Thứ Năm, 20 tháng 9, 2012

BIẾN CHỨNG MẮT CỦA BỆNH TIỂU ĐƯỜNG

ảnh (P) xuất huyết và vi phình mạch võng mạc do biến chứng  của bệnh tiểu đường

1/ Bệnh tiểu đường có ảnh hưởng gì đến mắt?
Mắt là cơ quan rất dễ bị tổn thương do tăng đường huyết. Nhiều thành phần của mắt có thể bị ảnh hưởng.
Bệnh càng lâu hoặc đường huyết càng cao, cùng với các bệnh khác đi kèm như tăng huyết áp và rối loạn mỡ máu ... càng làm cho biến chứng mắt xuất hiện sớm hơn. Điều đáng ngại nhất là bệnh nhân sẽ bị giảm thị lực (giảm khả năng nhìn) hoặc mù mắt vĩnh viễn.

2/ Những nguyên nhân nào gây giảm thị lực?
Bệnh võng mạc do tiểu đường là nguyên nhân thường gập và nguy hiểm nhất. Bệnh chủ yếu do rối loạn và tổ thương hệ thống mạch máu nhỏ bên trong mắt. Nếu đường huyết không được kiểm soát tốt, cùng với thời gian, tỷ lệ phát sinh biến chứng mắt sẽ tăng lên rất nhiều, đến 90% bệnh nhân sẽ bị biến chứng này sau khoảng 10 năm bị bệnh.
Nguyên nhân thứ 2 là bệnh đục thủy tinh thể. Biến chứng này thường gập ở các bệnh nhân lớn tuổi, nhưng trên người tiểu đường, biến chứng này xuất hiện sớm hơn và tiến triển nhanh hơn, đặc biệt khi đường huyết được kiểm soát kém trong một thời gian dài.
Cũng cần lưu ý, khi đường huyết tăng cao, bệnh nhân tiểu đường cũng có biểu hiện nhìn mờ vì chất đường làm rối loạn môi trường thủy dịch trong mắt. Triệu chứng này sẽ biến mất khi đường huyết trở về bình thường.

3/ Các biến chứng mắt có biểu hiện như thế nào?
Bệnh võng mạc do tiểu đường diễn tiến rất âm thầm nên trong giai đoạn đầu, người bệnh sẽ chẳng cảm thấy gì cả. Khi tổn thương đã nặng, người bệnh mới bắt đầu có triệu chứng. Những triệu chứng thương gập là nhìn không rõ, nhìn có bóng mờ, có bóng đen hoặc bóng màu đỏ trước mặt. Khi có triệu chứng, việc điều trị sẽ kém hiệu quả vì bệnh đã nặng, không thể phục hồi được thị lực.
Đối với bệnh đục thủy tinh thể, người bệnh sẽ có triệu chứng sớm hơn. Đầu tiên, nhìn thấy quầng sáng chung quanh bóng đèn, nhìn mờ hơn khi ra ngoài sáng. Thủy tinh thể càng bị đục bao nhiêu càng nhìn mờ bấy nhiêu.

4/ Làm sao tránh được các biến chứng mắt?
Bạn cần ổn định đường huyết thật tốt và tích cực điều trị các bệnh đi kèm có thể làm nặng biến chứng mắt như tăng huyết áp và rối loạn mỡ máu. Người hút thuốc lá bắt buộc phải bỏ hút.

5/ Phát hiện và điều trị biến chứng mắt như thế nào?
Vì bệnh võng mạc tiểu đường có thể xuất hiện rất sớm  mà không hề có triệu chứng, do đó, người bệnh phải được khám mắt định kỳ. Thông thường, việc khám mắt nên thực hiện mỗi năm một lần. Khi phát hiện có bệnh võng mạc giai đoạn sớm, các phương pháp điều trị tiên tiến hiện nay có thể làm bệnh chậm tiến triển hoặc ngừng tiến triển. Đừng để đến khi xuất hiện các triệu chứng như nhìn mờ, nhìn có bóng ... mới đi khám, vì lúc đó, bệnh đã quá nặng , điều trị khó thành công và hoàn toàn có thể bị mù.
Đối với bệnh đục thủy tinh thể, việc phát hiện và điều trị dễ dàng hơn nhiều. Mức độ đục của thủy tinh thể tương ứng với mức độ nhìn mờ. Điều trị chủ yếu là phẫu thuật thay thủy tinh thể. Điều đáng ngại là người bị đục thủy tinh thể có thêm cả biến chứng võng mạc và nếu chỉ thay thủy tinh thể thì có thể làm nặng thên bệnh võng mạc và làm giảm thị lực nặng hơn.

NHỮNG ĐỀU NÊN NHỚ
# Người bệnh tiểu đường dễ bị mù mắt nếu không kiểm soát tốt lượng đường trong máu.
# Ổn định đường huyết, ổn định huyết áp và mỡ máu sẽ hạn chế được tất cả các biến chứng của bệnh tiểu đường, kể cả biến chứng mắt.
# Bệnh nhân tiểu đường týp 1 nên được kiểm tra đáy mắt 5 năm sau khi mắc bệnh và sau đó, mội năm một lần.
# Bệnh nhân tiểu đường týp 2 cần được khám đáy mắt ngay khi phát hiện bệnh và sau đó, trung bình mỗi năm một lần nếu chưa có biến chứng.
# Nếu đã xuất hiện các thay đổi ở đáy mắt, người bệnh cần được khám mắt thường xuyên hơn, không đợi đến lúc nhìn mờ mới đi khám.

Không có nhận xét nào: