Theo "Tập du ký
mới và kỳ thú về Vương Quốc Đàng Ngoài - 1681 - Jean-Baptiste Tavernier",
bản dịch của Lê Tư Lành.
Những thầy thuốc của
vương quốc Đảng Ngoài đã sớm chú trọng học sách ngay từ khi còn trẻ. Họ đã
nghiên cứu các thứ cây cỏ làm thuốc và các rễ cây để biết dược tính của chúng
và áp dụng chữa trị tùy theo từng loại bệnh. Nhưng họ đặt biệt bắt mạch và các
loại mạch để tìm nguyên nhân bệnh mà cắt thuốc cho phù hợp. Về bắt mạch, ta phải
lưu ý rằng đáng lẽ ở Châu Âu, chúng ta nói bắt mạch (tâter le pouls) thì ở xứ
này phải nói là bắt "những" mạch và nói mạch đó là mạch gì. Vì mỗi
khi thầy thuốc đi thăm bệnh, họ bắt mạch nhiều nơi trên cơ thể và tùy theo nơi
bắt mạch và nhịp mạch ở những nơi đó mà đoán ra bệnh.
Trước hết, họ nắn bệnh
ở ba nơi, đầu tiên nắn bên phải, rồi sau nắn bên trái, bắt mạch ở cổ tay phải,
họ biết được tình hình ở phổi (phế), bắt mạch ở trên tĩnh mạch trên cánh tay tại
chỗ mà ta thường chích máu, họ biết được tình hình trong bụng dưới và bắt mạch ở
thái dương họ biết được tình hình ở thận; mạch tay trái cho biết tình hình ở
tim; mạch ở cánh tay trái tại nơi thường chích máu cho biết tình hình về gan; mạch
ở thái dương trái cho biết thêm tình hình bệnh của thận. Họ đếm cẩn thận và thật
đúng số lần mạch đập của người ốm trong một lần thở, và cứ thế tùy theo mạch đập
ở các nơi khác nhau, họ nói cho ta biết bộ phận nào của cơ thể bị suy yếu nhiều
hơn, hoặc là tim, hoặc là gan, hoặc là phổi hay một bệnh do duyên cớ ở bên
ngoài như là không khí độc hay gió lạnh, hay buồn rầu, hay sự không điều độ
trong sinh hoạt tình dục.
Về các vị thuốc, họ
chỉ dùng cỏ, rễ cây mà chính họ đi kiếm, hái về. Ở xứ này họ không phân biệt y
sư hay dược sư. Thường họ bốc một ít thuốc đó với một chút gừng, rồi đem sắc
trong nước, rồi lấy nước đó sắc cho bệnh nhân uống. Không bao giờ họ cho uống
thuốc khi chưa ăn uống gì. Thường thường họ cho uống thuốc sau khi ăn cơm. Họ
có những thứ thuốc rất hay chữa bệnh trúng phong, bệnh đậu lào (pourpre) và những
bệnh khác mà người Châu Âu không thể chữa được. Họ dùng mực tàu để chữa bệnh lỵ
và những vết thương. Khi nước triều rút đi, còn lại trên bãi biển những con cua
nhỏ, sau đó chết ngay. Mặt trời nóng gay gắt, chỉ một lúc chúng cứng lại như
đa. Những ông lang lấy chúng đem về rồi tán chúng ra thành bột. Đó là một vị
thuốc rất hiệu nghiệm để chữa vết thương, để chữa lỵ, vừa để chữa sốt. Tùy theo
bệnh mà thứ thuốc bột này uống với rượu hay nước.
Người Đàng Ngoài rất
trọng dụng thứ cỏ gọi là "Té" nhập của Trung Quốc hay Nhật Bản, thứ của
Nhật Bản tốt hơn. Họ bỏ "Te" vào những hộp nhỏ đậy kín, để cho không
khí khỏi lọt vào gây ra mốc, rồi đun nước lên nhiều ít tùy ý, khi nước sôi bỏ
"Te" vào, ước độ một hai dúm vào một chiếc cốc, rồi uống thứ nước đó
thật nóng, càng nóng càng tốt, có người còn uống thêm một miếng đường phèn. Họ
bảo rằng thứ thuốc đó rất tốt đối với bệnh nhức đầu, bệnh sỏi thận và bệnh đau
bụng. Riêng về bệnh đau bụng thì cho thêm ít gừng vào sắc với "Te". Ở
Goa, Batavia và những thương điếm ở các xứ Ấn Độ, không có người Âu nào mà lại
không uống thứ thuốc đó 4, 5 lần một ngày. Khi sắc xong, họ lấy thứ là đun chín
đó để trộn với dầu giấm và đường để làm xà lách. Thứ "Té" được ưa chuộng
nhất là thứ sắc lên thì nước xanh, thứ cho nước vàng thì kém, thứ cho nước đỏ
thì kém nữa, không được nhiều người thích lắm. Ở Nhật Bản, Thiên Hoàng và vương
hầu chỉ uống hoa "Té" có công hiệu hơn lá, vị lại ngon hơn, nhưng giá
hoa lại đắt hơn giá lá vì một bát tương đương với bát trung bình của ta trị giá
một ecu tiền ta (Pháp)
Bệnh nguy hiểm nhất ở
Đàng Ngoài thường là do gió độc gây ra cho người ta, vì chỉ trong chốc lát là cấm
khẩu, rồi nếu chữa trị không kịp thời thì thế nào cũng chết. Thuốc tốt nhất để
trị bệnh đó là pha một ít thuốc giải độc vào với rượu, đem đun lên cho bệnh
nhân uống càng nóng càng tốt. Nhưng đồng thời phải lấy vải thấm vào nước gừng
đun sôi. Đó là vị thuốc kỳ diệu làm khỏi đau mình mẩy do gió lạnh hay gió độc
gây ra. Muốn được chóng khỏi đau mình mẩy, có người sau khi đã bôi nước gừng, nằm
trên một cái giường có dát cách nhau độ bốn ngón tay, ở dưới gầm giường đặt hai
lò than trong đó bỏ một ít hương liệu, khói thơm bốc lên vây quanh người ốm làm
cho đổ mồ hôi ra, thế là khỏi, phải làm như thế cả sáng lẩn chiều.
Về cách chích máu thì
xứ này không quen dùng. Họ dùng lửa, nhất là đối với bệnh Đậu lào (pourpre)là
thứ bệnh rất nguy hiểm ở Pháp. Để chữa bệnh này, các thầy thuốc Đàng Ngoài lấy
lõi cây phơi khô, đem tẩm dầu rồi đốt lên trên mỗi vết đó, đem áp một mồi lửa
lên từng nốt vết đó sẽ nổ ra như pháo. Đó là dấu hiệu chắc chắn cái độc đã ra
khỏi thân thể. Thường thường cách chữa này chỉ dùng vào ban đêm vì bệnh đậu mùa
không hiện rõ vào ban ngày nên người thầy thuốc phải đề phòng cẩn thận để khi nọc
độc bắn ra từ thân thể người ốm, nó không thể vào thân thể ông ta, vì như vậy
chẳng có thuốc nào chữa được nữa và chắc chết**.
Có những thầy thuốc
dùng kim châm vào chỗ mụn đậu lào, nặn máu độc ra, sau đó lấy gừng xát lên chỗ
đó và không cho người ốm ra ngoài sau 20 hôm kể từ khi khỏi bệnh. Trong khi chữa
bệnh, bệnh nhân chỉ được uống nước đun sôi để nguội pha với vỏ chanh và không
được ăn thịt hay bơ (beurre). Họ chỉ ăn cháo và cá muối, họ càng kiêng ăn uống
được bao nhiêu thì họ càng chóng khỏi bấy nhiêu. Thuốc đó thật là hiệu nghiệm,
ta phải lấy làm kỳ diệu thấy trong ít ngày mà bệnh đã khỏi, cho nên ở xứ này, bệnh
tật chẳng kéo dài hàng năm như ở chúng ta.
Jean-Baptiste Tavernier |
Chú thích của blog:
*Bài viết này là một
tư liệu lịch sử hiếm hoi, được trích trong "Tập du ký mới và kỳ thú về
Vương Quốc Đàng Ngoài" - xuất bản lần đầu vào năm 1681 - do Jean-Baptiste
Tavernier biên soạn. Tập du ký này chủ yếu dựa vào nội dung bản thảo những ghi
chép của Daniel Tavernier (em trai của JB Tavernier) trong dịp ông ta đến Kẻ Chợ
(Đàng Ngoài) với tư cách là viên sĩ quan phụ trách về kế toán , hành chính trên
tàu buôn của công ty Đông Ấn Hà Lan trong khoảng thời gian từ 1639-1645. Chúng
ta được biết chiếc tàu buôn của công ty Đông Ấn Hà Lan đầu tiên đến kẻ chợ vào
năm 1637, dưới thời vua Lê Thần Tông - Trịnh Tráng. Cách hành văn của thời đó rất
lủng củng khác nhiều so với ngày nay, câu thì dài, lập đi lặp lại, chấm câu
không được mạch lạc, một số từ tác giả dùng cũng không đúng với sự vật muốn nói
... điều này khiến các người đọc Việt Nam ngày nay rất khó lĩnh hội.
** phương pháp
"cứu"
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét