không có lương tâm là đổ nát của linh hồn”, câu
nói ấy trở thành thời sự trước mắt. Khoa học là mục đích nhưng lương tâm phải
là người bạn đồng hành. Nói là nói thế, nhưng trên thực tế người bạn đồng hành
của khoa học lại là chiến tranh, buôn bán vũ khí, chiến tranh làm phát triển
khoa học, khoa học phục vụ chiến tranh.
Khái niệm “tiến bộ” cũng được cảnh báo cả khi khoa học làm
đúng nhiệm vụ của khoa học là tìm tòi, nghiên cứu, phát minh, vén màn bí mật của
vũ trụ và đời sống. Không có gì quý hóa cho con người hơn là những phát minh
càng ngày càng nhiều trong y khoa. Khám phá về tế bào gốc chẳng hạn là một
trong những phúc lợi lớn mà nhân loại chờ đợi. Nhưng lương tâm có cho phép ta tạo
ra đồng loạt vô số những người y chang giống nhau trong tương lai? Chẳng lẽ
khoa học cũng bắt chước Tôn Hành Giả nhổ một sợi lông, thổi một cái, để biến ra
thành cả trăm con khỉ giống hệt nhau, chẳng biết con nào là khỉ gốc họ Tôn? Hiện
đại đang gặp phải vấn đề của “đạo đức sinh học”, mà đạo đức sinh học không thể
không liên quan đến cái nhìn của tôn giáo.
nhãn hiệu “Nirvana” trên một sản phẩm sắc đẹp |
Cuối cùng, khái niệm “tiến bộ” còn được đặt lại khi tiến bộ
vật chất đưa đến xã hội tiêu thụ trong đó con người bị tha hóa, nghĩa là mất địa
vị chủ. Đây là mê lộ trong đó con người Âu Mỹ nhởn nhơ sa vào. Muốn phồn thịnh
kinh tế, phải sản xuất. Muốn sản xuất, phải có tiêu thụ. Muốn có tiêu thụ, phải
kích thích nhu cầu, không có nhu cầu cũng phải kích lên cho có. Nhu cầu này được
thỏa mãn, phải kích lên nhu cầu khác, nhu cầu phải luôn luôn mới để đáp ứng sản
xuất phải mới luôn luôn. Hiện đại đòi hỏi những con người có lý tính. Đâu còn
là lý tính nữa trước cuộc chạy đua không ngừng đuổi theo nhu cầu giả tạo, đuổi
theo tiêu thụ phù du? Con người trở thành nô lệ của quảng cáo, và quảng cáo,
tuyên truyền, có đủ mánh lới để tước bỏ phê phán ra khỏi đầu óc người nghe. Lúc
nhỏ, ở lớp 11, 12, tôi học câu thơ của Nguyễn Công Trứ: “Tri túc tiện túc, đãi
túc hà thời túc”. Biết đủ thì đủ, tìm đủ thì biết đến bao giờ mới thấy đủ! Ấy
là câu thơ dí cái chìa khóa vào tay ta để mở cửa thoát ra khỏi mê lộ tiêu thụ.
Nhưng cái tài của quảng cáo là mê hoặc, đưa con người tiêu thụ vào siêu thị mà
làm người ta tưởng vào chốn đào nguyên!
Tha hóa: con người hiện đại thoát ra khỏi tha hóa đối với
Trên Cao thì lại rơi vào tha hóa ở dưới đất. Tha hóa trước sản phẩm, hàng hóa.
Tha hóa trước thị trường. Bởi vì cái gì bây giờ cũng trở thành thị trường, cái
gì cũng bị thị trường khai thác, kể cả lĩnh vực tâm linh. Phật giáo cũng bị
thôi, và bị chính vì sự thành công của mình. Tôi chỉ lấy một ví dụ thôi: cái
nhãn hiệu “Nirvana” trên một sản phẩm sắc đẹp của quý bà. Thoa kem ấy vào, lập
tức thấy cực lạc! Cực lạc bỗng trở thành nạn nhân của tha hóa. Tôi nhấn mạnh điểm
này để giải thích cho các bạn về sự biến đổi của lòng tin ở Tây phương. Đúng là
người Âu châu có vấn đề với Thượng Đế. Đúng là nhà thờ vắng tín đồ. Đúng là
linh mục khan hiếm, phải cầu viện đến tận các linh mục Phi châu. Đúng là người
Âu châu không đi tìm nữa trong tôn giáo truyền thống của họ câu giải đáp lớn
cho những khắc khoải của tâm linh, mà đi tìm những phương thuốc tức thì trên hạ
giới này, trên đời sống này, ở đây và bây giờ, here and now. Đúng như quy luật
của thị trường, ở đâu có cầu thì ở đấy có cung. Hàng loạt tín ngưỡng lang băm, chính
tà lẫn lộn, xuất hiện trên thị trường tâm linh, tranh nhau giành khách. Và
khách ở đây là những người có đời sống vật chất đầy đủ, nhưng bơ vơ, cô đơn, mất
tập thể, mất phương hướng, mất ý nghĩa sống. Ngày trước, con người Âu châu cũng
yếu đuối trước Thượng Đế, nhưng họ có cái gì để tin, họ có cái chắc chắn. Bây
giờ họ cũng yếu đuối, nhưng không có cái gì để tin nữa, họ mất chân đứng, họ mất
quân bình, họ mất chiều cao lẫn chiều ngang, họ lung lay. Và vì họ lung lay, họ
tưởng cần phải củng cố cái “tôi” của họ, cái “tôi” mà một chủ nghĩa cá nhân quá
đà đã đề cao lên thượng đỉnh. Các bạn hiểu tại sao ngành phân tâm học phát triển
như thế ở Âu Mỹ, tại sao các bác sĩ phân tâm học đông khách nhà giàu và trí thức:
họ đi tìm cái “tôi” của họ! Nhưng cái “tôi” của họ trốn ở đâu? Một số người đi
tìm trong cùng tận thâm sâu bí ẩn của ý thức dưới ánh đèn pin của ông Freud. Một
số, nông cạn hơn, nghĩ rằng cái “tôi” của mình là cái thân này đây, phải làm
cho nó mạnh, khỏe, đẹp, và nhất là trẻ mãi, để “cực lạc” mãi. Tất nhiên họ biết:
cung cấp món ăn cho cái thân thì cũng phải cung cấp món ăn cho cái tâm, vì tâm
không yên thì thân cũng khó khỏe. Nhưng họ ăn gì trên mâm cơm tinh thần của họ?
Ăn lẫu. Nghĩa là hổ lốn. Chút tôm, chút mực, chút thịt gà. Chút Chúa chút Phật.
Bác ái lộn xà ngầu với từ bi. Lấy một chút chỗ này, một chút chỗ kia, cái gì mà
cá nhân mỗi người thấy hoặc tưởng thích hợp cho riêng mình thì gắp bỏ chung vào
cái lẫu nước xúp tâm linh. Người Pháp gọi cách thực hành tân thời này là
“bricolage” - lắp ghép thủ công.
Trong chiều hướng đó, ngồi thiền phát triển khắp nơi tại Âu
Mỹ. Tất nhiên là hay. Nhưng trong cái hay đó, coi chừng cái dở. Cái dở là thị
trường tâm linh đánh đúng vào tâm lý con người thời đại, quảng cáo ngồi thiền
như một kỹ thuật để gìn giữ sức khỏe và chỉ như một kỹ thuật mà thôi. Như một kỹ
thuật, quảng cáo biến ngồi thiền thành một thứ kem xức mặt, xức vào thì da mặt
mát ra, nhìn vào gương thấy cái “tôi” của mình như gái một con trông mòn con mắt.
Chắc các bạn biết thần thoại Hy Lạp về anh chàng Narcisse. Anh chàng mê mình đến
độ ngất ngây soi bóng mình trên mặt nước, soi gần, thật gần, môi chạm môi, và
anh chàng lộn cổ xuống ao. Con người hiện đại ở Tây phương cũng mê cái “tôi” của
mình như thế, ve vuốt nó, hôn nó, tưởng nó có thật trong một dòng sông ảo. Nhà
sư danh tiếng Tây Tạng Chögyam Trungpa gọi đùa khuynh hướng đó là “chủ nghĩa
duy vật tâm linh” (“spiritual materialism”). Nhưng đó đích thực là một vấn đề,
một thách thức đối với hiện tại và tương lai của Phật giáo tại Âu Mỹ. Bởi vì ngồi
thiền không phải chỉ là một kỹ thuật, lại càng không phải để phục vụ cho cái
“tôi”. Ngồi thiền, chính là để thấy cái “tôi” là không có.
2 - Phật giáo và khủng hoảng của hiện đại.
2 - Phật giáo và khủng hoảng của hiện đại.
Nhiều tác giả gọi thời đại này là “hậu hiện đại”. Tôi không
đồng ý với khái niệm này nên chỉ đề cập ở đây hiện tượng khủng hoảng thôi. Và
tôi cũng chỉ xin hạn chế vấn đề vào một khủng hoảng thôi là khủng hoảng của cái
“tôi”.
Trước hết, tôi không phủ nhận phúc lợi của việc ngồi thiền,
dù cho ngồi thiền chỉ để tăng cường sức khỏe. Ai đã ngồi thiền và ngồi thiền
đúng kỹ thuật rồi đều nói: không phải chỉ sức khỏe được tăng cường, tâm hồn
cũng được thư thái. Bản thân tôi không phải chỉ chứng nghiệm một lần mà cả ngàn
lần: chỉ cần biết nén giận trong một giây thôi, đừng cho nó nổ ra, đã là khóa
được cái cửa của địa ngục. Huống hồ ngồi thiền không phải chỉ trong một giây! Bởi
vậy, người Tây phương biết đưa việc ngồi thiền vào nhiều lĩnh vực: bệnh viện, nhà
tù, trường học, công sở, xí nghiệp… Họ làm có phương pháp, bài bản, làm việc gì
cũng phải làm cho đến nơi đến chốn.
Nhưng thiền không phải chỉ là thế. Thiền là tự biết mình, và
tự biết mình là để quên mình. Quên mình là để nhập làm một với tất cả những gì
hiện hữu. Đó là câu định nghĩa của Đạo Nguyên mà các thiền viện ở Âu Mỹ áp dụng
như kinh nhật tụng. Thế nào là tự biết mình? Tôi không muốn đưa các bạn vào lý
thuyết xa xôi. Chỉ nói một hành động nhỏ nhặt, cụ thể, của một người Âu Mỹ khi
lần đầu tiên bước vào thiền đường. Cử chỉ đầu tiên là cởi giày. Cởi giày, xếp
ngay ngắn. Bước nhẹ vào thiền đường. nghe một mùi hương thoảng, gặp một im lặng
thẳm sâu, đi trên một sàn gỗ sạch không một hạt bụi, thấy một không gian không
chướng ngại mở rộng ra trước mắt. “Cởi giày”: đó là bài kinh đầu tiên của họ. Cởi
vướng mắc ra, giải thoát cho hai bàn chân, hai bàn chân quý lắm, bao nhiêu nút
thần kinh nằm ở trong đó, hai bàn chân quý lắm, nhờ nó mà mình đứng vững được,
hai bàn chân quý lắm, hãy biết quý hai bàn chân như chưa bao giờ mình biết quý
nó trước đây, hãy nghe hai bàn chân đang hạnh phúc khi gặp hơi mát của sàn gỗ,
nó và cái sàn gỗ đang tan thành một, người bước vào phòng đang biến thành một với
gian phòng trống, với im lặng mênh mông. Bàn chân quên nó. Người bước vào phòng
quên mình, để cái “tôi” ngoài cửa, như để đôi dép.
Từ khi sinh ra, ta đã muốn chỉ huy cả thế giới, sai khiến mọi
người chung quanh. Đói, khóc ầm lên, mẹ phải đưa ngay bầu sữa. Thèm hơi ấm, mếu
máo để được người bồng. Muốn cái gì phải có ngay cái nấy, không thì la hét. Ta
là trung tâm của vũ trụ, tất cả mọi người đều phải chiều ta. Lớn lên, ta cũng vậy
thôi, 99% của cuộc đời ta được xài phí để lái thiên hạ, bắt thiên hạ phải thỏa
mãn ý muốn của ta. Thậm chí, cái mà ta gọi là “tình yêu” suy cho cùng cũng chỉ
là nhu cầu cần có một quan hệ gần gũi để ta cảm thấy sung sướng. Có lẽ ở đâu
cũng vậy, nhưng trong văn hóa của cá nhân chủ nghĩa Âu Mỹ, nghĩ đến ta được xem
là chuyện bình thường, tất nhiên. Ai lái người khác giỏi để phục vụ mình tốt,
người ấy được xem là thành công. Thiền là trái ngược lại. Không nhắm tích tụ.
Không nhắm chinh phục. Càng nhiều cái “có” càng ít cái “là”, cái tinh túy, cái
bản chất, cái đem lại hạnh phúc. Và tôi “là” gì, chính là ở phút này đây. Ở
phút này đây, tôi còn sống, còn thở, còn nói, còn có các bạn để nghe, còn có nắng
đẹp ngoài kia, gió mát đang thổi, hạnh phúc vô biên, hạnh phúc được sống với
cái khoảnh khắc này, được làm một với các bạn, được làm một với tất cả, được
làm một với tờ giấy trước mắt tôi. Thiền không phải là ngồi yên. Thiền là không
đi ăn mày nữa, không ngửa tay xin xu hào nơi người khác, nơi bên ngoài, bởi vì
thiền là biết rằng cả một kho tàng châu báu nằm ở trong ta, hãy nhìn vào để thấy,
và để chiêm nghiệm rằng ta càng trống đi cái “tôi” thì kho tàng ấy càng đầy.
Các thiền viện Âu Mỹ biết nhắm đến cái mục đích ấy. Kho báu
trong tôi càng đầy, khả năng nhập thành một với mọi vật chung quanh càng nhạy
bén, và khi ấy, tôi khổ với cái khổ của bạn, tôi vui với cái vui của bạn, tôi
không còn nữa, bạn cũng không còn nữa, chỉ còn cái khổ chung, cái vui chung. Định
nghĩa của chữ “từ bi” là như vậy, và ngồi thiền chính là để mở rộng lòng từ bi.
Tôi đã là một với tất cả, làm sao tôi không thương tất cả, từ thiên nhiên đến
loài vật, từ người gần đến người xa?
Tôi biết: đó là lý thuyết rất cao mà không phải ai cũng đạt
được hoặc hiểu được. Nhưng, tôi xin quả quyết: cứ bước dần đi mỗi bước rồi sẽ
thấy: quên mình nhiều nhiều hơn một chút, nghĩ đến người khác nhiều nhiều hơn một
chút, ấy là con đường đi đến hạnh phúc. Và xin các bạn hãy biết điều này: các
người Âu Mỹ ngồi trong thiền đường phần đông là trí thức hoặc thuộc thành phần
cao trong xã hội, đã nắm khá vững lý thuyết Phật giáo và có lòng hướng đến một
cái gì cao hơn đời sống vật chất, vị kỷ. Tôi nói điều này là để nghĩ đến tương
lai của Phật giáo ở Âu Mỹ. Phật giáo hạn chế ở tầng lớp trí thức hay mở rộng ra
cho đại chúng?
Tôi không có thì giờ để đi sâu vào câu hỏi này. Chỉ xin nói
rằng: bộ não của con người gồm hai phần: khả năng lô-gích, trừu tượng, phân
tích, tương ứng với não bộ phía trái; khả năng nhận ra sự giống nhau giữa những
cái khác nhau, trực giác, tổng hợp, tương ứng với não bộ phía phải (4). Tác giả
Frédéric Lenoir cho rằng văn minh Tây phương chú trọng tác động trên vũ trụ,
tương ứng với việc đặt ưu tiên trên não bộ phía phải. Phật giáo đến Tây phương
đã đóng vai trò tích cực trong việc làm quân bình hai vùng trong não bộ con người
Tây phương. Trong cái ý đó, câu nói nổi tiếng của nhà sử học Arnold Toynbee đã
thành dễ hiểu: “Sự gặp gỡ giữa Phật giáo và Tây phương là biến cố có ý nghĩa nhất
của thế kỷ 20”.
Tôi cũng nhân cái ý đó để nói thêm rằng Phật giáo chính là sự
quân bình và trước hết là quân bình giữa trí tuệ và lòng tin. Không có trí tuệ
thì không hiểu được đức Phật. Nhưng không có lòng tin thì cánh cửa cuối cùng của
trí tuệ vẫn không mở ra. Trí tuệ cũng như hoa mai. Lòng tin cũng như hơi ấm đầu
tiên của mùa xuân. Chạm vào một điểm của hơi ấm đó thôi, hoa nờ bung. “Nhất điểm
xuân quang xứ xứ hoa” là vậy. Chỉ một làn gió xuân thoảng qua thôi, chốn chốn
hoa mai bừng nở. Thiền là cây cầu bắt qua giữa trí tuệ và lòng tin. Đó là pháp
môn - cánh cửa đạo - mở ra cho các bậc thượng thủ. Nhưng không phải ai cũng là
thượng thủ cả, cho nên Phật giáo nói có đến “bốn vạn tám ngàn pháp môn” thích hợp
với căn cơ của mỗi người. Ai giàu trí tuệ, như giới trí thức ở Âu Mỹ, đi vào Phật
giáo bằng cửa thiền. Ai giàu lòng tin… Đây chính là tương lai của Phật giáo tại
Tây phương. Bởi vì Phật giáo muốn lan tỏa ở đây phải biết rằng không phải ai
cũng là trí thức. Vậy thì, có một nhánh Phật giáo nào ở Âu Mỹ có khả năng lan tỏa
ra đại chúng chăng? Có. Đó là Phật giáo Tây Tạng mà ngài Đạt Lai Lạt Ma là hình
ảnh sống động. Phật giáo bám rễ được ở Tây phương là nhờ ngài và cả một loạt những
nhà sư Tây Tạng xuất chúng qua giáo hóa tại đấy. Chỉ mỗi một việc xuất hiện của
các vị đó thôi đã làm dấy động được lòng tin nơi quần chúng. Phật giáo Tây Tạng
đáp ứng được những khắc khoải về tâm linh của quần chúng hơn là thiền tông đến
từ các thiền sư Nhật Bản. Nhưng dù là thiền tông hay Phật giáo Tây Tạng, trí tuệ
và lòng tin phải cùng bay với nhau như hai cánh của con đại bàng.
Trích trong bài HÃY BAY VỚI HAI CÁNH VÀO HIỆN ĐẠI - Tản
văn Chuyện Trò – GS Cao Huy Thuần
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét