Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2012

VỀ PHONG TỤC TẬP QUÁN CỦA DÂN CHÚNG VƯƠNG QUỐC ĐÀNG NGOÀI

Theo "Tập du ký mới và kỳ thú về Vương Quốc Đàng Ngoài - 1681 - Jean-Baptiste Tavernier", bản dịch của Lê Tư Lành*

Phụ nữ gia đình khá giả miền Bắc năm 1885

Bản tính của người xứ đàng Ngoài hòa dịu, rất biết phục tùng, lễ phép và rất ghét những sự nổi giận. Họ thích những điều khác lạ của các xứ khác hơn là của chính nước họ và họ cũng hết sức khao khát được thấy những nơi xa lạ khác ngoài quê hương. Nhưng chính họ cũng nói rằng họ không muốn rời quê hương vì phải phụng thờ tổ tiên. Tiếng họ nói êm tai, nhẹ nhàng một cách tự nhiên. Người đàng Ngoài có trí nhớ tốt, tiếng nói thì văn hoa, họ hay dùng cách ví von thích hợp khi nói chuyện. Trong nhân dân có nhà thơ hay và những người trau dồi khoa học, như tôi sẽ nói ở phần sau, và về mặt này họ chẳng thua kém gì người Trung Hoa, láng giềng của họ.
Người Đàng Ngoài, nam cũng như nữ, phần đông thân thể đẹp đẽ, nước da ngăm đen. Họ rất thích và khen ngợi nước da trắng của người Âu. Khuôn mặt họ không dẹt quá như người Trung Hoa. Nói chung, họ đẹp đẽ hơn, tóc họ rất đen, cứ để cho tóc mọc dài tự nhiên và chú ý chải tóc rất cẩn thận. Dân thường thì tết tóc lại, búi tóc lại thành một búi to ở trên đỉnh đầu, còn những người quý phái, những quan tòa và binh lính lại quấn những bím tóc tết đó ở quanh cổ cho chúng khỏi đập vào mặt. Họ không tin rằng con người ta có hàm răng đẹp cho đến khi răng được nhuộm đen như hạt huyền. Họ để móng tay dài, càng dài càng đẹp.
Trang phục của họ trang trong và đơn giản. Đó là một cái áo dài đến gót chân, gần giống như áo dài của Nhật Bản, đàn ông và đàn bà ăn mặc giống nhau không phân biệt.
Cái áo dài họ mặc đưọc thắt ở khoảng giữa thân mình bằng một cái thắt lưng lụa hay có đeo đồ vàng bạc đánh rất đẹp. Binh lính thì áo chỉ dài đến đầu gối và quần thì chỉ đến ngang bắp chân. Họ không đi bít tất và cũng chẳng có giày.
Phụ nữ đẹp miền Bắc năm  1885
Thường dân phải đi lao dịch một thời gian trong năm, vì chỉ trừ những nhà trưởng giả ở kinh thành là nơi mà nhà vua thường thiết triều, còn những người làm bất cứ việc gì như thợ mộc, thợ làm nhà, thợ khóa, thợ nề và những thợ khác thì bắt buộc mỗi năm ba tháng phải làm cho quan lại, vua chúa (người Đàng Ngoài tính tháng theo lịch trăng), thời gian còn lại trong năm là thuộc về họ. Họ đi làm để lấy công và để nuôi gia đình. Họ gọi việc lao dịch đó là viecquan, tức là thân phận người nô tỳ. Nhưng họ phải làm những việc bị trói buộc còn thảm hại hơn cả đi lao dịch, tức là đi chặt cành cây cho voi ăn. Đó là công việc lao động khổ sai nặng nhọc, do cụ tổ nhà vua hiện nay bắt làm, sau khio ông đã dẹp yên được cuộc nội chiến vốn làm cho vương quốc rối loa5nva2 sau khi ông đã quy phục được thần dân. Song quân phiến loạn đã gây cho ông rất nhiều khó nhọc và ông đã mất nhiều quân lính mới trị được chúng. Hội đồng đình thần đều nhất trí rằng nhà vua nên giết đi một phần trong bọn chúng, nhưng ông đã tha mạng sống cho tất cả, mà chỉ bắt họ cùng con cháu phải làm công việc nặng nhọc này và còn đem lợi cho ông về sau nữa.
Tôi đã nói ở trên rằng người Đàng Ngoài rất thích sống ở trên sông, nhưng sông ngòi ở xứ này không có cá sấu và những con vật nguy hiểm khác, như đã có nhiều ở sông Nil và sông Hằng. Về điểm này, cần phải chú ý rằng những con sông đó năm nào sau mùa mưa cũng tràn nước độ 15 ngày hay 3 tuần lễ, nhưng nước tràn rất dữ, nhiều khi cuốn cả làng mạc đi. Lúc đó một phần vương quốc trông như mặt biển, tựa như cảnh ở vùng hạ Ai Cập khi nước sông Nil dâng lụt mà người ta thường vẽ.
Chú thích của blog:
*Bài viết này là một tư liệu lịch sử hiếm hoi, được trích trong "Tập du ký mới và kỳ thú về Vương Quốc Đàng Ngoài" - xuất bản lần đầu vào năm 1681 - do Jean-Baptiste Tavernier biên soạn. Tập du ký này chủ yếu dựa vào nội dung bản thảo những ghi chép của Daniel Tavernier (em trai của JB Tavernier) trong dịp ông ta đến Kẻ Chợ (Đàng Ngoài) với tư cách là viên sĩ quan phụ trách về kế toán , hành chính trên tàu buôn của công ty Đông Ấn Hà Lan trong khoảng thời gian từ 1639-1645. Chúng ta được biết chiếc tàu buôn của công ty Đông Ấn Hà Lan đầu tiên đến kẻ chợ vào năm 1637, dưới thời vua Lê Thần Tông - Trịnh Tráng. Cách hành văn của thời đó rất lủng củng khác nhiều so với ngày nay, câu thì dài, lập đi lặp lại, chấm câu không được mạch lạc, một số từ tác giả dùng cũng không đúng với sự vật muốn nói ... điều này khiến các người đọc Việt Nam ngày nay rất khó lĩnh hội.


Không có nhận xét nào: