Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2012

CHỤP ẢNH NGƯỜI & CHÂN DUNG

"Người" có lẽ là đối tượng được chụp ảnh nhiều nhất. Sau đây là một số phương pháp đơn giản để có một bức ảnh xem được khi bạn chụp những người trong gia đình, bạn bè trong sinh hoạt đời thường hoặc chân dung những người lạ trên đường du lịch ...
1/ Diển tả được cá tính của nhân vật
Nên nhớ, chân dung một em bé dù đang buồn chán trông cũng vẫn hay
Cố gắng bắt được cảm xúc để bộc lộ cá tính của nhân vật qua ảnh. Không phải lúc nào bạn cũng cần chụp ảnh một người đang cố tươi cười tỏ vẻ hạnh phúc, bạn có thể chụp những lúc họ đang suy tư, đang buồn, đang say đắm hoặc đang thư giãn thoải mái ...
2/ Hãy nắm bắt được những khoảnh khắc tự nhiên nhất
Khi biết mình được chụp ảnh, nhân vật của bạn thường mất hết vẻ tự nhiên và cố gắng "tạo dáng" một cách cứng ngắc... Để chụp được nhân vật trong những tư thế tự nhiên thoải mái, bạn phải biết cách làm cho họ bớt căng thẳng. Hãy chuyện trò thân mật hoặc sử dụng các tiểu xảo để đạt được mục đích. Khi chụp ảnh các em bé, tôi thường phải làm quen rất lâu, tìm cách trò chuyện vui vẻ với cha mẹ cho các em thấy và lúc nào cũng sẵn sàng những trò vui cho các em cười thoải mái.
3/ Khi đối tượng chụp ảnh là trẻ em
Trẻ em rất hiếu động, hãy để chúng sinh hoạt thật tự nhiên và cố chụp thật nhiều ảnh để sau đó sẽ chọn lọc lại. Nên nhớ, chân dung một em bé dù đang buồn chán trông cũng vẫn hay.
4/ Đôi mắt là tiêu điểm
Trong một bức ảnh chân dung, đôi mắt là yếu tố quyết định để diễn tả cảm xúc của nhân vật, vui, buồn, hờn giận ... Bạn phải cố gắng lấy nét (focus) vào đôi mắt khi chụp ảnh. Cố gắng chọn hướng ánh sáng sao cho có được nhửng tia sáng lấp lánh trong mắt, có như thế, khuôn mặt nhân vật mới linh động.
5/ Tiếp cận gần hơn
khi chụp ảnh người , bạn không nên đứng quá xa, vì điều này sẽ làm cho nhân vật trở nên quá nhỏ so với chung quanh. Hãy đến gần hơn sao cho nhân vật chiếm gần hết khung nhắm. Khi bạn muốn chụp chân dung từ vai trở lên, chỉ nên đứng cách nhân vật khoảng 2m đến 3m. Nếu muốn chụp chân dung toàn thân, không nên đứng cách nhân vật quá 5m. Nếu bạn không thể tiếp cận đủ gần, hãy sử dụng ống kính telephoto cỡ 100mm (hoặc "zoom in" nếu dùng compact camera).
6/ Đừng quên phần hậu cảnh (background)
Khi quá chăm chú vào nhân vật, có thể bạn sẽ quên phần hậu cảnh đàng sau nhân vật và kết quả đôi khi thật thảm hại. Những thứ linh tinh rối rắm của hậu cảnh sẽ làm cho người xem mất tập trung vào nhân vật, có khi chúng còn mọc tua tủa hoặc cắm giữa đỉnh đầu của nhân vật, trông rất hài hước (ví dụ: các nhánh cây, cột điện, ăng ten TV).
7/  Bàn tay
Khi được chụp ảnh, nhân vật của bạn thường không biết đặt 2 bàn tay ở đâu cho đẹp. Hãy chuẩn bị hướng dẫn cho họ những tư thế đẹp nhất của 2 tay, hoặc giúp họ thư giãn trong khi bạn quan sát 2 tay của họ, khi thoải mái nhất sẽ có tư thế 2 tay tốt nhất. Bạn củng có thể đưa một vật gì đó (ví dụ 1 quyển sách, 1 bó hoa ...) cho họ cầm trong tay. Nếu bạn chụp ảnh 1 cặp người mẫu, nên chuẩn bị trước một số kiểu cho tay của 2 người mẫu.
8/ Đóng khung nhân vật
Cho nhân vật vào trong khung có sẵn, có thể là những cành cây, tán lá, một khung cửa sổ, một vòm cửa ... Khung giúp người xem tập trung vào nhân vật nhiều hơn.
9/ Ánh nắng trực tiếp (Direct sunlight)
Ánh nắng gắt chiếu trực tiếp vào nhân vật theo hướng từ trên xuống sẽ tạo những vùng tối rất xấu dưới 2 mắt (trông như mắt gấu trúc) và dưới mũi (trông như râu Hitler). Những ngày không nắng là điều kiện lý tưởng để chụp chân dung ngoài trời. Nếu chụp vào ngày có nắng, bạn hãy chờ lúc mặt trời khuất sau 1 đám mây hoặc đưa nhân vật vào vùng có bóng râm để chụp (ví dụ, dưới bóng cây, bóng một bức tường ...)
10/ Silhouettes
Chụp nhân vật ngược sáng có thể cho những bức ảnh nhiều cảm xúc. Muốn cho nhân vật tối đen, bạn phải đo sáng vùng background.
11/ Ngược sáng
Khi chụp ngược sáng với nguồn sáng mạnh, đo sáng đúng sẽ tạo được một quầng sáng chung quanh nhân vật trông rất nghệ thuật. Bạn hãy đo sáng ở mặt của nhân vật hoặc bù sáng thêm +1 hoặc +1.5 stops và kiểm tra màn hình LCD ngay sau khi chụp. Tránh để nắng lọt trực tiếp vào ống kính.
12/ Bù sáng bằng đèn flash (Fill-flash)
Dùng đèn flash có sẵn trong máy bù sáng khi nhân vật đứng trong bóng râm, trước một hậu cảnh quá sáng. Nếu không bù sáng fill-flash, nhân vật của bạn sẽ bị tối đen như chụp silhouette.
13/ Chân dung tự chụp
Sau khi bố cục mọi người vào vị trí và không quên chừa cho chính bạn một chỗ trong ảnh, cài đặt self-timer trên camera của bạn rồi chạy ngay về vị trí của bạn.
14/ Chụp ảnh sinh hoạt
hiện tượng mắt đỏ
Chụp ảnh người sinh hoạt đời thường bao giờ cũng rất tự nhiên. Chuẩn bị cài đặt chế độ chụp sẵn sàng khi đi chợ hoặc đi dạo trong công viên. Có thể bạn sẽ cần một ống kính telephoto (lý tưởng: 200mm). Nhớ xin phép khi muốn chụp ảnh người lạ.
15/ Tránh hiện tượng mắt đỏ
Khi chụp ảnh người vào ban đêm, con ngươi của nhân vật mở rất rộng nên ánh đèn flash có sẵn trên máy sẽ bị phản chiếu từ võng mạc tạo nên hiện tượng mắt đỏ. Bạn có thể tránh hiện tượng này bằng cách cài đặt chế độ tránh mắt đỏ (red eye reduction setting), để người mẫu không nhìn vào ống kính hoặc sử dụng một đèn flash bên ngoài máy chiếu vào nhân vật dưới một góc khoảng 45 độ.

Một số kiểu để tay cho 1 cặp người mẫu


Không có nhận xét nào: