Chủ Nhật, 23 tháng 9, 2012

NGƯỜI CẦU TOÀN

    Ai cũng biết, công việc và cuộc sống luôn thay đổi không ngừng. Mỗi ngày, chúng ta đều phải đối mặt với những thay đổi đó. Sản phẩm mới và các dịch vụ mới không ngừng xuất hiện trên thị trường, khoa học kỹ thuật mới không ngừng phát triển, trách nhiệm mới không ngừng được giao phó cùng những đồng nghiệp mới, lãnh đạo mới ... Những thay đổi này nhiều khi vô cùng áp lực. Nhưng mỗi một lần thay đổi đều yêu cầu chúng ta phải chuẩn bị điều chỉnh tâm trạng để có thể thích ứng.
Khi phải đối mặt với sự thay đổi, nếu bạn cứ khư khư dựa vào hành vi và suy nghĩ cũ, thậm chí lại còn nghĩ rằng"Tôi sẽ vẫn làm như cũ", thì sự vật, sự việc mới sẽ trở thành mối đe dọa bạn.
Đối với sự phát triển của cá nhân, mạo hiểm sẽ là con đường cần thiết để trở nên mạnh mẽ. Trong rất nhiều tình huống, người trở thành mạnh mẽ chính là nhờ dám làm những điều mà người khác không dám.
Một học giả đã tiến hành điều tra, ông nêu vấn đề với kiểu người cầu toàn, luôn theo đuổi sự hoàn mỹ. Áp lực mà những người này phải chịu đựng lớn hơn rất nhiều so với những người không theo đuổi sự hoàn mỹ. Nhưng liệu họ có thành công không? Câu trả lời là những người cầu toàn thường hay lo âu, chán nản trong cuộc sống và chẳng có bất kỳ chứng cớ nào chứng tỏ mức thu nhập của họ sẽ cao hơn những người không cầu toàn.
Trên thực tế, khi gặp áp lực hay thất bại, những người cầu toàn sẽ mất đi năng lực sáng tạo và hiệu quả công việc của họ.Cầu toàn chính là ép buộc bản thân phải đạt được những mục tiêu không thể thực hiện, hơn nữa, họ còn dùng thành tựu để đánh giá bản thân. Họ cảm thấy bản thân không ngừng chịu đựng những thôi thúc, đồng thời lại không mãn nguyện với thành tựu của bản thân. Thực tế chứng minh rằng, ép buộc bản thân theo đuổi sự hoàn mỹ không chỉ gây trở ngại cho sức khỏe, gây ra bệnh chán nản, lo âu, căng thẳng ... mà còn ảnh hưởng đến kết của của công việc, mối quan hệ giao tiếp, lòng tự tôn ... và từ đó, chỉ dẫn đến thất bại.
Chúng ta cũng nên tìm hiểu tại sao những người cầu toàn hay có tâm trạng bất an và hiệu quả công việc của họ lại bị giảm sút. Câu trả lời chính là do họ đã có một thái độ không đúng đắn và không logic để nhìn nhận cuộc đời. Cách nghĩ sai lầm phổ biến nhất của họ chính là cho rằng việc không hoàn mỹ sẽ chẳng có tí giá trị nào. Chẳng hạn, một sinh viên cho rằng với mỗi một môn học, đều phải đạt được thành tích xuất sắc, và chỉ cần có một môn "chưa xuất sắc" thì cũng đủ để cảm thấy vô cùng chán nản và cho rằng đã thất bại. Cách suy nghĩ này làm cho người cầu toàn luôn luôn lo lắn gặp phải sai lầm và hơn nữa, khi đã mắc sai lầm sẽ sinh ra những phản ứng khó lường.
Một cách nghĩ sai lầm khác của họ là tin rằng sai lầm đó sẽ lập lại. Họ cho rằng "Tôi mãi chẳng thể làm được việc này". Người cầu toàn sẽ không chịu tự hỏi xem mình đã học được gì từ những sai lầm mà chỉ oán trách bản thân. Thái độ này dẫn đến những cảm giác cắn rứt và thất bại, chẳng giúp họ tránh khỏi mắc lại những sai lầm tương tự.
Để giúp những người cầu toàn loại bõ được thói quen tâm lý xấu này, giáo sư Burns yêu cầu họ liệt kê ra những ích lợi và tác hại của việc cầu toàn. Một nữ sinh viên luật đến nhờ ông giúp đỡ chỉ nêu ra được một ích lợi mà thối:"Cách làm này có khi mang lại thành tích xuất sắc". Nhưng cô ta lại nêu ra đến 6 điều tác hại:" Thứ nhất, nó khiến thần kinh em vô cùng căng thẳng, đến nỗi có khi kết quả trung bình cũng không đạt được. Thứ hai, em thường không dám mạo hiểm để phạm sai lầm, nhưng những sai lầm này lại không ngừng xuất hiện trong quá trình sáng tạo. Thứ ba, em không dám thử những điều mới lạ. Thứ tư, em đối xử với bản thân hết sức hà khắc, làm cho cuộc sống của em dường như chẳng còn gì là thú vị nữa. Thứ năm, do luôn phát hiện còn một số điều chưa được thập toàn thập mỹ nên em không thể hoàn toàn thư giãn. Thứ sáu, em không thể đối xử rộng lượng với người khác, kết quả mọi người cho rằng em là kẻ thích bới lông tìm vết." Căn cứ theo phân tích trên, cô cho rằng nếu từ bỏ được tư tưởng cầu toàn, cuộc sống sẽ có ý nghĩa hơn và có lẽ cô sẽ đạt được nhiều thành tựu hơn.
Giáo sư Burns chỉ ra rằng, nếu mục tiêu của bạn là khả thi, khi đó, tâm trạng của bạn sẽ rất nhẹ nhàng thư thái, trong công việc bạn cũng sẽ cảm thấy tự tin hơn. Như vậy, chắc chắn sẽ có nhiều sức sáng tạo hơn và công việc của bạn sẽ đạt nhiều kết quả hơn. Không phải giáo sư muốn khuyên chúng ta từ bỏ mọi nỗ lực phấn đấu, nhưng trong thực tế, khi bạn không còn theo đuổi những thành tựu "quá xuất sắc" mà chỉ hy vọng có được kết quả "đủ tốt", lúc ấy bạn sẽ đạt được những thành tích tốt nhất.
Bạn cũng có thể sử dụng phương pháp tự kiểm để chống lại tư tưởng cầu toàn, chẳng hạn như:" Tôi học được gì từ sai lầm đã qua?". Tuyệt đối không được từ bỏ "quyền được phạm sai lầm", nếu không, bạn sẽ mất năng lực học tập những điều mới mẻ và có được tiến bộ trên đường đời.
Bạn cần nhớ, ẩn tàng phía sau tâm lý cầu toàn là nỗi sợ hãi. Đương nhiên, cầu toàn có một ích lợi, đó là không mạo hiểm để rồi thất bại và chịu sự chỉ trích của người khác. Nhưng đồng thời bạn cũng sẽ mất cơ hội có được sự tiến bộ, sự mạo hiểm và hưởng thụ cuộc sống một cách trọn vẹn. Nói theo cách nào đó, người dám đối mặt với nỗi sợ hãi và không sợ phạm phải sai lầm thường có được một cuộc sống vui vẻ và đạt được nhiều thành tựu hơn người khác.
(trích Trí Tuệ của Kinh Thánh)

Không có nhận xét nào: