Gyalwang Drukpa
Thực chất đạo Phật là
một triết lý và không nên được hiểu là một tôn giáo, vì vậy một bậc thầy Phật
giáo như tôi nên truyền đạt các phương pháp để áp dụng tâm linh vào đời sống
hàng ngày mà không thuyết giảng hay khuyến khích sự cuồng tín tôn giáo. Mặc dù
khoác trên mình y phục của một tăng sĩ Phật giáo, tôi vẫn cảm thấy không cần phải
gán cho mình nhãn hiệu là người theo đạo Phật, vì khi cố nhấn mạnh rằng tôi là
một tăng sĩ Phật giáo sẽ làm tăng sự khác biệt với một người không theo đạo Phật,
và từ đó, sự phân biệt này sẽ gây ra những so sánh hoặc ghen tị không đáng có.
Như vậy sẽ càng khó để ta có thể tôn trọng lẫn nhau hơn. Chính theo cách đó mà
các quốc gia gây hấn với nhau, và bè bạn có thể trở thành kẻ thù của nhau.
Sự tôn trong lẫn nhau
là rất quan trọng bởi tôn trọng là một hình thức trân trọng. Trân trọng sự khác
biệt nơi người khác và trân trọng vẻ bề ngoài khác nhau hoặc trân trọng những ý
kiến bất đồng là thái độ rất tích cực. Nếu không biết tôn trọng thì không thể
có sự trân trọng.
Nếu tâm của bạn rộng
mở thì kênh tiếp nhận sẽ hoạt động tốt. Không nên dựng nên những dãy núi cao
làm cản trở các kênh tiếp nhận. Khi có nhiều niềm tin tôn giáo cuồng tín xuất
hiện thì sẽ chẳng hề có bất kỳ sự tiếp nhận nào.
Nếu không có nền tảng
tâm linh hoặc không kèm sự hiểu biết tâm linh, các tôn giáo sẽ thường phát ngôn
kiểu:"Điều này không được làm, điều kia không được làm ..." Còn sự hiểu
biết tâm linh thì luôn nói với bạn rằng không có giới hạn nào, như bầu trời và
hư không vậy. Chỉ cần xem cách hành xử của bạn là có thể đoán được bạn đang thực
hành tôn giáo hay tâm linh.
Một số người luôn có
quan điểm rất tích cực về mọi thứ trong cuộc sống, có thể nói rằng họ có tinh
thần tích cực và họ luôn làm bất cứ điều gì với một tinh thần phấn chấn. Một số
người khác lại rất tiêu cực về mọi thứ,
vì vậy thái độ của họ là "mình chẳng thể làm gì cả". thậm chí ngay cả
trước khi họ bắt tay vào thử sức làm một việc. Một số người, thậm chí còn cảm
thấy: "Tại sao những người khác không làm, tại sao mình phải làm chuyện
đó?" Hoặc đơn giản, họ trút hết trách nhiệm cho người khác. Với tôi, cách
này chẳng mang lại niềm vui hay thử thách nào bởi lẽ họ sẽ không thể trưởng dưỡng
chính mình trên cả phương diện tâm linh lẫn vật chất.
Những kiến thức trải
nghiệm hoặc hiểu biết chỉ có được nhờ sự trải nghiệm của chính bạn chứ không
thể dựa vào kinh nghiệm của người khác. Ví dụ, nếu bạn đang đói thì bạn phải tự
ăn chứ tôi không thể ăn thay bạn. Tôi cũng vậy, tôi phải tự mình ăn khi đói bởi
dù bạn có ăn dùm tôi thì cái đói của tôi vẫn còn nguyên.
2 nhận xét:
ĐạoPhật hay Đạp Phật vậy thầy?
cảm ơn Nặc Danh 1000 lần, vội post quá không xem kỹ ... tội lỗi tội lỗi !
Đăng nhận xét