Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2012

TỰ TIN VÀ TỰ TI


Peter Parker/Spider-Man
Các nhà tâm lý học cho rằng sự tự ti là việc phủ định bản thân quá nhiều tạo ra tâm trạng tự hổ thẹn, "chẳng bằng ai". Biểu hiện chủ yếu của nó là việc đánh giá quá thấp các nhân tố như năng lực, học thức, phẩm chất đạo đức của bản thân, không có khả năng tự chủ, tâm lý yếu đuối, không thể vượt qua hoàn cảnh, quá ư cẩn thận dè dặt, đa sầu đa cảm, thường sinh ra tâm lý hoài nghi, rụt rè ... Tâm lý tự ti xuất hiện trong bất kỳ độ tuổi nào và ở mọi tầng lớp. Chẳng hạn như, người ta thường oán than"Cuộc sống bon chen" và luôn có tâm trạng buông xuôi kiểu "Nước chảy mây trôi xuân cũng qua" thậm chí lấy sự thất vọng, bi quan làm tư tưởng chủ đạo. Thông qua việc phấn đấu, công việc đã có thành tích, sự nghiệp cũng đã tạo ra "sự huy hoàng", nhưng lại luôn lo lắng "ánh hào quang" sẽ không còn nữa, dễ sinh ra cảm giác về một tương lai mù mịt than trời oán đất. Nhiều người, cùng với sự tăng dần của tuổi tác, trở nên dễ oán than sự vô tình của thời gian và nảy sinh cảm giác tiếc nuối thời vàng son đã mất. Loại tâm lý tự ti này như một cái van áp chế làm tinh thần của họ luôn nặng nề và tràn đầy những tư tưởng bi quan tiêu cực. Tâm lý tự ti sẽ mài mòn ý chí con người, làm niềm tin trở nên suy yếu, làm cùn nhụt nhuệ khí, luôn lo âu không dám tiến lên phía trước. Từ việc hoài nghi bản thân, người ta bắt đầu phũ định bản thân, rơi vào vực sâu oán than và không thể tự vượt qua, rồi từ đó, càng ngày càng xa rời con đường đi đến thành công.
Đối lập với tự ti là sự tự tin. Người khác coi trọng bạn không bằng chính bạn biết coi trọng bản thân. Học giả Mỹ, Emerson đã nói:" Tự tin là bản chất của chủ nghĩa anh hùng". Người ta thường xem sự tự tin như một cái mô-tơ dùng để khởi động trí tuệ thông minh, để phát huy tính năng động tự chủ. Điều này rất đúng. Để có thể xác lập sự tự tin, người ta cần đánh giá đúng sở trường và năng lực của bản thân. Con người đáng quý chính ở chỗ hiểu rõ bản thân, hiểu rõ ở đây có nghĩa là thực sự nhìn thấy được những sở trường cũng như những sở đoản của mình. Nếu chỉ nhìn thấy sở đoản của bản thân thì có vẻ như khiêm tốn, nhưng thực tế, đó lại chính là tâm lý tự ti.
"Một thước cũng có khi xem là ngắn, một tấc cũng có khi xem là dài". Mỗi người chúng ta đều có ưu điểm và sở trường. Nếu chúng ta biết đánh giá bản thân một cách khách quan, trên cơ sở nhận ra khuyết điểm và sở đoản để tìm ra ưu thế và sở trường của mình rồi dùng sở trường của mình để đối phó với sở đoản của đối phương thì chúng ta sẽ kích hoạt được sự tự tin. Chúng ta cần hiểu được việc trân trọng, biểu dương bản thân, hãy tự ám thị rằng "Tôi có thể...", "Tôi làm được ...", để từng bước thoát khỏi sự vây hãm của cái bóng "Việc này đối với người khác thì dễ nhưng quá khó đối với tôi". Có như thế, chúng ta mới cảm thấy sức sống trong cuộc đời, từ đó mới duy trì được sự kiên cường vươn lên.
Mục tiêu của người chiến thắng thực sự trong cuộc sống  là biết theo đuổi chân lý của cuộc sống và vược lên chính mình. Để tìm được hạnh phúc trong cuộc sống, họ phải luôn có tầm nhìn toàn diện về cuộc sống. Chúng ta nên biết rằng con người trong thế giới này không chỉ sống cho bản thân mình mà còn sống vì người khác, nhất là những người thân yêu của mình. Chỉ khi những người quanh ta được vui vẻ và hạnh phúc chúng ta mới cảm thấy thực sự vui sướng. Mọi người, dù quen biết hay xa lạ cũng đều là những người có thể cần chúng ta giúp đỡ. Số phận của chúng ta và họ liên kết chặt chẽ với nhau.
Bất kể là con người hiện đại hay cổ đại đều đã có những đóng góp to lớn cho chúng ta. Vì vậy, chúng ta phải cố gắng hết sức báo đáp. Chúng ta phải không ngừng nỗ lực vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho muôn loài để đột phá, sáng tạo ra cục diện mới.
Thy Anh st

Không có nhận xét nào: