Thứ Bảy, 8 tháng 12, 2012

Hiện tượng tương liên

STÉPHANE HESSEL :  Đấy là những gì thật quan trọng. Đối với đức tin Ki-tô Giáo và Do Thái Giáo thì Trời giao cho con người trọng trách phải đặt tên cho các vật thể trong thiên nhiên để có thể phát biểu rằng: đây là một cánh rừng, đây là một gốc cây... Tôi nghĩ rằng đấy không phải là một giải pháp đúng đắn để tiếp cận với thiên nhiên. Con người nào có phải là chủ nhân ông của cả thiên nhiên đâu, mà đơn giản họ chỉ là một thành phần của thiên nhiên mà thôi. Dựa vào đó, người ta có thể nghĩ rằng giá trị tinh thần chính đáng nhất trên thế giới không nhất thiết chỉ là tinh thần của con người. Con người có thể nắm bắt được một phần của cái tinh thần đó mà thôi, vì thế tinh thần nhất định không phải là gia sản riêng tư của con người.

Đức ĐẠT-LAI LẠT-MA : Đối với Phật Giáo cũng như đối với đạo Ja-in (Jaïnism) - một tôn giáo lâu đời khác của Ấn Độ - thì không hề có một vị sáng tạo tuyệt đối, và không có bất cứ gì có thể mang tính cách độc lập được. Tất cả chỉ là hậu quả gây ra từ các nguyên nhân và điều kiện. Tất cả đều tương liên, tương kết và tương tạo với nhau. Quy luật duy nhất quản lý tất cả chúng ta là quy luật nguyên nhân và hậu quả (2) (quy luật này cũng chính là cách vận hành của hiện tượng tương liên - interdependence - trong vũ trụ).

STÉPHANE HESSEL : Không có gì khởi đầu, cũng chẳng có gì chấm dứt, tất cả chỉ là sự chuyển động...

INDIGÈNE (người đại diện cho ban tổ chức và nhà xuất bản) : Theo chúng tôi hiểu thì những gì mà cả hai vị vừa trình bày về hiện tượng tương liên thì khái niệm này có thể hiểu bằng hai cách khác nhau tùy theo mình đứng vào vị thế nào: Do Thái và Ki-tô Giáo hay là Phật Giáo. Một bên thì tin là có Trời và một bên thì không.

Đức ĐẠT-LAI LẠT-MA : Các người tu tập theo Ki-tô Giáo, Do Thái Giáo, Hồi Giáo, kể cả Ấn Giáo đều chấp nhận ý niệm về một vị sáng tạo. Tất cả các tín ngưỡng đó đều đã góp phần đáng kể trong việc giúp đỡ nhân loại và đã từ hàng nghìn năm nay, vì thế chúng ta cũng không nên xen vào sự tiến hành tốt đẹp đó để làm gì. Chỉ nên cố gắng cải thiện các giá trị tốt đẹp mà các tôn giáo ấy nêu lên: ấy là tình thương, lòng từ bi, sự tha thứ. Tất cả các tôn giáo đều hàm chứa một vẻ đẹp riêng, và chúng ta phải biết kính trọng tất cả các tín ngưỡng ấy. Tuy nhiên nếu chúng ta muốn đạt được một chiều rộng mang tính cách toàn cầu hơn thì phải tự đặt mình vào một cấp bậc khác, tức là cấp bập của đạo đức thế tục. Sống một cuộc sống thế tục không có nghĩa là không-kính-trọng tôn giáo. Đạo đức thế tục kính trọng tất cả các tôn giáo và kể cả những người không-tin-vào-tôn-giáo, và tất nhiên là các người ấy cũng có quyền được tiếp tục không tin vào tôn giáo. Trên lãnh vực cá nhân thì chúng ta nên suy nghĩ như thế này: "mỗi tôn giáo, một sự thật", nếu nhìn vấn đề rộng hơn thuộc toàn thể gia đình nhân loại thì chúng ta lại suy nghĩ như sau: "nhiều tôn giáo, tất nhiều sự thật". Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế về Nhân Quyền không hề phân biệt tôn giáo này với tôn giáo kia, quốc gia này với quốc gia khác. Bản Tuyên ngôn chỉ nêu lên toàn thể nhân loại.

STÉPHANE HESSEL : Có Trời hay không thì chúng ta vẫn cứ phải gánh vác trách nhiệm với tư cách một con người, và hơn nữa đấy không phải là một thứ trách nhiệm đối với riêng gia đình nhân loại như đã được nêu lên trong Bản Tuyên Ngôn năm 1948. Hiện tượng tương liên chi phối tất cả chúng ta, dù cho chúng ta có đức tin hay không. Chúng ta phải tạo ra cho mình một thứ tình thân ái mới mẻ hơn để giao tiếp với thiên nhiên. Trước đây chúng ta đã không làm tròn được bổn phận đó. Chúng ta đã hành xử quá "man rợ" đối với thiên nhiên. Do đó từ nay chúng ta nên cố gắng hơn để hành động như thế nào hầu có thể giúp cho cây cỏ, mặt trời và muông thú được sống còn. Theo tôi thì những điều đó phải được xem là một mục tiêu phải đạt cho bằng được, một sự thách đố lớn lao đối với tất cả các quốc gia trên địa cầu.

Đức ĐẠT-LAI LẠT-MA : Đấy không phải đơn giản chỉ là bổn phận, mà còn liên hệ đến cả sự sống còn của chính chúng ta nữa: sự gia tăng nhiệt độ trên địa cầu, năng suất nông phẩm ngày càng giảm xuống, dưỡng khí giúp cho sự sống hằng ngày trở nên hiếm hoi, ô nhiễm lan tràn khắp nơi... Nhân quyền của con người đang ở đâu bây giờ?

STÉPHANE HESSEL : Trong lúc mà chúng ta đang ngồi đây để bàn thảo với nhau thì tại Durban ở Nam Phi, 194 Quốc Gia đang tham dự khóa họp thứ 17 của Ủy Ban Liên Hiệp Quốc về vấn đề  thay đổi khí hậu. Thế nhưng họ sẽ làm được gì? Thật là ít ỏi. Chính đấy là lý do khiến tôi phải phẫn nộ tương tự như sự phẫn nộ mà tôi đã từng nêu lên trong một quyển sách nhỏ trước đây của tôi. Các chính phủ ngày nay tỏ ra quá yếu đuối và rụt rè. Mặc dù hiểu rõ những gì mà cả hai chúng ta đang nêu lên: tức là thiên nhiên và nhân loại đang lâm nguy, thế nhưng họ lại không hề động đậy, họ chẳng có một phương tiện nào để hành động, cơ cấu quản lý tài chính đã tạo ra một sức ép quá nặng nề.

Đức ĐẠT-LAI LẠT-MA : Chúng ta chỉ biết quan tâm đến kết quả trước mặt và quên đi các hậu quả lâu dài. Tôi có dịp nói chuyện với một số người trong giới kinh doanh và họ cho biết rằng cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay đã gây ra nhiều thiệt hại lớn lao và hầu hết đều thú nhận là họ không hề nghĩ đến những gì có thể xảy ra trong vòng mười đến hai mươi năm sắp tới. Họ chỉ nghĩ đến việc phải giải quyết những gì cấp bách, chẳng hạn như tìm cách vay mượn thêm, và không hề biết nhận lãnh trách nhiệm của mình đối với các thế hệ tương lai, các thế hệ của chính con cháu họ. Theo tôi nghĩ thì đấy chẳng qua là vì họ quá tính toán và không hề nghĩ đến khía cạnh tương liên của mọi hiện tượng. Tương lai tùy thuộc vào hiện tại. Tất cả các dự án của chúng ta dù được hoạch định theo chiều hướng nào đi nữa thì cũng phải nghĩ đến các hậu quả lâu dài. Nếu không đủ sức dự đoán trước một ngàn năm thì ít ra cũng phải nghĩ đến hậu quả sẽ xảy đến trong mười năm! Khi chúng ta nhìn vào các cuộc đình công và bạo động xảy ra tại Hy Lạp cũng như các nơi khác, thì chúng ta cũng phải tự hỏi những gì sẽ xảy ra nếu biết chọn một biện pháp tuần tự hơn, tức là từng chút một, thay vì áp đặt một cách đột ngột biện pháp thắt lưng buộc bụng thật nghiệt ngã như hiện nay?  Đấy là những gì mà tôi gọi là một tầm nhìn mang tính cách toàn diện hơn.


Nguồn : Đức Đạt-lai Lạt-ma và Stéphane Hessel - Vì sự tiến bộ tinh thần / Hãy cùng tuyên bố Hòa Bình ! Tác gỉa : Sylvie Crossman & Jean-Pierre Barou

Không có nhận xét nào: